Mùi Hoa Bưởi - Song Nhị
truyện
Tặng
bạn Lê Văn Trưởng
Để nhớ Biên Hòa thuở ấy
Nghe lời cha mẹ, về làm
dâu nhà họ Từ từ năm 16 tuổi, cái tuổi đang tràn đầy thơ mộng. Chồng nàng – Từ
Ngạc chỉ là một thanh niên ít học tính tình lêu lỏng, ham chơi bời, nhưng lại
hay ghen. Bạch Hoa không yêu chồng, nhưng bổn phận làm vợ bắt nàng phải tuân
theo những đòi hỏi của Từ Ngạc.
Bốn năm sau cha mẹ
chồng mất, từ đó Từ Ngạc không có ai kiềm giữ trở thành kẻ bài bạc, rượu chè
say sưa tối ngày. Rồi những đứa con của vợ chồng nối tiếp nhau ra đời ngoài ý
muốn của Bạch Hoa. Nàng biết những đứa con nàng sau này sẽ khổ vì có một người
cha cờ bạc, rượu chè, không lo lắng gì cho vợ con. Đã nhiều lần nàng muốn quyên
sinh hay đem con đi thật xa, nhưng làm như thế, vô tình nàng đã để lại những
tiếng xấu cho cha mẹ nàng. Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn cho con mình được sung
sướng. Nhưng chẳng may gặp phải người chồng chẳng ra gì, cũng đành phải ráng
cắn răng mà chịu đựng. Hơn nữa, nhưng đứa con của nàng nào có tội tình gì để phải
chịu đựng sống chung với một người chồng bạc ác và không có trách nhiệm. Chưa
bao giờ nàng nhận được nơi Từ Ngạc những lời nói dịu dàng, những cử chỉ thân
ái. Có chăng chỉ là những lời chửi rủa thô lỗ tục tằn và những trận đòn tơi tả.
Cuộc đời làm vợ của nàng nước mắt dài hơn năm tháng. Bởi vậy sắc đẹp cũng phai
dần, tính tình nhí nhảnh, yêu đời của cô bé Bạch Hoa ngày nào giờ đây đã mất,
nhường lại cho những nét u buồn vời vợi trên khuôn mặt, trên thoáng nhìn của
nàng.
Bạch Hoa ước ao được
sống lại với những ngày xưa êm đẹp. Kỷ niệm thời con gái thơ mộng đã sớm chết
trong ngày nàng bước chân lên xe hoa. Những bạn học cũ, nhất là bạn trai khi
tình cờ gặp lại, Bạch Hoa cũng phải làm ngơ. Một phần, vì nếu chồng nàng bắt
gặp, tức thì hắn sẽ cho là nàng có tình ý với người khác, thế là những trận đòn
thù diễn ra không ngớt. Phần khác, Bạch Hoa tự nhiên thấy tủi thẹn cho phần số
không may của mình, nên nàng không muốn gặp lại bạn bè. Những cô bạn gái cùng
lớp với nàng ngày xưa, giờ đây ai cũng có hạnh phúc, được chồng yêu quý, nuông
chiều. Chỉ có nàng là một kẻ không may mắn trên đường duyên nợ.
Bạch Hoa cứ nghĩ đến số
phận của mình, nàng lại ứa nước mắt. Suốt những tháng năm làm vợ, chưa bao giờ
nàng được tận hưởng những phút giây khoái cảm với chồng. Nàng ghê sợ hơn là
thích thú. Những lúc gần gủi chồng, nàng như thấy cả một cực hình. Nàng thích
được ve vuốt, dịu dàng. Trái lại, Từ Ngạc như một con hổ đói vồ lấy con cừu non
trong cơn thèm khát. Bàn tay thô nhám sần sùi của Từ Ngạc càng làm cho nàng
kinh sợ hơn. Những lần thua cờ bạc, hắn trở về nhà biến gia đình thành cái địa
ngục. Hắn đánh đập vợ con không có một chút thương xót. Hàng xóm làng giếng
không ai dám đến can ngăn. Nếu là đàn bà, hắn sẽ buộc cái tội bênh vực để dụ dỗ
Bạch Hoa, hoặc can thiệp vào chuyện nhà cửa hắn. Còn đàn ông, nếu nhảy vào nói
điều phải trái cho hắn nghe, thì sẽ bị hắn vu cho cái tội muốn cướp vợ hắn. Bởi
vậy ai cũng ngán, mặc cho hắn đánh đập Bạch Hoa chán thì thôi...
