Monday, December 15, 2014

Những Mảnh Đời Trôi Giạt - Song Nhị
truyện                                      

Năm 1975, Oanh học xong lớp Mười Hai. Cầm tờ chứng chỉ tốt nghiệp, tương đương với văn bằng Tú Tài toàn phần của thập niên sáu mươi, lòng nàng mừng vui vô hạn. Nhưng cũng ở thời điểm đó, gia đình nàng bước qua khúc ngoặt của định mệnh. Miền Nam đổi chủ. Sài Gòn bàng hoàng trong âu lo, ngơ ngác và tán loạn. Cha nàng đã vào trại tập
trung cải tạo, bị đày ra núi rừng Việt Bắc. Tiẹâm buôn của mẹ nàng bị tịch thu. Các em nàng phải bỏ học. Oanh cầm lá đơn xin thi vào đại học, bất cứ nơi nào người ta cũng không nhận. Lý do của sư từ chối chỉ được hiểu ngầm, nhưng ai cũng biết, cha là sĩ quan chế độ cũ, gốc Bắc Năm Tư, mẹ là “tư sản bóc lột,” những thứ tối kỵ đối với chế độ hiện tại.          

Oanh nổi tiếng là một thiếu nữ đẹp và diu hiền. Nàng sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu có, thuộc giới thượng lưu của xã hội miền Nam. Tuy vậy, Oanh lại mang một bản chất nhún nhường, khiêm tốn, giàu lòng nhân hậu. không bao giờ người ta thấy nàng có thái độ lạnh lùng, kênh kiệu như một số tiểu thơ đài các cùng trang lứa.
           
Bà Đỗ Quỳnh Oanh từ một thương gia giàu có, tiếng tăm, bỗng chốc tán gia bại sản. Bà đã cố chống chọi với mọi hoàn cảnh, mọi tai họa để nuôi nấng ba đứa con và để ngóng chờ trong hy vọng ngày chồng bà được thả về.
           
Oanh khi nào cũng bên cạnh mẹ. Nàng là đứa con và cũng là người bạn tinh thần, luôn luôn vỗ về an ủi mẹ. Có thể nói, cả hai mẹ con bà Quỳnh Oanh đều cảm thấy nếu thiếu vắng một người thì người kia không thể sống nổi. Nhưng lẽ đời, nước mắt chảy xuôi, người mẹï nào mà không sẵn sàng có những hy sinh cao cả dành cho con cái. Trong hoàn cảnh thế cùng sức kiệt, vì nghĩ về tương lai con cái về sau, bà Quỳnh Oanh đã quyết định gánh vác hết mọi công việc, mọi hậu quả, chấp nhận mọi cảnh ngộ, chấp nhận cô đơn, đè nén tình cảm nhớ thương, lo sợ dằn vật và thu xếp cho con cái vượt biên.
           
Từ nhỏ đến lớn Oanh sống trong vòng tay yêu thương và hơi ấm của cha mẹ, của gia đình. Chưa bao giờ nàng thoáng có ý nghĩ là sẽ phải rời xa tổ ấm đó. Nhưng bao năm rồi cha nàng đã đi biền biệt sau cái thông báo của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định kêu gọi các quan chức chính phủ Sài Gòn đóng mười ba nghìn năm trăm đồng tiền ăn, tập trung “học tập” trong một tháng. Mỗi năm gia đình nàng nhận được vài ba lá thư viết trên giấy học trò, nội dung tẻ nhạt, khô khan. Nàng đâu biết được cảnh rừng thiêng nước độc nơi cha nàng đang thụ hình mà cái địa chỉ trên góc bì thư kia là một hàng ám số và ám tự: TD613 YB/ 03. Nàng đâu biết được đã ba năm rồi cha nàng đã chịu đựng biết bao những nhụïc hình cay đắng trong cảnh trầm luân nơi địa ngục trần gian có thật của thiên đường XHCN. Nàng cũng đâu biết được những lá thư kia, cha nàng đã phải chép đi chép lại mấy lần khi qua tay kiểm duyệt của cán bộ quản giáo, cán bộ Giáo Dục, cán bộ an ninh trình đô lớp ba trường làng, trước khi bưu điện mang đến cho gia đình nàng.
           
