Sau Trận Cuồng Phong - Song Nhị
truyện
Trong số những người tới thăm đất Thần Kinh
mùa Xuân năm ấy có cả Trương Lưu, quê ở Gia Định, đậu cử nhân thời Ngô Đình,
được bổ làm quan Phó Tỉnh Phước Tuy.
Cuối năm Canh Tý, nạn giặc nổi lên đánh phá
khắp nơi, nhất là ở những vùng xa xôi thôn dã. Cuộc sống thanh bình an vui của
người dân bỗng trở nên hãi hùng vì những vụ khủng bố, bắt cóc, ám sát, giật
mình xe đò, đắp mô chặn đường, phá cầu, ngăn sông, cản chợ... Ban ngày nông dân
không dám đi làm, sợ bị bắt đem vào rừng. Ban đêm đàn ông, thanh niên bỏ trốn;
đàn bà, trẻ con ở lại giữ ngôi nhà, mảnh vườn. Từ đó ruộng đồng bỏ hoang, ngành
bán buôn thương mại ế ẩm, đình trệ. Trường học ở thôn quê phải đóng cửa.
Để an dân và bình định hương thôn xã ấp,
triều đình nhà Ngô ban hành quốc sách ấp chiến lược. Trương Lưu được giữ chức
Quản Hạt quận Mỏ Cày. Nhiều quan chức mới được triều đình bổ nhiệm về các địa
phương thi hành quốc sách. Nhờ vậy, không bao lâu nạn giặc bớt hoành hành. Đám
thảo khấu không nơi ẩn náu phải bỏ về rừng rú.
Sau gần mười năm cuộc sống trăm họ được âu
ca thái bình, triều đình nhà Ngô bị diệt vong. Quốc sách ấp chiến lược bị phá
sản, xã hội rơi vào hỗn loạn. Các thế lực xúm nhau tranh giành ngôi vị, xâu xé
quyền lợi, chầu chực ngoại nhân hầu vọng tưởng miếng đỉnh chung. Những người
tâm huyết với tiền đồ tổ quốc, với vận mệnh dân tộc phải nản lòng nhụt chí,
Trương Lưu từ quan về mở lớp dạy học, làm chủ một nhà sách ở Sài Đô.
Từ khi triều đại nhà Ngô bị tận diệt, đất
nước rơi vào tình trạng suy vi, nhiễu nhương, loạn lạc. Nạn giặc do bắc Phương
khởi xướng, điều động, lợi dụng tình thế đó bành trướng thành một cuộc chiến
tranh quy ước. Tình hình đặt quốc sự vào thế một mất một còn. Phái Chánh Giáo,
còn được gọi phái Quốc Gia, bèn dựng lên triều đại Cộng Hòa Đệ Nhị. Triều đại
này không có thế thống nhất lãnh đạo. Trong hàng các quan chức đại thần không
ít kẻ thiếu đức, bất tài, xu nịnh lại được trọng dụng, ưu đãi, khiến nhân tâm
lý tán.
Một số phần tử cơ hội lợi dụng sự bất an của
lòng người nhảy ra phá đám. Trong số này có mấy ông cố áo đen như Từ Lan Tín và
mấy ông sư bà vãi như ni Huỳnh Sen. Về sau người ta biết đám này được vào chầu
rìa ở mấy cấp chức địa phương thuộc phái Tà Giáo, dưới thời Hậu Cáo, nhưng chỉ
một thời gian ngắn là bị thất sủng, bị ngược đãi. Tình trạng đất nước đi tới
chỗ rối ren, hỗn loạn, thù trong giặc ngoài. Giặc tràn về cướp phá khắp nơi, từ
thôn quê đến thành thị. Đám ngoại nhân đỡ đầu tháo chạy. Cả thiên hạ chốn nháo.
Hàng trăm ngàn người chạy thoát thân ra ngoại quốc. Lúc bấy giờ có lão quan hưu
Minh Dương khờ khạo, tục gọi Minh Bự đã lợi dụng thế ngã nghiêng của cơ đồ xã
tắc, ra tay chiếm quyền. Minh Dương giữ ngôi vị được hai ngày đêm thì triều
đình sụp đổ, buộc trao quyền cho phái Tà Giáo. Đất nước lọt vào tay đám giặc.
Trận bão nghịch thường đổ ập xuống dân tộc Việt. Giới sĩ phu và hàng quan chức
các triều đại cũ bị phái tà giáo thẳng tay trả thù.
Trương Lưu nhờ treo ấn từ quan, giấu diếm lý
lịch nên không bị tập trung vào các đại lao xá lộ thiên ở rừng rú tận vùng biên
giới Hoa Miên.
