Wednesday, March 29, 2017

Nhật Ký Lê Mai Lĩnh (*) - Lê Mai Lĩnh

1975 – 1983
Mang theo Nỗi Buồn Mất Nước, cái chén, đôi đũa, vài lon gạo, hộp thịt Trung cộng tôi đi trình diện vào tù 10 ngày. Trước nhất lên Trảng Lớn, Tây Ninh. Đếm đúng 10 ngày, xe Motova chuyển  bánh vào trại, anh em thức dậy chuẩn bị hành trang
để về Sài Gòn sau 10 ngày. Hôm sau trại bắt anh em khiêng gạo. Mình sắp về. Gạo cho ai ăn đây? Trại phát hột rau muống, đào dất đá, sỏi làm vồng. Trồng rau muống cho ai ăn đây?
Vài tháng sau, trong đêm, chuyển về Long Khánh.
Vài tháng sau, trong đêm, chuyển về Long Giao.
Bài thơ “lời bày tỏ cùng các con” được làm tại Long Giao, cũng là bài thơ khởi đầu cho sự nghiệp thơ viết trong tù.

Qua năm 1977, xuống tàu Sông Hương tại Tân Cảng, lênh đênh mấy ngày đêm trên biển, tàu cập Bến THỦY tại Thanh Hóa. Từ đây tù nhân lên các xe Motova đến các trại trên núi rừng Việt Bắc, Hoàng LIên Sơn, Yên Báy.

Tôi theo nhóm tù đi Hoàng Liên Sơn. Công việc lúc đầu là đẵn tre, cắt tranh làm láng, trại. Tiếp theo là phá rừng trồng sắn. Một nhát cuốc cắm vào đất rừng, tôi đọc tên một người trong Bộ Chính Trị. Ví dụ: Nhát cuốc này bổ lên đầu thằng Lê Duẩn. Nhát cuốc này bổ lên đầu thằng Lê Đức Thọ….

Buổi sáng đầu tiên, với 13 nhát cuốc, coi như tôi đã thanh toán xong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lúc này, trong đầu tôi đã nảy sinh ý định làm một bài thơ về cuốc đồi trồng sắn, nhưng mãi tới hai năm sau, 1979, tại trại K4 tỉnh Vĩnh Phú, tôi mới hoàn thành bài thơ SẮN vào một buổi sáng chủ nhật. Lần này cũng như lần làm bài thơ Bản Trường Ca Cho Huế Mùa Xuân năm 1968, tôi viết một mạch. Lần trước đánh máy, lần này viết tay. Lần trước, làm thơ trong tư cách một người Tự Do. Lần này trong tư cách Một Thằng Tù, Nô Lệ.
Khi vào Nam, đầu năm 1980, tôi được anh em bạn tù dẫn đi ĐỌC THƠ khắp các phòng cho anh em thưởng thức, cùng với bài thơ Chuyến Tàu Cuối Năm vừa mới ra lò, nóng hổi, vừa thổi vừa nghe. Lúc đã vào Nam, nỗi sợ bớt đi, nên anh em rất hứng khởi đọc thơ tranh đấu, hát nhạc vàng mỗi đêm cho tụi cán bộ đứng bên ngoài nghe.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ “Chuyến Tàu Cuối Năm”. Tàu rời ga Thanh Hóa đêm 28-12- 79. Hai tù nhân một còng số 8 còng tay hai người. Ỉa đái, đều kéo nhau vào cầu tiêu. Ngay khi lên tàu, tôi đã có ý định làm bài thơ cho chuyến tàu về quê Nam. Đêm 1.1.1980 đến ga Gia Rai, tôi viết bài thơ ngay trong đêm đầu năm. Bài thơ chỉ là, ghi nhận hình ảnh và cảm nghĩ của mình.

1983 – 1994
Tôi ra khỏi trại ngày 30 tháng 11 năm 1983. Tính ra, tôi ở tù 8 năm 6 tháng.
Trại phát cho 50 đồng và hai bộ quần áo. Ra tới chợ Gia Rai, như mọi người, tôi bán hai bộ quần áo. Ăn một tô phở và uống một ly nước mía. Còn lại bao nhiêu tiền, tôi đưa cho tài xế nói là đi Phan Rang, vợ con tôi đang ở đó với mẹ tôi. Nhưng người tài xế nói, với số tiền này tôi chỉ đi tới Phan Thiết. Tôi chấp nhận tôi đi Phan Thiết, vì có bạn tôi nơi đó: gia đình thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn. Mẹ Nguyễn Bắc Sơn ôm tôi khóc. Tôi ngủ đêm ở đó. Sáng hôm sau Nguyễn Bắc Sơn chở tôi lên bến xe đi Phan Rang. Mẹ Sơn cho tôi 100$.

Tôi ở Phan Rang với vợ con, nhưng hàng tháng phải về Sài Gòn trình diện công an phường, nơi tôi bị quản chế. Để giúp gia đình và nuôi bản thân tôi phải làm hàng trăm việc để kiếm sống.

