Nhớ Làng - thơ Lê Tây
Nhiều lúc tôi nhớ làng tôi quá
Nhớ gốc mít sau nhà nhớ bến nước ven sông
Mười năm đi biệt chưa về lại
Bởi Thượng Đế bắt mỗi người một phận
Tôi rời làng lúc tuổi mới mười hai
Ra thành phố đèn đủ màu chói lọi
Thương bữa cơm chiều chờ ánh trăng soi
Xóm giềng ơi nghìn đời tôi vẫn nhớ
Dăm quả cà vài ba lon gạo
Bà tất tả bọc vào vạt áo
Mẹ buôn xa đến hẹn vẫn chưa về
Tuổi thơ tôi cùng với làng cơ khổ
Chiều cuối năm pháo nổ nhà ai
Mới sáu tuổi tôi đứng chờ khất nợ
Mẹ thiếu tiền đi tránh tối ba mươi
Sau giao thừa tôi mới có giao thừa
Nồi bánh chưng nấu bằng nước mắt
Trong gian khổ Mẹ dạy nên cao đầu ngẩng mặt
Suốt đời tôi đâu dám quên
Những thằng bạn thời chăn trâu cắt cỏ
Tháng ngày gắn với lũy tre xanh
Chưa một lần biết máy bay tàu thủy
Rượu uống tràn cười rung cả mái tranh
Tôi vẫn nhớ một góc sân đình
Nơi bày trận, chơi khăng, chơi đáo
Nơi bắt bướm nhiều màu ép vào trang vở
Hào phóng cho em bây giờ tiếc ngẩn tiếc ngơ
Lấy chồng làng đã có hai con
Gặp lại nhau em vẫn dáng người thon thả
Em chẳng nhớ trời mưa hai đứa che chung tàu lá
Con bướm ngày xưa bay xa, bay xa
Bà ra đi để lại vườn trầu
Thời đại mới không còn ăn cau nữa
Tình cảm – kẹo cao su, kéo dài thời gian lần lửa
Bao nhiêu người quên làng từ lâu
Điện đã về mờ ánh trăng mười sáu
Cởi Dream nhớ gì đến lưng trâu
Bên bến vắng thuyền không còn đợi khách
Tiếng gọi đò lịm chết giữa sông sâu
Tôi nhớ làng tôi nỗi nhớ buồn rầu
Bao nhiêu năm chưa về thật vô cùng có lỗi
Bươn bả công danh mòn chân mỏi gối
Cuộc đời như một trò chơi
Chờ tôi nhé giòng sông xưa đầy nắng
Tôi sẽ về thăm lại tuổi thơ tôi
Ngồi vọc nước rửa trái tim rách nát
Để yên tâm làm một con người.
Lê Tây