Wednesday, June 24, 2015

“Lửa Ngông" Trong Thơ Lê Mai Lĩnh 
                                    - Trương Anh Thụy

Lê Mai Lĩnh
            Tiếng Việt mình thật là phong phú! Người ta nói “lửa thù,” “lửa hận,” “lửa tham,” “lửa ghen,” “lửa tình”, “lửa Việt,” “chuyển ‘lửa’ về quê nhà,” “lửa bếp,” “lửa rừng,” “lửa trại,” “lửa tam muội*”... v.v. và... v.v...  Còn tôi thì... sau khi đọc
cuốn Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – Thơ-Văn-Tiểu luận, gấp sách lại suy ngẫm, cố tìm ra một chữ ngắn gọn hầu mô tả cảm nghĩ của mình...  trong óc bất chợt bật ra hai chữ “lửa ngông”!
            Nhưng vào đầu một bài viết nêu “ý kiến về một cuốn sách” mà đưa ra hai chữ cộc lốc như thế hẳn không khỏi làm cho người đọc ngỡ ngàng, có khi còn bị cho là “hồ đồ”! Vậy xin quí độc giả hãy kiên nhẫn, cho tôi thêm ít phút nữa để tôi tuần tự chứng minh điều tôi nói.
Trước hết có lẽ đây là cuốn sách gom góp những bài mà tác giả ưng ý nhất. Tuyển Tập mà! Một phần không nhỏ là thơ tình yêu. Tình với đàn bà, phụ nữ mà anh không giấu giếm: “không có đàn bà không có thi sĩ / “không có người tình, thơ chết rập tắt thở (trang 38), và như trong bài "Thi sĩ và Đàn bà": “Nếu trên thế gian này không có người đàn bà / Bọn tui khó sống.” Rồi lại khuyến cáo ngay trong cùng bài: “Chỉ nên làm tình nhân của thi sĩ / Chớ láng cháng mà làm vợ.” (!) (trang 245-247). Điều này đã dự báo một “loài” thơ đại lãng mạn của một thi sĩ đa tình đến mức...  siêu!
            Cái đa tình của Lê Mai Lĩnh cũng đã giúp anh thông cảm sâu xa với một nhà thơ đa tình khác là Du Tử Lê mà anh gọi là "Vị hoàng đế hay tên nô lệ tình yêu" (trang 322-329).  Tình yêu của Lê Mai Lĩnh còn lai láng sang cả vợ của các bạn (Phan Văn Hậu, Lê Viết Lào...), nghĩa là đã mấp mé ở "chỗ thế gian không thể hiểu!"
            Song công bằng mà nói, “tình yêu” Lê Mai Lĩnh không chỉ giới hạn trong liên hệ trai - gái, đàn ông - đàn bà mà anh cũng dành một tình yêu nồng nàn cho quê hương, cho con người, cho dân tộc...  ta có thể thấy bàng bạc khắp cuốn sách.  “Tình bạn” đối với anh cũng sâu đậm và trường tồn lắm, và nó còn lây lan ra cả đến học trò của thày! Nó không chỉ chung chung trong thơ văn, mà anh còn đưa ra những tên tuổi rất cụ thể.  Nhờ vậy ta biết được đến những bạn trai, bạn gái từ thời học trung học.  Nhờ vậy ta được biết về những tên tuổi của các văn thi sĩ miền Trung, mà có người, tiếc thay, ra đi rất sớm như Y Uyên, có tới bốn tác phẩm trước khi chết ở tuổi 26, hay Thạch Nhân Trần Đình Bé.  Lại cũng nhờ vậy mà ta biết được đến những bạn văn nghệ mà anh rất trân quý cùng những sinh hoạt của họ nhằm giữ gìn tiếng mẹ đẻ được trường tôn nơi quê hương thứ hai--không chỉ trường tồn mà còn được phát huy như trong bài anh trả lời nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khi anh Quốc tỏ ra bi quan về văn học VN hải ngoại.  Giờ đây, những người bạn đó đã thành những tên tuổi mà không chỉ văn học hải ngoại phải ghi tên mà, theo tôi nghĩ, văn học Việt Nam nói chung cũng sẽ phải ghi đậm trong văn học sử như những Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh, Trần Hoài Thư, Lâm Chương, Trần Doãn Nho, Huy Phương, Hà Kỳ Lam, Hoàng Ngọc Liên, Bùi Văn Phú và còn nhiều nhiều nữa...
            Song "lửa" có lẽ mới là cái chất văn, chất thơ bừng bừng trong Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh.  Tôi đang nghĩ đến những bài như "Trịnh Công Sơn, thảm kịch của một thiên tài" (trang 130-163), "Trần Hoài Thư, Tên Cowboy Hai Súng," người gần như đơn thương độc mã, miệt mài (bên cạnh một Viên Linh với tờ Khởi Hành bộ mới) níu lại gia tài thơ văn của Miền Nam (trang 291-300), "Trần Trung Đạo, Nhà Thơ Của Quê Hương" (trang 301-307), "Thái Tú Hạp, Hạt Bụi Này Ở Lại" với thơ Phật giáo (trang 308-318) và nhất là bài "Nguyễn Bắc Sơn, Chút Tình Mang Theo Xuống Mộ Chí" (trang 330-343), người mà anh đánh giá, cùng với Trịnh Công Sơn, "CẢ HAI ÔNG ĐỀU LÀ THIÊN TÀI CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM."
            "Lửa" trong Lê Mai Lĩnh đã không ngừng ở đó. Nó còn bùng lên mạnh hơn trong các nhà tù cộng sản. Điển hình là hai bài về "Nguyễn Trãi":
....
“Hơn sáu trăm năm từ Nguyễn Trãi rồi
Mà cơn quốc biến vẫn còn thôi
Con đỏ, dân đen, đau đời quằn quại
căm giận, bầm gan, tím cả môi.”
(Nguyễn Trãi I, trang 54)
....
“Đã nhiều năm rồi ta đứng ngồi nhiều bận
“Sục sôi trong ta một niềm căm giận
Nghĩ đến đường ra, đường đến, đường đi
Ta nghe những tiếng tim đời thổn thức
Và trái tim ta như cũng muốn nổ tung
Ức Trai! Ức Trai!
Ánh sao khuê soi đường hậu thế
(Nguyễn Trãi II, trang 56)
            Và các bài thơ tù khác từ trang 175 đến 205. Gần gũi hơn nữa là những bài thơ làm ở tuổi 72, cảm hứng từ "cuộc ‘Cách Mạng Dù’ của tuổi trẻ Hồng Kông" (trang 249-269) cũng có rất nhiều lửa để có thể làm cho ta ấm lòng, tin tưởng đến một ngày về trong vinh quang, dân chủ và nhân quyền.

