Một
Chuyến Đi Texas - NN Hùng
(phiếm
ghi)
Nhân chuyến đi dự đám cưới của đứa cháu tại
Arlington, Texas, tôi kết hợp đi thăm một số bà con anh em, thầy cô bè bạn ở các
thành phố lân cận. Cố gắng làm một công hai việc để khi trở về khỏi phải ân hận
là làm việc này mà bỏ việc kia.
Chuyến bay của hãng hàng không American Airlines đưa chúng tôi từ phi trưòng San Jose đi thẳng đến phi trường Dallas/Fort Worth sau gần ba tiếng rưỡi đồng hồ lượn lờ trong màn đêm. Ngồi trên máy bay nhìn xuống các thành phố ngập ánh đèn đủ các sắc màu, tôi bỗng nhớ đến lời các cán bộ “cách mạng” sau cuộc đổi đời oan nghiệt 1975. Bài giảng xe như kiến điện như sao nhà cao chọc trời chỉ có chủ nghĩa xã hội “ưu việt” mới xây dựng được bỗng dưng hiện về trong trí nhớ. Tôi mỉm cười một mình, không ngờ định mệnh đã mang tôi đến sinh sống ở một xã hội “phồn vinh giả tạo” và bây giờ phải ngồi trên chiếc máy bay có người lái như hôm nay!
Vợ chồng Phan Bá Ân ra đón chúng tôi tại phi
trường và chở về nhà. Trời Dallas lạnh. Thật ra Dallas không lạnh hơn San Jose
gì mấy nhưng chúng tôi vẫn thấy cái lạnh ở Texas có một chút khác thường, một
chút khó chịu. Tôi đã đến Texas vào mùa hè hơn mười năm trước và đã kinh qua cái
nóng khắc nghiệt của tiểu bang này. Nóng như có người đốt lửa vào thân mình. Nóng
phỏng tay khi mở cửa đưa tay ra ngoài! Và bây giờ thì là mùa lạnh. Lạnh cũng tàn
khốc lắm. Lạnh thở ra đá. Lạnh buốt người khi vào xe ngồi chưa kịp bật “heat” lên!
May mà lần này chúng tôi đến trời đã đỡ hơn: ít lạnh, và có vương vương chút nắng.
Tuy nhiên lạnh vẫn còn, vào nhà mà không mở sưởi là coi như “tiêu đời”. Một điều
đặc biệt là đường phố ở Texas hầu như hiếm có người đi tản bộ. Nóng và lạnh kiểu
này ai mà dám đi bộ ngoài đường!
Cái gì rồi cũng quen, và vì thế mà gia đình mấy
người anh em bà con của tôi ở đây không ai than van ca cẩm gì. Phan Bá Vinh,
người ngày trước ngán Texas như ngán cán bộ trại cải tạo, bây giờ nói về Texas
với vẻ tự hào phấn khởi. Vinh dọn qua thành phố Garland, mua căn nhà “đại
chang” và đầy đủ tiện nghi nên đã quên đi cái khí hậu khắc nghiệt mà Vinh thường
than phiền lúc cùng tôi từ California qua Texas mười mấy năm trước. Phan Bá Ân
thì ở Euless từ khi qua Mỹ cho nên đã quen với mọi thứ ở đây, không muốn đi đâu
cả. Phan Bá Hiển là em út, qua Mỹ đoàn tụ được bảy năm rồi. Hiển thì thích
California hơn nhưng theo lệnh bà xã nên về sống tại Arlington--một thành phố lân
cận có nhiều người Đông Hà và người làng Điếu.
Nghe tôi than vãn về thời tiết ở Texas, chắc
các ông em yêu quý của tôi không lấy gì vui, vẫn phải tiếp đón đàng hoàng tử tế.
Có phải vì nể sợ ông anh nên ngậm bồ hòn khen ngọt chăng? Phan Bá Ân, Phan Bá
Vinh, cả hai người đều lớn tuổi hơn tôi, chỉ có Phan Bá Hiển là còn bé nhỏ. Dù
nhỏ hay lớn tuổi hơn tôi, các ông em này đều phải vâng lời ông anh cà chớn này.
