Trường Nguyễn Hoàng
















Trường Trung Học Nguyễn Hoàng là trường trung học công lập duy nhất tại tỉnh Quảng Trị  mang tên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613), người đã có công mở mang bờ cõi nước ta (xin vào: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng để đọc thêm về Ngài). 

Chúa Tiên NGUYỄN HOÀNG
(1525-1613)

Sơ khởi, một  nhóm thân hào nhân sĩ và phụ huynh có lòng đã đứng ra vận động và được chính quyền cho phép thành lập một trường trung học để giúp đỡ con em trong việc học hành. Trường chính thức hoạt đông với tên là trường Trung Học Tư Thục Quảng Trị vào mùa hè 1951. Đến niên khóa 1952-1953, trường được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép công lập hóa với tên là trường Trung Học Công Lập Quảng Trị. Lúc này trường chỉ có năm lớp: hai lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), hai lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), và một lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ). Hiệu trưởng lúc này là Thầy Tôn Thất Dương Thanh, trưởng ty tiểu học kiêm nhiệm.

Đến niên học 1953-1954, trường được hội đồng giáo sư đề nghị đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Hoàng và được Bộ Giáo Dục chấp thuận theo nghị định số 95 GD/NĐ ngày 6/5/1954. Đây là niên khóa đầu tiên học sinh Nguyễn Hoàng tham dự kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp với số thí sinh trúng tuyển trên 20 người. Thầy Tôn Thất Dương Kỳ được bổ nhiệm thay thầy Tôn Thất Dương Thanh làm hiệu trưởng.

Qua đầu niên khóa 1955-1956, trường được cấp kinh phí để xây dựng một ngôi trường khang trang hơn với hai tầng và tám phòng học bên cạnh sân vận động tỉnh, đối diện trường Nữ Tiểu Học. Trường có 11 lớp với trên 500 học sinh. Thầy Chu Duy Khánh làm hiệu trưởng thay thầy Tôn Thất Dương Kỳ.

Niên khóa 1957-1958, thầy Thái Mộng Hùng, đương kim giáo sư của trường, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thầy Chu Duy Khánh về hưu.

Năm học 1958-1959, khuôn viên của trường được mở rộng thêm nhờ trường Nữ Tiểu Học dọn về cơ sở cũ của trường Nguyễn Hoàng. Lúc này trường mở thêm hai lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ). Tổng số lớp lúc này là 15 lớp.

Năm học 1959-1960, trường mở thêm một lớp đệ thất và một lớp đệ tam và từ đây trường sẽ có một Tổng Giám Thị.

Trường mở lớp đệ nhất (lớp 12) đầu tiên vào niên khóa 1962-1963 và được công nhận là trường Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Đến niên khóa 1968-1969, trường đã có trên 50 lớp.
Niên khóa 1970-1971, tỉnh Quảng Trị được Bộ Giáo Dục cho phép mở thêm một trường nữ trung học đặt tại quận Mai Lĩnh nhưng vì trường này chưa có hiệu trưởng nên trường Nguyễn Hoàng phải đảm nhiệm việc giảng dạy và quản lý. Tổng số lớp lúc này là 60 lớp với hơn 3000 học sinh và trên 100 giáo sư và nhân viên hành chính.

Chiến sự bùng nổ dữ dội vào năm 1972 làm cho người dân Quảng Trị và thầy trò trường Nguyễn Hoàng phải rời bỏ quê để chạy vào Đà Nẵng. Tại đây, trường vẫn tiếp tục hoạt động tại trại tạm cư Non Nước và Hòa Khánh với hơn 40 lớp.

Đến năm học 1973-1974, trường được chuyển từ Đà Nẵng về khu thị tứ Diên Sanh, Quảng Trị. Thầy Hoàng Văn Liệu làm hiệu trưởng thay thầy Thái Mộng Hùng đi làm Chánh Sự Vụ sở Học Chánh tỉnh.
(theo: nguyenhoang online)

Tháng 4, 1975, Việt Nam Cộng Hòa mất. Trường Trung Học Nguyễn Hoàng cũng mất theo. Trên khuôn viên trường cũ, người ta xây một ngôi trường mới nhưng đó không thể là trường Nguyễn Hoàng. Trường Nguyễn Hoàng xưa giảng dạy theo ba nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, khai phóng chứ không phải tuân theo một chủ thuyết ngoại lai nào. Rất may là những người “thắng cuộc” không chấp thuận lấy lại tên Nguyễn Hoàng như nhiều người đề nghị. Nếu như họ chấp thuận, chắc Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sẽ rất đau buồn ở bên kia chín suối.
Dù sao, trong 24 năm hoạt động, Trường Trung Học Nguyễn Hoàng đã đào tạo được những thế hệ học sinh làm vẻ vang cho tỉnh nhà và đất nước. Các thế hệ thầy trò Nguyễn Hoàng lúc nào và ở đâu cũng luôn nghĩ về ngôi trường cũ và hẹn sẽ xây lại một trường trung học khác mang tên Nguyễn Hoàng tại quê nhà sau khi kẻ ác không còn.