Giọt Nước Mắt Muộn Màng - Mang Viên Long
Truyện Ngắn
Tính đang đứng xớ rớ trong phòng, cạnh giường nằm của ông Kế, thì
điện thoại trong túi quần đổ chuông. Đưa tay lấy điện thoại ra khỏi túi quần,
nhìn lướt lên mặt điện thoại, là cuộc gọi của Thảo; Tính bỏ ra khỏi phòng.
Căn phòng rộng bốn giường, nhưng chỉ có
ba giường là có bệnh nhân nằm, ông Kế nằm ở giường giữa, hai bên là một bà lão
gần 80, và một gã khoảng năm chục tuổi. Người đàn ông ở tận Daklak nằm chờ mổ
động mạch vành đã mấy hôm, còn bà lão nằm suốt tuần rồi để các bác sĩ “tìm
bệnh” nhưng vẫn chưa thấy bệnh.
Trong lúc khẩn cấp, Tính đã đưa cha vào bệnh
viện Thiện Tâm, để được cấp cứu kịp thời. Nếu có vào bệnh viện Chợ Rẫy, cũng
chẳng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế là bao, bởi cô con gái ông Kế ở quê đã
chuyển ông “vượt tuyến” vào Saigon, mà không có sự đồng ý chuyển viện của bệnh
viện cấp tỉnh; phải làm đủ mọi thủ tục phiền hà! Nếu phải nằm chờ bệnh viện
tỉnh đồng ý cho chuyển viện thì cũng mất mấy ngày, cũng không dễ gì được! Ông
Kế nằm im đã ba ngày, nhưng các bác sĩ điều trị ở bệnh viên huyện chưa cho
chuyển ông xuống bệnh viện tỉnh. Thấy cha hôn mê dần, Thảo - con gái ông, đã
nóng lòng đưa ông vào Saiogn mà không có giấy tờ xuất viện. Ông Kế được sơ cấp
cứu chạy tim, truyền thuốc, nằm ở đây đã ba ngày... Trong ba ngày ấy, ông được
thử máu, nước tiểu, siêu âm tim vài lần, và cho uống thuốc, truyền dịch, sau
cùng là chụp hình động mạch chủ.
Theo cuộc hội chẩn sáng hôm qua cùng ba
vị bác sĩ đang theo dõi điều trị, ông bác sĩ trưởng khoa đã quyết định sẽ cho
phẩu thuật tim, vì động mạch chủ đã hẹp quá mức cho phép. Ông cho gọi Tính vào
phòng để thông báo, hỏi ý kiến, và tiến hành làm thủ tục.
Trở lại phòng của cha, Tính nói: “Bác sĩ
bảo phải mổ!”
-
Mổ là
mổ thế nào?
-
Mổ
tim…
-
Mổ
tim thế nào?
-
Là mổ
hở giữa ngực, rồi can thiệp động mạch chủ cho rộng ra…
-
Cha
đã khỏe lại rồi kia mà…
-
Cha
vào mà nói chuyện với bác sĩ trưởng khoa đi!
Ông Kế ngồi dậy, theo Tính vào phòng
trưởng khoa. Vị bác sĩ niềm nở mời ông ngồi - nhìn thẳng vào mặt ông, cao
giọng: “Tim của ông phải mổ mới hy vọng sống nhé!”
-
Mổ
thế nào, thưa bác sĩ…
-
Y học
chưa thể sử dụng mổ nội soi ở động mạch chủ và động mạch vành. Phải mổ hở…
Nhìn thấy nét mặt ưu tư, e ngại của ông
Kế - vị bác sĩ mỉm cười: “Ông cứ yên tâm đi! Chúng tôi chỉ tiến hành mổ trong
hai giờ thôi!”
-
Chi
phí cho việc mổ nầy là bao nhiêu, thưa bác sĩ?
-
Hiện
tại là khoảng một trăm triệu đồng. Sang năm, sẽ lên giá…
-
Bảo
đảm bao nhiêu năm?
