Wednesday, November 23, 2016

Vài Ý Kiến Về Bài Viết 
          Của Tác Giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba 
                                       - Châu Thạch

Gần đây tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba đăng trên Facebook của mình và trên NGUYENPHUCVINHBA.BLOGSPOT.COM  một bài viết với đầu đề “ Người Lái Đò Là Ai?”. Đại ý bài viết tác giả chê trách
việc văn chương dùng cụm từ “người lái đò để chỉ các giáo viên,giáo sư… những người làm nghề sư phạm”. Tác giả cho rằng trình độ học vấn và nghề nghiệp thấp hèn cúa người lái đò không xứng đáng để mang hình ảnh cao quý của người thầy giáo. Bài viết của tác giả có tác động đên một số ít thầy giáo đã nghe theo và lên tiếng từ chối mang hình ảnh người lái đò, là hình ảnh cao đẹp mà văn chương đã dùng để tôn vinh họ. Châu Thạch tôi nghĩ cần phải lên tiếng chỉ ra cái sai trái của lập luận nầy.
Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba viết: “Cụm từ này được dùng theo nghĩa bóng, nghĩa là dùng một tính chất nào đó của ông lái đò để cường điệu lên, nhằm làm nổi bật một tính chất tiêu biểu của người giáo viên.
Buồn thay, người viết suy nghĩ hoài mà không tìm thấy tính chất nào hết. Hãy làm một bảng so sánh hoạt động của hai loại nghề này xem sao.”
Nói thế nhưng ở bảng so sánh dưới đây, ta thấy tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba lại đem nghĩa đen hoàn toàn để so sánh công việc giữa người lái đò và thầy giáo rồi kết luận rằng họ khác nhau hoàn toàn. Tôi xin mạn phép chép lại những so sánh rất nghĩa đen giữa người lái đò và thầy giáo của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba. Sau nhưng câu so sánh nghĩa đen ấy tôi xin được phản biện lại để chỉ ra cái nghĩa bóng của nó hầu xin mạo muội chứng tỏ được hai nghề nầy có những điều quý trọng rất giống nhau. Phần ngoài dấu ngoặc là phần khẳng định của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba. Phần trong dấu ngoặc là phần trả lời phản biện của Châu Thạch.
1-Người lái đò lao động chân tay còn thầy giáo lao động trí óc: (Như thế cả hai đều lao động cần cù)
2-Người lái đò làm việc  tùy điều kiện bản thân, khỏe làm mệt nghỉ còn thầy giáo làm theo quy định của nghàng chuyên môn theo các nguyên lý cao cả: (Tuy điều kiện làm việc khác nhau nhưng cả hai đều làm nhiệm vụ đưa người  vượt qua chứớng ngại , với người lái đò là dòng sông, với thầy là sự dốt. Hai người đều có nghề làm việc cao cả nhưng có cao cả hay không là tùy ở đạo đức của mỗi người.)
3-Người lái đò không quan tâm đên nhân thân của đối tượng hành khách còn thầy giáo quan tâm sâu sắc đến thái độ, nhân cách tâm lý… của đối tượng giảng dạy: (Người lái đò tuy không quan tâm đên nhân thân người qua sông nhưng lại quan tâm đền thời tiết, con nước chảy, hành lý, giờ giấc của khách qua lại. Nói chung cả hai đều quan tâm đền đối tượng mà mình bảo vệ qua một đoạn đường.)
4- Người lái đò không cần trình độ văn hóa cao còn thầy cần trình độ văn hóa, nghiệp vụ cao: (Nói về nghiệp vụ cao thì ai cung phải cần như nhau. Người lái đò còn cần hơn thầy giáo vì đưa người qua sông nguy hiểm đến tính mạng hơn. Còn văn hóa thì người lái đò không cần phải học cao nhưng văn hóa “là giá trị chân lý chuẩn mực” thì cả hai đều phải cần có mới sống ở đời đúng nghĩa con người. )
5- Người lái đò thu nhập trực tiếp từ khách hàng còn thầy giáo nhận lương qua nhà trường: (Nhận lương từ đâu không quan trọng. Quan trọng là cả hai đều nhận lương qua công sức lao động chân chính của mình và đồng tiền trong sạch. Điều nầy người lái đò và thầy giáo giống y nhau.)
5- Người lái đò lấy việc thu nhập tiền công làm thước đo hiệu quả công việc còn thầy giáo lấy sự tiến bộ trí tụê, nhân cách của đối tượng làm thước đo hiệu quả công việc:(Tiền công thì người lái đò hay thầy giáo đều được nhận theo năng lực làm việc của mình. Nhưng thước đo hiệu quả công việc cúa người lái đò không phải là tiền mà số lượng hành khách và hàng hóa, súc vật qua đò. Nói chung hiệu quả công việc của cả hai người đều được tính kết quả trên những gì mà họ giúp ích cho đời chớ không phải ở cách nhận tiền trả công.)