Năm ấy, Bạch Hoa quen
với một người đàn ông ở xa đến đây lập nghiệp, tên là Thiên Tứ. Khi biết chuyện
của nàng, Thiên Tứ đã tìm lời an ủi và giúp đỡ nàng. Rồi hơn năm sau, tình cảm
của Bạch Hoa tưởng như đã chết sau ngày nàng lên xe hoa về nhà chồng, chợt sống
dậy một cách mãnh liệt. Nàng đã yêu Thiên Tứ. Những lúc ngồi một mình bên tủ
thuốc lá lẻ bên vệ đường, Bạch Hoa đã để mặc cho tư tưởng vẽ ra biết bao nhiêu
cảnh thơ mộng nếu nàng được làm vợ Thiên Tứ, người đàn ông có cái nhìn lơ đãng
xa xăm sau làn kính cận thị, có giọng nói trầm ấm, dịu dàng đã làm cho Bạch Hoa
xúc động. Gương mặt phong trần, già dặn của Thiên Tứ đã cuốn hút nàng, làm cho
Bạch Hoa hồi hộp, nhớ nhung. Giờ đây hơn 30 tuổi đầu, Bạch Hoa mới biết thế nào
là tình yêu. Những lúc gần gũi với chồng, nàng luôn luôn nhớ đến Thiên Tứ và
tưởng như đang cùng chàng dìu nhau đến một cảnh giới lạc thú xa xăm. Nhưng khi
chợt tỉnh, dưới ánh đèn ngủ, nàng mới biết là thực tế phũ phàng. Lúc ấy nàng
gọi tên Thiên Tứ thầm trong tâm tưởng.
Còn Thiên Tứ, qua ánh
mắt của Bạch Hoa, chàng cũng đã nhận ra rằng; nàng đang yêu mình! Yêu một cách
say đắm như tuổi mới lớn lên! Thiên Tứ cũng yêu nàng! yêu cái khổ đau của nàng.
Yêu cái dáng vẻ hiền từ chịu đựng của nàng. Nhưng chàng không dám để lộ ra một
cử chỉ hay lời nói nào để cho nàng đoán biết là chàng cũng yêu nàng, vì dù sao,
giữa hai người đang có những hoàn cảnh ngăn cách: nàng đã có chồng con! Còn
chàng, cũng đã có gia đình, vợ con chàng đang ở nước ngoài. có một vài lần,
trong những câu chuyện giữa hai người, Thiên Tứ vô tình đã gọi nàng là “em”,
mắt Bạch Hoa sáng lên, một cảm giác lâng lâng tỏa chiếm lấy tâm hồn nàng. Nhưng
khi nghe thiên Tứ sửa lại, gọi nàng bằng “Cô Ba” và xưng “tôi”, nàng thấy bẽ
bang, buồn tủi.
Bạch Hoa tự trách thầm
chàng: Hãy gọi là “em” đi anh? Sao anh hững hờ với em như thế? Em đã yêu anh và
chờ đợi tiếng yêu đương ngọt ngào mà chỉ có vị đắng đọng mãi ở trên môi! Hãy
nói yêu em đi! Hãy nói yêu em đi! Nếu không yêu em vì có những cách ngăn do
hoàn cảnh thì cũng cứ gọi em là “em” đi. Gọi như thế để em nghĩ rằng cuộc đời
em cũng đã một lần được yêu! Trời ơi, sao trời không cho chúng con gặp nhau từ
trước, từ kiếp trước hay ở kiếp này. Anh ơi, em cứ tự đánh lừa mình như thế –
dù rằng chúng ta đã yên bề gia thất, dù cái gia thất mà em đang có chỉ là cái
địa ngục không hơn không kém!
