Wednesday, December 24, 2014

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ... 
                                                    - Song Nh
 
Tượng Khổng Tử
trong công viên Overfelt,
San Jose
(ảnh SN)
Tôi mượn hai câu thơ của Vũ Đình Liên để làm đề tựa cho bài viết này khi những ngày giáp năm, bỗng thấy lòng gờn gợn, phảng phất đâu đây không khí ngày Tết từ một thời xa xăm lắm, ở một miền đất cũng trùng trùng nghìn dặm, cách biệt cả một đại dương. Ngồi đây nhìn ra ngoài mà như đang thấy cả một khung trời xưa. Cũng gió lạnh, mây xám đặc trời, lất phất vài cơn mưa và lang thang vài con chim lẻ bạn.

Bỗng dưng đủ thứ trong đời ngập tràn ký ức, thôi thúc giải bày sớt chia, san sẻ...
Chắc chẳng thiếu gì người như tôi, thiếu gì người có những kỷ niệm, những dấu ấn trong đời để mà nhớ, mà tiếc, mà buồn, mà giận... Mỗi mùa xuân, mỗi tuổi đời là một kỷ niệm. Kỷ niệm như những vết dao, cứ hằn lên khi có dịp như lúc này để cứ sống với mãi tận đâu đâu.
Ở nơi xứ Mỹ mà lại nhớ viễn vông về những cái Tết tuổi thơ với mảnh vườn đồng ruộng, những cái Tết đón bộ đội về làng, giao cho các bà “mẹ chiến sĩ” nuôi quân truớc khi vượt biên giới sang Lào đánh Pháp; Tôi lại nhớ mẹ tôi “bà mẹ chiến sĩ ” nuôi ăn cả một đại đội “lính cụ Hồ” trong hơn nửa tháng, nhưng chỉ hơn hai năm sau bà đã phải quỳ gối trước đấu trường để hứng chịu bao nhiêu trận roi đòn xỉ vả thậm tệ vì cái tội địa chủ, cái tội... đã có gạo nuôi quân. Những cái Tết sau đó tôi là kẻ lạc loài, bất lực nhìn gia đình khánh kiệt sau khi “đội Cải cách” về làng; những cái tết im lìm buồn thảm bao trùm lên số phận mỗi con người, mỗi gia đình, lên toàn thôn xóm... những cái tết phố phường ngập tràn lửa máu của Mậu Thân, khắp Sài Gòn, khắp Huế, khắp miền Nam; những cái Tết co ro đói lạnh buồn tủi trong bốn lớp tường vây và song sắt nơi các trại tù cải tạo...

Rồi tất cả cũng qua đi như những giấc chiêm bao, như những cơn ác mộng mà khi qua rồi, ngồi nhớ, lại thấy như an lành. Trên cõi đời tạm bợ này có gì là vĩnh cửu? Nhớ rồi quên. Có rồi mất. được rồi thua... Các triều đại đều lụn tàn, sụp đổ; con người, dù là gì rồi cũng chết, mọi giá trị đều đổi thay. Cái tôn vinh của hôm này là cái ngày sau phỉ nhổ, cái quá khứ nguyền rủa là cái tương lai tôn vinh.

Thế mà tôi lại ngồi nhớ những chuyện đâu đâu, những chuyện đã lặn chìm vào dĩ vãng. Ông Diệm không còn, ông Hồ không còn, mẹ tôi cũng đã mất; những trại tù tập trung cải tạo trên biên gới Việt Hoa, nơi Long Thành, Xuân Lộc, Hàm Tân, Gia Trung, Xuân Phước... chỉ còn là những tấm ảnh mù mờ trong “album” ký ức... thế mà cứ đeo đuổi theo tôi hàng chục năm trường, từ vùng heo hút nơi quê nhà sang mãi tới tận nơi đây, tưởng chẳng có gì dây dưa đến.

