Friday, October 24, 2014

Chuyện Học - Nguyễn Văn Hùng

             Cách đây hai chục năm, ngành giáo dục triển khai quan điểm dạy học mới lấy học sinh làm trung tâm. Lí thuyết truyền ra rồi kẻ tán xuôi người bàn ngược, người bảo thầy mới là trung tâm, người bảo trò trung tâm, người bảo thầy và trò đều là trung tâm như vậy có hai trung tâm, người bảo xã hội mới là trung tâm vì xã hội là cuộc sống, là người đặt hàng 
cho nhà trường đào tạo theo yêu cầu của mình…Nhiều nơi còn sính dùng chữ thương trường hơn chữ nhà trường, gọi  nhà trường là thương hiệu,  bung ra kiểu như thương mại thuận mua vừa bán, cho học trò chọn thầy, đánh giá xếp loại thầy, rối loạn cả lên… Và chính Bộ giáo dục và đào tạo, người triển khai quan điểm, ầm ĩ cả hàng trăm hội nghị từ trung ương đến cơ sở cũng lãng lờ rồi rút lui lặng lẽ! Thực tiễn mà không có lí luận là thực tiễn mù quáng, lĩnh vực lí luận giáo dục quan trọng đến thế mà hầu như bị bỏ trống. 
            Thực ra, quan điểm  học sinh là trung tâm đang thịnh hành trong quá trình dạy học của nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay không mới, vấn đề là hiểu nó để có bước vận dụng thích hợp có hiệu quả. Thực chất đây là tính vừa sức trong giáo dục, giáo dục  phải bảo đảm phù hợp với tâm- sinh lí, phù hợp độ tuổi do vậy phải xuất phát từ học sinh để trở lại phục vụ học sinh, phải khơi mở những điều kiện và năng lực vốn có  để học sinh chiếm lĩnh tri thức và hình thành kĩ năng nhận thúc và kĩ năng sống. Học sinh là trung tâm nên chương trình, sách giáo khoa, thiết bị và ngay cả người thầy cũng chỉ là phương tiện khơi dậy, đáp ứng sự phát triển, sự hoàn thiện tri thức và nhân cách của người học. Không thể lấy khuôn mẫu người lớn để áp đặt học sinh mà phải căn cứ  vào học sinh để đề ra những yêu cầu. 1 + 1 = 2 , ghép vần a b c, thuộc cửu chương…đối với người lớn không thành vấn đề  nhưng với học sinh lớp 1 là cả những điều trọng đại. Không xuất phát từ học sinh thì sẽ nhồi nhét, áp đặt làm tê liệt, không phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh, không hình thành ở học sinh cách học. Vấn đề chủ đạo trong giáo dục trong thời đại ngày nay không phải là tri thức mà cách đi đến tri thức, cách tìm tri thức. Descartes (1596- 1650, Pháp)- nhà bác học, triết gia duy lí, trong tác phẩm Phương pháp luận đã nhấn mạnh đến phương pháp tư duy để nhận thức chân lí. Khả năng con người bình thường là như nhau, người này hơn người kia là ở phương pháp; nói cách khác, chính phương pháp là yếu tố quyết định thành bại, hơn thua.
             Cũng do tham vọng của người lớn mà học sinh tiểu học phải khiêng một cái cặp- mà sức nặng của nó đến người lớn cũng e ớn- từ ngày này sang ngày khác. Không xuất phát từ học sinh nên chương trình cứ quá tải, càng hô giảm tải  lại thấy thiếu, lại móc thêm, lại quá tải! Do đâu? Do tham vọng của người lớn muốn nhồi nhét kiến thức.
            Sách Lã Thị xuân thu kể câu chuyện có người nông dân nọ thấy lúa mọc chậm quá liền kéo lên cho mau cao. Thế này thì lúa có nước đứt rễ mà chết, giáo dục bây giờ hao hao làm vậy! Quan niệm không đúng về giáo dục ở nhà trường kéo theo tâm lí sốt ruột trong phụ huynh, rồi từ sự hoảng hốt trong phụ huynh dội ngược vào nhà trường làm biến dạng, thậm chí méo mó việc dạy học. Có nơi cho học sinh học tiếng Anh từ mẫu giáo, có trường kiểm tra tiếng Anh trước khi nhận vào lớp 1, từ tiểu học đã đi học thêm, học ngày học đêm, mở mắt chỉ thấy học, lo học, không dám vui chơi nhưng vẫn cứ thiếu, cứ mất căn bản vì sao? Vì chỉ chú ý, sa đà truyền trao và tiếp nhận kiến thức mà không biết xâu chuỗi, khái quát thành tri thức. Không khái quát nắm vững tri thức, chỉ chạy theo kiến thức nên bị lạc, bị rối. Đây chính là do không biết cách học, không được hướng dẫn cách học. Bức bách quá tải làm cho trẻ “chín háp”,  nhiều búp măng non hom hem như ông cụ, học lệch nên què quặt về nhân cách,  không phát triển toàn diện. Giáo dục do vậy phải phù hợp với sự phát triển tự nhiên của học sinh. Giáo dục cũng là cuộc sống, sống phải bình thường, có học có chơi, có nghỉ ngơi có làm việc, tiến độ phải đều đặn. Dục tốc bất đạt (gấp gáp không hiệu quả), kiến thức phải ngấm, phải tiêu hóa, phải sàng lọc để thành tri thức, thành máu thịt, tạo ra nhân cách chứ muốn ăn tươi nuốt sống sao được.
            Một quan niệm phổ biến là phải tập trung mà cày, phải làm cho hết việc, ngốn cho hết kiến thức, thi cho đậu rồi chơi. Nhưng biết khi nào cho hết việc học nhất là khi học được xem là nhiệm vụ suốt đời.  Điều oái ăm là một quan niệm thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt là trẻ học lớn nghỉ, học khi còn ở nhà trường, ra đời đi làm là hết học. Nhỏ vắt sức mà học được chừng nào tốt chừng nấy, lớn có việc rồi,  khỏi học. Do làm mà không kết hợp học, không kết hợp nghiên cứu nên càng làm càng cùn nhụt, càng bảo thủ tạo nên sự cản ngại, trì trệ cho xã hội.
            Nhà tư tưởng J. J. Rousseau (Pháp, 1712- 1778) trong tác phẩm Emile và giáo dục đã nhấn mạnh đến tính tự nhiên, tự lập  của trẻ, phải cho trẻ trải nghiệm với cuộc sống để học tập hơn là người lớn làm thay, nghĩ giúp. Rõ ràng vì người lớn làm thay quá mức nên mới nhồi nhét đẩy học sinh  vào chỗ học vẹt, nói theo, thuộc lòng bài mẫu, không cần suy nghĩ thậm chí không dám có suy nghĩ khác. Sáng tạo, chủ động còn đâu!
Vẫn biết rằng dạy học là quá trình người lớn truyền thụ kinh nghiệm, văn hóa xã hội cho thế hệ trẻ bằng con đường ngắn nhất, ngắn nhưng phải khoa học, hợp lí chứ không áp đặt bắt thừa nhận. Ta không thể lấy việc giảng giải màu đỏ thay cho việc trẻ quan sát, kiểm nghiệm màu đỏ. Giáo dục chứ không  làm thay.
Gia đình ngày càng ít con, phụ huynh nào cũng muốn con mình giỏi. Đó là ước ao chính đáng. Nhưng cũng như trái cây, muốn cho lớn, cho ngọt, cho có chất lượng cao thì phải tích lũy, phải chăm bón từ rễ đến lá, từ thân từ cành chứ nếu chỉ bơm thuốc kích thích thì nó cũng phình ra, căng mọng nhưng nhạt thếch, cũng không được “giú ép”, chưa chín mà bắt phải chín. Một tâm lí mà giáo dục hiện nay tạo ra là ít làm cho học sinh hiếu tài mà hiếu danh. Học sinh trung bình cũng thích mang danh nào giỏi, nào tiên tiến, nào xuất sắc. Con bình thường mà cứ muốn cho chúng thành thần đồng, trạng nguyên. Có nơi còn bày đặt cho trẻ em mang đai đội mũ cứ như là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa…Ao ước mà không có thực chất thì dễ hão huyền thất vọng.
             Thời đại ngày nay là thời đại bùng nổ thông tin, không đầu óc siêu việt nào có thể chứa hết mọi thông tin do vậy  quan niệm tích chứa kiến thức, nạp cho người học thật nhiều kiến thức là không tưởng. Con người không thể biết hết, chứa hết tri thức do vậy giáo dục  (con đường ngắn và hiệu quả nhất) là phải dạy cho người học phát huy trí thông minh, dạy cách học, cách tự học, cách chiếm lĩnh tri thức nhân loại. Đây cũng là vấn đề mà Tô chức Khoa học Giáo dục  và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã từng khuyến nghị.

Nguyễn Văn Hùng
(Sóc Trăng)