**
Trong nhà thương, Bạch
Hoa buồn hiu hắt. Bác sĩ vừa mổ xong cho nàng sáng hôm qua. Bạch Hoa bị bít hai
mạch lệ. Do đó, nàng đã phải mổ mắt. Một tuần lễ nữa mới được mở băng. Bây giờ,
trước mắt nàng là cả một màn tối mông lung. Hai đứa con nàng, một ở xa và bận học
cho kỳ thi sắp tới. Chỉ có đứa con gái lớn đến thăm nàng ngày Chủ nhật, tới
chiều nó phải quay về để cơm nước cho đứa em hai tuổi. Chồng nàng đã được một
người anh em gọi đi làm “phụ xế” nên hàng ngày phải đi làm từ 5 giờ sáng, mãi
tốt mịt mới về. Biết là nàng sẽ bị mổ mắt, nhưng chồng nàng – Từ Ngạc, cũng
chẳng quan tâm, hắn đưa nàng tới nhà thương rồi bỏ ra về. Nàng ao ước có một
người bên cạnh trò chuyện trong lúc này. Nhưng không có ai là người thân quen
đến thăm.
Giữa lúc nằm trên
giường bệnh mà tủi hờn cho số kiếp, chợt có tiếng nói ở bên cạnh nàng:
- Cô Hoa, tôi tới thăm
cô đây.
Bạch hoa xúc động đến
bàng hoàng khi nghe giọng nói ấm áp của Thiên Tứ. Cô đưa tay ra như ý muốn nắm lấy
cái phút giây hạnh phúc thực sự khỏi bị vuột mất. Thiên Tứ hiểu ý liền cầm lấy
tay cô, hỏi tiếp:
- Sau khi mổ, cô có
thấy khó chịu lắm không?
Bạch Hoa nghẹn ngào,
nói trong hơi thở đứt quãng:
- Anh Tứ! Anh đã đến
thăm em?
- Vâng, tôi đã đến thăm
cô! Cô hãy cứ nằm yên, đừng xúc động. Đừng ngồi dậy, làm vết thương lâu lành.
Cô có đau nhúc, khó chịu lắm không?
- Cám ơn anh! Sau khi
bị mổ, chỉ thấy hơi nhức nhối một chút thôi. Vì bị băng kín, nên không được
nhìn ngó ra ngoài nên hơi khó chịu. Sao anh biết em ở phòng này? Anh về Sài Gòn
bao giờ vậy anh?
- Tôi mới về Sài Gòn
buổi trưa hôm nay, vội tới đây thăm cô ngay. Sở dĩ tôi biết cô nằm phòng này là
vì bữa qua gặp đứa cháu lớn, hỏi nó nên mới biết đó thôi.
Thiên Tứ nhìn bàn tay
của người thiếu phụ, chàng cảm thấy xót xa. Móng tay cùn nhụt vì giặt giũ, vì
làm lụng khó nhọc. Tuy vậy, vẫn không giấu được nét đầy đặn, mềm dịu của đôi
bàn tay đẹp của thời con gái. Vành môi của nàng vẫn còn những nét quyến rũ gọi
mời. Giờ đây Thiên Tứ tha hồ nhìn ngắm diện mạo của nàng mà không sợ nàng bắt
gặp vì đôi mắt đã băng kín.
