Tuesday, December 9, 2014

Giấc Mơ Màu Nhiệm - Song Nhị
truyn


Ở phía đông rừng Tân Hưng có một người đàn ông làm nghề đốn củi đốt than. Vợ con anh vượt biên bị bắn chết năm ngoái. Nhà cửa, tài sản của anh đã bị tịch thu trong phong trào xóa tên tư sản. Trước kia vợ anh có một hàng xuất nhập cảng tơ lụa. Anh bị đuổi đi vùng Kinh Tế mới với hai bàn tay trắng. Hàng ngày anh phải vào rừng đốn củi phát hoang để lấy đất gieo
trồng. Để được một công hai việc, anh làm một lò hầm than hầu kiếm tiền tạm sống qua ngày. Xung quanh anh, vùng rừng Tân Hưng, mọi người đều cùng cảnh ngộ. Khác nhau là nhiều người có vợ con gia đình. Anh sống thui thủi một mình, không bạn bè, không quyến thuộc. Mới trên bốn mươi tuổi mà thoạt nhìn, người ta có cảm tưởng anh đã già xấp xỉ sáu mươi.

Bên mé tây cánh rừng, cách nơi anh ở có một túp lều nhỏ sơ sài, xập xệ. Chủ nhân là một cô gái hai mươi ba tuổi, tên là Hồng Cúc. Nàng là con gái duy nhất của nhà đại doanh nghiệp Mai Văn Hường. Cha mẹ nàng đã tự tử, chết sau khi bị giam cầm, cơ nghiệp tan tành, không còn gì để cho gia đình sinh sống. Hai đứa em trai nàng được bạn bè móc nối vượt biên cũng mất xác ngoài biển khơi. Còn nàng bị địa phương đuổi ra ngoài vỉa hè để giao nhà cho một ông cán bộ tên là Gạc. Sau cùng nàng bị đẩy đi vùng kinh tế mới. Quá đau khổ vì tuyệt vọng, nhiều lần Hồng Cúc muốn quyên sinh. Nhưng rồi nghĩ lại làm như thế Tổ Tiên sẽ không còn người lo việc hương khói, bất hiếu với cha mẹ nên nàng cắn răng chịu đựng mà sống trong tủi nhục.
Từ khi lên đây, nàng ăn toàn rau dại, củ mài và uống nước suối. Mỗi lần kiếm được gánh củi, nàng đem ra mé rừng, đến nơi có con đường xe đò qua lại, bán cho tài xế và chủ xe để lấy tiền mua khoai mì, đong ký gạo. Từ lều nàng ở ra tới đường xe chạy cách xa gần mười cây số. Xa nhưng phải tới đó mới có người mua. Ở chỗ nàng ai cũng có củi nhưng gạo tiền, khoai sắn không ai có.

Hồng Cúc có nhan sắc lại đang độ xuân thì. Nhan sắc đó không đến nỗi làm “Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình”, nhưng trăm cô gái chỉ có vài cô dám sánh kịp. Ở chốn heo hút này sắc đẹp là thứ có thể tạo thêm hiểm nguy cho nàng. Do đó Hồng Cúc phải lấy bùn đất thoa lên mặt. Tóc dài không chải. Áo quần lếch thếch, lôi thôi. Nói năng nàng làm ra vẻ cô gái quê mùa khờ khạo. Nhìn nàng ai cũng nghĩ đó là một thiếu phụ đã ngoài ba mươi. Một đêm, nàng mộng thấy cha mẹ hiện về. Nàng khóc ngất. Cha mẹ nàng cũng khóc. Một lát sau cha nàng bảo:

- Con không thể sống ở đây một mình được. Ngày mai con đi về hướng đông. Nếu gặp một người đàn ông đốt than, con hãy xin ở lại với người ấy. Sau này con và người ấy sẽ thành vợ chồng. Không lâu nữa đâu cả hai đứa con sẽ về lại Sài Gòn, sẽ thành gia thất. Lúc đó con nhớ đem hài cốt cha mẹ về lại Long An mà chôn cất. Các con nhớ làm đơn xin Ủy Ban mấy thước đất hương hỏa mà làm nơi an táng cho cha mẹ.
Nói xong, cả hai cha mẹ nàng biến mất.

