Saturday, March 14, 2015

Truyền Thuyết Sông Thác Ma 
                                     - Nguyễn Khắc Phước
truyện ngắn

          - Có thích ăn thịt heo rừng không?
           Thằng bạn nhà báo gọi tôi.
          - Thích. Mầy đang ở đâu?
          - Sài Gòn. Nhưng tao mời mầy ăn thịt heo rừng ở thượng nguồn sông Thác Ma.
          - Thác Ma ở đâu?
          - Thác Ma còn gọi là sông Mỹ Chánh chảy qua làng mầy mà mầy không nhớ hả?
          - Biết đâu còn có sông Thác Ma nơi khác.
          - Cái tên dễ sợ vậy mà ai dám đặt. Chỉ có ở Quảng Trị mình thôi.
          - Vậy lúc nào mầy về?
          - Chiều thứ sáu tới mầy phải có mặt ở Quảng Trị để sáng thứ bảy là đi.

          Thế là sáng thứ bảy đầu tháng Sáu năm ngoái, hai thằng tôi đi xe máy thồ từ Mỹ Chánh theo con đường dọc bờ sông hướng về phía tây mà tiến. Đi đến trưa thì nghỉ và chuyển sang đi bộ vì đến đoạn xe máy không thể chạy được. Chẳng mấy khi phải đi bộ băng rừng, tôi thấy đường này ngán quá, nhưng bạn tôi, vốn là dân hướng đạo, nói đường này đối với nó cũng như đường làng, chẳng nhằm nhò gì, và động viên tôi cố lên. Thế là tôi đành phải theo. Đi bộ leo núi gần hết buổi chiều mới đến được trang trại của anh Đoàn, một người quen của bạn tôi.
          Đó là một khu đồi khá bằng phẳng mà anh dùng để nuôi loại heo lai giữa heo rừng và heo nhà. Heo thả đi kiếm ăn tự do. Chúng ăn bất cứ côn trùng nào kiếm được, và giống như chó, chúng còn thích phân người. Mỗi lần ra rừng đi ngoài, nhớ mang theo cây gậy, vừa ngồi vừa huơ huơ, nếu không thì có thể bị heo húc từ phía sau để tìm thứ chúng thích.
Buổi tối ngồi bên bếp lửa hừng hực, vừa nhắm rượu ngoại mà bạn tôi công khó mang từ Sài Gòn, vừa nhai thị heo nướng ướp cũ nén thơm phức. Mùi rượu, mùi thịt nướng, mùi nén quyện vào nhau thành một thứ ngon không thể tả. Và càng ngon hơn vì biết chắc thứ thịt heo này 100% không có chất bảo quản hay thuốc tăng trọng như thịt heo ở thành phố.
Sau chuyện thịt heo, tôi hỏi anh chủ trại vì cớ gì mà người ta đặt tên con sông ở đây là Thác Ma, nghe dễ kinh. Tôi cũng phân bua rằng mặc dù tôi sinh ở vùng này nhưng chỉ ở đây gần 15 năm, mà ở xa quê đến 40 năm, nên không có thì giờ để tìm hiểu hết mọi thứ.
Có vẻ bắt trúng đài nên anh chủ trại rót rượu đầy cốc, hô cạn chén, và bắt đầu kể. Anh chủ trại cho biết chuyện anh sắp kể được truyền miệng từ ông vãi của anh, người đã tham gia trong loạn Chày Vôi của Đoàn Trung- Đoàn Trực và phải bỏ lên rừng sống với người Cờ-tu ở vùng biên giới Việt Lào.                      

