Friday, May 29, 2015

Hành Trình Năm Mươi Sáu Năm 
            Văn Học/Chính Trị (1958-2014) [tiếp] 
                                            - Lê Mai Lĩnh
Lê Mai Lĩnh
2000
Năm này tôi có hai sự kiện đáng nhớ và đáng kiêu hãnh, tự hào.
1/ Ngày 23/4/2000, tôi nhận lời mời của Bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền, Chủ tịch Cộng Đồng Người VIệt
Quốc Gia Montreal, đến thuyết trình trước cộng đồng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Đề tài tôi thuyết trình: “Đã đến lúc, cần phải đưa những giới chức Hoa Kỳ liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam trong hai thập niên 60/70 ra trước vành móng ngựa”. Nội dung bài nói chuyện có đăng trong tuyển tập này.
Sau buổi thuyết trình, tôi nhận được những tình cảm nồng nàn và một số tặng thưởng: Hoa, Tiền, Plate đồng làm lưu niệm.
Lần này, có hai việc nho nhỏ, nhưng rất ấm lòng thi sĩ. Khi xong phần thuyết trình, tôi đến bàn bán sách, ký sách, có hai người đàn bà khoảng trên 50, đi ngang qua tôi.
- Bà thứ nhất, vừa nói vừa đi: Giờ này mà còn đem ra vành móng ngựa làm chi nữa.
- Bà thứ hai, đứng gần tôi, chậm rãi, bà nói: “Ông Lê Mai Lĩnh này, nhìn mặt ông, trông ông ngầu quá, dễ sợ. Nhưng khi nghe ông nói và nhìn ông cười, tôi thấy ông dễ thương quá”. Rồi bà bỏ đi.
Sau này tôi hối hận và tiếc hùi hụi. Hối hận vì đã không kịp nói lời cảm ơn bà. Tiếc hùi hụi, vì nghĩ rằng, mình để mất một cơ hội, mà biết đâu, qua đó, mình sẽ nhận Giải Nobel Văn Chương về một Đại Tác Phẩm Văn Chương Về Tình Yêu Giữa Người Đọc Và Tác Giả.
Lê Mai Lĩnh ngu quá, phải không quý vị?

2/ Tháng 11 năm 2000, nhận lời mời của Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, Chủ tịch Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ VIệt Nam sang Paris tham gia và ký vào Hiến Chương 2000” nhằm mục đích vận động Dân Chủ, Tự Do cho Việt Nam, với tư cách một Nhà văn/Thi sĩ Việt Nam lưu vong. Đồng thời dịp này, Ban Tổ Chức cũng phân công cho tôi đọc một Tham Luận Chính Trị Về Hướng Đi Cho Phong Trào Dân Chủ Việt Nam.

