Friday, June 5, 2015

Chuyện Tình Của Tôi - Thanh Ngọc

                                   Tặng vợ con của tôi
                                            Thanh Ngọc
                                                                                              
1.    HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC 

Học trò trung học thời thập niên 1950 thế kỷ trước, đa số ở tuổi cập kê chưa biết yêu hay si tình nhưng đã biết “nghễ” (tiếng pháp gọi là Jeuter un coup d’oeil) tức là
đưa mắt nhìn, ngắm, liếc, nói văn hoa là chiêm ngưỡng.
Bọn nam sinh chúng tôi ngày hai buổi đến trường và về nhà, thường để ý bóng dáng các cô nữ sinh Đồng Khánh thấp thoáng trên đường Lê Huân, Ngọ Môn phía tây thành nội rồi bông đùa ghép cô này là của đứa kia. Chúng tôi chọn người vì thích tên của các nàng. Trong số các nàng từ Tây Lộc ra Chương Đức, Lý Thiện có các người đẹp Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thị Lãm, Ngọc Khuê, Ngọc Thu, Bích Nhẫn, Bích Trâm, Mộng Túy, Minh Phương, Thu Phương… Bộ ba chúng tôi (thường gọi Trois Mousquetaires) gồm Bùi Kế Hiển chọn Bích Trâm, Lê Văn Thương chọn Mộng Túy còn tôi chọn Nàng - một người tên Phương không có chữ đệm.
 Chọn người để có đối tượng tìm kiếm, để “nghễ” và để trêu đùa nhau trên đường đến trường, không cần biết người đó thích mình không, có môn đăng hộ đối không - một điều rất nghiệt ngã trong vấn đề tình yêu và hôn nhân ở Huế vốn ảnh hưởng khá nặng chế độ phong kiến. Chúng tôi là những học trò nghèo, chẳng quan tâm về điều đó. Có yêu đương đâu mà sợ bị lụy vì tình yêu bất thành. Dẫu vậy, tôi âm thầm chọn nàng vì nàng là chị của một người bạn nhỏ cùng lớp với tôi. Có lần chơi đùa trong lớp, một bạn bảo em trai nàng giới thiệu chị cậu ấy cho tôi. Chỉ là chuyện đùa nhưng tôi để bụng, tìm hiểu và nhận ra nàng trên đường đi học. Ngày hai buổi sớm chiều, thường là buổi sáng - khi mà tất cả nam nữ sinh đồng loạt rời nhà đến trường. Nắng hay mưa, tôi cũng dõi mắt tìm kiếm nàng. Lâu ngày thành thói quen và nàng là đối tượng mà tôi không khó khăn nhìn ra trong đám nữ sinh áo trắng nón che nghiêng, tóc thề xỏa ngang vai. Dáng nàng nghiêm trang rất khó tiếp cận. Tôi thích gương mặt tròn và hiền, làn da trắng của nàng. Tôi bắt đầu mộng mơ. Từ người bạn đồng lớp là em nàng, tôi biết nhà nàng ở số 5 kiệt 1 đường Nguyễn Thiện Thuật - ngay sau chợ Cầu Đất. Không như Bích Trâm, Mộng Túy có nhà ở ngay mặt đường để hai thằng bạn tôi có thể nhìn trộm qua hàng dậu tìm kiếm đối tượng mỗi khi đạp xe ngang nhà các nàng.
     Tôi chơi thân với em nàng. Cậu này nhỏ nhắn, hiền lành và dễ thương. Cậu cho tôi mượn đọc những bộ truyện Tàu của bố như Tây du ký, Hồng lâu mộng, Càn Long du Giang Nam, Dương Văn Quảng Bình Nam, Bạch Xà, Thanh Xà… Tôi mê truyện tàu và đọc say mê hằng đêm sau giờ học bài.
