Đông Hà, Khoảng Trời Niên Thiếu - Hoàng Khiêu
Cầu Đông Hà xưa |
Thế là chỉ kể những địa danh được “in” rõ ràng trong “trang sách ký ức thời niên thiếu”; kỳ dư làng Điếu ngao của tôi chắc chắn phải kể hàng đầu! Hàng đầu nhờ vào vị trí địa lý của làng; hàng đầu trong việc được Mẹ Đông Hà trao cho chữ nghĩa vỡ lòng, cho kỹ năng nghề nghiệp phổ thông, mở cho khái niệm xã hội: phố, chợ, thị thành mà tôi – cậu bé ngày ấy – rất ngưỡng mộ. Tôi đã hết sức hài lòng, hãnh diện khi có “ông chủ tiệm đồng hồ Phúc Thạnh” (sửa đồng hồ là chính), về hỏi rồi cưới người chị ruột của mình làm vợ… Cũng cậu bé ấy hết lòng thán phục hình ảnh của người cậu – cậu Vinh – mới ngày nào ở Điếu Ngao, lên Đông Hà, rồi vào lập nghiệp tại Đà nẵng với một cửa hiệu to lớn ở trung tâm phố chính; hàng đầu bởi vì con dân của làng, dù bây giờ còn sinh sống tại địa phương hay đang phiêu bạt nơi xa nào, những vị sinh ra trong khoảng băm mấy, bốn mấy, gần như trăm phần trăm đều qua cửa ngõ vỡ lòng đào tạo, giáo dục, ảnh hưởng của thị xã Đông Hà.
Khi sở Génie – một công ty xây dựng tổng hợp của người Pháp – còn tồn tại, hoạt động của nó bao trùm cả Đông Hà và các vùng phụ cận mà bản doanh đặt tại Đông hà, số nhân công của công ty nầy khá đông, thu hút một lượng đáng kể người dân quanh vùng, bước đầu rời bỏ nghề nông, làm quen với công việc công nghiệp dù chỉ làm công việc xây dựng đường bộ, đường sắt, cầu cống, nhà cửa, công sở. Hình ảnh những toán công nhân của Génie, cứ cuối mỗi tháng, tới nhà ông cụ tôi ở ngay chính giữa làng để lãnh lương, mà có người đôi khi cho tôi thỏi kẹo chocolat Pháp ăn ngon đến nhức răng, mãi giờ tôi vẫn không quên được cái mùi và vị quá đặc biệt ngọt thơm của nó….
Là ngả ba quốc lộ số một và quốc lộ số chín đi lên Lào, vị trí Đông Hà trở nên quan trọng, nhất là tại cầu Đông Hà có một đơn vị hải quân trên sông Hiếu. Với các yếu tố nầy, Đông Hà phát triển chợ búa, buôn bán, nghề nghiệp, dịch vụ.
Từ những năm bốn mươi, Đông Hà, tuy chỉ là một thị trấn còn rất nhỏ, đã có một xưởng làm nước ngọt. Nước cam của nó, loại bireley ? (không chắc là viết đúng) mà về sau, hồi nội trú ở Sài gòn, tôi nghiền loại nước giải khát màu vàng đậm, ngọt đậm, hơi chua nầy, mãi tới giờ ở Mỹ, lâu lâu mới gặp được loại ngon như thế; còn lemonade – nước chanh chai “đái bò” (hình bầu dục như hòn dái con bò) màu xanh rêu nhạt – giờ đây có loại y chang bán đắt hơn chai coca cola.
Hệ thống trường học, sơ học và tiểu học dù được tự phát do nhu cầu “bản năng” tại các địa phương làng xã, cuối cùng, Đông Hà vẫn quy tụ những người trong vùng có điều kiện hơn về học hành, trong đó làng Điếu tôi, điều kiện địa lý là số một, sát nách Đông Hà, gần trung tâm hơn cả Tây Trì, An Lạc, Dốc Sỏi nữa; nhưng giờ cũng vì rứa, Điếu Ngao tôi mất tên, người ta khoác cho cái áo mới – phường 2 Đông Hà. Về điều nầy, không biết anh bạn của tôi, nhà Đông-Hà-học, Điếu-Ngao-học Hoàng Đằng có đặt vấn đề giữ lại cái tên Điếu ngao cho làng mình không?
Được không bạn ơi? Trường tiểu học công lập và tư thục tại Đông Hà ngày ấy đã lưu danh những thầy cô giáo không thể nào quên được: thầy Lư, thầy Liệu, thầy Lượng, cô Nhơn, cô Trâm, cô Nga… Nhớ cả lọai hình phạt của thầy mình nữa, khẻ tay bằng thước kẻ, quất đít bằng roi mây; nhớ rõ ràng mà không bao giờ thấy oán, thấy ghét hay trách thầy của mình, kể lại với nhau trong tiếng cười rộn rã, trong ý thức chấp nhận phảng phất chút tha thứ, thương yêu, thân tình!
Và cả khi kể lại chuyện ông Mùi cùng trang lứa chuyên “ăn hiếp” tôi, có lần Mùi vô cớ liệng một hòn sỏi vào ống chân chảy máu mà không “khóc”, vẫn với tâm trạng nhẹ nhàng thứ tha thân thiết đó!
Ông Mùi ơi! giờ nầy có gặp lại nhau, xin ôm ông một cái thật chặt vì tôi vừa biết thêm hồi đó ông thuộc loại bất mãn cuộc đời, mà cuộc đời này, nói cho cùng, cũng có vài điều cần xét lại thật, nhất là với tụi mình hồi đó chưa tới tuổi mười!
Một điều mà tới giờ vẫn chưa được sáng tỏ: Ấy là đơn vị hành chánh của Đông Hà có ông Bang Tá-- vâng, trưởng cơ quan hành chánh Đông Hà là một ông Bang Tá, một chức vị mà sau nầy lớn lên, đi gần khắp nước Việt (miền Nam) tôi không hề gặp hay nghe nói tới! Và cũng có thể do nhà nước đã thay đổi danh từ đơn vị hành chính chăng. Cơ quan của Bang Tá tọa lạc trên khu đất cao hơn đường phố, cạnh nó có đồn cảnh sát, cùng có dãy hàng rào bằng gỗ sơn trắng, xanh. Dọc theo dãy đường phố nầy, đã có lần tôi có dịp đứng sắp hàng la khản cả tiếng: Hoàng Đế Bảo Đại muôn năm ! Muôn năm! Nghe nói lần đó vua Bảo Đại vi hành lên Cùa săn. Tôi bỗng nghiệm ra rằng mình bà con với vua, vì vua có tên đầy đủ là Hoàng Đế Bảo Đại, vua họ Hoàng!
Cho tới ngày được đi xe hàng ông Hè vào Quảng Trị để thi tốt nghiệp Primaire, được ở lại nhà cô Nhơn, được cô cho ăn sáng bánh mì với sữa hộp (lần đầu tiên được đi xe hàng rồi được ăn sáng như thế) và lần đầu tiên đọc một cuốn sách lịch sử nói về vua Bảo Đại, mới biết Hoàng Đế Bảo Đại không phải họ Hoàng.
Đậu xong tiểu học, trang lứa tuổi tôi thường phải chững lại ít năm vì không đủ điều kiện vào Quảng Trị, vào Huế học tiếp; người chờ một hai năm, người chờ ba bốn năm cho đến lúc thầy giáo Thảo lập ra trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Vận động, quyết định và thành lập trường THBC Đông Hà quả là một kỳ công, một ân huệ cho những lớp người tuổi trẻ của Đông Hà và vùng phụ cận. Không phải chỉ với mấy chục học sinh Đệ Thất đầu tiên năm ấy, mà phải kể đến con số những năm kế tiếp, giả dụ không có trường THBC Đông Hà, thì việc học hành sẽ ra sao !
