Hội Ngộ - Nguyễn Thị Nho
Nguyễn Thị Nho |
Với thời gian thật dài làm kẻ ly hương, tôi định cư
tại Biên Hoà – Đồng Nai. Nơi đây tôi cùng sinh sống bên những người thân yêu: Mẹ,
chị em ruột và gia đình chồng con…
Ngoài mẹ và chị em ruột, những sinh hoạt giao tiếp
của tôi hằng ngày với những người chung quanh là chồng, là con, là học trò, là
hàng xóm,… đều là người dân phương Nam. Tôi cảm ơn vùng đất phương Nam nói
chung và mảnh đất Biên Hoà hiền hoà nói chung đã đùm bọc, cưu mang tôi suốt bao
năm qua và chắc rồi mai đây khi về với thiên thu, tôi cũng sẽ gởi nắm xương của
mình vào mảnh đất nầy mà thôi. Nhưng những điều đó không thể làm phai nhạt
trong tôi hình ảnh Quảng Trị quê hương, nơi có những ngôi mộ của người thân còn
lặng lẽ chờ bước chân kẻ tha hương về thăm viếng, nơi có dòng sông Vĩnh Định nước
trong văn vắt của một thuở chào đời và dòng Thạch Hãn của thời làm học trò phố
thị. Còn Nguyễn Hoàng – Ôi! Ngôi trường thân yêu tôi đã trải qua bảy năm thời
trung học cùng bạn bè, thầy cô đã xa rồi, xa đến ba mươi tám năm dằng dặc mà
chút gạch vụn của mái trường năm nao cũng không còn dấu vết sao cứ mãi canh
cánh bên lòng?
Những hoài niệm vui buồn trong tháng ngày được
sinh ra và lớn lên ở vùng đất miền Trung nắng lửa mưa dầm ấy đã in sâu vào tâm
trí tôi. Ước mơ được trở về thăm lại quê cũ luôn là nỗi khát khao trong sâu thẳm
tâm hồn người xa xứ.
Và rồi niềm mơ ước đó đã đến với tôi trong niềm
vui sóng vỗ. Nói điều nầy tôi không thể nhắc lại sự tận tình giúp đỡ của em gái
- Liên Hưng, và sự nhắc nhở của người bạn học cùng xóm tốt bụng ngày xưa - Lê
Thiện Ngữ. Khi bắt được liên lạc với nhau, thỉnh thoảng Ngữ điện thoại cho tôi
nhắc tôi về thăm quê. Ngữ còn nhiều lần nhắc nhở Liên Hưng hãy tạo điều kiện để
cùng Nho về gặp bạn bè nữa. Và rồi một ngày, em gái tôi đã giữ lời hứa. Và rồi
một ngày, cả ba chị em của Nguyễn Hoàng xưa chúng tôi cùng hành hương về chốn
cũ.
Trong niềm vui trở về quê lần nầy có có một sự kiện
hân hoan nữa là ngày họp mặt trường Nguyễn Hoàng – 20/6/2010- Liên Hưng đã đặt vé tàu trước một tuần trong
sự chuẩn bị nao nức của tôi và hai cô em gái: Liên Hưng và Vĩnh Phước. Đặc biệt
Vĩnh Phước còn đem theo gái út Khánh Quỳnh, cô út nầy đã là sinh viên năm thứ
ba – nghĩa là lớn hơn nhiều so với mẹ và các dì thời học trò Nguyễn Hoàng thuở
đó. Ôi! Thời gian!
Thế rồi cũng đến lúc tàu rời ga Biên Hoà, bỏ lại
sau lưng mảnh đất đồng hành cùng tôi gần 30 năm qua để đưa tôi về thăm chốn cũ.
Đường về miền Trung với đồi núi trập trùng, đèo dốc quanh co, vách đá cheo leo
dựng đứng bên bờ biển xanh thăm thẳm. Đúng là trời nước một màu.
Một niềm vui bất ngờ là trên chuyến tàu hồi hương
đó tôi đã gặp lại Bình – người bạn học cũ năm xưa. Xa nhau ba mươi tám năm
nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau dễ dàng dù dấu vết thời gian chẳng hề độ lượng
với một ai. Chúng tôi ngồi bên nhau nhắc lại kỷ niệm thời đi học trong nỗi mừng
vui về trường hội ngộ.
Tàu dừng lại
ở Ga Đông Hà lúc 4 giờ sáng, đặt chân lên vùng đất quê hương sau thời gian dài
xa cách tôi nghe lòng xao xuyến đến rưng rưng. Cảm động hơn là còn có cả Việt
Hương và Lan - hai cô bạn học cũ của em gái đã thức trắng đêm chờ đón bạn.