-
Điều
đó không thể cam đoan chắc chắn với ông được đâu. Còn tùy…
Ông Kế nhớ lại vài trường hợp mổ xẻ mà
ông được nghe kể lại: Thân nhân người bệnh cam đoan nhận hết mọi rủi ro, trong
và sau khi mổ. Có người mổ xong, phải đi lui đi tới bệnh viên hằng tháng, hai
ba tháng. Có người sau vài năm phải mổ lại. Có người nằm lì ở nhà chờ chết!
Người bạn của ông có vợ đã mổ tim hở, đã cho ông biết, kết quả là năm mươi -
năm mươi. Năm mươi phần trăm sống tốt, năm mươi phần trăm èo uột hay chết! Ông
Kế phân vân không biết ông sẽ ở vào năm mươi phân trăm nào! Hiện tại, từ ngày
bà Kế mất, ông đã phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của hai con. Thảo làm điều dưỡng
ở bệnh viện huyện, chồng là giáo viên cấp một, đã có một con ba tuổi. Vợ chồng
Thảo đã nhận chăm sóc cơm nước cho ông từ hai năm nay khi bệnh tim không cho
ông đủ sức ngồi hằng ngày ở chiếc tủ sửa đồng hồ dưới phố nữa. Đã có lần, ông
bị choáng, ngất ngã ngay ở chỗ làm, phải nhờ ba gác chở đến cấp cứu ở bệnh viện
huyện. Người ta đã cạy gãy hai chiếc răng cửa ông để cho ống cao su thở vào
miệng. Hằng tháng, vợ chồng Thảo nhận tiền của Tính gởi, để lo cho cha ăn ngày
ba bữa. Vợ chồng Tính đã quyết định như vậy sau khi đem cha vào Saigon sống chung với gia đình mình khoảng hơn một tháng.
Ông Kế rất vui khi biết sẽ được trở về quê, trở lại với cuộc sống yên ã với xóm
giềng, với bè bạn cũ, với con cháu. Sống với vợ chồng Tính, ông luôn phải ngồi
bên trong cánh cửa kính, nhìn ra ngoài - nếu không thể đọc báo hay xem ti vi
được nữa vì lòa mắt, hay buồn chán. Tuổi già của ông Kế chỉ được nuôi với ba
bữa ăn, như con Mimi suốt ngày quanh quẩn bên ông… Như một chiếc đồng hồ, 9 giờ
sáng mở cửa cho người giúp việc vào làm việc nhà (rửa chén bát, nấu cơm và thức
ăn, lau nhà, phơi áo quần ở lầu ba, xếp áo quần vào tủ). 11 giờ mở cửa đẻ người
giúp việc về đến làm cho gia đình khác. 11giờ 30 ngồi vào chiếc bàn nhỏ dành
cho ông ở góc phòng, ăn cơm. 12 giờ 15 mở cửa cho vợ chồng Tính đi làm về.
12giờ 30 vào phòng ngủ…
-
Thế
nào? Tiếng vị bác sĩ trưởng khoa chợt vang lên.
-
Thưa
bác sĩ, cho tôi suy nghĩ lại…
-
Chúng
tôi không thể chờ ông lâu hơn vài tháng đâu!
-
Bác
sĩ cho toa tôi dùng tạm thuốc vài tháng, qua Tết sẽ quyết định - Giọng ông Kế
thẩn thờ.
Ông Kế chào từ giã vị bác sĩ trưởng khoa,
lửng thửng bước ra ngoài… Ông trở về phòng, nói ngay với Tính: “Con lo làm thủ
tục cho ba ngày mai xuất viện, mua cho ba vé tàu về lại quê vào ngày mốt nhé!”