Cùng đêm ấy, Trần Thắng đang ngủ cạnh lò than cũng mộng thấy một ông già có khuôn mặt phúc hậu, đi cùng với một người đàn bà lớn tuổi đến nói với chàng:

- Lão là một người khách lạ, nhưng đừng sợ. Lão không hại anh đâu. Lão, gia đình lão cũng là nạn nhân của thời thế như anh vậy. Lão muốn nói với anh, ngày mai sẽ có một người con gái đến đây. Nàng là vợ anh đấy. Hãy thương yêu và đùm bọc lấy nàng. Sau này người đó sẽ giúp anh được nhiều việc.
Sáng hôm sau Trần Thắng ngồi đợi người trong mộng. Hết buổi sáng, xế trưa rồi đến xế chiều. Một người đàn bà từ phía rừng xa đi lại. Trần Thắng đứng dậy, bước tới vài bước, cúi chào và nói:

- Thưa bà... à... cô. Tôi đợi cô ở đây đã lâu rồi.
Thiếu phụ nhìn Trần Thắng, ấp úng:
- Thưa bác, Bác đợi cháu có chuyện gì ạ.
Trần thắn lúng đúng:
- Tôi...tôi cũng không biết tại sao lại phải đợi cô ở đây nữa.

Chàng phải nói như vậy. Chàng không muốn kể câu chuyện chiêm bao, mặc dù mộng đã tựa hồ như thực. Người đàn bà được báo mộng đã đến đó, đã đứng trước mặt chàng. Trông nàng có vẻ gọn gàng, nhưng gương mặt hơi xanh và lem luốc. Thoáng qua đã thấy cặp mắt to, đen nháy với hàng di dài cong vút. Vầng trán cao rộng tỏa rõ nết thông minh của nàng. Nhưng mái tóc lại rối bù, xõa nặng, tăm tối, mệt nhọc.

Hồng Cúc đã đến đây theo lời báo mộng của cha mẹ nàng. Nàng bước đi như để tìm một sự chiêm nghiệm đối với tâm linh. Như để biểu lộ sự vâng lời mà ngày trước, lúc sinh thời, cha mẹ nàng chưa bao giờ phật ý vì nàng. Và biết đâu, nàng nghĩ, đi tìm một sự thoát thân khỏi cảnh đời nghiệt ngã của hiện tại. Nàng mỉm cười khi hình dung đến một thanh niên tuấn tú, khỏe mạnh... Nhưng rồi, nàng cúi xuống, nhìn quâng quơ những bông hoa dại phất phơ trong cơn gió nhẹ cuối chiều. Trước mặt nàng là một ông già. Một ông già mặt mũi dính đầy bụi than, râu tóc phờ phạc. Hai bàn chân dính đầy bụi đất trong đôi dép râu nặng trịch. Nàng định quay trở về. Tùp lều trống trải, lạnh lẽo, cô đơn và hoang vắng. Đường xa. Trời lại sắp hoàng hôn. Nàng đứng sững giữa ngã ba đường lựa chọn. Tiến thoái lưỡng nan. Nàng thầm nghĩ: nếu đúng như giấc mộng, nếu ông già này là chồng mình thì thà ở giá còn hơn.
Trong lúc ấy Trần Thắng nghĩ thầm: Đó đúng là thần linh báo mộng? Người đàn bà đã đến đây.

Làm sao để bao bọc được cái mụ nhà quê này? Mụ này sẽ là vợ mình à? Mụ sẽ giúp mình nhiều việc sau này sao? Trần Thắng lẩm bẩm: Thần linh ôi! Có đúng vậy không?
Cũng như Hồng Cúc, Trần Thắng suy nghĩ miên man. Mặt trời đã chìm sâu dưới mé rừng. Ánh sáng dần dần mờ nhạt. Làm sao bây giờ? Để người đàn bà này ở lại? Hay tiếp tục bước đi, thật không tiện. Thật không muốn. Bỗng nhiên chàng buột miệng:

- Trời tối rồi. Nhà cô có xa lắm không? Hay mời cô nghỉ qua đêm, mai sáng hãy về. Tôi mời cô bằng lòng thành và không chút ẩn ý.
Nãy giờ Hồng Cúc hoang mang lo sợ. Nàng đã lâm râm khấn vái vong linh mẹ cha phù hộ cho nàng. Nàng khẽ gật đầu:

- Cảm ơn ông. Xin ông cho tôi được ngồi bên lò than trọn đêm nay. Tôi lỡ đường. Ngày mai tôi sẽ trở về túp lều của tôi, ở mé rừng bên kia.
Trần Thắng dọn cơm ra mời mãi. Hồng Cúc từ chối. Trần Thắng ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng hai người trao đổi vài câu thăm hỏi về nhau, về hoàn cảnh của họ. Cả hai chỉ trả lời một cách bâng quơ.