            Nhưng "lửa ngông" mà tôi muốn nói đến thì ta có thể tìm thấy ở những bài như từ trại học tập anh gởi thư cho Lê Duẩn đòi đổi thay cách trị nước (trang 57-59), hay thư cho Lê Khả Phiêu với lời lẽ xách mé được nhắc đi nhắc lại “Tôi xin thông báo cho ông biết... ” rồi đòi dạy cho Lê Khả Phiêu để trở thành một Gorbachev (trang 59-70) hầu làm tổng thống tương lai của một nước VN nhân quyền, tự do và dân chủ--một giấc mơ mà anh cũng như tất cả chúng ta thừa biết là không bao giờ có thể thành hiện thực!  Nhưng có lẽ "là thi sĩ," ta phải nên cho Lê Văn Chính/Lê Mai Lĩnh quyền “bay bổng” một chút... hay thậm chí, còn phải “tha bổng” cho anh nhiều chuyện nữa, là vì, phàm là “lửa”thì bao giờ cũng có cái rủi ro “cháy!” Lửa theo nghĩa đen, nghĩa bóng hay nghĩa gì gì thì cũng có thể “cháy!” Nếu người “nhóm lửa” không biết khống chế lửa thì có ngày “cháy tay” và nhiều khi có thể cháy nhà, cháy xóm, cháy làng, cháy rừng... hay còn cháy nhiều thứ nữa...!
Tôi không dám cho là mình thực sự quen biết nhà văn, nhà thơ Lê Mai Lĩnh ngoài đời, cho nên tôi không chịu trách nhiệm về việc “chẩn mạch” anh đúng hay sai! Nếu như người ta thường nói “văn là người,” thì tôi chỉ nói cái gì mà thơ và văn của anh nó “tự thú” mà thôi!
            Cái “ngông” ở Lê Mai Lĩnh còn đi xa hơn khi anh “ngông” cả với chính mình! Có lẽ cái “dễ thương” ở Lê Mai Lĩnh là ở chỗ đó! Trong tác phẩm, có hơn một lần anh nhắc đến cái hỗn danh mà thiên hạ gán cho anh: “Tên du đãng văn nghệ hải ngoại” (sic, trang 42).  Anh “ngông” cả với chính mình khi mà anh có can đảm kể ra những chuyện tiêu cực trong đời như “Thi hỏng tú tài II vì phạm trường quy. Tôi giấu tài liệu Lý/Hóa dưới tờ giấy, bị giám thị phát hiện” (trang 28). Anh biết xấu hổ khi cư xử không phải với bạn Trần Gia Toản, anh tự sỉ vả mình: “Tôi thấy mình hèn mọn, nhỏ nhoi, ti tiện, bủn xỉn, xấu xa, nói chung, tôi thấy mình đã mất tính người” (trang 113). Cũng như ở trang 293, khi anh đọc văn Trần Hoài Thư có đoạn viết: “Từ một ngôi trường Đại Học, với người bạn Trung quốc từ chối ở lại Mỹ để trở về cùng Thiên An Môn...,” Lê Mai Lĩnh bật khóc: “Vâng, từ một ngôi trường Đại Học, với người bạn Trung quốc từ chối ở lại Mỹ để trở về cùng Thiên An Môn. Còn tôi thì sao? Lê Mai Lĩnh. Còn mầy thì sao? Bao giờ thì mầy từ chối ở lại Mỹ để trở về cùng Thiên An Môn Sài Gòn, Thiên An Môn Hà Nội. Trong thơ mày, mày đã viết: ‘Củi đã có nhân dân, lửa đã có đồng bào. Hãy thắp sáng lên một thời quật khởi’ Thì tại sao mày chưa về để cùng nhân dân, chiến hữu của mày làm nên điều đó, một Thiên An Môn Việt nam. Đồ chó chết. Đồ hèn. Đồ Lê Mai Lĩnh. Hắn (Trần Hoài Thư) đã làm tôi khóc và tôi nguyền rủa tôi.”
Anh thú nhận: “Năm 1990 Quán Bên Đường phá sản vì tôi, vì mê gái và nhậu” (trang 114). Anh cũng lại biết tự trào làm cho độc giả cười: “Tôi chỉ biết tôi nghèo và học dốt. Vì tài sản nghèo và học dốt làm sao tôi dám mơ tưởng 'đá lông nheo' với hoa khôi, nói chi là cận kề, 'theo Ngọ,' lẽo đẽo.” (Trang 51)
            Và cuối cùng tôi cho cử chỉ anh hùng hơn cả anh hùng xung trận đánh giặc, ở Lê Mai Lĩnh là, đối với một người mà anh mê, trong khi “người ấy” chỉ đáp lại tình anh như chị thương em, mẹ thương con. Anh dám thú nhận điều đó, không vơ vào, không thậm xưng... dù như người ấy đã không còn ở cõi đời này để mà tự biện hộ: “Nay, cấp lãnh đạo của tôi một thời lãng đãng Nha Trang Cao Thị Đồng Phước, đã qua đời. Khi còn sống nàng rất thương tôi, nhưng không yêu tôi đâu, dẫu có nhiều lần hôn lên mái tóc tôi, như chị hôn em, như mẹ hôn con, chứ không bao giờ như người tình hôn người tình” (trang 47). Thật là một “liều thuốc đắng” không dễ gì nuốt được trừ ra người nuốt, hoặc là “anh hùng”, hoặc là... “ngông”, hay có thể là cả hai!