Cũng ba năm rồi, các em nàng lêu bêu nơi các công trường thủy lợi. Mẹ nàng với tuổi bốn mươi lăm mà trông già nua tiều tụy. Nàng không bao giờ muốn xa rời mẹ, dù chỉ một ngày. Nàng không bao giờ đành lòng rời bỏ hai đứa em trong lúc này. Nàng đặt hết trông cậy và tin yêu vào cha nàng. Nàng hy vọng mãnh liệt vào giây phút ông được thả vềø. Trong khổ đau tăm tối của cuộc đời trước mặt nàng vẫn vẽ cho mình nhiều hy vọng và tin tưởng ở ngày mai.
           
Nhưng rồi, cái gì tới đã tới, ngày đi đã định. Ngày Giờ và điểm hẹn đã kề. Lòng Oanh rã rời, bịn rịn. khi chia tay, mẹ nàng cúi xuống hôn lên mái tóc con gái. Nàng choàng tay ôm mẹ, khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Nàng nói trong nấc nghẹn: 
- Xin ba mẹ tha thứ cho con.
Rồi nàng đứng lên, quay lưng bước vội vàng trong đêm tối như để trốn chạy người mẹ hiền yêu dấu, như để chạy trốn nỗi lòng se thắt và sự mềm yếu có thể ngã quỵ của chính mình.
           
Có ai ngờ định mệnh oan nghiệt đã an bài. Chuyến đi ấy đã thất bại. Trên ba mươi người bị bắt. Một số người có mang theo vàng bạc đút lót thì được thả ngay nơi “bãi đáp”. Có người được cố ý cho “chạy thoát” trên đường giải về trụ sở công an, như ông Nguyễn Tâm, nguyên Hiệu Trưởng Trường Phan Bội Châu, Sài Gòn, sau khi đã cởi chiếc nhẫn một chỉ vàng, cởi đồng hồ đeo tay và cởi cả chiếc quần treillis, loại quần xanh lá rừng “lính ngụy” đút lót cho viên công an áp giải, một cán bộ cốt cán của cách mạng. Những người không tiền đút lót, mua chuộc, tất cả đều bị giải từ Bà Rịa về khám Chí Hòa để điều tra, khai báo, tìm cho bằng được người tổ chức có túi vàng thu gom từ những “can phạm” chối bỏ thiên đường XNCN. Các can phạm còn phải làm “tự kiểm” nhận tội với cách mạng và khôn khéo  lựa chọn cán bô đến móc nối với gia đình, để được tha sớm.
           
Một năm sau, tất cả những người không có “thế lực kim tiền” cứu gỡ đều bị chuyển lên trại tù Đồng Phú, tỉnh Sông Bé. Trong số đó có Oanh. Khi Oanh và đoàn “khách mới” nhập trại thì trại Đồng Phú đã có sĩ số trên ba ngàn người, đủ mọi thành phần, tuổi tác, già trẻ, nam, nữ, từ một trí thức, giáo sư đại học đến một thằng bé móc túi, mười ba tuổi đầu. Tất cả được giam chung lẫn lộn dưới một “mái trường” với cái tên thật kêu, thật đẹp: “Trường Phổ thông Cải Tạo Công Nông Nghiệp”.
           