Sáng hôm sau, hình như không ai hiểu ai; không ai hiểu được việc mình làm. Đúng là chuyện chiêm bao. Khi Hồng Cúc ra về, Trần Thắng nói với nàng:
- Tôi ở đây một mình và cô có lẽ cũng không có người thân thuộc bên cạnh. Chúng ta là những kẻ bất hạnh và cô đơn, những kẻ bị đẩy xuống dưới lớp tận cùng của xã hội để kẻ khác từ bóng tối, từ rừng rú đứng ra tự nhận sứ mệnh cứu người, nói chuyện văn minh. Tôi làm nghề đốn củi nung than nhưng tôi có lòng tự trọng, có liêm sỉ của một con người. Không biết tôi có thể giúp đỡ cô được gì. Tôi cũng mong một sự giúp đỡ từ cô. Trong cảnh ngộ khốn khổ cay nghiệt này, mong rằng chúng ta có những sự giúp đỡ cho nhau.
Trần Thắng nói mà tưởng như thần linh bảo nói. Khi dứt lời, anh không ngờ chính anh đã thốt ra những câu nói đó. Anh không nghĩ anh đang trông cậy ở Hồng Cúc một sự liên hệ nào sau này. Thế nhưng, chính anh đã nói ra những gì rất chân thành.
Hồng Cúc đáp:

- Thưa bác, cháu cảm ơn bác. Được như bác nói cháu vui vô cùng. Xin phép bác cháu trở về mé rừng bên kia. Cháu đi vắng từ hôm qua thế nào tổ trưởng sản xuất cũng báo cáo lên cán bộ an ninh trong xã.
Hồng Cúc ra về. Trần Thắng tiễn nàng một quãng ngắn rồi trở lại hầm than.

**

Con gà mái Hồng Cúc nuôi từ ngày mới đến khu kinh tế mới Tân Hưng đã mất biệt dạng từ hai hôm nay. Có lẽ nó đã bị chồn cáo hay thú rừng vồ mất. Ngồi trước cửa táp lều nhìn ra, Hồng Cúc thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Tâm trí nàng chìm vào dĩ vãng. Ôi, dĩ vãng gấm hoa của một thời con gái. Dĩ vãng hạnh phúc vàng son của gia đình nàng. Cha mẹ nàng một đời từ buôn gánh bán bâng đến mua bán phụ tùng xe hơi, rồi xuất nhập cảng, rồi chủ nhân một công ty địa ốc. Bao nhiêu người nhờ cậy. Bao nhiêu người nhờ vào các cơ sở của gia đình nàng mà có công ăn việc làm, nuôi sống gia đình sung túc. Thế mà... ông bà đã phải chết một cách nhục nhã, oan khiên. Hai đứa em trai của nàng còn vị thanh niên. Tội tình gì mà cũng bỏ thây ngoài biển cả. Hồng Cúc như ngất đi. Hốt nhiên, nàng như chợt tỉnh. Nàng đứng dậy, với tay lấy chiếc nón lá và thu gọn mấy bộ quần áo bỏ vào cái giỏ xách. Nàng quyết định đến ở với ông già để khi ốm đau bệnh hoạn, người nọ có người kia. Và, trước hết để thoát khỏi nỗi cô đơn khắc nghiệt đang từng ngày, từng giờ gặm mòn tuổi trẻ của nàng. Thời thế đã cướp đoạt hết mọi thứ quý báu, thiêng liêng nhất của nàng, đã biến nàng thành một con thú hoang sống lất lây bên mé rừng cô quanh. Một lối thoát tạm thời, duy nhất mà nàng phải lựa chọn.