Các em, nhất là Phan Bá Ân, phải lo chỗ ăn, chỗ ở, chở đi chỗ này chỗ kia, chở đi
thăm viếng bạn bè đồng hương…
Ngày 27/12/2013.-
Phan Bá Ân chở tôi, bà xã, và chị Phương đi thăm đài tưởng niệm nơi Tổng Thống
Kennedy bị ám sát và một số thắng cảnh cũng như chợ búa. Sau đó Ân chở chúng tôi
đến thăm Diệp. Diệp là em gái của Hoàng Triều, bạn học từ Nguyễn Hoàng cho đến
hết đại học ở Huế. Gia đình Hoàng Triều tôi xem như là gia đình thứ hai cho nên
từ ba mẹ cho đến các anh chị em trong nhà đều đối xử với tôi như thành viên gia
đình. Hôm qua, Diệp biết tôi về Arlington dự đám cưới nên đã gọi điện thoại bắt
tôi phải đến gặp. Diệp là em út trong nhà. Trong ý nghĩ của tôi lúc nào Diệp cũng
nhỏ bé dễ bị bắt nạt, ai dè em bây giờ đã có gia thất vững vàng và thành công
trên thương trường. Diệp có tiệm phở khá nổi tiếng ở Arlington. Anh em chúng tôi
gặp nhau, vui mừng không nói nên lời… Diệp mời thưởng thức các món đặc biệt của
nhà hàng như: phở, bánh bột lọc, cà phê sữa đá… Ngon, vui và cảm động.
Chị Phương, Thình, Diêp, Trinh, Hùng (tại nhà hàng của Diệp) |
Theo chương trình, chúng tôi ghé về thăm tư
gia của Phan Bá Vinh ở Garland. Căn nhà quá rộng rãi. Nhà cỡ này nếu ở Việt Nam
thì chủ nhà ít nhất cũng phải là bí thư tỉnh ủy. Phan Bá Vinh bây giờ đã hưu trí,
hàng ngày rung đùi thưởng thức cà phê thuốc lá, rảnh thì đi câu cá, ngao du với
sông hồ…Vinh hiện là đại diện chính thức của hội đồng hương Quảng Trị và cựu học
sinh Nguyễn Hoàng tại Dallas/Fort Worth và càc vùng phụ cận; thành ra khi ghé
thăm Vinh chúng tôi được tiếp đón ngoài tình nghĩa anh em bà con còn có tình đồng
hương và đồng môn Nguyễn Hoàng. Có anh em làm lớn cũng oai!
Texas đất đai dư thừa cho nên từ chỗ này qua
chỗ khác phải mất quá nhiều thì giờ lái xe. Bù lại, Texas là xứ sở của dầu khí
cho nên giá xăng rẻ hơn California và bà con cứ tha hồ lái xe đi lại viếng thăm
nhau. Tội nghiệp Phan Bá Ân, tuổi già sức yếu, phải đưa chúng tôi đi vòng vòng
nhiều chỗ.
Buổi tối Phan Bá Anh, người anh đầu trong gia
đình Phan Bá, từ Fremont, California, bay sang để ngày hôm sau (Thứ Bảy,
28/12/2013) cùng dự đám cưới con gái của Hiển. Anh em chúng tôi họp mặt tại nhà
Ân ở Euless, ăn uống và chuyện trò đến hơn 11 giờ đêm mới tan hàng. Vui quá, uống
hơi nhiều. Vinh tĩnh queo dù uống nhiều loại bia rượu khác nhau; Hiển loạng quạng
say nhưng vẫn còn đủ sức để đưa Phan Bá Anh về Arlington. Ân và tôi vì tửu lượng
hạn chế nên chỉ choáng váng tại chỗ và có vẻ bình yên vô sự
Phan Bá Ân hân hoan tiếp đón anh em |
Ngày 28/12/2013.- Thức
dậy trễ, loay hoay chờ thời gian trôi qua. Chiều đi dự lễ cưới taị tư gia Phan
Bá Hiển. Nghi lễ theo đúng phong tục Việt, có heo quay, đủ các mâm cây trái, cau
trầu rượu… Chủ hôn là cựu Thiếu Tá Phan Bá Hoàng. Nhìn nhau nhận ra bà con: bên
ngoại của cựu thiếu tá Hoàng là làng Vĩnh Phước, quê của tôi, cho nên “tha hương
ngộ cố tri” lại làm cho buổi lễ thêm phần ý nghĩa.