Những ngày về quê, chị em tôi được Việt Hương đặt
phòng ở khách sạn đầy đủ tiện nghi và sắp xếp chu đáo mọi sinh hoạt khiến chúng
tôi chẳng phải lo toan điều gì. Nhưng quê hương ơi! Đông Hà ơi! Nắng chi mà nắng
dữ rứa? Trời nóng trên 40 độ, chẳng lẽ đã về đây lại cứ trốn nóng trong phòng
máy lạnh? Và cái chuyện thay đổi nhiệt độ đột ngột ấy đã làm tôi ngã bệnh trước
ngày hội trường. Cơn bệnh vô duyên, không mời mà tới ấy làm tôi đã phải bỏ cuộc
họp mặt bạn bè nhóm Tú Tài 72 ở nhà Nguyễn Đăng Sanh. Lê Thiện Ngữ từ Thạch Hãn
ghé khách sạn đón tôi, ái ngại hỏi Có gắng đi được không? Thằng Phúc không còn
đôi chân mà cũng đã đến nhóm bạn rồi đó. Ồ! Tôi muốn đi lắm chứ! Nhưng cái đầu
tôi sao mà nặng như chì. Vừa gắng ngồi dậy thì nó đã choáng váng đổ ập xuống.
Thế là đành bỏ lỡ cuộc hội ngộ cùng nhóm bạn xưa. Tiếc ơi là tiếc. Sau cuộc họp
mặt tại nhà Sanh, các bạn Ngữ, Bích Hường, Lam Sơn, Lục, Mân, Sanh,… và các bạn
khác đã đến khách sạn thăm tôi. Các bạn đã nói đùa cho tôi vui và động viên tôi
gắng uống thuốc để mai về trường. Thật cảm động mà cũng xốn xang quá chừng!
Cơn bệnh của tôi còn làm bạn của em gái lo lắng.
Việt Hương thì cứ chạy qua chạy lại hỏi chị sao rồi, Lan bảo để em đưa chị vào
bệnh viện dù em gái của tôi đã chuẩn bị đủ thứ thuốc bệnh, còn Loan thì mang sửa,
mang cháo đến ép tôi ăn, Loan còn ngồi nói chuyện cho tôi vui suốt buổi tối khi
em gái bận đi công chuyện cùng nhóm bạn cũ. Đến khuya cô Giáng Hương ghé khách
sạn, thấy tôi bệnh cô bảo bệnh nầy thỉnh thoảng nó cũng hành cô, vì thế đi đâu
cô cũng mang thuốc ngừa theo. Nói xong cô kêu Lê Nga (bạn lớp Vĩnh Phước) chở
cô về khách sạn và lấy thuốc mang đến cho tôi uống kèm câu nói Cô tin rằng sáng
mai Nho sẽ về họp trường được. Và quả là thế, tôi đã có mặt tại sân trường
trong ngày 20/6/2010. Phải chăng không chỉ nhờ thuốc đúng bệnh mà còn cả những
tấm chân tình của những người thân yêu chung quanh tôi đã tiếp thêm sức mạnh để
tôi không lỗi hẹn cùng trường xưa, thầy bạn cũ.
Dù chưa khoẻ hẳn nhưng trên đường từ Đông Hà vào
trường xưa tôi vẫn dõi mắt ra ngoài cửa xe để tìm lại bóng dáng quê nhà. Đâu là
cầu Ái Tử? Đâu là cầu Ga? Đâu là đường Trần Hưng Đạo? Đâu là đường Quang Trung
xưa và đây rồi… Trường Trung Học Nguyễn Hoàng của chúng tôi đây rồi. Nỗi cảm xúc dồn dập làm tôi muốn rơi nước mắt
sau ba mươi tám năm trời xa ngái giờ trở lại trường xưa, lòng cứ lâng lâng như
một ngày cuối thu năm 1966 - ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường để khai giảng
năm học lớp Đệ Thất vậy. Nhưng rồi sự háo hức trong tôi nguội đi nhanh chóng. Một
cảm giác xót xa, hụt hẫng ập đến khiến tim tôi nhoi nhói. Xa lạ quá! Xa lạ quá!
Tôi thầm kêu lên như thế. Nguyễn Hoàng ơi! Còn đâu! Còn đâu! Trên mảnh đất xưa
là một ngôi trường lạ huơ, lạ hoắc từ cách bài trí, sắp xếp đến tấm biển gắn
tên trường trước cổng. Đâu rồi hàng chữ Trường Trung học Nguyễn Hoàng uy nghi
mà gần gũi? Đâu rồi hàng dương liễu rợp bóng cây xanh che mát cho chúng tôi
trong những giờ thể dục học đường? Đâu rồi dãy lầu nên thơ năm tôi học Đệ Ngũ?