     Sau đó cậu em nàng lấy lén cho tôi một chiếc ảnh cỡ 6x9 của nàng. Nhìn ảnh cô nữ sinh khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang như Thúy Vân truyện Kiều, da trắng, mắt đen, tóc đánh con rết thả xuống hai bờ ngực đầy đặn. Tôi bắt đầu mê và tương tư đến nàng, bắt đầu yêu đơn phương. Lúc này, tôi sợ vấn đề môn đăng hộ đối, tôi bắt chước Tản Đà mê cô hàng sách mà hạ quyết tâm  “phi tú tài bất thành phu phụ”. Tôi quyết học thật giỏi. Học giỏi để qua các kỳ thi, để thành đạt, để thoát nghèo và để chinh phục được nàng và tôi học giỏi thật. Tôi qua kỳ thi trung học (diplome) dễ dàng. Tự học thi tú tài bán phần và toàn phần (Part I, Part II), tốt nghiệp sư phạm. Cả một quá trình đầy ý chí.
         Tôi nhớ rõ khi tôi vào trường sư phạm. Hai chị em nàng vẫn học tiếp bậc trung học. Tôi không có cơ hội tiếp cận nàng tại ngôi nhà số 5 kiệt 1 sau chợ Cầu Đất, ngoài lý do đến thăm em trai nàng. Không thể thường xuyên và chỉ đứng ở ngoài sân, chưa bao giờ được bước chân vào nhà vì tôi chưa phải là khách quen hay được mời. Ngôi nhà gạch mái ngói nằm giữa ngôi vườn rộng đầy cây ăn quả như hồng, mận, nhãn, mãng cầu, khiến tôi nhỏ bé, rụt rè mỗi lần tìm cách tiếp cận.
         Nhưng một điều bất ngờ đến với tôi. Gia đình tôi về quê sau khi cha tôi xuất ngũ. Tôi làm gia sư cho một nam sinh chuẩn bị thi diplome, được cơm ăn chỗ ở. Một hôm đầu thu bắt đầu niên học mới, tôi mạnh dạn vào thăm em trai nàng và là bạn học của tôi. Chị nàng ra hỏi tôi có thể giúp kèm môn toán cho hai chị em nàng thi lại diplome vào năm sau không? Tôi nhận lời ngay, mỗi tuần 2 buổi chiều thứ năm và thứ bảy, được nghỉ học ở trường sư phạm, tôi đến hướng dẫn hai chị em nàng học toán hình học, đại số. Tôi chính thức đứng trước mặt nàng nhưng vẫn phải giữ khoảng cách nam nữ thụ thụ bất thân. Không dám “chiếu” nàng bằng những cái nhìn say mê ý nghĩa. Thế là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi còn được trả tiền công mỗi tháng hai trăm năm chục đồng. Nếu được tự nguyện, tôi có thể không nhận tiền công vì tôi đã có học bổng ở trường sư phạm. Nhưng phải nhận mới được làm việc để gần gũi nàng. Tôi âm thầm vui sướng trong lòng. Tôi chiêm ngưỡng sự hiền dịu đáng yêu của nàng.
         Tôi hăng hái giảng các bài toán rõ ràng chẳng khác gì thầy dạy toán của tôi tại trường. Tôi cố gắng thể hiện khả năng và tư cách của mình đối với nàng và gia đình. Suốt cả niên học 1959 - 1960, thu qua, đồng tàn, xuân ấm áp, rồi hạ đến, phượng thắm sân trường, tiếng ve rền báo hiệu mùa chia tay. Nàng sẽ qua kỳ thi, tôi sẽ ra trường sư phạm đến dạy một trường nào đó, thế là xa nhau. Nghĩ đến lúc đó, tôi đã rối lòng, chưa có dịp phát đi một tín hiệu yêu nàng và chưa nhận được từ nàng một ánh mắt, một nụ cười, tình từ nào. Trong lúc cô gái láng giềng, nơi tôi trọ học đã ý tứ tặng cho tôi một cái áo gối thêu hình hai con chim hướng về nhau như đang chờ đợi sự tương phùng, hoặc như một bạn nữ cùng lớp sư phạm viết lưu bút cho tôi vỏn vẹn một câu ngầm hỏi:
“Rồi mùa tót rạ rơm khô,
 Bạn về quê bạn biết mô mà tìm”.