Tiếng Tính hằn học với Thảo bên ngoài
hành lang bổng nghe rất rõ: “Mày tưởng
tao giàu lắm hay sao? Tao có được là do công sức của tao đã đổ ra hơn mười mấy
năm nay… Mày liệu thu xếp vào đây mà làm việc với bác sĩ, với bênh viện đi -
đừng ở ngoài đó mà gọi nữa. Chở ông già vào giao cho tao, rồi cút ngay mà còn
lên giọng đạo đức giả! Mới ba ngày mà chi phí khám, chẩn đoán, siêu âm, chụp
hình, đã lên gần hai chục triệu, còn phẫu thuật, ít nhất cũng cả trăm triệu,
chứ mày tưởng ít sao?”
Ông Kế về quê sống với vợ chồng Thảo đã hơn hai năm. Qua người bạn
nhắc nhở, ông đã tìm gặp người bạn học cũ thời trung học, nay là tiến sĩ y khoa
chuyên khoa Tim mạch, hiện đang nhận làm Giám đốc cho bệnh viện tư Phước Huệ
tại QN, nhờ theo dõi, chữa trị, nên trái tim vẫn ổn định. Hằng tuần, người bạn từ
Saigon đi máy bay ra bệnh viện 2 lần vào thứ 3 và thứ 5. Trường hợp khẩn cấp,
người bạn có thể bay ra bệnh viện bất kỳ lúc nào trong ngày nếu có yêu cầu. Ông
Kế đã đến gặp người bạn mỗi tháng một lần theo lời người bạn bác sĩ dặn. Ông
cảm thấy đã có dấu hiệu biến chuyển rất khả quan. Ông nhận ra mình khỏe dần mỗi
tháng, an vui sống mỗi ngày, không còn nhớ đến trái tim gây phiền nhiễu như
trước nữa. Ông nghĩ: Cứ để cho nó đập tự nhiên, như chiếc đồng hồ đeo ở tay vậy
thôi. Mỗi buổi sáng, trước 7 giờ, phải nhớ uống 4 viên thuốc là Coversyl,
Vasotrate, Lovastatin, và Aspirin 81. Trong 2 bữa ăn, nhớ ăn thêm khoảng 5 gam
nấm mèo đen rửa sạch cắt nhỏ; như lên dây đồng hồ cho khỏi bị trục trăc.”
Vợ chồng Thảo cũng chẳng dành cho ông
chút thời gian gần gũi thân thiết nào vì luôn bận bịu, hết việc nầy đến việc
khác; dường như công việc cứ như dồn đuổi tuổi trẻ, dồn đuổi con người cho đến
ngày kiệt sức nếu không biết “nhìn lại”? Tuy vậy, ông đã có được niềm vui với
đứa cháu ngoại năm tuổi mỗi tối hay ngày chủ nhật, với bạn bè, với xóm làng, và
sinh hoạt một mình tùy thích! Vui thì nằm ở trong phòng đọc sách báo chơi, buồn
thì mang chiếc xe đạp kút kít đi lan man ra vùng ngoại ô nhìn ruộng đồng, trời
mây, rồi tạt vào chiếc quán cóc bên đường làm ly café, hay ly trà lipton nhâm
nhi cho đến giờ trở về ăn cơm chiều. Có lúc, ông đến chùa Ngọc Tánh lễ Phật,
trò chuyện với Sư Ông, rồi “thọ trai”, ngủ lại luôn ở chùa. Ông đã luôn có mặt
trong các ngày nhà chùa tổ chức “thọ bát quan trai”, để được nghe quý Thầy
giàng kinh, gặp bạn đạo tâm tình, trò chuyện…
Trong số những người bạn ở quê, nhẩm tính
lại, ông Kế chỉ có thể thoải mái đến với hai người: Một là ông Văn - giáo viên
đã nghỉ hưu; hai là ông Khắc - nghệ nhân trồng hoa, cây cảnh. Cả hai người nầy,
ông đều gọi là “tri âm”, bởi họ luôn chia sẻ cùng ông tất cả; không chút nề hà,