Đâu rồi bóng dáng oai nghiêm của Thầy Hiệu Trưởng và quý Thầy, Cô giáo ngày
xưa? Và bạn bè thân yêu ơi! Trong giây lát tâm hồn tôi chùng xuống, ngậm ngùi.
từ trái: Bích Hường, Nho, Mân, Phúc (ngồi xe lăn)
|
Nhưng kia rồi! Trên sân trường nhộn nhịp người. Thầy
cô cũ, học sinh xưa đang tìm nhau, tìm nhau… để hàn huyên tâm sự. Cả hai mươi bốn
thế hệ học trò cùng về đây như đàn chim tìm về tổ cũ. Những nét mặt buồn, vui bất
chợt. Những tiếng cười, những dòng nước mắt, những lời thăm hỏi, những cái xiết
tay như kéo mấy mươi năm xa cách về lại một ngày. Tôi cùng nhóm bạn các em hoà
nhập vào dòng người hội ngộ, cùng chụp ảnh lưu niệm và ai cũng vui khi thấy tôi
có mặt – nhất là cô Giáng Hương – thì cô đã bảo Uống thuốc của cô sáng mai em sẽ
về hội trường được mà. Tôi lại gặp Võ Thị Quỳnh lăng xăng chụp ảnh. Quỳnh yêu cầu
chúng tôi ngồi xích lại gần nhau với câu nhắc “nhớ gởi bài cho Quỳnh
nghe”. Cả bạn học cũ của Liên Hưng xa
nhau ba mươi mấy năm mà cũng nhận ra tôi ngay. Đó là Trần Thị Hữu. Hữu mừng rỡ
cầm tay tôi hỏi đủ thứ chuyện mà nước mắt cứ trào ra. Rồi Lê Thiện Ngữ tìm tôi.
Ngữ - người bạn học cùng lớp và cùng xóm nhà Thạch Hãn hồi đó. Chính cái giếng
nước ngọt lành của nhà Ngữ đã cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình tôi và bà
con lối xóm trong lúc khó khăn. Bạn có đến ba người thân quy y cửa Phật từ thời
mới lớn – một chị gái và hai em trai. Phúc đức lắm thay! Ngữ là người bạn ở quê
hương rất nhiệt tình trong việc kết nối người xa với người gần. Mỗi lúc bạn bè ở
quê có dịp gặp nhau Ngữ đều gọi điện thoại để tôi được nói chuyện với bạn bè.
Bây giờ Ngữ lại tìm gặp và đưa tôi đến hội ngộ với những bạn chung lớp ngày
xưa. Mặt ai cũng dường như trẻ lại, trong thoáng chốc chúng tôi gần như quên đi
cái thời gian đằng đẵng mấy chục năm qua để sống lại cái tuổi học trò của Nguyễn
Hoàng trước năm 1972. Có vài bạn nam đố tôi có nhớ tên không? Có người tôi
không nhận ra vì thời gian đã làm bạn thay đổi quá nhiều, nhưng khi bạn nhắc
tên là tôi nhớ ngay, tôi còn nhớ cả chỗ ngồi của bạn trong lớp nữa đó. Đứa nào
cũng nói Gặp lại nhau đây là quý lắm và xót xa khi nhắc đến những người đã vĩnh
viễn nằm xuống. Còn các bạn khác bao năm qua không ai biết tin tức gì? Những Tố
Hằng, Anh Ngọc, Kính, Mỹ Hóa, Lê Hoa,… ở đâu mà lặng tiếng im hơi? Những khuôn
mặt ngây thơ thân quen ấy cứ hiển hiện trước mắt tôi. Bạn bè ơi! Còn? Mất?
Không ai trả lời được. Một chút ngậm ngùi.
Khi cuộc họp mặt kết thúc, lên Tích Tường tôi còn
hội ngộ cùng nhóm Tú Tài 72. Tôi được chụp ảnh chung với thầy Hồ Ngọc Thanh –
người thầy Tổng giám thị uy nghiêm của Nguyễn Hoàng xưa. Ngày ấy thầy có “cái
thần” khiến những đứa học trò ngỗ nghịch sợ một phép. Bây giờ thầy chan hoà
trong niềm vui hội ngộ cùng học trò cũ. Thầy hỏi thăm Liên Hưng sức khoẻ mẹ của
chị em tôi rồi nói “Các em còn mẹ là một điều phúc đức đấy”. Lời thầy làm tôi
xúc động, ngỡ như thuở học trò đọc Nhị Thập Tứ Hiếu vậy. Quay sang một bạn nam,
thầy nói vui “Tôi rất hãnh diện là tôi có một người học trò đã lên chức Cố” làm
ai nấy cùng cười. À! Quên khoe với các bạn là nhóm tôi có một anh chàng đã lên
chức Cố rồi đấy nhé. Oách không?
Mà lạ chưa? Trời nắng nóng thế, suốt từ sáng đến
trưa tôi lại chả ăn gì, cứ uống nước lọc mà không nghe mệt. Hồn cứ lâng lâng
trong tình thầy xưa, bạn cũ.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Chị em
tôi chào tạm biệt thầy, bạn trong nỗi niềm luyến nhớ sau lời hẹn về thăm lại Thạch
Hãn xưa với Ngữ, và Ngữ hứa sẽ đưa tôi đi thăm bạn Hồ Thị Liễu đang bệnh nặng mấy
năm nay.
Ôi! Những Người Thầy! Những Người Bạn của Nguyễn
Hoàng – Quảng Trị ơi! Một lần gặp lại mà
nhớ mãi với những tình cảm chân thành, xúc động và còn theo tôi suốt cuộc đời.
Nguyễn
Thị Nho (cựu học sinh NH 66 -73)
Biên Hoà (đêm 15/7/2010)