**

Từ ngày Hồng Cúc đến ở chung, mỗi sáng Trần Thắng vào rừng đốn củi đến xế trưa mới về. Hồng Cúc chăm sóc lò than và lo cơm nước. Mỗi người đều cảm thấy cuộc đời bớt quạnh quẽ. Sự đau nhói, dằn vật bởi những mất mát lớn lao kia cũng vơi nhẹ, khuây khỏa đôi phần.
Cái nhà Trần Thắng ở cũng chỉ lớn gấp rưỡi túp lều của Hồng Cúc bên kia mé rừng. Trần Thắng nhường cái giường bằng sạp tre cho Hồng Cúc nằm. Còn chàng lót một tấm phên đan bằng nứa bên góc đối diện để làm giường ngủ cho mình. Hồng Cúc khi nào cũng suy nghĩ về người đàn ông kia như một kẻ xa lạ, qua đường. Trần Thắng coi Hồng Cúc như một thiếu phụ đáng thương, cần giúp đỡ cho qua lúc ngặt nghèo. Họ suy nghĩ về nhau một cách trong sáng, tôn trọng. Họ lịch sự trong cử chỉ và lời nói, họ ít chuyện trò với nhau. Không hỏi nhau về dĩ vãng của mỗi người. Cả hai đều cùng một ý nghĩ rằng những ai bị buộc phải đi vùng kinh tế mới đều nằm trong ba diện: hoặc gia đình của những người có liên quan đến chế độ cũ; hoặc gia đình tư sản; hoặc thành phần tiểu tư sản trí thức thành thị. Họ đoán về nhau thuộc một trong ba diện nói trên.

Trần Thắng có vẻ bề ngoài của một người lao động cần cù, một nông dân chất phác. Hồng Cúc vẫn giữ gương mặc lem luốc, áo quần rách vá để người ngoài không ai để ý. Trong lúc nói chuyện, cả hai đều dùng những lời bình dị, tránh văn vẻ, chữ nghĩa để khỏi lộ “tông tích” của mình. Tuy vậy họ vẫn tìm hiểu ngầm về nhau. Trần Thắng, dù bề ngoài có vẻ khô cằn, già mua, nhưng Hồng Cúc vẫn nhìn thấy ở “ông già” này vẻ lịch lãm, trẻ trung, điềm đạm và trí thức. Sau một thời gian dài “theo dõi”, Hồng Cúc thấy ở Trần Thắng có cái nhìn các sự việc từ tầm xa, vững tin và cương nghị. Vầng trán cao với những nét nhăn chạy dài. Cái nhiú mày, hay những lúc ngồi lặng lẽ nhìn ra khoảng trời xanh, Hồng Cúc biết chàng đang suy tư và theo đuổi những mục đích cao đẹp.
Còn Hồng Cúc, qua những công việc hàng ngày, qua những bữa cơm, qua những lần cho củi vào lò than, những lần đi gánh nước, nàng hoạt động với một vẻ tinh nghịch trẻ thơ. Nàng đã lột dần lớp vỏ bề ngoài cô gái quê thô kệch. Ở sau nhà có một đám hoa tóc tiên mọc um tùm, mỗi ngày, khi xong công việc, Hồng Cúc ra ngắt tỉa những cành lá, vắt những nhánh dây lên cho gọn gàng, và đùa giỡn với đàn bướm trắng, bướm vàng bay lượn. Một đồi lần Trần Thắng nhìn thấy Hồng Cúc ngồi cả giờ mải mề ngắm chùm hoa, đàn bướm, mắt nhìn về khoảng trời xa mơ mộng.
Từ những nhận xét của mỗi người về nhau, họ bắt đầu cởi mở hơn. Dần dần bớt đi vẻ khách sáo, xa lạ.
                                               
**
           
Vùng kinh tế mới Tân Hưng ngày càng hoang vắng. Nhiều người đã bỏ trốn về thành phố. Một số gia đình, người chồng được bình đi dân công trồng cột mốc ở biên giới Việt - Miên, người vợ ở nhà không kham nổi việc rẫy nương, gieo trồng, phải đưa con cái về Sài Gòn đi hành khất, ngủ vỉa hè. Nhiều gia đình cũng trốn về Sài Gòn hoặc tìm về quê cũ sau khi đã chốn cất xong những đứa con đã chết vì đói, vì bệnh.

Khoảng một năm nay, ở Sài Gòn, dân kinh tế mới trốn về sống la liệt khắp cái vỉa hè. Từ đường Nguyễn Thông, khu ga xe lửa Hòa Hưng đến đường Bà Huyện Thanh Quan, quanh chùa Xá Lợi và trường nữ Trung Học Gia Long; khu Phạm Ngũ Lão và đường Lê Lai, cả dọc theo hai bên đại lộ Hàm Nghi và rải rác nhiều nơi từ Sài Gòn vào Chợ Lớn. Từng gia đình cắm dùi, chiếm một khoảng nhỏ, trải chiếu nằm dưới sương gió ban đêm. Khi trời mưa họ dùng tấm ny lông che tạm. Ban ngày người chồng ở lại giữ chỗ, người vợ và các con tỏa đi các nẻo đường, các chợ và tư gia để xin ăn.
           