Ngổi; Ân, Hùng, Vinh Đứng: Hiẻn |
Hùng, TT Hoàng |
Buổi tối ra nhà hàng họp mặt hai họ và bà con
bạn bè. Có văn nghệ văn gừng và karaoke. Phan Bá Hiển (anh sui thuộc họ nhà gái)
cũng lên trình diễn với bài ca ruột Thương
Về Mìền Trung. Hiển lên giới thiệu ban đầu bằng giọng Bắc nhưng sau đó nói
dài quá quên mất lại chuyển qua giọng Quảng Trị. Vẫn hay, giọng nào cũng ấm áp
tình nghĩa quê hương. Gần 11 giờ đêm mới về nhà, ngủ vùi.
Ngày 29/12/2013.- Một
ngày còn lại ở Dallas/ Fort Worth để đi thăm một số bà con anh em bè bạn. Trời đã
lạnh hơn, nhưng nghe nói chưa thấm thía gì so với những ngày trườc khi chúng tôi
chưa qua đây. Tài xế Phan Bá Ân trùm mũ bịt khăn đưa chúng tôi đến thăm gia đình
anh Quế ở Arlington. Anh Quế là chồng chị Xinh, chị cả của Hoàng Triều, Hoàng
Diêu, Hoàng Lịch, Hoàng Triêm, Hoàng Trinh. Chị Xinh đã
mất cách đây mười năm, anh vẫn ở vậy nuôi thân và được các cháu chăm sóc chu đáo.
Anh vẫn còn “trai tráng” dù tuổi đã bảy mươi bảy. Nhớ lời chị Xinh sau ngày miền
Nam sập tiệm: nhà nước này nói gì mình
làm ngược lại là đúng. Tưởng là tiếu lâm chơi, ai ngờ nghĩ lại đúng y như sấm!
Đến thăm anh Quế, được nghe anh kể lại những chuyện ngày xưa sau “giải phóng”,
chuyện công an tuần nào cũng mời anh lên làm việc và hỏi về các hoạt động của
Nguyễn Ngọc Hùng… Nhắc lại để ớn lạnh về một thời ảm đạm. Nhìn chung, rất vui vì
đã qua được một chặng đời khổ ải và vẫn còn cơ hội nhìn thấy nhau. Vui vì gặp
được vợ chồng Phú (con anh Quế). Chồng Phú là Nguyễn Văn Tuấn, em chú bác của
Nguyễn Văn Hùng. Hùng là bạn học Nguyễn Hoàng từ 1963-1970 và sau này học cùng
trường Đại Học Sư Phạm Huế. Hùng học Việt Văn còn tôi thì học cái thứ ngôn ngữ mà
sau 1975 không ai cần đến.
Chị Phương, Thình, Hung, Phú, Tuấn, Anh Quế |
Thinh, Hung, Tuấn, Phú |
Thăm gia đình anh Quế xong, chúng tôi đến thăm
gia đình Hoàng Diêu đang định cư tại Mansfield. Trong số anh em họ Hoàng này,
Hoàng Diêu thuộc loại “vô lo” nhất, thích chơi nhiều hơn làm, nhiều lúc ẩu, nhưng
có lẽ Trời thương cho nên đi “vượt biên” qua Mỹ bằng máy bay cả hai vợ chồng. Vợ
Hoàng Diêu là bà con của tôi, đúng theo thứ tự trong dòng họ thì phải kêu tôi bằng
bác, nhưng Nhạn (vợ Diêu) lại kêu tôi bằng chú. Chắc là kêu theo bên chồng vì
Diêu là anh của Triều mà tôi là bạn Triều chăng? Được một cái là hai vợ chồng rất
hào phóng, rộng rãi, và thương người. Tôi vẫn còn nhớ mãi lúc ở Cà Mau, nhà Diêu
Nhạn y chang một trại tị nạn cho những người đồng hương Đông Hà, Quảng Trị. Ai đi
đâu, lỡ đường cũng được hai vợ chống kéo về cho ăn ở; có người ở hàng tháng trời!
Nhiều khi đến bữa nấu cơm, hết gạo, Nhạn phải chạy đi mua chịu!