Bạch Hoa nói rất nhỏ
như sợ có ai nghe thấy:
- Từ hôm vô đây, nằm
một mình, không có ai bầu bạn thăm hỏi, em tủi thân quá. Em luôn luôn nghĩ đến
anh và cầu mong có anh vào thăm. Không ngờ hôm nay anh đến với em, làm em vui
mừng và xúc động nhiều lắm. Chị và các cháu vẫn mạnh khỏe hả anh?
- Cám ơn cô, nhà tôi và
các cháu vẫn thường. Tôi vừa nhận được thư hôm qua.
- Tại sao anh cứ gọi em
là “cô” hoài vậy? Em không xứng đáng là “em” của anh hay sao?
- Tôi sợ người ta hiểu
lầm, sẽ phiền phức cho cô!
- Em quả thật là người
đàn bà bất hạnh!
Thiên Tứ đặt tay nằng
xuống giường rồi khẽ nói:
- Đừng bi quan... em ạ!
Ở đây có ai là người hạnh phúc hoàn toàn đâu. Dù sao... em vẫn còn những kỷ
niệm đẹp. Hãy nâng niu nó để mà chống chọi với hiện tại phũ phàng. Tương lai
của em đã có gì nói lên là không đẹp, là đen tối đâu? Chúng ta hãy hy vọng.
Bạch Hoa thở dài:
- Nhưng với em, như thế
là hết hy vọng rồi!
Thiên Tứ lại tìm đến
bàn tay của nàng và xoa nhẹ nhẹ:
- Anh đã nói với em
rồi. Đừng bi quan. Hay vui mà sống! Phấn đấu mà sống.
- Sống, rồi sau đó để
được cái gì hả anh?
- Được một niềm vui là
lo toan cho con cái nên người.
- Con cái nên người!
Điều đó được rồi. Nhưng phần em, chả lẽ em không có lấy được một lần sung sướng
hay sao?
- Ý em muốn ám chỉ điều
gì?
- Vâng. Ý em muốn nói
lên cuộc đời của một người con gái bất hạnh trong tình yêu. Vừa mới lớn lên,
chưa được nếm mùi vị ngọt ngào của tình ái thì đã vội vã theo lời cha mẹ đi lấy
chồng. Từ đó, người con gái trở thành một thứ đồ giải trí cho một tên đàn ông
cục mịch, vũ phu, thô lỗ. Em đã sống những tháng năm thiếu thốn, tủi buồn. Sự
thiếu thốn của vị ngọt tình yêu. Hơn ba chục tuổi đầu, có chồng, có con, thế mà
tình yêu là cái chi chi em nào được biết!
Thiên Tứ nhìn nàng tội
nghiệp:
- Em hãy yên tâm an
dưỡng. Những chuyện đó...em còn trẻ, cuộc đời còn đường dài, hứa hẹn...
Bạch Hoa nói hơi lớn
tiếng:
- Một phút giờ qua đi
là sẽ không trở lại. Anh! Em yêu anh! Điều đó chắc chắn anh đã hiểu rồi! Yêu
anh, nhưng không hy vọng được làm vợ anh và em số phận đã định rồi. Nhưng ai
cấm em không được yêu anh. Chính tình yêu: đó là cây gậy thần để em chống đỡ mà
bước đi cho đến ngày hôm nay.
Thiên Tứ im lặng thật
lâu vì chưa biết giải bày với nàng như thế nào, thì chợt cô y tá bưng khay
thuốc bước vào, mời Thiên Tứ ra ngoài để nàng chích thuốc cho bện nhân. Nhân cơ
hội đó Thiên Tứ cáo từ Bạch Hoa ra về.
Hai ngày sau Thiên Tứ
lên Biên Hòa thăm vườn bưởi. Chàng đến thăm Bạch Hoa trước khi rời thành phố.
Nàng đã nắm chặt lấy bàn tay Thiên Tứ, giọng thổn thức:
- Khi về trên nhà, anh
biết anh sẽ không tiện đến thăm em. Giờ đây, anh hãy nói đi: Anh có yêu em
không?