Tân Hưng đúng là vùng đất khô cằn sỏi đá không thể trồng tỉa được gì. Từ ngày đến đây, những ai có thân nhân ở Sài Gòn hoặc ở nước ngoài tiếp tế tiền bạc, muối gạo thì còn sống được. Những người chỉ trông nhờ vào hai bàn tay lao động của mình thì khoai cháo cũng chẳng đủ ăn. Trần Thắng nhờ giấu được mười sáu chỉ vàng do vợ chàng gởi lại trước khi vượt biên nên anh sống lây lất được. Cái hầm than cũng giúp chàng mua được mỗi tuần vài ký khoai; ít bó rau, bịch muối.
           
Trần Thắng đã sống trong thiếu thốn, khó khăn đủ điều. Trần Thắng đã sống trong tin tưởng, chờ mong và hy vọng. Chàng tin rằng cuộc đời sẽ đổi thay. “Sông có khúc, người có lúc”. không phải tất cả mọi người ở Vùng Kinh tế mới Tân Hưng, không phải tất là mọi người ở các trại cải tạo sẽ bị đời vùi dập đến mạt kiếp, tận cùng, tuyệt mênh. Chàng chờ mong nhà nước sẽ thay đổi chính sách đối với giới trí thức có tâm huyết với tiền đồ dân tộc. Sẽ xó bỏ sự phân biệt đối xử về thành phần, lý lịch. Sẽ mở ngõ cho những người có nhiệt tình yêu nước được đóng góp vào công cuộc xây dựng lại quê hương sau hơn hai mươi năm chiến tranh, phân hóa, hận thù. Chàng hy vọng những vùng kinh tế mới như Tân Hưng này sẽ được dẹp bỏ. Chàng hy vọng cái bảng hiệu “Trí Thức Yêu Nước” kia không phải là một chiêu bài, lừa mị mà là của chung tất cả mọi công dân Việt Nam, dù có chính kiến ra sao, ở trong nước hay đang ở nước ngoài. Chàng hy vọng tình trạng kinh tế sẽ đổi khác theo sự đổi mới chính sách về công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công tư thương. Chàng ước ao một thể chế dân chủ đa nguyên cho một Việt Nam thống nhất.
           
Một đất nước muốn phát triển phải có chính sách đúng đắn về mọi mặt. Mấu chốt sự phát triển của một quốc gia ngày nay là kinh tế. Chính trị không thể là thứ độc tôn chỉ đạo kinh tế được. Muốn đất nước khá lên trung ước mơ giàu mạnh thì phải có kinh tế hạ tầng. Phải có của cải, phải có chuyên viên, phải có khoa học kỹ thuật, dân trí phải được nâng cao. Không thể cứ ngược đãi trí thức, xóa bỏ buôn bán, triệt tiêu cạnh tranh, kìm kẹp công nghiệp, khống chế nông nghiệp, tập trung chỉ huy là sẽ đưa đất nước đến chỗ phồn vinh. Nước Nhật, nước Đức bại trận đã tồn tại và phát triển, đứng đầu trong các quốc gia công nghiệp phát triển ngày nay. Người ta không thể sống bằng cái hào quang chiến thắng quân sự trong khi cái dạ dày mỏng dính, với bộ óc đen ngòm như như cục than kia được.
            Do những suy nghĩ như vậy, lúc nào Trần Thắng cũng giữ cho mình một bản chất không hề thay đổi. Cái bề ngoài lam lũ, bình dị là để hòa nhập với mọi người, hòa nhập với cảnh ngộ. Bên trong của chàng vẫn là con người trí thức, tâm hồn tràn ngập ánh sáng, ý chí vượt lên trên mọi khổ đau để tin tưởng ở ngày mai.
                                         
**
           
Dân kinh tế mới bỏ trốn ngày càng đông. Tân Hưng ngày càng vắng vẻ. Trần Thắng quyết định đóng của lò than. Chàng nhờ Hồng Cúc trông chừng nhà để về Sài Gòn xem tình thế ra sao. Về tới Sài Gòn chàng ghé vào lề đường Kỳ Đồng hớt tóc. Sau đó chàng tìm đến nhà một người bạn thân để thay quần áo và tắm rửa. Căn nhà của Trần Thắng ở đường Trần Hưng Đạo đã trở thành “Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố”. Nghe nói do chị Lê Thị Ráo, vợ của một đặc công có thành tích đặt bom nổ nhiều nơi ở Sài Gòn trước bảy lăm, làm giám đốc hay cửa hàng trưởng gì đó.
           
