Hành Trình Về Thăm Bạn Bè - Phan Ái Đông
Tôi trở lại San Jose sau những ngày lo đám cưới cho con
trai, lễ nghĩa với bà con hai bên, và tham gia chuyến du lịch thăm viếng nhiều
nơi cùng gia đình ở San Francisco, Las Vegas, Los Angeles và Westminster. Dù chưa
được khỏe nhưng tôi vẫn quyết định về Bắc Cali để gặp gỡ bạn bè, đặc biệt nơi đó
có vợ chồng Nguyễn Ngọc Hùng và Hoàng Thị Thình là bạn học cùng lớp với tôi hồi
ở Nguyễn Hoàng và nhà cùng đường “bờ hồ” Lê Thái Tổ, Quảng Trị.
Lần này chúng tôi đi bằng xe đò Hoàng từ bến xe Thuận Phát
ở Westminster khởi hành lúc 11 giờ sáng, giá chỉ 40 đôla/người. Khẩu phần ăn chủ
xe phân phát là một ổ bánh mì Lee Sandwich kẹp thịt rất ngon, lịch sự với chai
nước suối kèm theo. Trên xe phần đông là người Việt, chỉ một ít là ngưòi Tàu và
một số sắc dân khác. Tài xế là người Mỹ, lái xe rất cẩn thận; trên xe có đầy đủ
tiện nghi, chỗ ngồi thoải mái. Mọi thứ khiến tôi thầm khâm phục cách làm ăn của
họ.
Chúng tôi vui vẻ nhìn những cảnh đẹp hai bên đường và cứ
ngỡ là mình đang mơ. Những cảnh tượng đang lướt nhanh qua ô cửa kính giống
y như trong tranh vẽ của những cuốn sách màu tiếng Pháp mà ngày xưa còn bé tôi đã
được các anh tôi truyền lại. Đó là những cánh đồng nho, cherry bạt ngàn xanh ngát
trãi dài đến tận chân trời. Những đàn bò sữa không biết bao nhiêu con đang thơ
thẩn gặm cỏ trên những đồi núi cỏ mọc vàng óng hay vô số những lán trại nuôi bò
sữa đến nổi khi xe chạy ngang qua vùng đó, mùi phân bò bốc lên nồng nặc dù cho
xe đã đóng chặt cửa kính. Rồi những đồng cỏ xanh cỏ vàng chạy dài trên những
triền núi cao thấp nằm xa xa hay sát bên đường. Thỉnh thoảng xuất hiện vài nông
trại với những hàng rào gỗ sơn trắng xinh xắn và những lùm cây lụp xụp, rợp bóng
mát, và còn có những ngôi nhà được bao quanh bởi những cánh đồng hoa quả đầy màu
sắc và sai trái.
Cảnh vật quá yên bình và thơ mông làm hai đứa chúng tôi
(tôi và ông xã) đua nhau bấm máy và xuýt xoa luôn miệng! Trên đường thỉnh thoàng
vài chiếc xe tải dài, chứa đầy ắp cà chua hoặc ớt chin đỏ, chạy vút qua hay thấp
thoáng phía đằng xa những chuyến tàu dài ngoằng với vô số những toa hàng chứa hàng
hóa thực phẩm đa dạng đang lặng lẽ chạy từ từ trên đường rầy phân phối đến từng
địa phương cho người tiêu dùng. Thế mới hiểu vì sao ở Mỹ thực phẩm và đồ dùng
quá rẻ và thừa mứa, ai cũng có thể mua sắm những đồ nhu yếu phẩm thoải mái. Ở đây
vào những ngày lễ, thường người ta không tổ chức rầm rộ treo cờ khẩu hiệu la liệt
ngoài đường phố hoặc hội họp meeting căng thẳng như ở Việt Nam. Ở Mỹ có lẽ dấu
hiệu ngày lễ là những tờ quảng cáo hàng “on sale” của các cửa tiệm được gởi đến
các hộp thư gia đình và các siêu thị thì tưng bừng trang hoàng chào đón khách đến
mua sắm. Hàng hoá giảm đến 50%, có khi đến 70-80% vào những dịp lễ lớn.
Vì thế dân chúng ở đây, dù hàng ngày bận rộn đi làm, vẫn có rất nhiều thời gian
bù lại được nghỉ ngơi, đi “shopping” thoải mái và đặc biệt là cơ hội để gia đình
chồng vợ con cái có dịp cùng nhau quay quần rất hạnh phúc đầm ấm đúng nghĩa như
hai chữ “gia đình” trong bài hát của nhạc sĩ Ngọc Lê.