Năm Ất Mão nguyên niên của triều đại Hậu
Cáo, Trương Lưu tròn ba mươi tám tuổi. Chàng vẫn độc thân. Với cái tuổi xấp xỉ
ở quãng đời “bất nhi hoặc”, tính tình chàng rất điềm đạm. Sở thích thi ca,
thích kết giao bằng hữu và du ngoạn danh lam thắng cảnh nước nhà. Nhân có người
bạn là nhà giáo dạy lớp Cao Trung và Tú Tài ở Sài Đô dọn về phủ Thừa Thiên,
chàng tiễn bạn về quê, luôn thể du ngoan thắng cảnh cố đô mà chàng hằng ao ước.
Trước khi đi, chàng cẩn thận hối lộ viên hạ cán khu vực, một thứ chức trách
phái tà đạo đặt ra để theo dõi mọi hành vi của từng người dân, hầu khi trở về
không bị điều tra, không bị làm khó dễ.
Trong ba ngày ở kinh đô Huế cổ, chàng dành hết thì
giờ vào thành nội thăm cảnh cũ tích xưa. Nhìn thành quách rêu phong, nhìn những đổ vỡ ngổn ngang của các
công trình lịch sử ấy, nhìn những dấu đạn còn loang lổ nơi các cột biểu trụ,
nơi những thành lũy, những bức tường, mùi thuốc súng như còn phảng phất đâu đó,
chàng thấy buồn mênh mang, sâu thẳm. Khi vào thăm điện Thái Hòa, đi qua khu
cung cấm, đến lăng của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức..., chàng cảm thấy
tràn đầy những mỹ cảm sâu xa. Cảnh vật nơi này thật trầm mặc, mơ màng, u nhã.
Đứng dưới bậc tam cấp trước điện Thái Hòa nhìn lên, khách ngẩn ngơ trước cảnh
uy nghi hùng vĩ của kiến trúc, đất trời, tưởng như nghe tiếng linh thiêng của
người xưa, của núi sông vọng lại. Khi vào sân Bi đình thăm bia
Thánh-Đức-Thần-Công, khách đi qua hai hàng ngựa voi và mười vị quan đứng hầu,
tạc bằng tượng đá, cảnh xôn xao một thời như sống lại trong trí tưởng của khách
du thưởng ngoạn.
Tâm hồn Trương Lưu chìm đắm trước vẻ đẹp thơ
mộng của thiên nhiên. Lòng chàng dạt dào kính phục những bàn tay nghệ thuật kỳ
công đã tạo dựng những công trình kiến trúc tuyệt mỹ. Chàng thấy buồn man mác,
xót xa trước những rêu phong của thời gian, những đổ nát hoang tàn vì chiến
tranh tao loạn, vì sự phá phách vô tâm, tư lợi. Khách đến đây không khỏi bồi
hồi khắc khoải giữa nơi hội tụ của một giang sơn, một chặng dài lịch sử mà
“tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức”. Bất giác chàng thở dài, ngậm ngùi nhẩm
đọc bài thơ chất chứa cả nỗi lòng hoài nhiệm Thăng Long của bà Huyện Thanh
Quan:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Chàng trải hồn về tận cõi xa thẳm của thời
gian, mường tượng bao thời đại hưng vong của lịch sử. Lịch sử thời xa xưa, lịch
sử thời hiện đại, lịch sử được viết bằng máu của biết bao thế hệ con người yêu
đất nước, yêu giống nòi; và lịch sử cũng dính máu của những tên phản bội, của
những kẻ vong thân. Những gì còn tồn tại, đó là giang sơn gấm vóc, là di sản
quý báu của tiền nhân.
Và Huế ơi, phải chăng định mệnh đã an bài,
Huế đã chứng kiến những biến cố bi ai của thời cuộc, để từ Huế, lịch sử bước đi
theo nỗi lòng quặn đau của Huế. Những bậc quân vương ái quốc Hàm Nghi, Duy Tân
bỏ ngai vàng đi cứu nước, bị đầy ải, bị lưu vong. Một trăm năm Việt Nam nô lệ. Cuộc
đề kháng của Phật giáo năm Quý Mão. Một triều đại cáo chung. Những mồ chôn tập
thể hàng nghìn người con dân Việt ưu tú hồi Tết Mậu Thân bởi bọn đao phủ thủ vô thần, và
giờ đây Huế xơ xác, điêu tàn sau một trận cuồng phong thời cuộc.