Đó là những tín hiệu bày tỏ tình yêu của họ dành cho tôi, nhưng tôi lại tìm kiếm điều đó từ nàng. Thời gian gần gũi nàng càng lúc càng ngắn dần khiến tôi lo lắng và thế là tôi mạnh dạn viết cho nàng những trang nhật ký bày tỏ tình yêu mãnh liệt của tôi. Rồi trong tuần lễ cuối cùng trước khi chấm dứt việc học của nàng, tôi trao cho nàng những trang nhật ký đó và tìm kiếm lời đáp trả vào ngày tôi từ giã Huế lên đường đến nhiệm sở mới. Tôi hồi hộp chờ đợi, nôn nao chờ đợi hơn cả việc chờ đợi kết quả một kỳ thi. Tôi không dám gặp nàng vội vì để nàng có thời gian tự hỏi lòng mình trước khi trả lời tôi.
Sáng ngày 19.07.1960, trước khi lên xe đi Quảng Trị, tôi hồi hộp đến nhà nàng để chào từ giã và mong nhận kết quả tối hậu thư của tôi. Nàng lén  trao cho tôi một bức thư. Tôi hy vọng đó là tín hiệu tốt. Tôi chào từ giã cả nhà nhưng thật ra là chỉ riêng nàng mà thôi. Sáng thu, nắng nhẹ, trời Huế đẹp, lòng tôi hồi hộp nhưng tràn ngập niềm hy vọng. Khi đã yên vị trong xe trên đường ra Quảng Trị, tôi từ từ lấy thư nàng ra. Ôi, giấy pelure màu xanh, là màu của tình yêu. Tôi đọc lời chào đầu thư nàng viết “Anh yêu quý”. Chỉ cần ba chữ ấy là tôi sướng rân người. Đó chắc chắn không phải là lời mở đầu cho một sự từ chối. Tôi đọc lướt qua thư nàng và điều quan trọng đối với tôi là nàng đã nói yêu tôi, Không gì hạnh phúc bằng. Hạnh phúc hơn được trúng tuyển một kỳ thi. Thế là qua hai năm, tôi đã chinh phục được tình yêu của nàng. Bấy giờ tôi sẽ không cô đơn ở đường xa xứ lạ. Tôi đã có nàng đi cùng. Cám ơn nàng, người yêu nhỏ bé của tôi.
2. GIAN NAN ĐƯỜNG TÌNH
         Từ Quảng Trị, dù gió Lào nắng rát hay gió đông lạnh buốt, ngày hai buổi đến trường; vừa đứng lớp vừa làm quản lý (hiệu trưởng) một ngôi trường nhỏ, tôi về nhà trọ, viết cho nàng những trang nhật ký yêu thương nhớ nhung và những lá thư hằng tuần. Nàng là tình yêu, là hy vọng của tôi, là niềm vui để tôi phấn đấu học tập tiến thân về sau. Yêu nhau nhưng chẳng dễ dàng thể hiện tình yêu vì cách trở đôi đàng, vì nàng còn là nữ sinh trung học đệ nhị cấp (cấp 3) trong khi tôi là thầy giáo mới ra trường, gia đình nghèo, em đông, không môn đăng hộ đối với gia đình nàng.