2001
Sự ra đời của bài viết: TRỊNH CÔNG SƠN, THẢM KỊCH CỦA MỘT THIÊN TÀI.
Ngày 7 tháng 5 năm 1975, gặp tôi trong khuôn viên Dinh Độc Lập, phía trái, ngoài nhìn vào, dưới gốc cây đa, Trịnh Công Sơn cảm ơn tôi, khi biết tôi là người duy nhất viết bài bênh vực Nhạc Sĩ trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội. Vì sau Tết Mậu Thân, Bộ  Thông Tin cấm phổ biến nhạc của Trịnh Công Sơn (bài này có trong Thư Viện QH Hoa Kỳ).
Hôm đó có ba múi mít rất thơm, là Kim Loan, Thẩm Thúy Hăng và Kim Cương dẫn đầu phái đoàn Văn Nghệ  tham gia lễ ra mắt Ban Quân Quản. Nói “thơm như múi mít” là nói theo dân gian, chứ có đứng gần họ đâu mà biết thơm hay thúi. Nhưng không thơm, không thúi thì cũng thum thủm, tàn canh cơn gió thoảng!
Hôm nghe tin Trinh Công Sơn chết, tôi dửng dưng. Vì rằng, về sinh mệnh Chính Trị, Văn Học, Trịnh Công Sơn đã chết sau ngày 30-4-75 khi chàng ta lên tiếng “Nối Vòng tay Lớn” trên đài Phát thanh Sài Gòn.
Về cái chết vật lý, thì anh ta đã chết từ cái phút uống dấm cho ốm người để khỏi đi lính.
Nhưng sau đó, một độc giả mến mộ tôi từ Canada là anh Lê Luân, gởi thư cho tôi, đòi phải can dự, phải lên tiếng, vì theo anh, sau khi Trịnh Công Sơn chết, nhiều thằng viết bài ca tụng thằng chó chết Ăn Cơm Quốc Gia Thơ Ma Cộng Sản. Bấy giờ, tạp chí VĂN của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng làm một số đặc biệt tưởng niệm Trịnh Công Sơn.
Qua lời đề nghị của Lê Luân, qua đọc tạp chí Văn, tôi nổi khùng, máu du đãng trong tôi cuồn cuộn. Tôi nói bọn chó chết là tôi nói những thằng viết bài ca tụng Trịnh Công Sơn một cách ngu xuẩn. Chúng viết bài ca tụng Trịnh Công Sơn, nhưng đúng ra, chúng viết bài miệt thị Trịnh Công Sơn. Trong số này có bà Khánh Ly. Nhưng bà Khánh Ly là đàn bà, nên tôi đánh nương tay, bằng cành hoa, không bằng búa tạ. Bài này có trong tuyển tập, xin quỳ lạy quý Thượng Đế, đọc để biết, tên Du Đãng Văn Nghệ Lê Mai Lĩnh Dễ Thương, Rất Thương Dễ.
Một chuyện khác, rất vui cho tên Du Đãng Văn Nghệ. Khoảng hai tháng sau ngày bài Trịnh Công Sơn, Thảm Kịch Của Một Thiên Tài đăng trên nhiều báo tại hải ngoại, từ Bắc California, Giáo sư Lê Đình Cai gọi cho tôi và thông báo: “Bọn cháu (Cai gọi tôi bằng chú, vì mẹ Cai và mẹ tôi chị em họ với nhau) bầu chọn, và chọn bài chú viết về Trịnh Công Sơn là hay nhất”.
Lê Đình Cai cho tôi biết chi tiết như sau:
Nhiều người viết về Trịnh Công Sơn, nhưng đa số, hoặc là ca tụng TCS hết lời; hoặc là nguyền rủa TCS không thương xót.  Riêng bài của Lê Mai Lĩnh trung thực, có cái nhìn của một người chép sử.
Khen đúng cái đáng khen và chê đúng cái đáng chê. Đó là kết quả của cuộc bình chọn của nhiều giáo sư Đại Học nơi Lê Đình Cai đang giảng dạy.
Xin quý Thượng Đế cho tên Du Đãng Văn Nghệ Lê Mai Lĩnh một tràng phào tay.

2003
Năm Này Tôi Xuất Bản Hai Tác Phẩm Cùng Một Lúc:
1. CHÂN DUNG LÊ MAI LĨNH, gồm những bài Phê Bình, Nhận Định, Khen Tặng Của 42 Thi Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo, Họa Sĩ, Trí Thức, Nhân Sĩ dành cho tôi. Riêng chỉ có một bài của nhà văn Trần Doãn Nho, thì tỏ ra không  thích Văn phong của Lê Mai Lĩnh. Anh gọi tôi viết như báo Nhân Dân (Hà nội).
Quyển sách này, với cô bạn Cao Thị Đồng Phước, trước 1964 có biệt danh Nữ Hoàng Xuống Đường tại Nha Trang, thì có ý kiến là, “Tại Sao Không Để Sau Khi Chết rồi Xuất Bản”. Tôi chẳng biết trả lời sao.
Nay, cấp lãnh đạo của tôi một thời lãng đãng Nha  Trang Cao Thị Đồng Phước, đã qua đời. Khi còn sống nàng rất thương tôi, nhưng không yêu tôi đâu, dẫu có nhiều lần hôn lên mái tóc tôi, như chị hôn em, như mẹ hôn con, chứ không bao giờ như là người tình hôn người tình.
Nàng đẹp, như hột mít bóc vỏ, như hột gà bóc vỏ. Nàng nhân hậu, chí tình với bạn bè. Nhiều đêm Tỉnh Hội ăn cơm chay, nàng gắp thức ăn cho tôi. Nàng luôn luôn, mãi mãi trước sau, gọi tôi là Sương Biên Thùy, chứ không gọi tên tôi là Chính. Sương BIên Thùy này. Sương BIên Thùy hỡi. Sương BIên Thùy có đồng ý với Phước không? Tôi chờ.