Đến nhà bạn hữu hoặc người quen thân, Trần Thắng được tiếp đãi thân tình. Mọi người khuyên anh nên làm đơn gởi ra Hà Nội xin trả lại nhà. Nhà nước đang có chiều hướng xét lại những sai lầm vừa qua để sửa sai. Nhà cửa bị các địa phương tịch thu sẽ đươc xét trả lại. Mọi người khuyên anh đừng trở lại vùng kinh tế mới nữa. Một người bạn nhường cho chàng một căn gác xép để làm chỗ tạm trú có khai báo.
           
Nghĩ lại thời gian hơn hai năm sống ở Tân Hưng, Trần Thắng thấy lạnh người. Chàng nghĩ chẳng lẽ cuộc đời mình lại bị vùi dập ở xó rừng hoang vắng đó. Chàng quyết định ở lại Sài Gòn. Sau một tuần lễ chàng đã làm xong đơn và đã gởi ra Hà Nội, dù là với chút hy vong mong manh. Đã mua sắn được ít vật dụng cá nhân. Mua chiếc bàn và hai cái ghế cũ. Mua cái mùng và chiếc chiếu, những thứ tối thiểu phải có. Chàng cũng đã viết thư gởi Hồng Cúc, khuyên nàng trở về Sài Gòn. Hãy bỏ hết những thứ nàng đang coi giữ ở Tân Hưng: cái lò than, túp lều cỏ, khoảnh đất vườn và cả khóm hoa tóc tiên... Không lưu luyến một thứ gì nữa cả.
           
Trần Thắng nhờ em gái một người bạn, cũng là học trò cũ của chàng, Kim Thư chuyển lá thư đến Hồng Cúc. Kim Thư một mình cỡi Honda đến Tân Hưng gặp Hồng Cúc. Khi cầm lá thư Trần Thắng gởi, Hồng Cúc sừng sờ nhìn người con gái đối diện. Nàng nói:
- Trông em có vẻ quen lắm. Hình như... em giống một cô sinh viên bên Văn Khoa năm bảy lăm quá. Có phải em là Kim Thư không?

- Cô Sinh Viên giật mình:
- Dạ, em là Kim Thư. Sao chị biết em?
Hồng Cúc không để ý đến lá thư trong tay. Nàng thắc mắc sao Kim Thư lại đến đây? Quan hệ giữa Kim Thư và ông già Năm là gì? Nàng cất tiếng hỏi:

- Em quen với ông già Năm à?
Kim Thư tròn mắt ngạc nhiên:
- Ông già Năm nào chị?

Người viết lá thư này – Hồng Cúc nói và chìa lá thư ra trước mặt Kim Thư
-   Người ta thường gọi ông là ông già Năm.
-   Chị không biết tên người đó thiệt sao?
-  Không. Ông ấy không nói và chị cũng không hỏi.
-  Chị ở đây với Ông Năm được bao lâu rồi?                                                                                
-  Gần năm tháng.
-  Đó là Gáo sư Trần Thắng, dạy bên Văn khoa tụi em.
-  Chị có nghe tiếng vị Giáo sư này. Chị cứ tưởng những gia đình như vậy đã đi hết cả rồi chứ.
-  Ồ, bà ấy và hai đứa con vượt biên bị bắn chết cùng với nhiều người khác khi ghe vừa ra khỏi bờ chừng mười thước.
-  Tội nghiệp! Sao GS Trần Thắng già đến như vậy?

Kim Thư cười:
Không. Ông ấy vẫn trẻ như trước. Chỉ có làn da đen hơn. Phong sương hơn và bớt vẻ nhà giáo, nhà đại mô phạm như hồi còn đi dạy.