Thiên Tứ nhìn ra cửa
phòng bệnh, không thấy ai, chàng cúi xuống hôn lên trán nàng. Hai cánh tay Bạch
Hoa ôm ghì lấy cổ chàng kéo xuống, những bờ môi chạm nhau... Chàng thấy toàn
thân nàng chao động.
Bạch Hoa buông lỏng
vòng tay, nói với chàng:
- Cám ơn anh đã chuyền
cho em một sinh lực. Thôi, anh về đi thăm vườn bưởi của anh đi. Khi về nhớ hái hoa
bưởi cho em nhé. Em thích mùi hoa bưởi và màu trắng tinh khiết của nó. Mùi thơm
hoa bưởi có hấp lực mãnh liệt. Hoa bưởi quyện vào cả thời con gái của em. Mùi
thơm hoa bưởi cứ phảng phất nồng nàn, bất tận. Một mai chết đi, em sẽ mang theo
mùi hoa bưởi. Và nếu có khi nào đó anh còn nghĩ đến người em bạc phước này, xin
anh đến viếng mộ em. Nhớ mang hoa bưởi cho em nhé. Bao giờ anh trở lại? Hết
tuần này em cũng xuất viện. Biết đến khi nào em sẽ gặp lại anh.
Không ngờ cái hôn duy
nhất ngay trên giường bệnh, hôm Thiên Tứ đến thăm ấy là lần cuối cùng nàng được
hưởng vị ngọt của tình yêu. Chưa đầy tháng sau đó, nàng đã chết vì bị chồng
đánh đập, xô đẩy, té trừ trên căn gác xuống nền nhà.
Đám ma Bạch Hoa thật
thảm đạm. Một chiếc xe tang với mấy chục người quen biết đi đưa nàng đến nơi an
nghỉ cuối cùng. Ba đứa trẻ khóc ngất bên quan tài của mẹ. Từ Ngạc đã bị bắt
giam ngay sau khi án mạng xẩy ra, nên không có mặt trong đám tang của vợ. Thiên
Tứ âm thầm đi sau đám người rời rạc đó. Lòng chàng đau đớn, xót xa cho một cuộc
đời mệnh bạc, ngắn ngủi. Khi mọi người ra về hết, chàng còn ở lại, đứng thật
lâu ở cuối mộ nàng, miệng chàng lẩm bẩm: Thế là hết rồi những ước mơ của một
người con gái, của một đời thiếu phụ! Rồi chàng nói như tin rằng linh hồn nàng
đang luẩn quất đâu đây:
- Bạch Hoa ơi! Đã hết
rồi những khổ đau mà em phải gánh chịu. Hết luôn rồi những gì mà em đã ước mơ!
Hãy ngủ yên đi, người em bất hạnh! Nấm mộ này sẽ ngàn năm ôm ấp thân xác của
em. Và bầu trời cao rộng kia sẽ là nơi em đến đó cho linh hồn yếu đuối nhưng
đầy dịu dàng của em thanh thoát. Những đứa con của em, anh sẽ tìm cách giúp đỡ
để chúng có một tương lai tốt đẹp như khi sinh thời em thường ao ước, nếu cha
chúng không còn tình thương đối với chúng. Ngày mai anh sẽ trở lại và sẽ mang
thật nhiều hoa bưởi cho em.
Từ đó cứ một hai tuần
hay vài ba tháng, Thiên Tứ lại mang hoa bưởi đến viếng mộ nàng.
Ngày Thiên Tứ rời Việt Nam ,
xuất cảnh đoàn tụ với gia đình, anh mang thật nhiều hoa bưởi đến phủ lên mộ
Bạch Hoa và nói lời vĩnh biệt. Mùi hoa bưởi như là tình yêu, như là quê hương
cứ quyện lấy tâm hồn, phảng phất theo Thiên Tứ suốt những năm tháng sống tha phương
lưu lạc.
Song Nhị