đắn đo, suy tính…Trong bất kỳ tình cảm nào, còn ngần ngại suy đi tính lại, so
đo thiệt hơn, đều không thể lâu bền! Bạn
bè từ thời đi học, đi lính, đi làm, quan hệ làm ăn, thù tạc lai rai thì nhiều,
rất nhiều - nhưng, bạn để nâng đỡ, lắng nghe, chia sẻ cùng nhau mọi nỗi đời
truân chuyên thì có lẽ rất hiếm!? Gần hết cuộc đời, ông thấy minh cũng rất diễm
phúc: Ông còn có được vài người bạn gọi là tri âm xa gần để thăm hỏi, tưởng
nhớ…
Mỗi sáng sớm, khoảng 4 giờ 30, ông nhẹ
nhàng mở cửa ra đi với chiếc xe đạp cũ mà trước kia hằng ngày vẫn đạp xuống góc
phố. Ông đạp xe thật chậm. Kút kít. Kút kít. Lơ đãng nhìn trời đất còn im vắng,
phố chợ còn lờ mờ trong sương. Lên đến công viên, ghé lại chỗ gốc cây hằng ngày
vẫn đến, ông dựng xe vào đó và bắt đầu đi quanh công viên - đếm từng bước đi
thong thả, lặng lẽ, nhẹ tênh; đúng 5 vòng. Khi mặt trời ló dạng ở hướng đông thị trấn, ông đến ngồi
trên một bậc cấp của căn nhà lục giác phía nam, ngóng nhìn cảnh vật như một đúa
trẻ lần đầu được ra ngoài, rong chơi xa… Ông vẫn dành thời gian gần nửa giờ mỗi
sáng, để nhớ lại mọi chuyện đã đi qua đời ông, như một cách thư giản… Ông dừng
lại ở mỗi chặng đường thăng trầm gian khó; suy gẫm, và cười: “Rồi tất cả cũng sẽ như vậy! Không có gì đứng
yên một chỗ!” Câu kết luận này vẫn thường ở đầu môi ông, mỗi khi gặp những
chuyện quá u buồn. Mỗi lần nói xong câu ấy, ông tự dưng cảm thấy vui vui, an
lòng với duyên nghiệp của mình. Xưa nay, ông thường tự khuyên lấy mình, an ủi
lấy mình. Đã bao năm, ông ít khi nhận được lời thăm hỏi, chia sẻ thắm thiết từ
các con, những người thân, cho dầu đôi khi, ông rất ao ước được nghe. Ông thầm
mong sao mỗi ngày, mỗi tuần, hay mỗi tháng, được nghe vài lời thăm hỏi, khích
lệ, chia sẻ của chúng để được an tâm mà sống tiếp cho hết quảng đời ngắn ngủi
còn lại! Ông đâu dám đòi hỏi gì nhiều? Cuối cùng, ông vẫn tự khuyên mình: “Hãy quên chuyện cũ, đừng mơ chuyện mới,
phải tự mình sống tốt với bây giờ!”
Và, từng ngày tháng qua, từ khi rời Saigon trở về gần hai năm, ông đã sống yên
lặng nhởn nhơ với mình như vậy - như hàng cây bạc hà vô tư bên đường trước sân
nhà.
Rải rác trên các ô sân rộng, trên thềm
hành lang, hay tại các ghế đá dọc theo bờ hồ công viên ở giữa - người đi tập
thể dục đông dần. Nhiều nhất là quý bà, quý cô, và các em học sinh. Đàn bà tập
thể dục để giữ sắc đẹp và sức khỏe. Đàn ông tập thể dục để mong có sức khỏe
sống lâu, nhưng dường như họ ít quan tâm hơn là việc hưởng thụ trước mắt.
Ông vẫn ngồi yên. Lẳng lặng một mình nhìn
ngó. Mỉm cười. Và đôi lúc chợt thở dài…
Một buổi sáng, một cô gái trạc hai mươi
dừng lại.