&&&

          Mụ C’Lâu chết ở tuổi bảy mươi. Vào lễ khâm liệm, lúc sắp bỏ vào hòm, người nhà phát hoảng khi bỗng nghe mụ kêu khát nước. Nhà đám chuyển từ lễ tang sang lễ ăn mừng bà nội sống lại.
           Đúng vào ngày hôm đó, trong buôn làng có một cái chết rất thương tâm của một cô gái tên là Riah.
          Cha Riah là người chuyên săn bắn và mang thịt xuống miền xuôi để bán. Một người từ bên kia biên giới nhờ lão chuyển những gói nhỏ chưa thưa màu nâu giống như phân gà sáp giao cho một người khác ở nơi lão đến. Và để trả công, mỗi lần lão được biếu không một gói, được khuyên bỏ vào thuốc lá hút cho khỏe người. Lão không biết rằng đó là thuốc phiện. Càng hút lão càng nghiện, phải bỏ tiền ra mua thêm, mấy cũng không đã. Nương rẫy lão cầm cố hết, đến hồi phải đưa con gái là Riah vào ở đợ cho nhà Alang, một người giàu có trong buôn để lấy tiền mua thuốc phiện. Aviet, một chàng trai con nhà nghèo cũng đang ở đợ nhà Alang, đem lòng yêu Riah. Thế nhưng mối tình đó vở tan khi cha Riah bắt nàng về bán cho người ta để trừ nợ thuốc. Riah bỏ trốn cùng với Aviet đến sống trong một nhà Zơng trên một đám rẫy bỏ hoang. Cha Riah đi tìm và bắt nàng về. Khi đi ngang qua Vực Kè, nàng nhày xuống tự tử. Dưới bờ vực sâu hơn trăm mét là một thác nước chảy xiết, cuốn xác nàng không biết về đâu.
          Kể từ sau cái chết của Riah, đêm nào Aviet cũng đến ngồi trên Vực Kè, gọi tên nàng và khóc lóc thảm thiết. Anh ngồi đó đến nửa đêm mới về nhà Alang. Một đêm, lúc sắp ra về, dưới ánh trăng thượng tuần hư ảo, anh ớn lạnh khi thấy một bóng người đang đi về phía anh. Lúc đầu anh nghĩ là ma nhưng đến gần anh biết đó là người, và không ai xa lạ, chính là mụ C’Lâu vừa mới mất và sống lại cách đó vài hôm.
          - Này mụ C’Lâu. Mụ đi đâu vào giờ này?
          - Không phải là mụ C’Lâu đâu anh. Em chính là Riah đang mượn xác mụ C’Lâu để về với anh đây. Thân xác mụ bây giờ đã trẻ lại mấy chục tuổi rồi nhờ có linh hồn của em. Không tin anh hãy ôm em đi.
          Hai bóng quyện vào nhau, khóc rồi cười, cười rồi khóc cho đến khi gà rừng gáy sáng mới chia tay.
          Kể từ ngày mụ C’Lâu sống lại, người nhà thầy mụ mỗi ngày một trẻ ra, da thịt căng và hồng hào như con gái. Đặc biệt là mụ cấm khẩu, không nói một lời. Không ai phát hiện mụ ra khỏi nhà vào ban đêm vì không ai dám ngủ gần mụ, sợ rằng mụ sẽ bắt về cõi âm. Thế nhưng, vào đêm thứ bốn mươi chín sau ngày mụ sống lại, một người cháu trai tình cờ phát hiện và đi theo mụ. Anh thấy mụ đi về phía Vực Kè và một người thanh niên đang ngồi ở đó chờ mụ. Người đó là Aviet, người yêu của Riah, cô gái đã tự tử trước đó bốn mươi chín ngày. Hai người ôm nhau tâm sự, khóc cười, lăn lóc trên kè đá, quên hết trời đất. Đến khi trăng sắp lặn và gà rừng gáy sáng thì bỗng cả hai ôm nhau nhảy xuống bờ vực. Người cháu chạy lên bờ vực ngó xuống, không thầy gì ngoài bóng tối. Lẫn trong tiếng thác nước réo ầm ào, hình như vẫn còn nghe tiếng tiếng khóc tỉ tê, tiếng cười man dại ma quái dội vẳng lên từ vực sâu.

NKP