Cuộc đào mả, san bằng nghĩa địa

Một năm sau khi từ trại cải tạo được thả về, ông anh rể tôi rủ tôi đi xem cuộc khai quật mà người dân mộc mạc gọi là đào mả, một cuộc đào mả vĩ đại nhất trong lịch sử VN cận đại tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, thành phố Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi chứng kiến hàng chục ngàn ngôi mộ bị đào xới bằng đủ thứ dụng cụ từ thô sơ như cuốc xẻng, xà beng đến cơ khí như xe cần cẩu, xe xúc. Các thứ dụng cụ gọn nhẹ như cuốc xẻng là của tư nhân, họ dùng đào mộ lấy hài cốt người thân đem đi cải táng. Những cơ khí nặng là của công quyền dành riêng cho các yếu nhân của chế độ cũ như Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu, Thống Tướng Lê Văn Tỵ...
Tiếng khóc la, nguyền rủa hôm tôi chứng kiến không biết có động tới trời không? Trước đau đớn tột cùng hầu như người ta không còn gì để kiêng nể. Khi nhìn chiếc xe cần cẩu nện những khối sắt khổng lồ xuống trên từng nấm mộ ông Nhu, TT Diệm, tướng Lê Văn Tỵ và các ngôi mộ rắn chắc khác, để đập vỡ các tảng xi-măng người ta gào thét, mạt sát đám công nhân, nguyền rủa chế độ với những từ ngữ mà bình thường không ai dám hó hé: “Chúng mày bạo tàn, chúng mày không còn nhân tính, trời sẽ hại chúng mày...” Họ chửi cứ chửi, cứ khóc, cứ la, đám người làm cứ làm, lặng lẽ. Họ đâu có quyền hành gì. Họ kiếm gạo về nuôi vợ con.

Tôi về nhà bỏ ăn một ngày, như vừa trải qua một cuộc khủng hoảng thần kinh.

Không lâu sau, ông anh rể tôi lại rủ tôi di xem vụ đào mả Bá Đa Lộc (*) ở khu ngã Ba Lăng Cha Cả, Sài Gòn. Sau lần làm chứng nhân bất đắc dĩ tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, tôi còn nỗi xúc động chưa vơi nên tôi không đi. Ông anh tôi đi một mình. Tôi được nghe ông kể lại không ai được đến gần, chỉ có toán đào xới, đại diện công an, đại diện Thông tin văn hóa, một nhân viên Tòa Lãnh Sự Pháp chứng kiến và ký biên bản về những gì tìm thấy trong ngôi mộ đã chôn cất cách đó khoảng 330 năm.

Alexandre de Rhodes ông là ai?

Chuyện ông giáo sĩ “Tây thực dân” sang nước tôi truyền đạo cách đây đã gần 400 năm, đã chết từ hơn 300 năm trước mà sao hôm nay tôi cũng lại vướng buồn. Tôi vướng buồn đang lúc tôi đang buồn khi đọc được bài viết từ trên Net nói về cuộc đời và cái “thân xác” nổi trôi của vị giáo sĩ, người có công đầu tiên hệ thống hóa và phổ biến chữ quốc ngữ của nước tôi.
Bài viết nói về tấm bia của giáo sĩ Alexandre de Rhodes; tấm bia không rõ từ bao giờ, đã mấy chục hay mấy trăm năm nổi trôi trong dòng thành kiến chính trị với công tội được đánh giá theo từng giai đoạn thăng trầm lịch sử của nước tôi. Từ ngày Alexandre de Rhodes đến VN rồi ra đi, để lại ngoài di sản ngoài chữ Việt-Latinh là cả một trăm năm dài đất nước tôi, dân tộc tôi trở thành một đất nước, một dân tộc bất hạnh nhất mà hậu quả cho tới hôm nay vẫn còn nhiều di lụy, như những vết thương chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn, mới lành lặn được. Phải chăng vì lý cớ đó mà “tấm thân” Alexandre de Rhodes đã bị đem làm ghế ngồi, làm bàn giặt giũ quần áo....
 