-
Thưa
chú, chú ngồi nhìn gì mà cháu thấy sáng nào chú cũng đến ngồi ở bậc cấp đây cả
nửa giờ vậy? - cô gái hỏi.
-
À,
chào cháu! Chú ngồi nhìn trời đất, cây lá, xe cộ, mọi người qua lại, và đời
mình…
-
Đời
mình làm sao mà nhìn được hả chú?
-
Có
đấy! Cháu chưa đến tuổi để có thể “nhìn lại đời mình” đâu. Rồi cháu sẽ biết
thôi…
-
Vậy
thì có gì đâu mà chú cứ nhìn hoài cả tháng… không chán?
-
Không
nhìn vậy, chú biết nhìn ở đâu, bây giờ?
Cô gái mỉm cười - bước đi. Ông Kế chợt
nghĩ: “Có lẽ mọi người quanh công viên cũng có thể nghĩ vậy, nhưng chỉ có cô
gái kia là hồn nhiên cất tiếng hỏi mà thôi!”. Tuổi trẻ của ông cũng có thời đã
trải qua như vậy: Hồn nhiên, bộc trực, chân tình. Những tháng năm đi học ngây
thơ bay nhảy, những tháng năm vượt rừng lội suối ào ào, những tháng năm lang
bạt đó đây không toan tính; ôi những tháng năm của một đời người sao mà qua mau
đến vậy? Ông tự hỏi: “Đã có lần nào trong cái qúa khứ ấy, ta đã dành một phút
giây nào nghĩ đến buổi sáng hôm nay ngồi ở bực thềm nhà lục giác nầy một mình
không nhỉ?”
Vợ chồng Thảo thường thức dậy lúc 5 giờ khi ông Kế đã ra đi khỏi
nhà. Sáng hôm nay, ra mở cửa, Thảo vẫn nhìn thấy chiếc xe đạp của ông dựng ở
góc nhà giữa. Hiệp - chồng Thảo, lo gọi con thức dậy - rửa mặt cho nó, thay áo
quần, chuẩn bị cho nó ăn sáng, pha chai sữa đem theo, kiểm tra túi xách nhỏ
đựng áo quần khăn lau, và chở con đến trường mẫu giáo trên đường đi dạy. Lúc
Hiệp chở con ra đi, Thảo vội lên gác gọi cha dậy, để kịp đi làm sớm một chút vì
phải thay phiên ca trực cho người bạn.
Thảo thấy cha nằm ngủ. Yên lặng.
Cô đưa tay vén mùng, kéo nhẹ cánh tay
cha.
Cô kéo hết chiếc mền đắp, giật mạnh cánh
tay lần nữa.
Ông Kế vẫn nằm im. Đôi mắt nhắm nghiền.
Như người ngủ say.
-
Cha
ơi! -Thảo gọi, cha ơi…
Cô áp bàn tay lên mặt cha. Lạnh ngắt. Áp
bàn tay lên ngực cha: Trái tim không còn đập nữa… Thảo áp sát tai lên mũi cha -
không nghe thấy động tĩnh gì: “Cha ơi!...” - Cô bật khóc òa lên thảm thiết:
“Cha ơi, đã đi thật rồi sao?”
Ông Kế đã chết!
Thảo vội lấy điện thoại gọi ngay cho
Hiệp. Rồi gọi cho Tính.
Hiệp quay về, nhưng không thể làm gì được
nữa rồi.
Trưa hôm ấy Tính theo chuyến bay 10 giờ
sáng, trở về - chỉ kịp lo chuẩn bị cho các việc xem giờ, mua cổ quan, khâm
liệm, thành phục, mời đội mai táng thị trấn đến phụ giúp lễ nghi... Nhớ lời dặn
của ông Kế thuở trước, Thảo vội đến chùa Ngọc Tánh (nơi đã quy y) mời thầy trụ
trì đến làm lễ cầu siêu. Vợ và hai đứa con của Tính cũng đã lên tàu ngay chiều
hôm qua.