Chưa bao giờ nghe nói: Phước yêu Sương Biên Thùy.
Trong tác phẩm Chân Dung Lê Mai Lĩnh tôi có đăng bài viết của nàng, văn phong thẳng thắn, bộc trực, nhiệt tình, sôi nổi với quê hương. Thưa Nữ Hoàng, tên lính tà lọt ngày xưa của nàng là tôi, đang nhớ về những Kỷ Niệm Xưa. Mình thương nhớ bạn quá, Cao Thị Đồng Phước.
Ngày họp mặt Võ Tánh/ Nữ Trung Học tại Houston 2005, mình thương bạn, lo cho đại hội, mình mua nửa bàn tiệc, sáu người cho bạn vui, dù bạn mình chỉ có hai người dự. Để cho bạn vui, mình làm theo đề nghị của bạn, từ Connecticut, mình mua vé máy bay lên Houston làm người MC thứ ba cho xôm tụ theo ý muốn của bạn.
Theo mình biết, ngày bạn ra đi, những Bá Dĩnh, Minh Dung, Bích Khê, Cảnh Tịnh, Phùng Văn Nguyên, kể cả mình đã khóc. Thương yêu bạn.
Mình nhớ, khoảng hai tháng trước ngày bạn ra đi, bạn gởi cho mình những bài báo bạn viết và một tấm hình của Sương Biên Thùy, thắt cravat, thời lãnh đạo học sinh xuống đường tại Nha Trang.
Bạn đi. Bạn đi. Ừ, bạn đi.
Rồi tới ngày mình cũng ra đi. Mình cũng ra đi.
Hẹn gặp lại bạn bên kia. Bạn vẫn là Nữ Hoàng  Xuống Đường và mình vẫn tình nguyện làm tên tà lọt cho bạn xài. Bạn cứ hôn mình và mình cứ cúi đầu cho bạn hôn, vì mình cao hơn bạn tới hai cái đầu.
Chúc bạn an giấc.

2/ NHỮNG ĐỨA CON HOANG.
Là một cái kịch không phải kịch. Hay nói đúng hơn, một cái “Kich Tạp Nham”. Tôi muốn dùng hình thức kịch để chống lại Nhóm thân cộng to mồm to miệng, lấy bằng cấp để lòe thiên hạ trong hàng ngũ những người làm Văn Học Lưu Vong. Nhưng thực chất là những người  “ngoại đạo với văn chương”. Tôi không còn muốn nhắc lại
tên Nhóm Họ nơi đây. Vì từ lâu nay, Nhóm Này hầu như đã bị thải loại.
Vừa rồi, Nhà Thơ SONG NHỊ đề nghị tôi viết lại Những Đứa Con Hoang dưới dạng Phê Bình Văn Học. Nhưng tôi từ chối. Khi chúng đã bị đào thải, bị loại bỏ. Khi trắng đen đã rõ ràng. Hãy cho chúng “Mồ Yên Mả Đẹp”. Vả lại, lúc này, tôi dành thời gian lo cho Cô Học Trò Văn Chương của tôi. Nàng cần tôi. Tôi cần nàng. chúng tôi đang cần nhau trong Trò Chơi Văn Chương Mầu Nhiệm.

