Tuesday, July 15, 2014

Chiếc Lá và Ổ Bánh - William Saroyan
NN Hùng dịch

Chiếc Lá
     Cuối cùng chúng tôi ra ngoài, đứng trên sân cỏ nhìn mặt trời đi xuống, và ba tôi nói, “Nếu không phải vì nghệ thuật thì chúng ta đã biến mất khỏi mặt đất này lâu rồi.”
     Dù vậy, nghệ thuật thực sự là gì, con người thực sự là gì, và thế giới này thực sự là gì thì tôi hoàn toàn không biết. Tất cả là như thế.
     Đứng ở đó, nhìn mặt trời đi xuống biển, ba tôi nói, “Mọi nhà phải nên có một cái bàn nghệ thuật, đặt mọi thứ lên đó, từng cái một, để mọi người trong nhà nhìn những thứ ấy rất kỹ lưỡng và thấy được chúng.”
     “Ba sẽ đặt những thứ gì trên cái bàn như thế?”
     “Một chiếc lá. Một đồng tiền. Một hột nút. Một viên đá. Một mẫu giấy nhỏ xé ra từ tờ báo. Một trái táo. Một quả trứng. Một viên sỏi. Một đóa hoa. Một côn trùng đã chết. Một chiếc giày.”
     “Thì mọi người đã thấy những thứ đó rồi kia mà.”
     “Dĩ nhiên là vậy. Nhưng mà không ai nhìn chúng cả, và nghệ thuật chính là chỗ đó. Nhìn những vật quen thuộc như thử chúng chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Một tờ giấy trắng có chữ. Một cái cà-vạt. Một con dao bỏ túi. Một chìa khóa. Một cái nĩa. Một cái tách. Một cái chai. Một cái tô. Một hạt đậu.”
     “Còn một trái banh thì sao? Trái banh là một vật đẹp đẽ mà.”
     “Chắc chắn là thế. Con phải đặt một vật gì lên bàn và nhìn vào vật ấy. Sáng hôm sau con lấy nó đi, và đặt thứ khác vào đó--thứ gì cũng được, bởi vì không có thứ gì do thiên nhiên hay con người tạo nên mà không xứng đáng được nhìn một cách đặc biệt.”
     Bây giờ mặt trời đã hoàn toàn đi sâu vào lòng biển. Có nhiều ánh sáng màu da cam trên mặt nước và cả bầu trời trên mặt nước. Khu Legion of Honor Hill trở nên tối. Ba tôi lấy ra một điếu thuốc, đốt nó lên, hít một hơi, thả khói ra mũi miệng và nói: “Con trai à, thêm một ngày khác của thế giới tuyệt vời này đã mất đi vĩnh viễn.”
     “Dù sao ngày mai là một ngày mới mà.”
     “Được rồi, chúng ta hãy lái xe đến Embarcadero để nhìn những con tàu đến từ khắp nơi trên thế giới.”
·          
Ổ Bánh
     Chúng tôi đi lòng vòng khắp thị trấn, bởi vì đó là điều mà chúng tôi đã lên kế hoạch để làm. Chẳng có gì hơn, chỉ thêm một thị trấn nhỏ khác với một đám người khác sống trong thị trấn ấy. Chúng tôi thấy được một số người trong đám họ. Đột nhiên tôi chú ý đến những đôi mắt của những người này.
     Điều này làm tôi phì cười.
     “Nói cho ba biết con cười cái gì.” Ba tôi nói.
     “Những đôi mắt.” Tôi nói. “Chúng ta chắc đã biết mắt rồi, phải không ba?”
     “Tốt lắm,” ba tôi nói.
     Ông bắt đầu hát: “Anh thấy đôi mắt em, đôi mắt em đẹp tuyệt vời.”
     Ông ngưng hát ngay sau đó và bắt đầu hít thở thật sâu.
     “Có ai đang nướng bánh mì đâu đây. Con muốn ăn một chút bánh mì nóng không?”
     “Đương nhiên là con muốn rồi.”
     Chúng tôi rảo bộ đến cuối góc phố, đi quanh nhưng không tìm ra được một lò bánh nào cả, vì vậy chúng tôi đành trở về chỗ cũ và tìm thấy lò bánh mì gần đó nhưng cửa đã đóng.
     Ba tôi gõ cửa, và chúng tôi thấy một người đàn ông, mặt và tay dính đầy bột mì, ra mở cửa.
     “Chúng tôi mở cửa lúc bảy giờ.” Người đàn ông nói. “Bây giờ chưa đến sáu giờ.”
     “Ông nướng cái gì đằng sau đó vậy?”
     “Bánh mì, dài và tròn.”
     “Cho chúng tôi mua một ít được không? Tôi hiếm có cơ hội được ăn bánh mì mới nướng.”
     “Ông muốn vào xem không?” người thợ nói; ba tôi và tôi đi vào trong. Chúng tôi theo người thợ vào nơi ông và bà vợ đang nướng bánh mì. Đằng sau này thật là sạch sẽ và ấm áp. Những giá kim loại đầy bánh mì dài và tròn mới nướng.
     “Các vị cứ tự nhiên lấy những gì mình muốn,” người thợ nói.
     Ba tôi cầm lấy một ổ bánh mì Pháp trong số nửa tá bánh mì để trên cái xuổng dài bằng gỗ mà bà vợ mang ra từ lò nướng chìa ra cho ông, rồi bà còn mang đến cho ông nhiều ổ bánh mì tròn đặt trên xuổng nữa. Ba tôi cũng lấy nửa tá bánh mì tròn. Ông đưa cho tôi một ổ và cắn một miếng từ một ổ khác. Ổ bánh mì lớn ông đặt vào túi áo khoác của mình một cách tự nhiên.
     “Ngồi xuống đi,” người thợ bánh mì nói. “Có một ít pho-ma trên cái bàn nhỏ kia kìa. Cứ thoải mái.”
     Ba tôi và tôi đến chiếc bàn nhỏ nơi người thợ và bà vợ ngồi ăn bánh mì pho-ma. Chúng tôi ngồi xuống đó.
     “Ba biết người thợ hả?”
     “Chưa bao giờ gặp ông ta trong đời.”
     Người thợ đến, xẻ một ổ bánh mì tròn và cho một ít pho-ma vào. Tôi nghĩ chính ông ta sẽ cắn và ăn ổ bánh nhưng ông lại đưa cho tôi và nói: “Luôn luôn nhớ đến bánh mì và pho-ma. Khi mọi thứ khác trông có vẻ tồi tệ, hãy nhớ đến bánh mì và pho-ma và con sẽ thấy yên ổn.”
     “Vâng, thưa bác.”
     “Đó là lý do tôi làm nghề bánh mì,” ông nói, “tôi đã thử nhiều thứ khác rồi nhưng đây mới là công việc dành cho tôi.”

NN Hùng dịch chơi