Vì được ngày lành, bốn giờ chiều hôm sau
xe tang đã đưa ông Kế lên nghĩa trang thị trấn - đúng giờ thường ngày ông Kế
vẫn lôi chiếc xe đạp ra để bắt đầu đi ra vùng ngoại ô ngắm cảnh… Bây giờ thì
ông cũng có một chuyến đi, nhưng đi mãi - không về!
Vợ con Tính sau ba ngày “làm ngu”, đã lấy
máy bay trở lại Saigon vì công việc, vì không
thể bỏ nhà lâu hơn. Tính còn ở lại cho đến ngày làm tuần. Mấy ngày chờ đợi, anh
tiếp bà con, bạn bè, xóm giềng đến thăm, chia buồn. Một buổi sáng, anh tẩn mẩn
thu xếp chồng sách báo cũ của ông Kế ở góc phòng ông nằm, tình cờ nhặt ra một
cuốn sổ tay bìa mầu nâu đã sờn cũ, to bằng hai bàn tay, dày khoảng trăm trang…
Anh lật vội vào trang đầu, thấy nét chữ
nắn nót chơn phương của ông Kế năm xưa: “Nhật
Ký Cho Con”…
“10 giờ Ngày 21 tháng 5 năm
1981
… Đã
qua một ngày thở oxy ở phòng cấp cứu, nhưng mầu da của Tính vẫn còn xanh tái,
thỉnh thoảng bị co giật. Trình trạng không có chiều hướng thuyên giàm chút nào.
Cô bác sĩ trưởng phòng vẫn thản nhiên ngồi cắm cúi ở bàn làm việc, không tỏ
chút bận tâm, hay có ý kiến gì với vợ chồng mình cả! Chỉ có hai cô y tá là luôn
đứng bên cạnh Tính, theo dõi, nhưng cũng không có quyết định gì mới, sau buổi
chiều ấn vào tay mẹ Tính cái toa thuốc - nói với bà: “Chị nên đi mua các loại
thuốc cần thiết cho cháu gấp đi, bệnh viện không có tiêu chuẩn đặc biệt dành
cho gia đình chị”. Mẹ Tính cầm toa thuốc, đã ôm mặt khóc ấm ức vì biết rằng,
với mấy loại thuốc ngoại nhập hiếm hoi ấy, moi hết tiền của trong nhà, cũng
chẳng đủ! Mình đã vội đi hỏi thăm ở khoa dược, được biết, giá cho bốn loại ,
mỗi loại một hộp và bình serium đạm phải gần ba trăm ngàn. Mình đã moi hết
trong óc ra tên những người thân, những người bạn, nhưng chẳng có chỗ nào có
thể đến mượn tiền được, ngay chỉ một trăm ngàn. Cô bác sĩ trưởng phòng đã có ý
không đổi bình oxy mới, khi bình cũ sắp hết. Cô buông lời lạnh lùng: “Cháu không
sống được đâu!”