Mãi miên man ngắm cảnh đẹp hai bên đường, bây giờ chúng tôi
mới nhận biết xe đò đang chạy qua vùng đồi núi trọc với những góc cạnh đất đá và
cát vàng rất rõ ràng, lơ thơ có một ít cỏ mọc vì khí hậu ở đây nóng và khô như
sa mạc. Đường sá ở đây thì hết lên lại xuống, rẻ trái rồi rẻ phài, nhưng không
cho ta cảm giác bất an nguy hiểm như khi đi qua đèo Cả, đèo Hài Vân ở Việt Nam
vì mỗi đường đều có ba “lane” rất rộng rãi và thoải mái và chỉ có một hướng xe đi
lên hoặc xuống nên không sợ tai nạn lái xe ngược chiều. Gần đến địa phận San
Jose thì khí hậu và cảnh vật hai bên đường lại mát mẻ và thanh bình với những nông
trang cây cối um tùm. Đủ loại trái cây đuợc bày bán trong các quầy dọc hai bên
đường trước nông trại.
Đến bốn giờ chiều thì xe về tới bến. Tài xế dừng để khách
xuống lấy hành lý, kết thúc một cuộc hành trình dài hơn sáu tiếng. Ê ẩm người một
tí nhưng đến nơi thì thấy vui và khỏe ngay khi có cháu gái Lisa tươi cười chạy
đến chào và đón chúng tôi về nhà. Ở nhà đã sẵn sàng nồi bún bò giò chả thơm lừng
bốc khói mừng chúng tôi đến thăm ở lại chơi dịp này. Chúng tôi cảm động và hạnh
phúc biết bao khi được trở lại đây thăm gặp bà con và bạn bè thân yêu để có dịp
chuyện trò lâu hơn. Và thế đó, tôi đã dành một ngày ở nhà để chuyện trò sinh hoạt
với gia đình bên chồng. Qua ngày sau chúng tôi lên lịch bắt đầu đi thăm bạn bè.
Trước hết là gọi báo tin cho vợ chồng Hùng Thình. Hai bạn đã sốt sắng vui vẻ sắp
xếp trưa mai đến nhà trên đường Remington để họp mặt bạn bè Nguyễn Hoàng ở San
Jose. Chúng tôi đã có được một buổi hội ngộ thật vui vẻ và đầy ý nghĩa: nói cười
rôm rã, chuyện ngắn chuyện dài, chuyện vui chuyện buồn mà đã hơn 40 năm chưa có
dịp kể cho nhau nghe. Rất tiếc có một số
anh chị em vì bận rộn không đến được như Lữ Kim Chưởng (Chưởng đã rất nhiệt tình
gọi điện thoại mấy lần xin lỗi và hẹn lần sau gặp), anh Lê Đình Cai (anh Cai
thuộc lớp đàn anh đang đi nghỉ lễ cùng gia đình, nhà anh ở đằng sau nhà tôi trên
đường Lê Thái Tổ, có em gái là Lê Thị Khương học sau tôi mấy lớp hồi đó chơi với
hai chị em Thu Đông rất thân), vợ chồng Thắng Ngọc…
Buổi họp mặt tại nhà Hùng Thình thật vui nhộn. Có nhiều món
ăn ngon do chủ nhân tự tay chế biến để chiêu đãi bạn bè. Hôm đó có vợ chồng anh
chị Lục Hoa; chị Hoa hồi xưa học cùng lớp Nguyễn Hoàng và chơi thân với chị
Phan Ái Thu. Có anh Trần Văn Loan là anh trai của Bích Dung từng học chung lớp
nhất trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị do cô Nhạn (vợ thầy Thị) dạy. Hồi đó Bích
Dung học rất giỏi, xuất sắc tất cả các môn học nên cô Nhạn thường giao cho Bích
Dung đem sổ về nhà cộng điểm hàng tháng.
Hôm hạnh ngộ còn có Hồ Đắc Nhơn, gia đình có lò bánh mì Đắc
Lập ở gần trường Nữ. Anh có trí nhớ rất tốt. Mặc dù ở Quảng Trị chuyển vào Huế
học sớm nhưng vẫn nhớ chính xác từng góc phố, từng căn nhà của bạn bè Quảng Trị
ngày xưa. Anh đã cùng bạn bè hào hứng ôn lại chuyện xưa làm cả nhóm chuyện trò
cười nói sôi nổi hẵn lên. Ai cũng cảm giác
như mình đang trẻ lại, quên mất là thực tại người nào tóc đều đã muối tiêu!
Vợ chồng Hùng Thình thì đặc biệt hơn. Nguyễn Ngọc Hùng học
cùng các lớp tam C, nhị C, nhất C với tôi rồi cùng thi vào Đại Học Sư Phạm Anh
Văn ở Huế. Ở đại học chúng tôi học chung với nhau hai năm đầu thì tôi chuyển
qua hệ hai năm ra trường dạy trung học đệ nhất cấp, còn Hùng thì học tiếp bốn năm
ra dạy trung học đệ nhị cấp. Tuy có nhiều năm học chung cùng nhau nhưng hồi đó
con trai con gái ít chơi thân với nhau nên tôi và Hùng chỉ gặp nhau trong lớp
chứ ít có dịp chuyện trò thân mật. Sau này nghe tin Hùng và Thình thành vợ chồng
tôi cũng hơi ngạc nhiên vì hình ảnh Hùng trong trí nhớ của tôi là một cậu học
trò thật thà chân quê trong khi Thình thì hay lý sự bắt bẻ. Nay gặp lại Hùng
sau một thời gian dài mấy chục năm và đọc các bài viết của Thình mới thấy khâm
phục hai bạn và hóa ra hai bạn đúng là một cặp đôi hoàn hảo.