2004 – 2011
Bảy năm này, căn bệnh du đãng của tôi có biến chứng lạ, nên tôi tự cho phép mình, Giã Từ Ngòi Bút, Ly Dị Thời Thế, Quay Lưng Chính Trị, Ly Thân Thời Cuộc, trở về Vui Thú Điền Viên:
1/ Trồng hoa, 100 gốc hồng (Rose)
2/ Tài xế (Chở vợ đi làm, chở con đi học)
3/ Nội trợ (đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, giặt giũ, lau nhà)
4/ Ngồi Thiền và hành Thiền
5/ Uống Rượu
Bài thơ “Cơm, Vợ, Rượu và Thiền ra đời trong thời gian này. Xin quý Thượng Đế (Độc Giả là Thượng đế) thưởng thức bài thơ này trong tuyển tập, để thấy rõ hơn Cõi Lòng Nhà Thơ Du Đãng một thời, Lê Mai Lĩnh.
Nhân đây, tôi cũng xin ngỏ lời cảm ơn hai vợ chồng bạn hiền tôi là nhà văn Nguyễn Bá Dĩnh và thi sĩ Thủy Trang. sở dĩ tôi làm được bài thơ tuyệt vời, tuyệt hay là Cơm, Vợ, Rượu Và Thiền là lấy hứng từ một bài thơ nói về nhậu của nhà văn Nguyễn Bá Dĩnh, tôi mới làm được bài thơ này. Quá tuyệt vời. Quá sướng.
Bài thơ này, nó là một khởi đầu trở lại gần 20 năm không làm thơ.
Và cũng từ bài Khai Bút Đầu Năm 2011 này, đến khi, bị Nàng Thơ ám, vào tháng 8-2013, thì giếng thơ tôi lại tắt tịt sau gần 20 năm, ào ào tuôn trào như MỎ Dầu thơ tôi được khai mở.
Từ lúc bị Nàng Thơ như Thần Thơ nhập, tôi làm như điên, như khùng. Có tháng, như tháng 3-2014 này, tôi làm 70 bài thơ. Một kỷ lục thơ thế giới. Vì vậy tôi gọi tháng Ba là Tháng Nhiệm Mầu Thơ.
Từ nàng Trăng Thơ nhập, ám, tôi làm thơ không kịp nháp. Tôi làm thẳng vào computer. Khi xong, tôi mail cho Nàng Thơ. Nàng Thơ là người thư ký, quản lý thơ tôi. Mỗi cuối tháng, Nàng báo cáo: Dạ thưa ông Thầy, tháng này Thầy làm bao nhiêu bài thơ. Thầy sửa cho trò bao nhiêu bài. Tháng Ba thầy có 70 bài. Tôi không tin, tôi sợ nàng dốt toán như xưa, nên tính sai, nhưng nàng cam đoan đếm không sai. 