Oanh cùng ba cô bạn được biên chế vào đôi số 13 toàn nữ. Đội Trưởng là một người đàn bà trên 30 tuổi, có biệt danh từ ngoài đời là nàng Chôm. Nàng Chôm ở đây từ ngày mới dựng trại, tháng 10.1977. Sau bốn năm trưởng thành trong làng chôm chĩa, vào trường nhờ trao đổi kinh nghiệm, mánh khóe cùng các “môn phái” mà ngón nghề càng thêm tinh xảo. Nhờ “sống lâu lên lão làng”, nhờ mồm mép “lợi khẩu”, nhờ vốn dĩ là dân chịu chơi, rút kinh nghiệm vì chơi không đẹp với cán bộ quản lý Thị Trường nên bị giựt mất thúng hàng rong, bị đạp ngã xuống lề đường và bị bắt vào đây. Vào đây nàng Chôm luôn luôn “chiều lòng” các cán bộ. Nhờ đó chẳng bao lâu nàng nổi bật trong hàng chức sắc, khét tiếng là tay hung thần của bất cứ đội tù nữ nào do ả làm đội trưởng.
           
Sau ba tháng “học tập” không chịu nổi những cực hình mang đủ tính chất hành hạ của “Trường phổ Thông Cải tao Công Nông Nghiệp”, Oanh cùng hai người bạn gái khác đã trốn trại. Hai người bạn bị bắt lại. Oanh lẩn trốn trong rừng gần mười ngày, không có lương thực, đói lạnh. Cuối cùng nàng đã kiệt sức, nằm chết dưới một gốc cây.
           
**
Câu chuyện trên đây được Trúc Vân kể cho Nguyễn Lê nghe trong một buổi toàn trại lao động XHCN, đào mương thủy lợi. Nguyễn Lê là một trong những người “khách” mới, vừa được chuyển một trại tù khác tới. Lê là bạn học với anh của Trúc Vân ở đại học Văn Khoa. Trúc Vân sửng sốt khi nhận ra Lê trong đám tù mới tới. Lợi dụng buổi lao động đông người nhốn nháo, Trúc Vân gặp Nguyễn Lê để thăm hỏi chuyện trò.
           
Kể hết câu chuyện về Kiều Oanh cho Nguyễn Lê nghe, Trúc Vân cúi xuống, giấu những hàng lệ lăn tràn, sợ xung quanh để ý. Đợi cho Trúc Vân hết xúc động, Nguyễn Lê hỏi:
           
- Thế thì gia đình của Oanh đã biết tin Oanh chết chưa?

Trúc Vân nghẹn ngào:
           
- Có lẽ chưa anh ạ. Bạn giám thị chỉ báo cho gia đình là Oanh trốn trại và coi như mất tích, mặc dù trại đã tìm thấy xác chị ấy. Mấy lần ra nhà thăm nuôi, em trông thấy mẹ của chị ấy ngồi cuối dãy bàn, nhưng nội quy cấm tù tiếp xác với người đến thăm. Hơn nữa bọn em không nỡ cho gia đình bác ấy biết cái tin đau buồn đó.
           
Nguyễn Lê ngồi đờ đẫn, thở dài, mắt dõi nhìn về phía cánh rừng trước mặt. Một con quạ đen lao tới rượt đuổi một con diều hâu, con diều hâu nghiêng cánh, chao mình rồi bay vút đi như trốn chay. Nguyên Lê liên trưởng đến cái nhãn hiệu con ó và cuộc chiến Việt Nam.
           
Giọng nói của Trúc Vân cắt ngang ý nghĩ của Nguyễn Lê:

- Anh bị bắt vì tội gì? Trước khi đến đây anh đã ở những trại nào?

- Anh bị kết tội là “đầu sỏ trong nhóm trí thức, tư sản Sài Gòn tổ chức vượt biên và liên lạc với các thế lực phản động ở nước ngoài”. Sự thật, anh mới có ý định khi rủ một số người quen, tìm phương tiện để ra đi, và chỉ mới nói ra ý định đó. “Tai vách mạch rừng” nên anh bị bắt. Anh bị đưa vào trại Phan Đăng Lưu và bị ở biệt giam, cùm hai chân mất bảy tháng mười sáu ngày.

- Sao anh bị cùm lâu thế?

- Tại anh cãi lý với họ. Nói chính xác hơn là anh tranh luận với cán bộ chấp pháp.