         Chúng tôi yêu nhau có tính cách lén lút, vụng trộm, chưa được công khai. Thư tôi gởi về cho nàng theo địa chỉ người chị đang công tác tại bệnh viện Huế. Chị ấy là người đầu tiên và duy nhất trong gia đình nàng biết tình yêu của chúng tôi. Chị đã giúp tôi có cơ hội đến kèm toán cho nàng. Chị giúp tôi nhận và chuyển thư cho nàng, nhờ thế chúng tôi có những lần hẹn hò gặp nhau, khi tôi về Huế, mặc dù cũng còn khó khăn. Tôi không mấy buồn lòng vì đối với tôi yêu đương lúc bấy giờ chỉ là khúc dạo đầu của tình yêu đầu đời, không phải để lập gia đình như vài đôi bạn cùng khóa sư phạm. Ra trường, họ cộng chỉ số (từ chúng tôi thường nói hồi bấy giờ) nghĩa là cộng hai đồng lương. Nếu yêu đương để đến hôn nhân sớm hoặc để cộng chỉ số thì tôi đã chọn cô gái láng giềng hoặc cô giáo học cùng lớp sư phạm; hoặc với một người muốn cộng chỉ số lương, nhưng tôi kiên trì đeo đuổi nàng theo phương châm : “Thà nàng phụ tôi, còn tôi không phụ nàng”.
Năm 1961 nàng từ giã tuổi học trò, bước vào trường Nữ hộ sinh Quốc gia Huế với 3 năm học, thế là chúng tôi có lý do để chờ nhau. Nàng cần học xong khóa học để có nghề nghiệp vào đời, tôi cần thời gian giúp đỡ cha mẹ nâng cao cuộc sống gia đình và việc học hành của năm đứa em. Tôi chuyển lên làm giáo sư trường trung học Cam Lộ. Tôi bắt đầu học luật tại trường Đại học Luật - Huế. Sau đó học cử nhân Anh Văn tại trường Đại học Văn Khoa. Lúc này tôi có thể gởi thư trực tiếp cho nàng đến trường Nữ Hộ Sinh Huế và có thể gặp nàng tại phòng khách trường nội trú. Thỉnh thoảng cũng có hẹn hò gặp nhau đi chơi. Tôi trao cho nàng những trang nhật ký được viết vào những đêm nhớ thương nàng, tuy vậy đối với gia đình nàng thì vẫn chưa được công khai. Tình yêu chúng tôi vẫn vụng trộm và mong manh vì ở nhà đã có vài gia đình nam nhân tiếp cận gia đình nàng để mong được kết nghĩa sui gia, cũng như tôi có vài cánh bướm thoáng qua, có thể dễ dàng kết hợp nhưng tôi vẫn kiên trì chọn lựa nàng và chờ đợi. Có lần muốn có người nâng khăn sửa túi cho tôi và sớm có cháu bế, mẹ tôi bảo: “Thôi con, khó khăn quá thì chọn nơi khác” vì mẹ tôi ngại vấn đề môn đăng hộ đối khi kết nghĩa sui gia với gia đình nàng.
Thật ra lúc bấy giờ nàng chưa ra trường nên tôi có thời gian để chờ đợi và điều đó thuận cho tôi hơn. Chúng tôi chỉ yêu nhau qua thư từ, nhật ký tôi viết cho nàng, thiếu sự gần gũi mặn nồng khiến tình yêu có lúc chững lại, nhất là những ngày tháng nàng phải lo thi cử ở trường. Tôi tham gia các hoạt động chính trị sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Tôi phải tâm sự với chị nàng và nhờ chị ấy giúp đỡ.
Năm 1964, tôi được chuyển đến làm giáo sư tại trường trung học Gio Linh. Tôi có thì giờ về Huế nhiều hơn, gặp nàng nhiều hơn cùng với sự giúp đỡ tích cực của chị nàng, chúng tôi công khai tình yêu với gia đình. Hai chị em nàng về quê thăm cha mẹ tôi và tôi được tiếp đón tại nhà nàng, tạo được sự thân thiện đối với cha mẹ nàng. Nhưng để có thêm đồng minh vun vén thêm cho tình duyên chúng tôi, tôi cùng nàng đến thăm những người bà con có ảnh hưởng với cha nàng trong việc quyết định hôn nhân của chúng tôi. Một người là chồng bà cô và một người là bác ruột. Hai người này đều cao tuổi và được cha nàng trọng nể. Họ là những người theo nho học nhưng không cổ hủ, họ phúc hậu và trọng người có học. Tôi được các ông yêu mến, tiếp đón và giúp đỡ cho việc tác hợp lứa đôi. Kết quả là được cha mẹ nàng cho phép tiến hành lễ hỏi theo những yêu cầu tiên quyết là phải có người trung gian làm mai mối để hai gia đình chính thức quan hệ. Tôi phải nhờ thầy giáo cũ của tôi là bạn của cha nàng, đóng vai người làm mai mối để cha mẹ tôi được đến thưa chuyện và mời cha mẹ nàng về thăm gia đình tôi trước khi tiến hành lễ đính hôn theo đúng nghi thức, vào cuối năm 1964. Ơn trời, mọi sự tiến hành tốt đẹp. Chấm dứt bốn năm lén lút đeo đuổi.