Alexandre de Rhodes,
sinh tại Avignon năm 1591,
chết tại Ispahan, Persia (Ba Tư)
năm 1660. Ông ở Việt Nam
sáu năm(khoảng 1624-1630)
cho việc truyền đạo Thiên Chúa
Thế hệ của tôi ở miền Nam số đông “rành” về ông lắm. Trước năm 1975 con đường chạy ngang trước Bộ Ngoại Giao VNCH có tên là đường Alexandre de Rhodes. Sau tháng Tư 75 “người anh em” vào đuổi chủ nhà ra, đổi tên nhà là Sở Ngoại Vụ, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng bị trục xuất để con đường này mang tên mới là Thái Văn Lung. Bức tượng Alexandre de Rhodes cũng bị mang đi. Khi chương trình HO rầm rộ, dân “cựu tù” ai cũng biết Thái Văn Lung ở đâu, mặc dù chẳng ai biết Thái Văn Lung là người nào, là cái gì. Đến khi ra hải ngoại, đọc báo có nghe nói rằng Alexandre de Rhodes đã được trả về chỗ cũ, Thái Văn Lung đã bị xóa tên hay là được mời đi chỗ khác chơi.

Học trò trong Nam từ lúc học đánh vần chữ quốc ngữ đã được thầy cô giáo nói cho biết Alexandre de Rhodes là ai rồi. Các em còn biết loại chữ mà các em đang tập đánh vần là do Alexandre de Rhodes làm ra. Để cho dễ nhớ thầy cô giáo gọi ông ta là Đắc Lộ.
Alexandre de Rhodes sinh ngày 15-3-1591 tại Pháp, là giáo sĩ đạo Thiên Chúa. Ông đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1624 - 1630 với sứ mạng truyền đạo. Để đạt được mục đích cho giảng đạo, ông chăm chú học hỏi, nghiên cứu, nhờ đó mà nói tiếng Việt rất thông thạo, am hiểu nhiều phong tục, tập quán, lịch sử, con người Việt Nam thời bấy giờ. Alexandre đã dùng chữ cái La tinh để phiên âm tiếng Việt. Về sau ông đã thành công trong việc thiết lập được hệ thống chữ Việt trong việc in sách. Quyển sách Cathechismus, giảng đạo tám ngày cho kẻ “muấn” (muốn) chịu phép rửa tội mà “beào” (vào) đạo thánh đức chúa “blời” (trời). Đây là quyển sách quốc ngữ đầu tiên ấn hành tại La Mã năm 1651 bằng hai thứ tiếng La-Tinh và Việt ngữ. Cũng năm 1651 quyển Dictionarium Annamiticum Iuoittanum et Lattum (tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latinh) của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại La Mã. Thực ra, những năm trước đó đã có những quyển chữ Việt phôi thai do các giáo sĩ người Ý, Pháp, Bồ Đào Nha biên soạn. Người có công “hệ thống hóa” chữ Quốc ngữ đầu tiên là Alexandre de Rhodes.