- Sao anh tranh luận với họ làm gì?

- Lúc đó anh cứ nghĩ tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề khi họ kết tội anh một cách vô căn cứ. Họ lại giảng cho mình những bài học chính trị một chiều, ngớ ngẩn nhất. Anh hối hận đã ngây thơ, nhưng nghĩ lại còn biết bạo nhiều người trước kia sống phè phờn nhờ vào tiền bạc và lòng tin cậy của người dân mà họ, còn ngây thơ đến độ ngây ngô đem niềm tin cậy đó bán rẻ cho đối phượng. Anh chấp nhận vì ít ra mình không hèn.

- Anh có bị họ đánh không?

- Không, anh không bị đánh, nhưng cách của họ là khi yếu lý lẽ, khi “chính nghĩa” của họ bị lật tẩy, họ mặc cảm bị xúc phạm nên họ trả thù. Đưa vào phòng kỷ luật, cấm thăm nuôi, cấm viết thư, cấm nhận thư gia đình, giảm mức ăn, biệt giam, tăng án v.v...

Nói xong, Nguyễn Lê quay sang hỏi lại Trúc Vân:

- Cô ở đây đã lâu, cô thấy Ban Giám Thị trại này thế nào?

- Nơi nào cũng vậy anh ạ. Trại nào cũng dưới một hệ thống của Cục Quản Lý Trại Giam. Người thì cũng có người tốt, kẻ xấu. Ở trại này có ông Lem thường ưa ăn uống của nữ tù nhân, từ một tô mỳ gói đến một ly nước chanh. Nghĩ cũng tội nghiệp, Họ cũng đói thèm, thiếu thốn. Ông Tốn thì hay nhờ người nhà mình mua dùm đồ khi đến thăm nuôi mang vào rồi “quên” trả tiền. Đám cấp dưới thì phần đông rất hống hách. Họ đánh đập tù nhân vô tội vạ, họ chửi bới tù nhân khi họ không vừa lòng. Hôm nọ có thằng bé trong đội thiếu nhi phạm pháp đi nhổ cỏ, bẻ một trái bắp mà bị cán bộ En đánh đến ngất xỉu.
                       
Trúc Vân xoay người dùng lưỡi cuốc chim cạy lên một tảng đá ong rồi nói tiếp:

- Dẫu sao ở trại này cũng dễ chịu hơn trăm lần ở các trại tạm giam, như ở trại Mạc Đỉnh Chi, quận Một. Ở đó, quả thật là địa ngục trần gian. Ngoài chế độ quản lý hà khắc, còn bị cái nạn “đại bàng”, bởi một loại băng đảng mà họ tự nhận là “hung thần thời đại”. Đám này là những tay phạm tội hình sự do Ban Giám Thị cử ra dưới cái chức dạnh Đội trưởng, Trật tự, Thi Đua... Chủ trương của họ là “dĩ độc trị độc,” lấy tù trị tù, dùng tù nhân đàn áp tù nhân, dưới sự chỉ đạo của các cán bộ. Đám này có quyền sinh sát trong tay. Chúng lấy bớt hoặc tước đoạt hết mọi thứ thức ăn, đồ đạc gia đình gửi vào. Chúng sẵn sàng trừng phạt đủ mọi thứ roi đòn tàn bạo với bất cứ ai phản đối các hành vi của chúng.
                       
Nguyễn Lê đã từng ở trại tạm giam Phan Đăng Lưu, đã từng bị nhốt xà lim, đã nếm đủ mọi mùi vị cơ cực nhất, nhưng khi nghe Trúc Vân Kể anh cũng cảm thấy rờn rợn, xúc động đến rùng mình.
                                                                       