Sau những câu chất vấn của Hồng Cúc, bây giờ đến Lượt Kim Thư. Cô sinh viên hỏi dồn dập nhiều câu. Hồng Cúc không trả lời mà xin lỗi rồi bước vào trong lều thay quần áo, đọc vôi lá thư, chải lại mái tóc, sửa sang lại mặt mũi. Gần mười lăm phút sau Hồng Cúc bước ra với hiện thân một cô gái tóc dài óng ả phủ bờ vai. Đời mắt tròn xoe, đen láy và sáng rỡ. Chiếc áo bà ba màu mỡ gà vàng nhạt, quý phái. Kim Thư bỗng kêu lên:
           
Chị! Đúng chị Hồng Cúc bên trường Dược. Nãy giờ em ngờ ngợ mà em không dám hỏi. Hồi đó ở câu lạc bộ Văn Khoa các chị ấy thường gọi chị là hoa Khôi Lê Bảo Tịnh của cha Thanh Lãng đấy mà. Chị nhớ không? Và tất nhiên là hoa Khôi của Dược Khoa nữa.
           
Cả hai nắm tay nhau cùng cười. Thân mật, gần gủi. Kim Thư nói.
- Chị thật khéo hóa trang. Sao chị tự hành hạ thân xác mình đến thế? Gia đình chị thế nào nói cho em biết đi.

- Chị hóa trang hay đúng hơn là lột xác, hóa thân đển tự bảo vệ mình, để hợp thời thế. Còn gia đình chị - Giọng nói của Hồng Cúc như yếu dần, nghẹn lại ở cổ - nhà cửa bị tịch thu. Cha mẹ chị tự tử chết sau khi được thả ra từ trại Phan đăng Lưu. Hai đứa em trai vượt biên chết. Chị được ủy ban và công an gởi lên đây.

Kim thư xúc động thốt lên:
- Lạy chúa! Thật đúng bức tranh Vân Cẩu về người tang thương! Cầu mong mọi sự sẽ được yên ổn, đổi khác. Em sẽ đưa chị về gặp ông già Năm.

Kim Thư đưa Hồng Cúc về nhà mình tắm gội và đưa quần áo mình cho Hồng cúc thay. Hai dáng người và kích thước sao mà giống nhau quá vậy. Ăn cơm xong, Kim Thư chở Hồng Cúc đến căn gác xép của Trần Thắng. Khi cô sinh viên vừa bước vào tới cửa, Hồng Cúc còn đứng dưới chân cầu thang, Trần Thắng đã hỏi liền:
- Cô có gặp Hồng Cúc không?
- Dạ, thưa có
- Cô đưa thư rồi chứ.
- Dạ. Cháu ... em ...đưa rồi, thưa thầy.
- Tôi đã cho phép cháu gọi bằng chú rồi mà.
- Dạ, xin cám ơn thầy.

Hồng Cúc từ dưới chân cầu thang ngước lên nhìn và chào Trần Thắng. Nàng bỡ ngỡ, pha lẫn chút thẹn thùng. Nàng không thể tưởng tượng “ông già Năm” cũng lột xác, thay hình đổi dạng đến như thế. Quả thật là hai con người. Nàng thấy lòng mình hơi đổi khác. Niềm vui và chút bâng khuâng.

Trần Thắng gần như không để ý đến người bạn của Kim Thư và dường như không nghe rõ tiếng Hồng Cúc chào mà chỉ gặng hỏi KIM THƯ. CHÀNG HỎI TIẾP:

- Tại sao Hồng Cúc không về cùng với cháu?
Kim Thư tinh nghịch nói đùa:
- Dạ, cái mụ nhà quê đó khó chịu quá. Khi đưa thư của chú mụ ấy bảo “thư với từ! Tôi không thèm đọc”, rồi bỏ đi ra lò than.
- Sau đó thế nào? Trần Thắng sốt ruột hỏi.
- Sau đó mụ lấy ra một cục than.
- Để làm gì?
- Ném một con chim đang bay về tổ?

Nói xong Kim Thư phá lên cười. Hồng Cúc cũng cười theo Trần Thắngcương quyết:
- Sáng mai chú phải đi mới được.
- Đi đâu hả chú?
- Lên Tân Hưng.
- Để đón... người đẹp về?

Trần Thắng nghiêm nét mặt?
- Này, Kim Thư, đừng đùa.

Kim Thư đổi giọng nghiêm chỉnh hơn.
- Thế, chú bỏ người bạn của cháu, chị Hồng Cúc đây à.