Hình chụp tại nhà Diêu Nhạn: Tuấn, Phú, Thinh, Chi Phuơng, Nhạn, Diêu, Hùng |
Rời gia đình Diêu Nhạn, chúng tôi đến gặp Hoàng
Lịch tại cửa tiệm Bamboo do Lịch làm chủ, ăn uống các món do Lịch tự nấu, rồi cả
bọn chúng tôi theo nhau về nhà cho biết vợ và hai con của Lịch (một gái, một
trai). Lịch là em của Hoàng Triều. Như đã kể ở trên, tôi coi các em Triều như
em mình cho nên quan hệ giữa tôi và Lịch rất gần gũi. Tôi và Lịch có nhiều kỷ
niệm khó quên khi sống cùng nhau ở Đông Hà, Huế, và những ngày chạy giặc sống
trong trại tạm cư ở Đà Nẵng. Còn nhớ cái hôm anh em tôi chia tay nhau để Lịch vào
Đà Nẵng ăn Tết còn tôi ở lại Huế, Lịch vừa mếu máo vừa nói: Anh ở lại có chuyện gì…lỡ VC đánh chia cắt đất
thì anh em mình không gặp lại nhau… Tôi cũng ngậm ngùi, giả lả cười rồi tiễn
em đi. Thời gian đi qua quá nhanh; biết bao biến cố dồn dập bất ngờ xảy ra làm
tan tác lòng người nhưng những tình cảm trong sáng đó khó làm tôi quên.
Lich & Hùng |
Vẫn còn nhớ những tháng ngày xưa, tối nào tôi cũng
ra Đông Hà ngủ qua đêm (hồi đó bà con mình kêu là “đi ngủ”, có nghĩa là ban đêm
phải tìm nơi an ninh để lánh nạn bị phía bên kia về bắt đi làm quân “giải phóng”).
Tôi và Lịch thường tá túc tại nhà o tôi, số 18 Phan Bội Châu, Đông Hà. Chúng tôi
đêm nào cũng đi chơi, đi ăn chè, và lang thang đến khuya mới về; nằm bên nhau kể
đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chọc quê nhau, vui cười mà hầu như không biết
đến cuộc chiến quanh mình.
Chia tay gia đình Lịch, Ân chở chúng tôi về
nhà nghỉ ngơi một chút để chiều tối còn đi thăm gia đình Hoàng Trinh. Tám giờ,
chúng tôi đến nhà Trinh. Trời mưa phùn và lạnh.
Hai vợ chồng Trinh Hoa và hai con gái sống trong căn nhà to lớn thuộc khu
vực sang trọng và sạch sẽ. Hoa đã chuẩn bị sẵn các món ăn ngon và Trinh thì “lăng
xăng” bày ra các loại rượu. Không khách
sáo, mọi người ngồi vào bàn thưởng thức và chuyện trò rôm rã. Về con trai, Trinh
là con trai út trong nhà họ Hoàng ở Điếu Ngao. Hồi tôi về làng, Trinh còn là cậu
bé ốm yếu còm cõi, lúc nào cũng ở trần giơ bộ xương cách trí. Hình ảnh cậu bé Trinh
đứng rửa chén bát sau mỗi bữa ăn cứ còn mãi trong trí tôi mỗi khi nghĩ đến Trinh.
Nhưng bây giờ thằng em tôi đã khác trước nhiều, có da thịt và đẹp trai hơn. Có
vậy mới vớ được cô vợ đẹp và sinh được hai đứa con gái xinh.
Gần tan bữa thì hai vợ chồng Chánh (còn có tên
là Ánh) đến gia nhập. Chánh là cháu kêu anh Hoàng Hữu Thỉnh bằng cậu ruột và một
thời sống ở Cà Mau. Qua đây, Chánh lấy vợ là con của chị Xuân và anh Lộc (Đông
Hà). Chánh, lúc ở Cà Mau, học Anh văn với tôi và khi rãnh rỗi thường hay ngồi giết
thì giờ ở các quán cà phê với tôi. Mấy chục năm gặp lại, thấy Chánh thành công,
rất mừng. Chánh bây giờ có một công ty lớn cung cấp rau quả cho các chợ ở vùng
Dallas/Fort Worth này.
Gần 11 giờ, Phan Bá Ân chở chúng tôi về lại
nhà Ân để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi Houston để thăm các thầy giáo cũ
vào sáng hôm sau.