**
Hai tháng sau, kể từ ngày gặp Trúc Vân trong buổi lao động XHCN, đào mương thủy lợi, cả trại tù Đồng Phú xôn xao khi nghe tin Nguyễn Lê đã trốn trại. Toàn Thể Ban Giám Thị và hơn ba trăm công an gác tù nhốn nháo chạy ra chạy vào. Lịch trình lao động của tù nhân không thay đổi, nhưng số công an súng dài gác tù chỉ còn lại một người kiêm luôn nhiệm vụ “quản giáo”. Nhiều toán võ trang truy nã được thành lập, chia thành các hướng vào rừng lùng sục. Một số cải trang thường dân giả dạng khách đi xe đò về Sài Gòn dò la tin tức, mạnh mối. Khu vực gia cư của thân nhân, họ hàng Nguyễn Lê do công an mỗi phường bố trí bám sát theo dõi hai mươi bốn giờ, suốt ngày đêm. Toán truy nã có bí số Z3 gồm ba người do Hùng Lé dẫn đầu, vô tình lại đi sát mục tiêu nhất.
                       
Từ lúc vượt thoát, thoát khỏi hàng rào vòng cung canh gác của trại Đồng Phú, ban ngày Nguyễn Lê tìm hang hốc, lùm cây dùng lá khô, cây cỏ phủ lấp lên người để núp. Tối đêm thứ ba, sau ba ngày vượt bộ, thiếu ăn, thiếu ngủ, Nguyễn Lê đã mệt mỏi, đuối sức. Anh quyết định tìm nơi an toàn ngủ một đêm, sáng sớm tiếp tục tìm hướng vượt rừng, thay vì lần theo đường lộ. Khoảng mười giờ đêm, bỗng đâu như có bàn tay người nào vỗ vào vai anh, bảo thức dậy. Anh mở mắt. Hai vệt đèn từ đàng xa rọi lại, chiếu xéo qua chỗ anh nằm cách mấy mét. Rồi một vệt sáng quét thành vòng cung. Vệt sáng lại quét xéo theo hướng cũ, mỗi lúc môt gần. Anh nằm im bất động. Tiếng sột soạt gần thêm. Vệt sáng xa dần về phía trước. Nguyễn Lê nghe rõ tiếng Hùng Lé:
           
- Tao không tin là nó đã trốn thoát. Nó vẫn ở trong khu rừng này. Không lẽ mình chịu thua nó. 

Tiếng “Dữ đầu bò” đáp lại:

- Có thể nó đợi mình chán nản, rút về rồi nó mới đi. Biết đâu nó đã đi thoát rồi. Mà mình chịu thua nó có sao đâu. Tụi nó đâu làm hại gì mình. Tao khổ quá rồi. Ba đời ở đợ, ba đời làm mướn mới được khoác cái áo công an. Hãnh diện đéo gì. Ngày vác súng theo tụi nó dạo khắp ngoài đồng tám tiếng, đêm về ôm súng gác ngoài phòng giam, nghe tụi nó cười nói, ngửi mùi thức ăn thơm lừng trời do gia đình tụi nó tiếp tế... hết chịu nổi. Mày hăng hái cứ tiến lên đi, bắt được thằng phạm này sẽ được bình bầu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến kì này. Tao...
           
Dữ đầu bò bỏ lửng câu... Hùng Lé quát lên giận dữ. Âm thanh sắc nhọn, nặng trịch, lạc lõng giữa rừng hoang trong đêm vắng:

- Đồng chí, Câm miệng lại!      

Nguyễn Lê nghe giọng nói của một người thứ ba.

- Đề nghị các đồng chí im lặng và tiếp tục nhiệm vụ.

Người lính thứ ba đổi giọng thân mật hơn.

- Biết đâu nó cũng sẽ chết giữa rừng như người con gái trước đây. Anh Hùng còn nhớ con Oanh, con nhà sĩ quan ngụy ấy không?
           
Hùng Lé không trả lời. Người lính thứ ba nói tiếp:

-  Mất ba ngày đêm rồi, đói cực thấy mẹ. Nếu tóm được tao sẽ cho nó vài ba chục cái báng súng. Thử xem nó cứng đầu đến đâu.
           
