Tôi Mới Về Thăm Huế - Nguyễn Viết Tân
Huế, Con Đường Hoa Phượng |
Sau 4 năm "lên chương trình về thăm quê"
cho hoàn hảo, chúng tôi đi quá cảnh Hongkong rồi về thẳng Đà Nẵng để đi đường bộ
ra Huế. Đi như vậy vừa tiết kiệm tiền bạc lẫn thời giờ, thay vì về Sài gòn rồi
mới ra Huế.
Máy bay đáp xuống Đà Nẵng vào sáng sớm nên thời tiết
còn mát mẻ lắm. Có người nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất VN, tôi không
biết ra sao nhưng thấy phi trường sạch sẽ, nhân viên Hải Quan không hạch sách
vòi vĩnh tiền bạc, đường từ đó chạy ra đến hầm Hải Vân rộng rãi, nhà cửa tương
đối đẹp đẽ.
Tuy nhiên khi tới Lăng Cô thì xe chạy như rùa bò,
chỉ 40 km/giờ vì quốc lộ 1 đang mở rộng. Anh Taxi cho biết sẽ chạy đường khác
ra cảng Chân Mây, vừa ít xe tải, vừa có cảnh đẹp ven đường, lại tránh được 2
cái đèo. Quả thực đi đến đây mới biết rừng tràm lá keo xanh mướt, thỉnh thoảng
có ruộng vườn với đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ.
Trở lại quê ngoại
Tuy đoạn đường có chừng 75 km nhưng về đến Huế
cũng mất gần 2 giờ đồng hồ.
Xe vào thành phố, tôi thấy khách sạn Sông Hương
bây giờ sửa sang coi có vẻ giầu có hơn xưa. Đối diện đó là quán cơm 79, đây là
nơi mà ngày xưa khi còn trong phi hành đoàn Trực Thăng được biệt phái ra Huế,
chúng tôi thường ghé ăn cơm trưa. Quán này nổi danh với món tôm chua thịt luộc
ăn với rau tươi, kèm trái khế, trái vả cắt miếng rất ngon. Chỉ là dân phi hành
biệt phái thôi, ai ngờ thành rể của xứ Huế.
Chúng tôi trọ tại một khách sạn nhỏ gần cầu Trường
Tiền nơi cháu Tài Vân đang làm việc. Khách sạn tuy nhỏ nhưng cũng đầy đủ tiện
nghi và giá lại rẻ nên khách trọ khá đông. Tắm rửa xong xuôi chúng tôi lấy Taxi
về chợ Dinh thăm Mạ.
Tôi là dân Kinh 5 Rạch Giá nhưng Huế là quê ngoại
của các con tôi. Tôi bắt chước O Điểm, gọi bà ngoại của các cháu là “Mạ”.
Từ Hữu Ngạn sông Hương về nhà mạ tôi ở Bãi Dâu có
thể đi theo 2 đường.
Một là bằng cách băng ngang cầu Trường Tiền, quẹo
phải trước chợ Đông Ba mà chạy trên đường Chi Lăng về chợ Dinh.
Hai là chạy xuống hướng ra cửa Thuận An, qua Đập
Đá, qua khỏi Vĩ Dạ, Nam Phổ tới nhà máy bia Huda rồi quẹo trái qua cầu chợ Dinh
cũng tới nhà.
Vĩ Dạ nổi tiếng bởi bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn
Mặc Tử; còn làng Nam Phổ lại nổi danh ở câu "Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo
cau". Ở lỗ nghĩa là cởi truồng.
Nam Phổ, chợ Dinh được cũng nhắc tới trong những
câu hát ru em truyền tụng từ nhiều đời tại vùng này:
Ru em cho thét cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Đập Đá bây giờ đang cấm xe hơi lưu thông. Họ làm
con đập này rộng hơn gấp đôi, phình to ra hướng sông Hương.
O Điểm có một người cậu là cựu sỹ quan VNCH của Biệt
Khu 44 (Kiến Tường-Kiến Phong). Lúc chúng tôi cùng mạ đi xuống một làng gần Thuận
An để thăm cậu, tôi thấy cậu dùng ba bốn chiếc vớ, bọc vào chiếc chân cụt tới gối,
rồi mới xỏ vào chiếc chân gỗ.
Cậu nói phải làm thế chứ nếu không thì khi bước đi
nó sẽ thốn đau lắm. Giá mà có nhiều tiền thì cậu sẽ mua cái chân tốt hơn.
Tôi ái ngại nhét vào túi cậu 200 đô, vì tự hỏi
không biết cậu sống bằng gì với mảnh vườn xơ xác ở một làng đìu hiu như thế
này?
Nhớ hồi còn trai trẻ, tôi ở trong phi đội tải
thương trong Mang Cá Nhỏ-Huế mấy năm trời, bây giờ nhìn thấy người Thương Binh
tại một làng quê Huế, lòng dạ tôi xốn xang bồi hồi.