2014
THẾ KỶ TEXAS, THẾ KỶ PHỤC SINH HỒN THƠ
Tôi bắt đầu viết về Một Thế Kỷ Mầu Nhiệm: Mầu Nhiệm Tình, Mầu Nhiệm Thơ. Khi viết đến thời kỳ này, sẽ là vô ơn khi không nói tới và cảm ơn Vợ tôi cùng hai Cô Con Gái Của Tôi, Quỳnh Như Lê và Tina Lê. Hẳn nhiên tôi cũng phải nhắc tới người bạn học của tôi năm xưa, người bạn thơ hôm nay cũng là Nàng Thơ của tôi, hôm nay, đó là Vương Lệ Hằng, người học trò Thi Ca của tôi, bây giờ.
Bài thơ của tôi có tựa đề: Cơm, Vợ, Rượu và Thiền là bài thơ Khai Bút Mừng Năm mới 2012. Bài thơ có đăng vào phần đầu tuyển tập này. Rồi, hồn thơ tôi tịt ngòi, hồn thơ tôi từ hấp hối đến tắt thở.
Nhưng rồi, Định Mệnh Thơ Tới, Mầu Nhiệm Thơ Tới, để hồn thơ tôi sống lại, giếng thơ tôi phun trào. Đó là: Vào một buổi chiều thứ hai, người bạn như anh em ruột thịt của tôi hơn 60 năm, Phan Bá Ân tức nhà thơ Vũ Mộng Tuyền, gọi phone cho biết: “Chiều qua đám nữ sinh Nguyễn Hoàng xưa ghé nhà tao quậy hết biết”. Và anh kể tên, Nàng Điều, Nàng Nghĩa Lương Giang, Nàng Vương Lệ Hằng và vợ chồng Phan Sĩ Trung. Khi anh nhắc tới Vương Lệ Hằng, tôi nghe như trong lòng nhịp tim đập mạnh, rộn ràng âm hưởng xưa khi anh cho biết Vương Lệ Hằng là góa phụ, tôi nghĩ là mình sắp trúng số độc đắc.
Hơn 50 năm về trước, tôi và Hằng học chung trường Trung học Nguyễn Hoàng, nàng Hoa Khôi, tôi Thi sĩ học trò. Tôi đẹp trai mà không biết mình đẹp trai. Tôi chỉ biết tôi nghèo và học dốt. Với tài sản, nghèo và học dốt, làm sao tôi mơ tưởng “đá lông nheo” với hoa khôi, nói chi là cận kề, “theo Ngọ”, lẽo đẽo.
Năm 1962, tôi rời Nguyễn Hoàng, ra đi mang theo Vầng Trăng, Vầng Trăng Vương Lệ. Nay, qua Phan Bá Ân, nàng là Vầng Trăng Góa Phụ. Trước mắt tôi là cái vé Độc Đắc Cận Kề Trong Tầm Với. Tôi bây giờ là Lê Mai Lĩnh, 56 “tuổi đảng” Văn Chương” với 15 tác phẩm để đời. Tôi nghĩ mình đủ vốn liếng để chơi “Canh Bạc Tình Với Người Góa Phụ tên Trăng.”
Tôi cảm ơn vợ tôi. nàng không cản trở, chấp thuận cho tôi Gian díu cuộc tình văn chương. Vì, theo lời vợ tôi, chúng tôi đã già, tình cảm là chính. Vợ tôi nói như một mệnh lệnh:
1/ Bố đừng nhận tiền người ta, mang tiếng. Bố cần tiền, vợ cho bố để tiêu.
2/ Bố đừng làm gì, nói gì cho bà ấy buồn. Hãy thương tình cảnh bà ta, góa phụ cô đơn.
Tới nay, sau 10 tháng trao đổi qua email, điện thoại, tôi thực hiện đúng hai điều, với Nàng Thơ, như mệnh lệnh của vợ tôi. Lần đi họp mặt đồng hương Quảng Trị tại Colorado, Nàng Thơ có nhã ý tặng tôi cái vé máy bay, nhưng tôi đã từ chối, như tôi đã từ chối cái vé máy bay từ chủ tịch đồng hương Quảng Trị tại Colorado là S Ngọc Minh.
Gần đây, khi tôi hư cái máy Laptop vì đổ bia vào, nàng muốn tặng tôi cái mới, vợ tôi không cho nhận.
Tôi gặp Vương Lệ Hằng hôm nay, nhưng một Vương Lệ Hằng trong ký ức tôi đã hơn 50 năm. Một Vương Lệ Hằng hôm nay, nhan sắc không như xưa, nhưng trong tôi, vẫn là hình ảnh một Vương Lệ Hằng thời thiếu nữ, hoa khôi.
Chính là, cái hình ảnh trong ký ức, nó tồn tại dài lâu hơn cái hình ảnh hiện tại. Hình ảnh hiện tại, thay đổi từng ngày, tháng, năm. Hình ảnh quá khứ, muôn đời tồn tại dài lâu.
Tôi gọi Vương Lệ Hằng là Nàng Thơ của tôi, nàng thơ của Thi Sĩ. Vì rằng, từ ngày Vương Lệ Hằng nhập vào tình yêu văn chương tôi như ma xui, quỷ khiến, hồn thơ tôi, tiếng thơ tôi, lòng thơ tôi, những bài thơ tôi làm, nhiều vô số và hay vô kể, đáo để. Mỗi ngày tôi làm 4, 5 bài thơ. Mỗi tháng tôi làm 2, 3 chục bài thơ. Thậm chí như tháng 3-2014, tôi làm 70 bài thơ không dở. Tôi gọi tháng ba là tháng Mầu Nhiệm Thơ.
Và từ nay, Thầy Trò tôi sẽ lãng đãng rong chơi trong văn chương như một lời đề nghị của Thi Sĩ Song Nhị:

“Sống/ Yêu/ Sống/ Yêu
Chẳng cần thanh minh
Hãy Sống Đúng Và Sống Hết Số Phận Của Mình”
Cảm ơn bạn, Thi Sĩ Song Nhị.

Vâng,
Chúng tôi
SỐNG ĐÚNG VÀ SỐNG HẾT SỐ PHẬN CỦA MÌNH
Cảm ơn Gia đình đã hiểu tôi, Thi Sĩ

LÊ MAI LĨNH,1-7-2014