Rét Quê - Nguyễn Phú Liêu
Anh thường kể ngoài quê anh rét cắt da, rét kéo dài,
sợ nhất cái rét. Mỗi lần nghe ca đến đoạn “Muốn
gửi cho em một ít nắng vàng- Thương cái rét của thợ cày thợ cấy…”, anh gật
gù, mắt
thờ thẩn xa xăm, biết anh đang nhớ quê.
Anh còn
bảo ngoài quê anh không chỉ rét khô mà
còn rét mưa, gió lạnh thấm sâu vào từng giọt nước, gió rét cóng người thêm nước rét đeo dính, buốt sâu
vào thịt da. Rét quá, cá ngoài đồng không chịu nổi phải nhảy lên bờ, thế mới
độc! Người đi lượm cá phải ngụm một ngụm nước mắm cốt cho người nóng sần lên
mới dám ra ngoài, thế mà vẫn cóng tay chân. Đêm ngủ, mền chiếu lạnh tanh, phải
lót thêm lớp rơm ở dưới cho đủ độ ấm.
Đốt lửa hoặc đặt một nồi than mà hơ,
lạnh nhất là sực tỉnh lúc lửa tắt. Rét tê da, rét nứt gót chân, rét buốt tận
xương…Nghe anh kể đã run.
Thế
nhưng cứ mỗi độ cuối năm, khi chuyển mùa, gió đông bắc ùa về lại thấy anh soạn
bộ đồ “trấn thủ” ra hớn hở đón rét. Anh xuýt xoa thèm chút rét. Nam bộ
mình hai mùa mưa nắng, cái rét hiếm hoi quá, kiếm đâu ra! Có đi Đà Lạt vài ngày
cũng chỉ để cảm cái lạnh của khách qua đường. Lạnh khô, lên xe bít gió, về
khách sạn cửa kính bít bùng, nước ấm hơi ấm… cái lạnh biến đâu mất! Bỏ tiền đi
mua chút lạnh cho biết chứ đâu phải cái lạnh tự nhiên đến với mình, đeo lấy
mình nên khó cảm! Cái lạnh cũng như cuộc tình buồn, muốn cảm
phải ê chề, ray rứt, dằn vặt, tái tê vơi nó.
Tư thế
đón rét của anh coi mòi trang trọng, cẩn thận lắm. Nhưng rồi nhiều lần chưng
hửng. cái rét chỉ vụt qua, chưa kịp quàng khăn đội mũ trời đã nóng mất rồi.
Ngay giữa ngày đông vẫn may ô quần cộc, mở quạt, uống nước đá, lạnh gì! Hoặc
họa hoằn lúc khuya vắng, cái rét len lén đến, tiếc thay rét vừa thoáng, chưa
kịp định hình đã tan biến, tiếc thì có chứ thấm thía làm sao được.
Lại ước
gì có đôi cánh bay bay ngay về chốn cũ hòa cùng gió rét hoặc có ai đó gửi cho
mình một chút rét quê.
Nguyễn Phú Liêu
butnguyentu.blogspot.com