Lần này Hùng Lé đáp lại tàn nhẫn hơn:

- Cho nó vài viên kẹo đồng là xong. Đánh đấm làm gì cho mệt sức.
           
Tiếng nói, đối đáp trong câu chuyện của họ mỗi lúc một xa dần rồi khuất hẳn. Nguyễn Lê nghe nhẹ hẳn nơi vòm ngực, tỉnh táo trở lại. Anh trở người, tìm thế nằm thoải mái hơn.

Mấy tiếng đồng hồ sau, Nguyễn Lê nghe tiếng một người con gái:

- Anh Lê, thế là anh đã qua được một lần hoạn nạn. Em đã dõi theo từng bước anh trong suốt ba ngày qua. Trước đây tù trốn trại, công an chỉ đi truy nã nhiều lắm là ba ngày. Lần này họ sẽ đi lâu hơn. Đã có người áo vàng giả dạng đón anh ở nhà và các gia đình bà con, hàng xóm của anh. Ngày mai anh đi về hướng Đông Nam, đi khoảng ba cây số sẽ gặp một con suối cạn. Nhìn sang phía bên kia có một lối mòn trên sườn múi. Anh băng qua con suối, men theo lối mòn đó, đi mãi sẽ gặp một căn nhà tranh. Anh vào gặp một người đàn bà, xin họ một bộ quần áo, ăn uống xong ra đường đón xe về Sài Gòn, nhưng không được về nhà. Sau đó anh nên đi xa như đã quyết định.
           
Nguyễn Lê tiến lại gần cô gái. Nàng là một thiếu nữ nhan sắc tuyệt đẹp, đang ngồi trên một khúc cây, tóc xõa che nghiêng một phần khuôn mặt. Nguyễn Lê nói trong ấp úng:

- Xin cho biết cô là ai mà có mặt ở đây, giờ này? Sao cô lại tổn hao công sức với tôi như vậy. Nếu sau này tôi được yên ổn, làm sao tôi có thể biết để đền tạ ơn cô.

Giọng người con gái vẫn thều thào như tiếng gió:

- Anh đã từng gặp gỡ và tâm sự với Trúc Vân. Em và Trúc Vân không phải là người xa lạ.

- Thế ra cô là Oanh, bạn của Trúc Vân? Oanh ngẩng mặt nhìn Nguyễn Lê. Cặp mắt to tròn và sáng rỡ. Giọng như thều thào, hối thúc:

- Anh đi đi. Đi mau lên. Đã hết giờ hạnh ngộ. Đi mau lên!
           
Nguyễn Lê giật mình như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ. Anh không biết là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao, hay vừa qua một cuộc tiếp xúc thật sự với người thiếu nữ. Anh ngồi lên. Hai tay ôm lấy đầu gối. Cả chân mình lạnh buốt, run rẩy. Tiếng gió hòa lẫn âm thanh hỗn độn của côn trùng, giữa rừng khuya hoang vắng làm anh thêm rợn người. Anh trấn tỉnh, ôn lại diễn biến những gì đã hiển hiện mà như một giấc chiêm bao. Hình ảnh người thiếu nữ như mẩu người trong một truyện liêu trai mà anh đã đọc hồi nào. Đúng nàng là hiện thân của Oanh, bạn của Trúc Vân. Phải, Trúc Vân đã kể cho anh nghe về người bạn xấu số đó. Anh đã được quý nhân dẫn đường, phù hộ. Nguyễn Lê lấy lại bình tĩnh và nghị lực. Ngồi im một lúc, nghe ngóng, anh đứng lên quay về hướng Đông Nam, miệng lâm râm khấn nguyên. Rồi anh bước đi. Phía sau lưng hai con bìm bịp kêu dồn, nhỏ dần rồi im tiếng. Khu rừng chìm vào màn đêm tịch mịch, vắng lặng.