Ngày 30/12/2013.-
Trời trở lạnh nhiều hơn so với mấy hôm mới đến. Như dự kiến chúng tôi năm người
sẽ cùng nhau lái xe về Houston. Đoàn đi gồm chị Phương, Phan Bá Anh, Phan Bá Hiển,
tôi và bà xã. Tôi và Hiển sẽ thay phiên nhau lái cho đỡ mệt. Hiển xung phong lái
xe đầu vì là dân thổ địa ở đây, cái gì cũng biết. Chúng tôi được những dịp
cười bể bụng vì tài lái xe và dẫn đường của Hiển. Đường về Houston bằng xa lộ
45 và Hiển đã lẫn lộn mấy lần giữa 45 South và 45 North. Đừng lo, chỉ cần quay lại là đúng thôi mà! Đường ở đây tui nắm trong
tay. Hiển nói như vậy nhưng mà cứ đi lạc hoài. Đến trạm nghỉ, thay vì lái
xe vô chỗ dành cho xe nhỏ (car) Hiển
loạng quạng cho xe lạc vào chỗ dành cho xe buýt (bus)! Mà vô bus rồi không
thể quay vào car, chỉ có một đường ra
khỏi chỗ nghỉ!
Tính Hiển tiếu lâm, làm mọi người ham chuyện
trò góp vui và cười thoải mái, cho nên đoạn đường từ Bắc Texas đến Houston hình
như ngắn lại. Chúng tôi cứ tà tà lái xe, kể chuyện cười, và ngắm quang cảnh hai
bên. Dọc đường chẳng có chi đặc biệt ngoài đất rộng và cây cỏ lạnh cóng vì sương
giá. Đến gần Houston thì cảnh vật có khác hơn, có nhiều nhà cao tầng và hệ thống
xa lộ chằng chịt. Vào thành phố Houston thì phải đổi tài xế vì đây không phải là
thổ địa của Hiển. Tôi lái, Hiển chỉ đường vì Hiển đã về đây nhiều lần, nhưng cuối
cùng phải nhờ vào navigator để đi tìm những nơi cần đến. Từ trên xa lộ nhìn xuống,
đường sá và nhà cửa được xây cất ngay hàng thẳng lối theo luật lệ nhất định nào
đó của Thành Phố. Như vậy thì mất tự do và không đúng phong thủy như ở Việt Nam
ta! Chúng tôi rẽ vào đường Bellaire Blvd. tìm khu chợ Hong Kong để ăn trưa trước
khi tạm chia tay mỗi người làm một việc vì thời gian không có nhiều. Tôi và bà
xã đi thăm các thầy giáo cũ, cỏn Phan Bá Anh, Phan Bá Hiển và chị Phương đợi
người bà con đến chở đi thăm thầy (ở chùa), hẹn sẽ gọi để gặp nhau sau khi xong
việc.
*Thăm Thầy Trần Quí Phiệt.- Tôi lấy xe của Hiển chở bà xã cùng đến
thăm thầy dạy tôi Anh văn ở Đại Học Sư Phạm Huế. Năm 1972 thầy đi du học Mỹ và ở
lại cho đến bây giờ. Thầy đã lấy xong tiến sĩ và sau đó dạy Anh văn tại Đại Học
Schreiner, Kerrville, Texas. Thầy lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Thầy
trò chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa khi thầy còn ở Huế, nhắc đến những
kỷ niệm với Mr. Malia, Mr. Schafer, và các thầy cô dạy Đại Học Huế… Mới đó mà đã
hơn bốn chục năm. Bao nhiêu thay đổi đã làm lòng người cũng đổi thay theo, nhưng
thầy của tôi vẫn thế, vẫn dịu dàng, thân ái như ngày nào. Đặc biệt, phu nhân của
thầy vẫn giữ những nét dịu hiền, ấm áp của Huế. Cô đã làm sẵn bánh bột lọc, bánh
nậm để chờ đón học trò cũ ghé thăm. Những chân tình này làm chúng tôi cảm động
và cứ nhắc mãi với nhau về thầy cô. Xin cảm ơn thầy cô rất nhiều.
Thầy Cô Phiệt, Thình & Hùng |
Thinh & Cô Phiệt |
Thầy Phiệt và Hùng |
*Thăm Thầy Hoàng Văn Liệu.- Từ giã Thầy Cô Trần Quí Phiệt, chúng tôi
vội lái xe đến thăm Thầy Hoàng Văn Liệu ngay vì biết thầy cô đang chờ. Hôm trước
chúng tôi có báo cho thầy biết sẽ đến nhưng không chắc chắn giờ giấc. Từ nhà Thầy
Phiệt đến nhà Thầy Liệu nhanh lắm cũng mất nửa tiếng lái xe. Trời tối, lạ đường,
lại thêm mắt kém (quên mang kiếng theo) nên tôi vừa lái vừa run. Nhờ có
navigator nên tìm nhà thầy cũng không khó khăn gì, chúng tôi đến gõ cửa thì thầy
cô cũng đã sẵn sàng chờ. Thầy trò vui mừng gặp lại nhau.