Trần Thắng quay về phía Hồng Cúc. Lần này chàng nhìn thẳng vào mắt Hồng Cúc. Chàng nhìn một lúc lâu làm Hồng Cúc phải cúi xuống.
Đúng rồi, đôi mắt ấy, vầng trán ấy, khuôn mặt ấy, một đôi lần chàng đã bắt gặp, đã nhìn thấy, đã cận kề nhưng chàng không cần để ý, không cần biết đến. Đôi mắt ấy, vầng trán, khuôn mặt ấy đã theo mụ nhà quê đổi lốt về đây. Trần Thắng như choáng váng, như chao đảo, không phải trước sắc đẹp, trước dáng vẻ của người thiếu nữ diễm kiều đứng đó, mà chàng bàng hoàng trước những gì đột ngột xẩy đến. Nó cũng làm chấn động, làm tê liệt cả bộ tuần hoàn và cân não của chàng như khi tài sản bị tịch thu, như khi nghe công an đọc lệnh bắt giữ, như khi biết tin vợ con bị bắn chết, như khi nhận lệnh ời Sài Gòn đi vùng kinh tế mới.
           
Lấy lại vẻ tự nhiên, Trần Thắng đưa tay mời Kim Thư và Hồng Cúc lại phía chiếc bàn. Trần Thắng mời ngồi. Kim Thư nói đùa:
- Chỉ có hai cái ghế. Chúng em ngồi, giáo sư đứng giảng bài tiếp.
Cả ba cùng ngước nhìn nhau, cười vui thân mật.
                                               
**
           
Đã ba tháng rồi, kể trừ ngày họ rời bỏ Tân Hưng về Sài Gòn, Trần Thắng vẫn ở một mình trên căn gác xép nhà bạn. Chàng đã bắt đầu đi dạy Anh văn cho những người sắp xuất cảnh. Thời gian còn lại chàng viết sách và nghiên cứu văn học. Đó là sở thích và công việc mà chàng đã từng theo đuổi trước ngày ba mươi tháng Tư, bảy lăm. Hồng Cúc tạm trú ở nhà Kim Thư. Một vài ngày nàng lại đến thăm Trần Thắng một lần. Nàng giúp Trần Thắng lau chùi sàn gác, quét dọn và làm những công việc lặt vặt trong nhà mà Trần Thắng đôi khi phải đóng vai người nội trợ. Hoặc có khi chép lại các bản thảo giùm chàng. Tình cảm giữa hai người ngày một gần gủi nhau hơn – Hồng Cúc kính phục và quý trọng kiến thức, trình độ, nhất là phẩm cách cao thượng của Trần Thắng. Nàng tìm thấy ở người đàn ông này cái ý chí mãnh liệt khi chàng đã chịu đựng và vượt qua những bão tố khắc nghiệt đớn đau đổ ập xuống đời chàng dồn dập. Quả thật, trong đêm tối mit mù này, nàng nhìn Trần Thắng như một ngọn hải đăng.
           
Còn Trần Thắng, dù ở Tân Hưng hay ở Sài Gòn lúc này, chàng vẫn sống, vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng, vẫn đợi chờ. Sau đêm tối sẽ đến bình minh. Chàng nghĩ đến cái ngày căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo, bằng công lao của vợ chồng chàng tạo dựng sẽ được trả lại. Chàng sẽ nhận được một tờ quết định trả lại nhà của UBNDTP. Sẽ có đại diện vài cơ quan, Sở Nhà đất đến. Sẽ có quay phim, làm lễ như một vài màn trình diễn của chính quyền trên TV mà chàng đã thấy. Chàng sẽ trở về tổ ấm cũ, dù rằng chỉ còn lại một căn nhà trống trải, hoang lạnh, không còn lấy một cái bóng đèn, Không còn một cái cửa sổ. Chàng sẽ sắm sửa, sẽ tạo dựng lại từ đầu và chờ đợi những cái bắt đầu khác.
           
Chàng nghĩ đến cái ngày Hồng Cúc sẽ cùng về căn nhà đó, xóa đi cái trống trải, hoang lạnh của căn nhà, cũng như của cuộc đời chàng. Chàng nghĩ đến một đám cưới. Chàng nghĩ đến bạn bè. Chàng nghĩ đến đêm tân hôn. Cả hồng Cúc nữa, sẽ kể cho nhau nghe giấc chiêm bao màu nhiệm cũng như những cơn mộng hãi hùng trong hơn hai năm ở vùng kinh tế mới Tân Hưng và trong cuộc đổi đời bi thảm của hàng triệu gia đình nạn nhân khác.
           
Chàng nghĩ đến vợ con. Bỗng dưng chàng nấc lên. Hai hàng lệ từ từ chảy xuống.

SONG NHỊ