Theo bút tích ghi trên văn bia, ông mất ngày 16-1-1660. Tại miền Bắc, phải gần ba thế kỷ sau khi ông qua đời, một nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes mới được xây trong khu đền Bà Kiệu (bên cạnh Hồ Gươm), khánh thành ngày 29-5-1941. Công trình này do sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố - một trong những người tích cực truyền bá chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ 19 - Nhà bia xây kiểu Phương đình 4 mái - lối kiến trúc phương Đông, bên trong là tấm bia đá cao 1,70 m, rộng 1,1 m, dày 0,2 m trên đó ghi tóm lược bằng cả 3 thứ chữ Việt-Hán-Pháp.
Theo bản tin của một nhà báo ở trong nuớc thì cho đến nay, không ai còn có thể hình dung được cái nhà dựng tấm bia ấy nó như thế nào, bởi vì nó đã bị phá mất rồi. Ai phá và phá bỏ ra sao cũng không ai hay chỉ biết rằng tấm bia đã chịu số phận trôi nổi hàng mấy chục năm. Theo ông nhà báo ấy thì vào cuối những năm 60, tấm bia “đã bị sử dụng vào nhiều “tiện nghi” khác nhau như làm ghế ngồi của một hàng bán nước chè cạnh đền Bà Kiệu, sau đó ít lâu lại trở thành đe ghè của những ông thợ sửa ống khóa... Có thời gian tấm bia đã được đưa về dựng tạm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử, song chẳng hiểu lý do gì sau đó nó lại bị lôi ra mãi tận bờ sông Hồng trở thành... chiếc bàn giặt công cộng. Số phận phiêu bạt của tấm bia thăng trầm cùng với nhiều biến đổi của lịch sử. Đến năm 1995, “tấm văn bia quý giá ấy mới được đưa về bảo quản tại Ban Quản lý di tích Hà Nội - 90 Thợ Nhuộm. Từ đó đến nay tấm văn bia ghi công đức Alexandre de Rhodes vẫn đang nằm chỏng chơ dưới tầng hầm”.
Ông nhà báo thắc mắc: “Tại sao tấm bia ông Alexandre lại bị hậu thế đối xử tệ đến như vậy? Nghe đâu họ gán cho ông cái tội “là công cụ đắc lực của những tên xâm lược” bởi sau thời gian sống và truyền đạo ở Việt Nam, giáo sĩ Alexandre đã “trót'' nhận xét rằng: “Đây là một vị trí cần chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia châu Âu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú''.
Đặt ra câu hỏi nhưng không ai trả lời, và ông nhà báo cứ đi lần mò tìm câu giải đáp theo dấu vết thời gian. Ông cho hay trong hơn 10 năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, đã có ý kiến đề nghị dựng lại nhà bia, đúc tượng đồng; đã có những công văn, nghị quyết ... nhưng từ đó đến nay tấm bia ấy vẫn nằm cong queo trong tầng hầm ở số 90 Thợ Nhuộm, Hà Nội...