            **
Hai mươi ba ngày sau, kể từ hôm Nguyễn Lê trốn trại, bà Thanh Thảo nhận được một lá thư từ trại tỵ nạn Paulo Bidong gửi về qua địa chỉ của người dì họ. Cầm bì thư, nhìn tên và địa chỉ người gửi, bà Thanh Thảo sửng sốt như đang trong mơ. Bà cẩn thận lấy kéo cắt vội phong bì. Mở trang thư, bà đọc theo từng nét chữ, hơi thở dồn dập.
           
Chị Thanh Thảo thân yêu, 
      
Sau gần một tháng, kể từ hôm em quyết định trốn khỏi trại tù Đồng Phú, hôm nay em đã đến đây, dưới bầu trời rộng mở. Chắc chắn là từ đây em sẽ được thực sự làm người và được sống một cuộc sống ý nghĩa. Em đã lựa chọn một lối thoát với đầy phiêu lưu, bất trắc, và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi nay, thành bại, kể cả mạng sống  của mình, vì sự đày đọa trong các trại tù cải tạo đã quá sức chịu đựng của con người. Em đã giấu diếm ý định với mọi người là để giữ an toàn và không gây phiền lụy cho ai. Xin chị chuyển lá thư kèm, cho em tạ lỗi và báo tin mừng đến ba má.
           
Em không biết nói gì, viết gì trong lúc này về chị và gia đình. Cuộc đời của em đã có lại bình minh ở chân trời trước mặt. Còn chị? Còn biết bao người khác... Chị vừa lập gia đình chưa được hai năm, anh chị đã phải xa nhau. Em còn nhớ ngày anh xách gói ra đi, trong anh đầy ắp niềm tin thơ ngây vào cái thông cáo “đi học tập một tháng.” Đã hơn ba năm rồi, anh vẫn biền biệt. Mỗi năm một vài lá thư anh viết gượng gạo, e dè, có đủ làm niềm tin cho những tháng năm đợi chờ của chị? Ba má ngày một già thêm trong nỗi buồn héo hắt. Em rời bỏ cả thiên đường tuổi thơ ra đi, rời bỏ tổ ấm gia đình để đầu thai vào địa ngục trần gian. Để thoát khỏi địa ngục đó, em lại phải rời bỏ xứ sở thân yêu, rời bỏ tất cả mà bỗng chốc cơ hồ như bội bạc, như xua đuổi, như vong ân.
           
Trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào mà người dân phải bỏ xứ ra đi không kịp nói lời từ biệt, không kịp nhỏ giọt nước mắt khóc cảnh chia lìa. Ra đi trong nỗi háo hức được ra đi. Ra đi không biết đi về đâu, ra đi không hẹn ngày trởi lại. Ra đi như không còn nuối tiếc, như không còn bịn rịn. Ra đi, bỏ lại đàng sau tất cả... gia tài, sản nghiệp, cha mẹ, anh em, quá khứ, kỷ niệm, thành phố, xóm làng, đất nước, quê hương... bỏ tất cả để trốn chạy chính những người anh em, đồng bào của mình.
           
Trong dòng nghịch lũ ấy, em đã phải ra đi, như ba mẹ chúng ta đã phải ra đi từ năm 1954, như vạn vạn người ra đi năm 1975, như bao người đã ra đi, đi dân công, đi sinh Bắc tử Nam, đi vào tù cải tạo, đi kinh tế mới, đi xuống biển, đi lên rừng... Và cứ thế, em tin rằng trong dòng người bị xua đuổi ra đi, như mãn nguyện ấy sẽ có anh chị, sẽ có những bà cụ già, sẽ có những em bé, sẽ có những bác sĩ, những kỹ sư, sẽ có những chuyên gia, những trí thức … những mảnh đời trôi giạt cùng cả một nước non đang trên đà trôi giạt trong cơn lũ nghịch thường này ... còn lại trên đất nước một bãi hoang lịch sử của một thời hoang dã cuối thế kỷ hai mươi.
           
Em cầu xin cho anh chị, cầu xin cho gia đình, cho dân tộc, cho đất nước sớm qua cơn đại nạn này.

Song Nhị