Thăm các em bệnh nhi
Trước ngày rời Cali về Huế, cô Tiểu Bích, nguyên
Hiệu trưởng Trường Trung học Nữ Thành Nội, có gửi cho chúng tôi ít tiền, nói muốn
làm chi đó thì làm.
O Điểm biết rằng tại Bệnh viện Trung ương Huế có mấy
người bạn làm Bác sĩ ở đó, nên thêm tiền vô để nhờ Thúy Vi mua 80 phần quà cho
các em bị bệnh hoại huyết.
Vì có hẹn trước nên Bs Đoan Trang ra đón tại cổng.
Chị nhờ mấy người "bảo vệ" chuyển những thùng quà vào Khu Nhi Khoa.
Bệnh viện Huế bây giờ xây thêm nhiều building khá
tân tiến. Chúng tôi cũng nhìn thấy những Bác sĩ và Y tá người nước ngoài đang
làm thiện nguyện ở đây mà lòng tràn đầy khâm phục. Họ từ những phương trời xa đến,
từ bỏ những tiện nghi và hoàn cảnh sống sung túc mà đến đây phục vụ những bệnh
nhân khốn khổ.
Chúng tôi đến khu "Vô trùng", chân xỏ vô
những bao vải màu xanh, tay kéo theo thùng quà. Mỗi phòng có chừng 10 bệnh nhi,
nhưng phụ huynh có ở nuôi bệnh nên coi hơi chật chội.
Chỉ một khoa nhỏ thế này, mà gần 100 phần quà đã hết.
Lòng áy náy nhưng chúng tôi đành ra về vì "Lực
bất tòng tâm.
Họp mặt trường nữ Thành Nội
Nữ sinh Trung Học Thành Nội |
Trong ít ngày tại Huế, chúng tôi có chương trình sẽ
gặp các thầy cô và các bạn trường Nữ Thành Nội tại tư gia của Thúy Vi trong
Thành Nội.
Tới ngày hẹn, chúng tôi đến nhà Thuý Vi sớm hơn giờ
hẹn một giờ trước, xem có phụ giúp gì được bạn không. Ai dè bàn tiệc ngoài bàn
tiệc ngoài vườn đã được sắp xếp xong xuôi rồi. Khung cảnh vườn rất đẹp, thức ăn
trình bày đúng kiểu Huế, nho nhỏ xinh xinh. Những món ăn mà Điểm thường nhắc nhớ
đều có đủ: Bánh bèo, bánh ít ram, canh cá kình nấu thơm, vả trộn, mắm rò thịt
luộc v v... Các thầy cô và bạn hữu đều tươi tắn. Mọi người trong buổi họp mặt
nói cười rôm rả, chuyện trường cũ Huế ưa xen lẫn không ít chuyện tiếng Mỹ, nước
Mỹ.
Trong bữa tiệc họp mặt Thành Nội-Huế ở nhà Thúy
Vi, tôi được xếp ngồi kế bên một vị giáo sư khả kính, vừa là thầy dậy vừa là cậu
của O Điểm.
Trong lúc vui miệng tôi có kể mấy chuyện tiếu lâm
"hơi mặn".
Thầy nghiêm nghị nói:
- Mấy đứa con của tôi nói năng mực thước lắm.
Tôi bị chạm nọc nên ngồi im một lát.
Bỗng thầy đứng lên kể rằng:
- Tôi có người bạn ngày xưa dạy cùng trường nay định
cư nước ngoài. Hôm anh về gặp tôi thì mừng rỡ hỏi han: “Anh hồi này thế nào?
Khoẻ không?” Đáp rằng, “Dạ thưa cám ơn anh, tôi thì chân phải gút, chân trái
gút, còn chân giữa.. vé ri...vé ri gút.”
(Xin ghi chú thêm là, người Việt trong nước 10 người
thì có đến 9 gọi bịnh gout là gút.)
Cùng trong buổi họp mặt trường Nữ Thành Nội đó, chị
Đ T Ng, một người mới qua thăm nước Mỹ trở về có kể chuyện sau:
Trên máy bay, chị ngồi gần hai anh thanh niên VN
người miệt biển (nói giọng nặng hơn người trong đất liền).
Khi thấy cô tiếp viên nhún nhảy đi qua với thân
hình gợi cảm, như nói rằng "nó đây nè, nó đây nè" một anh nói với bạn,
“You fine, you try, you like, you now.”
Chị hỏi tôi, người từng ở Mỹ hơn 35 năm, tiếng Mỹ
nói như cháo chảy, có đoán ra anh ta nói gì không?
Tôi quê một cục, cái mặt cứ ngớ ra coi bộ rất ngố.
Thấy tội nghiệp, chị giải thích:
- Anh ta hỏi bạn: Dú phải, dú trái, anh thích dú
nào?