Tôi chính thức là người rể hứa hôn được đến nhà nàng như một thành viên. Cuối tuần nào về Huế tôi cũng đến thăm cha mẹ nàng với tư cách là con rể và được ăn cơm với gia đình. Theo nếp nhà, vị trí các thành viên trong gia đình tại bàn ăn cũng được sắp xếp theo phép tắc: “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”. Đầu bàn, chỗ duy nhất là cha nàng. Bên trái là mẹ nàng, chị nàng và nàng. Bên phái, ưu tiên cậu út con cưng của cha mẹ nàng, thứ đến là em trai nàng - bạn tôi và cuối cùng là tôi. Tôi thích vị trí này vì tôi được đối diện nàng. Vô cùng hợp tình, hợp lý. Tôi được hẹn hò với nàng đi chơi đến những nơi mà các cặp tình nhân ở Huế thường đến hồi bấy giờ như Trà Am, Ngự Bình, Thiên Thai, Đồi Vọng Cảnh, Lăng Tự Đức, Chùa Từ Hiếu, Chùa Thiên Mụ, bãi biển Thuận An, đặc biệt là những đêm đưa đón nàng vào phiên trực thực tập ở bệnh viện. Chúng tôi cho nhau sự nồng nhiệt mà những đôi tình nhân có thể dành cho nhau để bù lại bao năm tháng chỉ yêu nhau trên thư từ lén lút e dè. Những ngày tháng tuyệt vời ấy kéo dài gần một năm cho đến ngày hạnh phúc nhất (Happy day) là ngày cưới (wedding day) 06.10.1965 sau 5 năm đeo đuổi tình yêu. Sau này, khi đã là vợ chồng, tôi thường nói đùa vẫn chưa bù đắp những gian nan mà tôi đã phải trải qua để có được nàng.
3. ĐƯA NÀNG VỀ DINH
Đám cưới là cửa ải mà tôi phải vượt qua trước ngưỡng cửa hạnh phúc của tôi và nàng. Dù tôi là trưởng nam nhưng không quan trọng bằng nàng là thứ nữ - khi mà trưởng nữ là chị nàng chưa lên xe hoa. Vì thế đám cưới nàng là sự kiện quan trọng đầu tiên trong gia đình nàng. Mọi sự phải được xem xét và hoạch định kỹ lưỡng theo đúng nếp nhà.
Thứ nhất là ngày tháng, giờ giấc tiến hành nghi lễ.
Thứ hai là hình thức, nghi lễ phải theo đúng chuẩn mực cổ truyền thời phong kiến dù đã hết thời vua chúa quan quyền.
Cô dâu mặc áo cưới gấm thượng hải óng ánh tuyết ngọc, bên ngoài áo  thụng vàng viền đỏ, đầu đội khăn vành, cổ đeo kiềng chạm, tay đeo vòng vàng xuyến ngọc, chân đi giày cao gót trắng.
Chú rễ áo thao đen bên trong, áo thụng xanh bên ngoài, đầu đội khăn xanh, chân đi giày hạ đen.
Lễ vật cau lồng rượu ché, lọng che. Tất cả lễ vật được khiêng bởi một đội ngũ mặc sắc phục như lính lệ ngày xưa.