Chàng suy nghĩ miên man, chợt nhớ hai câu
thơ:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương (*)
Chàng đứng lại nhìn hàng tượng đá, nhìn thật
lâu pho tượng đứng hàng thứ ba. Khuôn mặt, đôi mắt và miệng tươi cười thật sống
động. Pho tượng cũng như đang đứng nhìn chàng. Chàng vái chào pho tượng và khấn
bẩm:
- Tiểu sinh xin kính bái thượng quan. Tiểu
sinh là Trương Lưu quê ở Gia Định. Hôm nay đến kinh thành để chiêm ngưỡng giang
sơn của các triều đại và viếng lăng tẩm của các vị quân vương. Tiểu sinh như
được sống lại trọn vẹn với những năm tháng xa xưa, những thành quách, cung điện
uy nghi, ngựa xe rộn rã. Ôi, vàng son dĩ vãng!
Khấn bẩm xong, chàng lấy bút đề lên sau lưng
pho tượng hai câu thơ:
Trăm năm thân đá dầm mưa nắng
Nghìn kiếp lòng vàng gội núi sông.
Đề xong thơ, chàng ra trước pho tượng chắp
tay vái chào từ biệt.
***
Tại nhà người bạn cạnh khách sạn Hương
Giang, đêm ấy Trương Lưu thấy một người đàn ông mặc áo dài, quần lụa, đội mũ
cánh chuồn, mang đai hàm tứ phẩm, đi giày Gia Định đến nói với chàng:
- Bẩm Trương cử nhân, quan Phủ Doãn cho tiện
nhân đến đây thỉnh ngài quá bộ đến tư thất để hàn huyên.
Trương Lưu vái chào lễ phép người lạ mặt,
hỏi:
- Bẩm tiên sinh, chẳng hay quan Phủ Doãn
tính danh là gì?
- Ngài họ nguyễn, tục danh Lãng Nguyên.
- Tiểu sinh rất hân hạnh được thượng quan hạ
cố.
Chàng theo chân người đàn ông bước ra cổng.
Ở đó có một chiếc cáng che lộng điều đã đợi sẵn, có bốn lính thú khiêng đi. Khi
tới cổng tam quan, tư dinh quan Phủ Doãn, chàng được lính hầu mời vào. Quan Phủ
Doãn đã đứng đợi ở cửa phòng khách, bước lại bắt tay chàng tươi cười:
- Ta cho mời tiểu huynh đệ đến đây là để ngỏ
ý cảm ơn về hai câu thơ mà tiểu huynh đệ đã tặng ta ban chiều. Ở thời buổi này
mà ta có một người hiểu được tâm trạng của ta cùng hàng quần thần cách đây gần
hai thế kỷ và biết trân trọng những giá trị quý báu của di sản tiền nhân để lại
thật là hiếm quý lắm thay.
Trương Lưu vòng tay, cúi đầu thủ lễ:
- Bẩm thượng quan quá khen. Tiểu bối thật e
thẹn cho tài hèn sức mọn của mình.
- Quan Phủ Doãn cười sảng khoái:
- Tiểu huynh đệ thật quá khiêm nhường. Ta
biết. Ta biết. Nào, mời vô đây ta đàm đạo. Tại tiểu sảnh đường, hai người, một
già, một trẻ, một xưa, một nay cùng nhau chuyện trò rất tương đắc. Quan Phủ
Doãn hỏi về những danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh mà Trương Lưu đã thưởng
ngoạn. Chàng Kính đáp
- Bẩm thượng quan, trong mấy ngày ở kinh đô,
tiểu bối đã được đến thăm những thắng cảnh như Trùng Minh Viễn Chiếu mà ngắm
trăng nơi lầu Minh Viễn. Vĩnh Thiệu Phương Văn mà ngắm hoa nơi Vạn Tự Hồi Lang.
Tịnh Hồ Hạ Hứng mà hóng mát, bơi thuyền, câu cá và hái hoa sen nơi hồ Tịnh Tâm.
Thư Uyển Xuân Quang mà dự yến tiệc và ngâm vịnh thi ca. Ngự Viên Đắc Nguyệt mà
lễ bái nơi chùa Hoàng Ân. Cao Sinh Các Lương mà hóng gió nơi lầu Hải Tịnh. Trường
Minh Thủy Điểu mà dạo chơi, tiêu khiển. Thường Mậu Quan Canh mà giồi mài kinh
sử. Vân Sơn Thắng Tích mà đón thuyền về nơi Cửa Thuận. Hương Giang Điếu Phiếm
mà bơi thuyền trên sông Hương. Bình Lãnh Đăng Cao mà thưởng lãm đất trời trên
đỉnh núi Ngự Bình. Linh Hựu Khách Hưởng mà cúng vái thần tiên. Thiên Mụ Chung
Thanh mà nghe vang vọng tiếng kinh, hòa ngân với tiếng chuông chùa Thiên Mụ.