Tôi không dám lạm bàn công Alexandre de Rhodes đến đâu, tội Alexandre de Rhodes đến đâu, vì dẫu sao ông cũng là một người ngoại quốc, đến như Tố Như của Việt Nam tôi mà đã từng không tránh khỏi bể dâu thời thế, để không biết có phải ngẫu nhiên mà có tựa đề quyển sách “Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du” của cụ Đặng Cao Ruyên (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2002).
Truyện Kiều tại miền Bắc cũng một thời đã phải chịu truân chuyên như thân phận nàng Kiều, huống chi tấm bia của ông cố đạo “Tây thực dân” ấy. Truyện Kiều một thời từng bị phê phán là loại sản phẩm của “tiểu tư sản lãng mạn”, may nhờ có mấy nhà văn Nga (Liên Xô cũ) đọc mà phát hiện ra Đoạn Trường Tân Thanh là tác phẩm có tính “đấu tranh giai cấp” nên Nguyễn Du mới được phục hồi danh dự và người ta mới được đọc lại Kiều.
Tôi lại nhớ thêm không những Kiều mà đến cả tập Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh không dây mơ rễ má gì đến chính trị mà tác giả quyển sách này cũng đã phải công khai “tự kiểm”, tự vạch tội của mình như sau: “...Xét về phương diện khách quan thì ngày trước hay bây giờ những câu thơ buồn nản hay thơ mộng vẩn vơ cũng đều là đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của con người. Chúng ta không dám làm người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc”. (Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến 1951 - Chương Nhìn Lại Thơ Cũ 1932 -1945 tr.12)
Với “lòng thành khẩn” đó hay vì áp lực cường quyền, Hoài Thanh tiếp tục cuộc hành trình quay ngược chiều lương tri và nhân cách của người cầm bút khi ông viết: “Thơ lãng mạn tiểu tư sản có thể xem là một sức phá hoại, vừa phá hoại chế độ thực dân phong kiến, vừa phá hoại nhiệt tình cách mạng. Trong thơ lãng mạn tiểu tư sản vẫn có một thứ lòng tin mà bọn thống trị có thể dựa vào, tức là lòng tin rằng cuộc đời là thế, không thể thay đổi được. Nhưng bọn thống trị cũ dựa vào lòng tin thì ít, vào võ lực thì nhiều.... Cho nên bọn thực dân dung dưỡng mà cách mạng lại phải tiến hành đấu tranh với thơ lãng mạn tiểu tư sản”. (“Về Văn Thơ Lãng Mạn Tiểu Tư Sản 1930-1945” . Bài Giảng Cho Lớp Văn Đại Học Sư Phạm Và Đại Học Tổng Hợp Hà Nội 1959).
Không biết lúc viết lên những đoạn văn như vậy Hoài Thanh có đang mơ ngủ hay đang bị khủng hoảng tinh thần; hay là muốn nói ngược lại một cách bóng gió “Nhưng bọn thống trị (??) dựa vào lòng tin thì ít, vào võ lực thì nhiều”.
Đến đây tôi lại liên tưởng đến trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả bản “nhạc vàng” Dư Âm. Năm 1983 ông được Ban giám thị trại tù Z30A Xuân Lộc mời vào diễn xuất văn nghệ cho công an và tù nghe. Khi giới thiệu ca sĩ Thu Nở lên trình bày một nhạc phẩm của ông, người nhạc sĩ này đã hết lời mạt sát loại nhạc vàng là ru ngủ, là đồi truỵ, là kích động, là đầu độc giới trẻ, dẫn giới trẻ đi vào một cuộc sống điên cuồng thác loạn... Vừa nói xong, khi tiếng nhạc trổi lên ông trao micro cho cô ca sĩ rồi biểu diễn những động tác nhún nhẩy ưỡn ẹo, khụyu gối xuống, nhướn người lên theo tiếng nhạc xập xình. Đám tù vừa mới nghe ông nhạc sĩ công kích lên án, thì thấy ông nhạc sĩ lập lại ngay những động tác mà ông vừa nguyền rủa. Hình như ông nhạc sĩ này cũng như hầu hết đám cán bộ CS quên một điều cử tọa của họ là số đông Sĩ Quan trí thức miền Nam, nên cứ theo bài bản mà xổ...

Có nhiều người trách cứ mấy anh nhà báo, mấy người viết văn ưa nhắc lại chuyện cũ. Nhắc lại chuyện đã xưa rồi có khi làm người khác không vui, làm người ta buồn; có khi sinh sự, nhưng cũng có ý kiến cho rằng lẩn tránh quá khứ là một thái độ vong ân.
Văn hóa và đạo lý VN không bao giờ chấp nhận thái độ ấy. Tôi nghĩ, là con người, không riêng gì con người Việt Nam, vong ân là một trong những điều đáng chê trách, đáng nguyền rủa. Vậy thì tôi xin cám ơn quá khứ đã cho tôi giải tỏa được nỗi buồn vô cớ trong một buổi chiều mưa gió cuối năm trên chốn đất khách quê người này.

Song Nhị 12.2004

---------------------

(*) Bá Đa Lộc, tên Pháp là  Pigneau de Behaine, còn gọi là Eveque d' Adran, là người đã giúp vua Gia Long lấy lại đất đai của nhà Tây Sơn. Ông được vua Gia Long gửi Hoàng Tử Cảnh sang Paris để điều đình với Pháp. Gia Long phong cho ông là Thái Phó. Khi ông mất, Gia Long sai làm quốc táng, mộ là Lăng Cha Cả ở ngả ba Trương Minh Ký và Chi Lăng (nay là Hoàng văn Thụ).