Thầy Liệu dạy Lý Hoá tôi năm đệ tam C, cái môn mà tôi là đứa học trò dốt và sợ nhất. Những gì thầy dạy thì không nhớ mà chỉ
nhớ hình ảnh thầy khi vào lớp thầy châm thuốc và hút hết điếu này đến điếu khác
cho tới khi hết giờ. Chẳng hiểu sao tình cảm đối với thầy trong tôi tự nhiên lại
gắn bó. Có thể thầy là người cùng quê, cùng nói tiếng Quảng Trị, không “màu mè”?
Tôi không rõ, nhưng mỗi lần nhắc đến thầy thì trong tôi một tình cảm thân thiết
ấm cúng tràn dâng. Vì thế, chuyến đi Texas lần này, tôi phải tìm mọi cách để đến
thăm thầy.
Thầy về dạy ở trường Nguyễn Hoàng năm 1967 và
đến năm 1972 thầy làm hiệu trưởng của trường. Năm 1970 tôi xa Nguyễn Hoàng và
không gặp thầy cho đến mãi sau 1975. Khoảng năm 1978 hoặc 1979 gì đó, vào một
buổi tối rảnh rỗi, Lê Thanh Trí và Nguyễn Đăng Hậu rủ tôi ghé thăm thầy ở Phường
5, Đông Hà. Nhớ trong câu chuyện thầy có nói “xã hội bây giờ với mình chỉ có thế đứng ba chân là vững vàng”. Ba chân tức là hai chân và cái cuốc. Sau 1975,
“cách mạng” không cho thầy dạy lại. Rồi sau đó gia đình thầy chuyển vào Nam, và
rồi đi Mỹ…
Thầy cô bây giờ đang nghỉ hưu ở Houston, hai ông
bà sống trong căn nhà rộng rãi và đủ tiện nghi. Ngày ngày vui chơi với các cháu
nội ngoại. Được học trò tới thăm, chắc thầy cô rất vui. Nhắc lại chuyện cũ, nhớ
về Đông Hà, nơi thầy cùng nhạc phụ của tôi (sau 1975) trông coi vườn ươm cây ở
Phường 5; nhớ những lần được các hung thần công an thăm hỏi, những lần gia đình
ăn cơm quên độn khoai/sắn để bị công an khu vực bắt gặp… Ôi, thế sự thăng trầm,
không biết các hung thần ấy bây giờ ra sao? Nhắc lại như một hoài niệm cay đắng
chứ trong lòng chẳng còn chút thù hận chi.
Tôi và bà xã được thầy cô “chiêu đãi” như người
thân đi xa về. Có xôi thịt nem chả và bia rượu. Xôi cô nấu cứ hâm lui hâm tới chờ hai đứa… Cô vừa nói vừa dọn các
thức ăn ra. Chúng tôi bốn người ngồi ăn vừa trò chuyện quên mất thời gian. Thầy
cô nói tối nay ở lại đây đi. Có phòng ốc đàng hoàng. Nhà không có ai hết. Ở lại
cho vui. Chúng tôi cũng muốn ở lại với thầy cô vì chuyện trò chưa hết, nhưng đã
hứa với Hiển sẽ quay lại cùng ba thành viên đồng hành tìm khách sạn qua đêm. Chẳng
biết tính sao thì Hiển gọi. Lúc này đã 6 giờ tối. Eng đang ở mô? Nếu muốn ở lại
với thầy thì ở lại đó cũng được nhưng phải mang các đồ dùng của anh Anh lên đây
rồi đi mô thì đi. Nghe như mở cờ trong bụng, tôi ôkê liền. Chúng tôi nói với
thầy cô đừng cất đồ ăn đi, tụi em mang đồ
lên cho người bà con xong rồi quay lại ăn tiếp với thầy cô. Đường từ nhà thầy
đến chỗ Hiển đang ở phải mất 30 phút lái xe; cả đi và về mất hết một tiếng đồng
hồ. Chúng tôi đi lúc 6 giờ 30 và quay lại lúc 7 giờ 30 mà thầy cô vẫn còn ngồi
chờ. Tiếp tục chương trình ăn uống, cô còn có món cơm và cá nục kho Quảng Trị.