Trạch Nguyên Tiến Lộc mà xem đoàn lính thú đi tuần phòng lãnh thổ. Hải Nhi Quan
Ngự mà ngắm cá bơi lội nơi đầm Hải Nghi. Giác Hoàng Phạn Ngữ để lắng nghe tiếng
tụng kinh nơi chùa Giác Hoàng. Huỳnh Vũ Thư Thanh mà nghe tiếng đọc sách nơi
Quốc Tử Giám. Đồng Lâm Dực Điểu để bắn chim, thăm đồng ruộng. Tây Lãnh Thanh
Hoàng mà xem suối nước nóng ở mé Tây.
Kể xong những thắng cảnh đã đến thăm, Trương
Lưu, giọng buồn buồn:
- Bẩm thượng quan, những thắng cảnh được
tiền nhân tạo dựng ấy giờ đây chỉ là vang bóng một thời. Thưở hoàng kim kia đã
tàn tạ. Cả kho báu kỳ quan của Huế, giang sơn đất nước đang mai một, suy tàn,
đổ nát.
Chàng kể luôn một loạt lăng tẩm của các vị
vua mà chàng đã đến viếng thăm, gồm Thiên Thụ Lăng của vua Gia Long, Hiếu Lăng
của vua Minh Mạng, Xương Lăng của vua Thiệu Trị, Khiêm lăng của vua Tự Đức, An
lăng của vua Dục Đức. Bồi lăng của vua Kiến phúc. Tư Lăng của vua Đồng Khánh và
Ưng Lăng của vua Khải Định.
Nghe xong, quan Phủ Doãn vỗ tay khen ngợi
chàng rất am hiểu về kinh đô triều Nguyễn và biết ngưỡng mộ những kỳ quan hùng
vĩ ấy của đất nước. Quan ra lệnh cho gia nhân sửa soạn yến tiệc đãi chàng.
Trong khi nâng chén, quan hỏi chàng về đường gia thất. Chàng thưa chưa chọn
được người ý hợp tâm đầu. Quan bèn sai gia nhân vời tiểu thư Uyển Lan ra tiếp
rượu mời khách. Khi Uyển Lan bước ra, chàng đứng sững trước một trang tiểu thơ
đài các, nhan sắc tuyệt vời. Quan giới thiệu ái nữ với chàng và nói rõ ý định
chọn chàng làm giai tế. Trai tài gái sắc gặp nhau. Trương Lưu và Uyển Lan cúi
đầu ra chiều e thẹn nhưng “hai tay cùng bắt hai lòng cùng ưa”. Họ nhìn nhau cúi
đầu thi lễ rồi từ đó, suốt yến tiệc, Uyển Lan khi chuốc rượu mời chàng, khi dịu
dàng thăm hỏi. Tình cảm thân ái giữa hai người như đã gặp nhau, yêu nhau từ
lâu.
Cuối yến tiệc quan Phủ Doãn nói với Uyển
Lan:
- Chàng Trương có túc duyên với con. Hôm nay
cha cho mời chàng đến là để tạ lòng tri ngộ và giao cảm của chàng đối với cha.
Cha đã quết định chọn chàng làm giai tế. Ngày mai cha sẽ mời quan Bảng Nhãn tới
để chọn ngày lành tháng tốt làm lễ vu quy cho con.
Nàng cúi đầu thi lễ, bái tạ phụ thân. Quan
Phủ Doãn quay sang Trương Lưu chưa kịp nói gì, chàng đã quỳ xuống bái tạ và gọi
quan là nhạc phụ. Quan kéo chàng đứng lên, nắm tay Uyển Lan đặt vào tay chàng
và bảo:
- Hai con hãy nói lời thề ước trước mặt ta.
Chàng nắm tay Uyển Lan bước lại bái vọng bàn
thờ gia tiên thì ... có tiếng gõ cửa ...?!
Trương Lưu giật mình ngồi nhổm dậy, bàng
hoàng với giấc chiêm bao, lâng lâng với cơn mộng đẹp, tiếng gõ cửa dồn dập hơn.
Chàng bước ra mở cửa phòng. Hai người công an khu vực bước vào kiểm tra hộ khẩu
và “kiểm tra hành chính“. Chàng xuất trình chứng minh nhân dân nhưng không có
giấy phép đi đường của công an nên bị dẫn về trụ sở để kiểm tra. Bốn tuần lễ
sau chàng được trả về Sài Gòn, giao cho địa phương quản lý với tờ quyết định
quản chế sáu tháng. Trong thời gian quản chế, đương sự không được đi xa khỏi
nơi cư trú và phải trình diện công an Phường Hố-Lai, thuộc Quận Thủ Đức mỗi
tuần lễ một lần.
SONG NHỊ
(*) Thơ Ưng Bình Thúc Dạ Thị