“13 giờ chiều ngày 21 tháng
5…
…
Trong lúc ngồi bó gối ủ rũ ở hành lang phòng cấp cứu số 2, mình bổng nghe tiếng
người đàn bà khóc òa lên khi bước ra khỏi phòng. Trông cách ăn mặc, dáng vẻ của
bà, mình nghĩ có lẽ bà thuộc gia đình giàu sang, hay cán bộ cấp cao. Mình đến
gần: “Sao vậy bà?” - “Cháu cần máu để truyền, nhưng những người thân không ai
có nhóm máu AB của cháu cả! Bác sĩ nói, nếu không có máu truyền gấp cho cháu
chiều nay, cháu khó qua khỏi đêm nay đâu…”. Mình bỗng nhớ đến loại máu của mình
được khắc trên thẻ bài năm xưa, là loại máu AB – “Tôi thuộc nhóm máu AB – tôi
giúp cháu được không?” Người đàn bà nghe xong, hai tay chắp trước ngực: “Phật
ơi! Ngài đã cứu con tôi…”
Mình
đã đi theo bà đến phòng lấy máu nằm bên kia dãy lầu như một cái máy . Sau khi
cân trọng lượng của mình, gần 60 Ký, vị bác sĩ hỏi thêm mấy câu về bệnh tật đã
và đang có, sinh hoạt hằng ngày, căn dặn đôi điều sau khi được lấy máu cần giữ
gìn, nếu có triệu chứng bất thường thì làm cách nào, cách nào, vân vân – mình
cũng chỉ nghe như một cái máy, mong được lấy máu sớm, để kịp thời cho người
bệnh đang trông chờ từng phút trong phòng cấp cứu. Khi cô y tá xét nghiệm máu
xong, mình được hướng dẫn ngồi vào chiếc ghế bành rộng, dựa lưng thẳng, và cô y tá đã lấy của mình 350
milillit cần thiết…
Mình
ngồi im một lát, và cảm thấy hơi choáng, có lẽ sau 2 ngày đêm mất ăn mất ngủ
chăng? Mình nhắm mắt, dựa lưng thẳng hơn lên thành ghế dựa nệm mousse cho đỡ
mệt. Người đàn bà nhét vào túi áo mình một xấp giấy bạc, ríu rít nói lời cám
ơn, và theo vị bác sĩ cầm bịch máu biến ngay sau cánh cửa phòng, mình không thể
phản ứng gì… Sau hơn mười lăm phút, mình đã ngồi dậy được - cô y tá mỉm cười
dặn: “Chú hãy giữ nguyên băng dán ít nhất 6 giờ nhé!Nên bồi dưỡng vài hôm! Uống
nhiều nước, sữa, ăn trứng, và nước cam, tránh làm việc nặng, không thức khuya…
Vài hôm là sẽ trở lại bình thường thôi chú à!” Mình hơi ngượng vì việc làm bất
ngờ của người đàn bà, mình đâu có nghĩ đến việc ”trả ơn” như vậy của bà ta
trước đó? Mình bước vội ra ngoài, đi lửng thửng dọc hành lang để trở về phòng của Tính.
Mẹ
Tính vừa thấy mặt mình, đã chạy lại khóc bật lên: “Trời ơi! Con đang nằm chờ
chết, mà ông đi đâu cả mấy giờ?” Mình rút xấp tiền trong túi áo, không biết là
bao nhiêu, đưa ngay cho mẹ Tính. Bà xòe ngay ra đếm: “Trời ơi! Tiền ở đâu mà
nhiều vậy, ông?” “Anh mượn của người bạn - em coi thử bao nhiêu?” “ Anh đi mượn tiền của người ta mà không biết
bao nhiêu sao? Đến ba trăm bảy chục ngàn lận!” “ Em lấy ba trăm gởi cho bác sĩ
để mua thuốc cho con ngay di – nhanh lên!”. Mẹ Tính lật đật đẩy cửa, chạy vào
phòng…”
“8 giừ sáng ngày 24 tháng 5…
Người
đàn bà hôm trước lại tìm gặp mình ở hành lang trước phòng cấp cứu của Tính. Bà
đưa hai tay cầm lấy tay mình, giọng run run: “Cám ơn anh nhiều lắm, cháu đã qua
khỏi cơn nguy kịch. Bác sĩ phòng cấp cứu cho biết vài hôm nữa thôi sẽ chuyển
sang phòng hồi sức để điều trị tiếp, chờ ngày xuất viện!” Mình cũng đã ôm chầm
lấy bà: “Cám ơn bà, bà đã cứu con tôi!”
Tự
dưng, cả hai cùng khóc…”.
Tính áp quyển nhật ký lên ngực mình, khóc
nấc lên: “Cha ơi!”