            Bây giờ tôi mới hiểu một chuyện làm tôi cứ suy nghĩ mãi mấy năm nay. Số là trong một buổi sinh hoạt văn học do Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng 7 năm 2012, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, một trong hai diễn giả chính, bị nhà văn Lê Mai Lĩnh chất vấn ngay trong một hội trường đông đảo quan khách, mà anh Quốc chỉ... cười hiền. Bữa đó tôi nhớ sau khi nhà văn Lê Mai Lĩnh nói cho “đã” rồi, anh nói câu cuối cùng rất “ngông”, đại khái: “...tôi truy lùng ông từ 10 năm nay, bây giờ tôi gặp ông ở đây, tôi nói hết rồi thì tôi tha cho ông...”  Và nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cũng vui vẻ: “Vâng! Cám ơn ông đã tha cho tôi!”--Lại thêm một “anh hùng” nữa!-- Cử tọa cười vang, vỗ tay tán thưởng hai “hiệp sĩ văn nghệ”! “Thế là hết!” Thế là “huề”! Tôi mường tượng, một số “nạn nhân” khác của anh (danh sách nơi trang 42), nếu có dịp “chạm súng” tương tự với anh thì chắc cũng lại “huề” như vậy thôi. Chắc chắn là như vậy! Nếu không thì làm sao Lê Mai Lĩnh có thể còn “dong chơi trên cõi đời này” với nhiều ân oán giang hồ đến thế!