Thình với tôi thì có nhiều kỷ niệm hồi ấu thơ hơn. Hồi đó
hai đứa thường hay rủ nhau đi học hè chung với Diệu Hoà, Thể Quỳnh, Chi Lan và
Lê Thị Ba ở lớp thầy Chương, thầy Sum dạy hè dù ở trường chúng tôi không học cùng
một lớp. Đi học hè: thời gian học thì ít mà chơi hoang nghịch thì nhiều. Thình
hay rủ bọn tôi đi bộ ra bờ sông trước tòa Tỉnh hái hoa phượng, bắt bướm, xăn quần
lội xuống sông bắt những con cá nhỏ đang bơi rồi thả ra… Dưới ánh nắng gay gắt
của mùa hè miền Trung mà chúng tôi chẳng thấy khó chịu tí nào cả dù đứa nào cũng
để đầu trần không đội nón! Chiều tối, vì ở cùng đường, nên tôi và Thình thường
hay đến nhà nhau chơi và trao đổi sách truyện hoặc Thình rủ tôi đi đến rạp ciné
Đại Chúng gần nhà để cùng chạy thi trên bờ thành khuôn viên rạp hoặc lang thang
vào rạp để xem những pano quảng cáo phim đang chiếu hoặc sắp chiếu, say sưa ngắm
nhìn không biết chán những tấm hình tài tử Ấn Độ trong phim truyện có hình con
rắn mãng xà với cái đầu ngẩng cao, kết thúc có hậu người ăn ở hiền thì được cứu
sống còn kẻ ác thì bị xử chết thê thảm… Thỉnh thoảng mẹ của Thình còn bày cho
nhóm chúng tôi chơi tập nấu ăn. Chúng tôi nấu những món bình dân như cơm canh đu
đủ, thịt kho… trong cái nồi nho nhỏ được đặt trên nền đất phía sau hè sát với bờ
hồ có vô số lục bình tim tím trôi lững lờ trong dòng nước. Chỉ vậy thôi mà chúng
tôi đã hoàn thành “tác phẩm” trong niềm vui sướng vô tận và đã cùng nhau “chén”
sạch trước mắt và nụ cười hiền hoà của mẹ Thình.
Hôm mới đến thăm nhà Thình lần đầu ở San Jose, tôi đã thắp
nhang cho hai bác và thầm cầu nguyện cho linh hồn hai bác siêu thoát đoàn tụ cùng
nhau. Tôi cũng đã thầm nhớ lại hình ảnh của hai bác, đặc biệt là bác trai ngày
xưa trong những dịp về thăm nhà sau những lần công tác. Bác có chiếc xe dodge màu
lính đậu trước sân nhà và bác ngồi nghiêm nghị xem báo ở bộ salon gỗ có khảm xà
cừ trong căn phòng khách nhà trên; căn nhà với những cây cột bằng gỗ lên nước bóng
láng rất đẹp và cổ kính.
Thình là một trong những đứa bạn thân cùng lớp đã cùng
chia sẻ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu cũng như thời gian học trung học ở Nguyễn
Hoàng. Nhớ năm thi tú tài bán, Thình là người đã đến báo tin cho tôi biết có tên
tôi trong danh sách trúng tuyển trong khi tôi đang nằm nhà khóc, đau khổ và nhục
nhã với ý nghĩ không được lên lớp đệ nhất để học cùng nhóm với bạn bè nữa vì thầy
Liệu trước đó một giờ đến chia buồn là đã dò kỹ danh sách trúng tuyển không có
tên Phan Ái Đông!
Mãi tận đến bây giờ dù đã hơn 40 năm trôi qua tôi vẫn nhớ
rõ ràng hình ảnh dễ thương gắn bó của đám bạn bè thời thơ ấu, vẫn còn đọng lại
trong tim mình những cảm giác tuyệt vời vui buồn bạn bè có nhau.
Xin cảm ơn các bạn Nguyễn Hoàng có mặt trong buổi hạnh ngộ
tháng 8/2013 ở San Jose đã cho chúng tôi thấm thía nghĩa tình đồng môn qua buổi
gặp gỡ bạn bè chân tình ấm áp và vui tươi như thế.
Cảm ơn chủ nhà Hùng Thình đã nhiệt tình nối vòng tay lớn
cho bạn bè, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để bạn bè gặp gỡ chuyện trò.
Tôi muốn nói với bạn bè Nguyễn Hoàng rằng tôi lấy làm tự
hào về các bạn và rất hãnh diện được có cụm từ “Nguyễn Hoàng Phan Ái Đông” mà
anh em cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã ưu ái dành cho tôi (trong Vui Buồn Nguyễn Hoàng của trang mạng Hương Nguyễn Hoàng).
Và sau cùng, tôi muốn các bạn biết là TÔI THƯƠNG MẾN CÁC
BẠN BIẾT BAO!
Viết tại Los Angeles, 28/8/2013
NH Phan Ái Đông