Xe hoa và xe đưa rước hai họ phải số chẵn (sáu chiếc). Số người nhà trai đến nộp sính lễ cũng như số người nhà gái đưa dâu về nhà chồng cũng phải số chẵn, được chọn lựa cẩn thận trong họ tộc theo vị thế và phải có đời sống vợ chồng thủy chung, con cái đề huề.
Tất cả phải được diễn ra đúng nghi thức, thủ tục, nghiêm chỉnh về giờ giấc, lời nói, thưa trình không hề sơ suất, trang trọng vô cùng tại nhà nàng.
Tôi rất bản lĩnh trong việc bái lạy thế mà vẫn căng thẳng. Nhưng may mắn mọi việc diễn ra tại nhà nàng đều suôn sẻ, tốt đẹp.
Đường rước dâu về nhà tôi phải qua bến đò chợ Kệ, phải thuê đò ghép đôi để hai họ cùng qua một lượt. Từ bến đò về nhà tôi, tất cả phải đi bộ hơn một cây số. Dân làng có dịp xem đoàn rước dâu từ dinh (thành phố Huế) về. Cô dâu là người lạ, ngoài làng, nên ai cũng muốn xem. Thương cho nàng phải ngượng ngùng với đám dân làng đứng xem hai bên đường.
Nghi lễ nhập gia của cô dâu về nhà chồng đơn giản hơn nhưng vẫn trang trọng, đúng nghi thức và không được sơ suất bất cứ điều gì.
Sau phần nghi thức là tiệc mừng đãi hai họ. Tuy là yến hỷ nhưng vẫn rất quan trọng, nhà trai không được sơ suất trong việc phục vụ. Đến khi đưa tiễn nhà gái lên xe về lại Huế, mọi sự mới được hoan hỷ. Ngoài việc chuẩn bị, mỗi gia đình mất hai ngày cho đám cưới của chúng tôi. Ngày đầu tiệc đãi khách họ hàng bà con, ngày nhì là lễ vu quy và rước dâu. Tôi còn có một bữa tiệc bạn bè tại nhà hàng Lạc Thành vào tối hai ngày trước.
Buổi chiều, chúng tôi có mấy giờ để nàng hòa đồng với bà con trong gia đình. Rồi hai chúng tôi cũng lên xe hoa trở lại Huế. Đây là một đặc biệt cho việc động phòng hoa chúc. Tôi thuê sẵn một ngôi nhà cho đời sống vợ chồng, chẳng khác gì nơi hưởng tuần trăng mật. Chúng tôi bắt đầu những ngày tháng hạnh phúc tân hôn bù lại những ngày tháng gian nan nhớ nhung đợi chờ. Tất cả thật tuyệt vời, chấm dứt năm năm đeo đuổi một mối tình (từ 19.07.1960 đến 06.10.1965) đầy gian nan vất vả và lâu dài. Thỉnh thoảng mỗi khi chúng tôi nhớ lại hành trình đầy gian nan này, tôi bảo đã thực hiện chiến thuật “ đầu ngoài sân, sau lần vào bếp” khiến nàng cười hạnh phúc.
Chúng tôi bắt đầu đời sống vợ chồng và kết quả là chúng tôi được ơn trời ban cho năm đứa con làm cơ nghiệp. Mặc dù cuộc sống vợ chồng trải qua những chặng đường vui buồn, được mất, gian truân vất vả nhưng chúng tôi vẫn thủy chung, kề vai sát cánh vượt qua mọi sự và đặc biệt luôn biết giữ gìn tình yêu và hạnh phúc để tương kính như tân. Chúng tôi đã có những thước phim đời người phản ánh những giai đoạn đặc biệt trong năm mươi năm tình nghĩa vợ chồng.
Và tôi phải ghi lại để con cháu đời sau biết được cha mẹ, ông bà của chúng đã sống và yêu nhau như thế nào.

Kỷ niệm 50 năm ngày cưới (1965 – 2015)
Thanh Ngọc