Chúng tôi cảm thấy vui sướng vô cùng, được sống lại trong không khí ấm cúng gia
đình.
Buổi sáng hôm sau, thầy đã dậy từ sớm chuẩn bị
thức ăn sáng và cà phê cho học trò. Ăn uống xong, chụp một số hình trước nhà thầy
cô trước khi chia tay. Chúng tôi đi, mang theo hình ảnh thầy cô và tình nghĩa ấm
áp mà thầy cô dành cho.
Ngày 31/12/2013.- 9 giờ
sáng, từ giã thầy cô Hoàng Văn Liệu, chúng tôi trở lại khu đường Bellaire để gặp
chị Phương, Phan Bá Anh và Phan Bá Hiển. Chuyện trò chút đỉnh, đoàn năm người
chúng tôi được Vân và Phượng, hai người bà con rất nhiệt tình ở đây, hướng dẫn đi
thăm các chùa Phật Giáo và một ít phong cảnh; ghé coi trại chăn nuôi gia cầm và
mua một ít gà & hột vịt lộn về làm quà; đi ăn trưa (nhà hàng buffet Kim Sơn).
Đến 12 giờ 30 chúng tôi chia tay Vân và Phượng và hẹn ngày gặp lại…
Hiển, Hùng, Thinh, Chị Phương |
Như chương trình đã sắp xếp, đoàn chúng tôi sẽ
ghé thăm thủ phủ của Texas là thành phố Austin. Phải mất ba tiếng đồng hồ lái
xe để đi từ Houston lên Austin. Không rành đường nên phải nhờ vào navigator. Hiển
nói cứ lái đến khi gặp đường 35 là khỏi lo. Tui
nhắm mắt cũng không lạc. Xui một cái,
chưa đến đường 35 thì điện thoại hết pin và vì thế navigator cũng hết xài được
(quên mang dây sạc phôn theo!) Tôi nhìn bảng chỉ đường trên xa lộ mà mò mẫm lái
xe đi. Đi được một đoạn thì may quá, gặp trạm xăng. Tấp vô đổ xăng và tiện thể
hỏi đường luôn. Cái may tiếp theo là ở trạm xăng này có bán dây sạc phone dùng
trên xe hơi cho nên để cho chắc ăn mua luôn một cái. Khỏi phải mất công hỏi hiếc
chi ai.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được tòa nhà
Capitol nơi chính quyền tiểu bang làm việc. Buổi chiều êm dịu, vương chút nắng.
Nhiều người đi tản bộ và nhiều người khác đang tụ tập chung quanh khuôn viên tòa
nhà. Chúng tôi vội chụp một số hình làm kỷ niệm và đi lòng vòng một lúc. Vội vã,
vội vã… vì còn phải lái xe thêm ba tiếng để trở về Dallas/Fort Worth. Đồng hồ đã
chỉ 5 giờ 30.
Hiển, Anh |
Đứng: Chị Phương, Hiển, Thinh, Hùng Ngồi: Anh |
Hiển làm tài xế từ Austin về nhà Phan Bá
Vinh. Tối nay vợ chồng Vinh Liên có nhã ý tiếp đoàn California và làm một cuộc
tiểu hội ngộ Nguyễn Hoàng tại tư gia. Về đến nhà Vinh Liên thì đã hơn 8 rưỡi 9
giờ rồi. Mọi thứ đã sẵn sàng, rất thịnh soạn, cho buổi hội ngộ và đồng thời cũng
là tất niên tiễn đưa năm 2013 ra đi. Đông đủ bà con trong đại gia đình họp mặt,
ăn uống, chuyện trò cuối năm vui vẻ.
Mọi người chia tay nhau gần nửa đêm. Chúng tôi
về nhà trước khi năm mới 2014 đến và chuẩn bị để về lại San Jose sáng sớm hôm
sau.
Cả nhà chụp chung trước khi chia tay |
Giã từ Texas, xứ lạnh tình nồng. Tôi chẳng biết
nói gì vì xúc động, chi biết thấy mình đang rất hạnh phúc vì được chở che bởi
những chân tình của anh em bè bạn và tình cảm yêu thương ấm áp của các thầy cô
giáo cũ của tôi.
Đầu năm 2014
NN Hùng