6- Người lái đò không cần đầu tư, cải tiến văn hóa nghiệp vụ của bản thân còn thầy giáo thì cần đầu tư cải tiến liên tục: (Thầy giáo làm nghề văn hóa thì phải đầu tư cải tiến văn hóa. Người lái đò chèo thuyền thì cũng phải đầu tư cải tiến cho thuyền to hơn lớn hơn và chắc chắn hơn  Vậy cả hai đều phải cần đầu tư cải tiến cho tay nghề của mình cao hơn.)
7- Người lái đò có đối tượng khách hàng qua sông là xong việc còn thầy giáo giảng dạy xử dụng kết quả việc học về sau: (Cái nầy không liên quan đền họ. Miễn là cả hai đều làm tròn bổn phận đưa người qua sông an toàn còn họ xuống đò rồi là phần việc của cuộc đời, của định mệnh)
8- Người lái đò giúp đối tượng giải quyết một nhu cầu vật chất trong trong một giại đoạn ngắn còn thầy giáo giúp đối tượng giải quyết một nhu cầu tinh thần trong một giai đoạn tương đối dài: (Giúp gì cũng có ơn.  Cả hai đều có nghĩa cử cao lớn là giúp con người giải quyết nhu cầu của con người.)
9-Người lái đò-khách là mối quan hệ mua bán nhất thởi còn thầy-trò là mối quan hê tình nghĩa thâm giao: (Trên thực tê người thầy chịu sự phủ phàng không khác chi người lái đò. Đa số khách của hai người đều bỏ đi không hề quay lại. Điều nầy văn thơ viết rất nhiều)
Qua những phản biện trên Châu Thạch xác nhận rằng những hoạt động của người lái đò và thầy giáo mà tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba nêu ra ở trên về nghĩa đen thì nó khác nhau nhưng về nghĩa bóng thì giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là người lái đò và người thầy giáo đều có hình ảnh phục vụ tha nhân giống nhau, chịu sự thiệt thòi và nỗi khó nhọc giống nhau. Sự quan trọng của công việc thì khác nhau nhưng phẩm chất nghề giống nhau, còn nhân cách thì tùy theo mỗi cá nhân đối xử với đời mà phân biệt ai cao ai trọng. 
Ta hãy nghe tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh ba viết:”Trước hết, ta hãy xem người lái đò làm gì, cư xử, sinh hoạt ra sao mà được so sánh với các bậc thầy, người khai tâm, truyền kiến thức và uốn nắn tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho thế hệ đời sau.” . “Khi dùng cụm từ “người lái đò” để ám chỉ người thầy, chúng ta vô tình đã hạ thấp vai trò, chức năng và giá trị của người thầy.”
Có lẽ tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba cho rằng vì người lái đò nghèo hèn, ít học, lam lủ nên không xứng đáng để lấy họ làm hình ảnh cho người thầy vốn cao trọng. Suy nghĩ như thế thì quá sai lệch. Đạo phật lấy con Sư Tử làm hình ảnh cho Bồ Tát, ví tiếng rống của con sư tử như tiếng Phật thuyết pháp (Simhanada). Đạo Thiên Chúa lấy hình ảnh Chúa Jêsus là  một người Chằn Chiên vác con chiên què trên lưng. Người xưa dùng hình ảnh con rồng để tôn cao vẽ đẹp của  mặt vua (long nhan). Vì sao thế? Vì hình ảnh con vật hay con người ở đây đã được thánh hóa phẩm chất của nó. Người lái đò cũng vậy, hình ảnh chèo thuyền của họ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong cuộc sống, vì vậy người đời đem hình ảnh của họ để gắn với người thầy. Nói rằng “dùng hình ảnh họ cho người thầy làm hạ giá trị của người thầy” là cách suy nghĩ lạc hậu, giống ở nông thôn  thời phong kiến xưa kia không cho Thằng Mõ ngồi chung mâm với  hội làng.
 Hình ảnh thầy cô được ví như nhưng người lái đò thầm lặng, người lái đò tận tụy, người đò tuyệt vời trên dòng sông cuộc đời không biết có tự lúc nào. Hình ảnh đó tuyệt đẹp đã được văn chương chắt lọc qua nhiều thế hệ và được  chấp nhận bởi trí tuệ và văn hóa dân tộc chớ không phải chỉ là “Một người nói, vài người khác bắt chước theo. Thế là thành một cụm từ quen thuộc, nghe đọc mãi khắp mọi nơi.” Và cũng không phải là “cụm từ này nó khôi hài, châm biếm biết bao bởi  nó là một ví von ngô nghê, một ẩn dụ khập khiển” như tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba đã viết.
Đành rằng không phải cái gì xưa để lại cũng tốt. Có cái ta cần phải bỏ nhưng không phải vì thế mà dùng lời ngụy biện kết tội vu vơ, oan uổng để bôi xấu những điều tốt đẹp, mà dầu có muốn bôi xấu nó cũng không bao giờ xấu được vì nó đã là tinh túy rồi./.
                                           
Châu Thạch