            Nhưng phải nói người mà tôi bái phục nhất là chị Lê Mai Lĩnh, khuê danh Bùi thị Phương Đông, người vợ hiền hòa thông cảm cho chồng nối lại tình xưa với một góa phụ, một người đẹp mà anh từng “thầm yêu trộm nhớ” (?) từ gần nửa thế kỷ trước, ngày nàng còn là hoa khôi ở trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, dù như sự liên hệ ngày nay chỉ là thứ tình văn nghệ! Có thế anh mới có “yên sĩ phi lí thuần” mà làm ra tới 250 bài thơ trong một thời gian kỷ lục (10 tháng) cho nàng "góa phụ vui vẻ" ("la veuve joyeuse, the merry widow") ấy. Cũng nhờ đó mà ta được đọc 10 bài (trang 222-248), đem lại một cái "nốt" tươi mát cho thơ tình Việt Nam hôm nay!
            Câu nói: “Đằng sau một người đàn ông thành công, bao giờ cũng có một người đàn bà vĩ đại” thật đúng quá trong trường hợp này!
            Xin có lời mừng nhà văn, nhà thơ Lê Mai Lĩnh!

Trương Anh Thụy
______

Chú Thích:
            Lửa Tam Muội tiếng Tây Tạng là Toumo, có nghĩa là nhiệt, song đây không phải là thứ nhiệt thông thường, mà là Tâm Nhiệt (psychicheat).
            Trong phép tu tiên của các đạo gia Trung Hoa cũng nói đến lửa Tam Muội. Trong sách Chân Tiên Bí Truyền Hỏa Hậu Pháp có viết:
            - Tâm là quân hỏa, nên gọi là thượng muội
            - Thân là thần hỏa nên gọi là trung muội
            - Bàng quang là dân hỏa nên gọi là hạ muội
 - Tam khí tụ nên sinh ra lửa gọi là lửa Tam Muội.
            Theo lời giáo huấn bí truyền của các minh sư Ấn Ðộ và Tây Tạng thì lửa Tam Muội (Toumo) rút ra từ Prana, Prana là cái bình vô tận của thiên nhiên để nạp vào cơ thể, để từ đó biến thành một thứ năng lượng tinh tế, sản xuất ra một thứ tâm nhiệt thần diệu, chuyển vận để sưởi ấm toàn thân. Ở mức tu tập cao có thể phát ra ngọn lửa. (Trích cư sĩ Nguyển Mộng Khôi.)