Tôi và vợ tôi ly dị cuối năm 1989. Đầu năm 1990, vợ tôi rời Việt Nam theo diện H.O đem theo ba người con của chúng tôi. Vợ tôi là Đại Úy Cảnh Sát, tập trung cải tạo 4 năm 6 tháng. Tôi ở lại một mình, BUỒN, HAM VUI, tôi Cõng Thêm Cô Gái Huế kém thua tôi 16 tuổi và hàng ngày đi vay nợ.
Mặc dù thiếu thốn, chạy vay nợ, nhưng tôi bị Bệnh Mê Gái và Gái Mê, nên thời gian này, tôi cũng làm được những bài thơ tình bá cháy, quỷ khốc thần sầu. Đó là những bài như: Anh Hứa, Em Có Biết, Một Ngày Mưa, Đường Tình, Áo Mới, Một Nơi, Đường Thoại Ngọc Hầu, Sinh Nhật. Trong số này, sự ra đời của bài Sinh Nhật đúng là một Huyền Thoại Thơ.

Tôi quen cô, tên là Dạ Ngân, khi tôi làm cho một cơ sở làm bia Sinh Tố của một người bạn viết báo trước đây với tôi tại tòa soạn báo Sóng Thần, tờ báo nhà văn Trùng Dương làm Chủ nhiệm, hẻm Lê Bảo Tinh, đường Cách Mạng  Tháng Tám, gần nhà cô. Đến, đi, tới, lui, tôi cười và đá lông nheo cô. Thế là cô mê tôi. Ngày sinh nhật của cô, cô mời tôi đến nhà với niềm hãnh diện thấy rõ. Đâu ngờ tôi còn có giá như thế, hay là cô ấy bị chạm điện, té giếng.
Bạn bè cô, người thì gói quà, người thì bó hoa. Thằng tôi, thi sĩ, ngồi đực như chó gầm bàn. Tôi nổi máu anh hùng, vận dụng thần lực, kêu cứu thần thơ, thánh thơ phù hộ độ trì. Và nhanh như chớp, tôi ứng khẩu:

“Hơn nửa đời người, anh mới gặp em
Em mọng đỏ của một thời trái chín
Mà ta, kẻ lãng du suốt đời
Cháy bỏng đôi môi khao khát

Chẳng cần đâu, em phải trả lời
Trong tình yêu, ngôn ngữ thật vô ích
Đôi khi sự im lặng lại nói lên nhiều nhất
Đôi khi sự im lặng thật tuyệt vời
……………………………..

Già rồi, anh không còn lãng mạn nữa đâu
Được cái, trái tim vẫn còn son trẻ
Nhịp đập bình thường, hơi thở bình thường
Nếu có tỏ tình yêu em cũng không có gì loạng quạng.

Cả bàn vỗ tay hoan hô tôi. Bà chị cả của cô tặng tôi một cành hoa lấy từ trong bình hoa giữa bàn.

Như tôi đã nói nhiều lần:
Không có đàn bà không có thi sĩ
Không có người tình, thơ chết rấp, tắt thở
Tình đến rồi tinh đi. Người tình ấy ra đi, có người tình khác đến. Nhờ vậy mà thi sĩ vẫn sống và thơ tình vẫn ra đời, bất tận, tới thiên thu.
Nhân danh tôi, Lê Mai Lĩnh, Thi sĩ tài hoa và đào hoa, xin quỳ lạy và tri ân những người tình.
Amen!

Sau ngày phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho ra đi, công việc vay nợ của tôi tiến triển khả quan và chất lượng hơn. Ngay khi thấy tôi bước vào nhà, bà Đại tá Lý hỏi ngay, hôm nay Chính muốn mượn mấy triệu hay mấy chỉ?
Thế là, vợ trẻ, con thơ, vé đi Mỹ cầm chắc trong tay, tàn tàn: Uống rượu, làm thơ, nhậu. Uống rượu, nhậu, làm thơ cho tới gần giờ lên máy bay mới ngưng. Tạm ngưng. Sang Mỹ nhậu tiếp. Nào ngờ, sang tới Mỹ đi rửa chén bát, soong, nồi tối tăm mặt mày cho trường Đại học Trinity, tiểu bang Connecticut một giờ 5.25 cent.
Nước Mỹ cái gì cũng dễ tìm, nhưng tìm Người Tình,   quá khó. Bây giờ thì tôi đã hiểu, tại sao nhiều nhà thơ Việt Nam qua Mỹ, bỏ làm thơ. Người tình tìm đâu ra mà thơ với thẩn. Không có người tình, không có thơ tình đích thực. Người tình hàm thụ, chỉ có thơ vô hồn, thơ tử thi.

Tôi nói. Lê Mai Lĩnh nói như thế!

Lê Mai Lĩnh

(*) đề tựa của HNH