Lớp học trò đầu tiên với vài chục người, phải xách ghế, xách đòn đi học lưu động từ nhà nầy đến nhà khác, bất kể mùa mưa, mùa nắng. Lứa học trò “chờ” nầy tất nhiên hăng say học tập, tích cực, chăm chỉ, siêng năng, hợp tác trăm phần trăm với thầy giáo, ý thức được trách nhiệm với gia đình.
Lớp thầy giáo đầu tiên được mời từ Huế, từ Quảng Trị : thầy Châu, thầy Tu, thầy Diện, thầy Trác, thầy Mai… Ngoại trừ thầy giáo Thảo có tuổi, người sáng lập ngôi trường, kỳ dư còn lại đều rất trẻ, xuýt xoát nhỉnh hơn lứa học trò “chờ” vài tuổi. Thầy trẻ mới ra trường, tinh thần háo hức, nhiệt tình, hăng say cộng với tư cách gương mẫu.
Hai yếu tố: thầy dạy tốt và trò học tốt đó, trước mắt, đã mang lại thành tích khá hấp dẫn. Khi một số chuyển vào học ở Huế và ở Quảng Trị, tốt nghiệp THĐNC và Tú Tài đạt điểm hạng Bình, Bình Thứ, vào thẳng trường Quốc học, không phải thi concours chen chân với hàng trăm sĩ tử khác và đang học đệ tứ mà précepteur ở nhà in Nguyễn Đức Du, kềm học cho người cùng học đệ tứ, đậu diplôme ngon lành!
Tôi vẫn tin những nhân tố tốt đẹp đó--dạy và học tới nơi tới chốn-- mà một nhóm ít người khởi đầu, chưa kể những lớp sau của Bán Công Đông Hà, đã mở đầu khiêm tốn với mấy chục biên tập viên cảnh sát, những sĩ quan quân đội cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan... trong một giai đoạn mù mờ khẩn thiết chiến tranh. Về dân sự cũng có những nhà giáo cấp đại học, trung học, nhà báo chuyên nghiệp, viết văn, làm thơ... nổi bật nhất là một "Cụ Đồ" quý hiếm của cả một vùng quê hương mình hiện tại.
Hỡi Phạm thị Ngọ, Phạm thị Hồng, Lê, Tuyết, Nhuận, Liên, Hạnh, Hương, Cẩm Hoa, Hồ Hoa, Hảo, Trần thị Minh Châu, Lê thị Hồng Vân, Lữ thị Hường… Hãy cho tôi gọi các bạn bằng tên một lần nầy nữa, dù các bạn đã có con, có cháu, có chắt; các bạn đã từng là người đẹp của Bán Công Đông Hà tôi, của Đông Hà tôi.
Hỡi các bạn Bá, Quang, Kỷ, Ngọc Thanh, Hữu Thanh, Sằn, Nguyên, Thâm, Mãi, Hậu, Điền, Ngữ, Lịch. Chắc mình không quên tên một bạn nào, phải không ?
Nhẩm tên mỗi bạn, là nhớ ngay đến khuôn mặt trìu mến của mỗi người, nhớ cả tính cách của mỗi người hồi đó – cái hồi “nhân chi sơ tính bổn thiện” ấy – Sao mà dễ thương thế, tuổi niên thiếu của khoảng trời Đông Hà gần sáu mươi năm về trước !
Ấy vậy mà giờ đã quá xa! Cách xa cả mấy đại dương, mỗi người một xứ. Như Hiếu giang vào mùa hè nước lợ, nước mặn biển cứ lấn sâu thêm, rủ rê kéo đi dòng ngọt của thượng nguồn, mà cũng không đủ sức phủ mặn cả dòng sông…
Hoàng Khiêu