Buổi họp bạn trường nữ Thành Nội kéo dài đến tận
khuya mới chia tay ra về, mà lòng người phương xa còn quyến luyến.
Cà phê, nhà hàng Huế
Tôi yêu bài hát Hai Mùa Mưa, chẳng phải là bản nhạc
cao sang gì, chỉ vì nó là tâm trạng của lớp tuổi chúng tôi khi giã từ mái trường
để bước vào đời lính đầy hiểm nguy. Trong bài này có câu "Này con đường dẫn
vào sân ga tắm trăng mơ".
Sau này tôi lại càng yêu sân ga với tiếng còi tàu
khi đọc cuốn "Biển Động" của nhà văn Nguyễn Mộng Giác có cô Diễm Ga.
Có một sáng sớm kia không ngủ được, tôi đi xuống từng
dưới của khách sạn mà vô Net, thấy Hào lên tiếng hỏi sao anh dậy sớm vậy? Rồi rủ
tôi đi uống cà phê lúc mới 5g sáng. Chúng tôi đi Honda ngược lên hướng tây nam,
băng qua Bệnh viện Huế, trường Quốc Học và Đồng Khánh rồi vào sân ga.
Tuy còn sớm lắm nhưng quán cà phê khá đông người.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, nhìn người đến kẻ đi.
Về VN tôi đâm hư khi cũng phì phèo điếu thuốc như
hầu hết đàn ông ở đây. Cũng may khi trở lại Mỹ thì bỏ, không hút nữa.
Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trong một sân ga,
nghĩ đến nỗi biến suy của cuộc đời. Bao nhiêu người đã đón đưa nhau nơi này. Những
người đó ai còn ai mất, bây giờ họ ở nơi đâu, để lại sân ga buồn với những con
đường sắt trơ gan cùng tuế nguyệt.
Cầu Dã Viên |
Uống cà phê xong, Hào chở tôi đi lên cầu Dã Viên mới
xây được vài năm nay. Cây cầu rộng và đẹp đẽ nằm song song với cầu sắt dùng cho
xe lửa tên là Bạch Hổ.
Gió buổi sáng thổi lồng lộng trên sông Hương.
Khi qua khỏi Thành Nội thì tôi tỏ ý muốn mua khoai
sắn cho O Điểm nên Hào tấp vô một quán Bún Bò ven đường, phía trước có một nồi
khoai sắn bốc khói.
Tiếc rằng loại sắn dẻo, còn nguyên vỏ trắng không
có, nên tôi mua chừng 5 củ dài cỡ 2 gang tay, với 5 củ môn lớn bằng cổ tay.
Hỏi hết bao nhiêu thì bà hàng nói 30 ngàn (1 đô rưỡi)
tôi liền đưa 50 ngàn rồi nói khỏi thối khiến bà ngạc nhiên.
Chúng tôi ghé nhà của Hào. Cha mẹ anh có một quán
cà phê nho nhỏ xinh xinh quay mặt ra đám ruộng mạ đang lên xanh mướt. Nói chuyện
mới biết bà trước đây học trường Đồng Khánh rồi ra dậy học nhiều năm, bây giờ
đã về hưu, mở quán cà phê nhỏ cho vui. Vậy là sau cà phê sân ga, tôi được hưởng
thêm mục cà phê ruộng.
Cầu Chợ Dinh |
Còn cà phê vườn nữa
Trước khi về Huế, tôi đã hẹn hò với vài người bạn
thân sẽ đi uống cà phê vườn cho biết nó ra răng. TV và T đã đãi chúng tôi ăn
sáng ở quán bún bò ở ngoại vi thành phố Huế, sau đó vào quán Vĩ Dạ Xưa uống cà
phê vườn.
Trong khuôn viên còn có cả nhà hàng lớn chuyên đãi
tiệc cuới có treo nhiều đèn lồng đỏ chói phía trước nên trông có vẻ tàu tàu.
Quán cà phê là những nhà rường, cột kèo chạm khắc
kỳ công, lẫn trong những tàng cây cao xanh tươi. Mặt sau quán quay ra sông
Hương đoạn ngang Cồn Hến.
Cà phê ngon, các cô gái xinh xắn mặc áo dài tím,
bưng thức uống đi lại dịu dàng, dạ thưa ngọt sớt.
Trước khi rời Huế, chúng tôi còn được các thầy cô
và bạn hữu mời đi ăn cơm chay ở quán Ngự Hà. Đây là một quán có hồ và cây kiểng
rất đẹp, thức ăn lại rẻ, có 30 ngàn chưa đầy một đô rưỡi.
Tuy đang mùa nắng hạ nhưng nhờ có hệ thống phun
sương nên thực khách cảm thấy dễ chịu như trời sắp mưa.
Nguyễn Viết Tân