Tuesday, June 18, 2013

Ngọc Rết - truyện ngắn của Bút Nguyên Tử

Khoảnh đất khởi thủy vốn là cái lung trũng, ruộng bao quanh, người ta cào cỏ lùa cả xuống đấy cho gọn,  tấp dần thành cao, mỗi năm tấp bồi một ít mà thành cồn cây cối rậm rịt, gọi tên Cồn Rết.

Bởi Cồn có tự xa xưa lại là đất chung nên chẳng ai động vào. Người ta chỉ cào cỏ chất lên đây cho sạch ruộng. Bình thường sau buổi làm việc nhọc nhằn  lên Cồn ngồi nghĩ cũng chỉ dám lùa nhẹ vài bụi cây đám cỏ, đôi khi bày cả bữa trưa bữa chiều ra ăn uống chuyện trò cười nói tự nhiên. Điều tuyệt đối kiêng khem là không phóng uế vào Cồn. Chẳng ai dám đốt phá, sợ động chỗ thiêng, biết đâu lại có miếu có mả trong ấy. Có người thấy rắn  thấy rùa, thấy cả chồn cáo trong ấy nhưng không bẫy không bắt vì nghĩ có kiêng có lành, đi ngoài sáng cho chắc chứ trong cái chỗ mơ mơ hồ mình không biết lối ngõ, hoa mắt hoa mũi biết đâu đâm dập đầu chúi mũi, tránh cho khỏe,vướng vào thêm lo. Con rắn con rùa ở ngoài đồng thì cứ bắt mà ăn chứ rắn rùa trong cồn như có cái gì đó linh linh dữ dữ, ăn một miếng ngon một chút mà phấp phỏng lo cả năm, thôi đừng!
Thắc mắc vì sao có tên Cồn Rết, có người bảo thì bởi là nơi rắn rết tụ bầy. Mùa khô lẫn đâu không thấy chứ đến mùa nước lụt, rắn ngóc đầu, khoanh cuộn dày đặc, rết bò đỏ cây, nhiều đến mức mấy tay thợ săn tham mồi cỡ nào cũng chùn, lọt vào đó săn bẫy khác chi lọt vào trận địa rắn rết. Nghe kể trước kia cũng có tay săn bạo xông vào, chưa đâm được rắn trên đã bị rắn dưới mổ lật nhào, xác chết trương sình cả tuần không ai dám vào kéo ra vì rết bâu đỏ rực, phải đợi nước rút, vào thì chỉ còn bộ xương. Mà cũng lạ, nhiều cồn cồn nào hằng năm đều có cúng quảy. Cồn Giàng cúng trời,  Cồn Hoang là nơi nghĩa địa, cúng đã đành đến cái Cồn Trâu chỉ là đụn đất nhỏ xíu mà năm nào người nuôi trâu cũng cúng thế mà Cồn Rết chẳng thấy nhang khói.  Có người bạo miệng bảo rằng Cồn Rết um tùm làm ổ cho chuột bọ nương náu phá hoại mùa màng, sao không vây lại mà đốt, khô hạn cho một nắm lửa thì mọi thứ ra tro, có thêm đất canh tác, tha hồ bắt rắn lượm rùa…Thế nhưng các cụ từ tốn nhưng cương quyết bảo mình sống được thì cũng cho các con vật chúng nó sống, mình bắt nó, ăn nó thì cũng phải cho chúng nó chốn nương thân để mà sinh sản. Cả cánh đồng bát ngát con người mình giành, cứ thâm canh tăng vụ tăng năng suất mà ăn, con vật chỉ còn đám cồn trú thân để không bị tuyệt diệt giờ xóa sổ nó luôn thì sao đành. Hơn nữa làm thì có chỗ nghỉ, khi nghỉ kéo nhau lên Cồn có cây có bóng che mát, giờ đốt trụi đồng thành đồng trống đồng trắng, đến cả con người cũng không còn chỗ núp nghỉ. Cũng nhờ vậy mà Cồn Rết thành khu nguyên sinh, cây cối um tùm, lau lách rậm rì nổi lên giữa cánh đồng bát ngát.
Thằng Lúm nổi tiếng gan lì thường hay lủi lách giăng câu giăng bẫy, đêm hôm ai sợ chứ nó dám vạch lau lội vào giữa cồn. Hôm đó, nó gấp rút tìm Tám Cặn thì thầm:
-  “Ở Cồn có con rết to bằng cườm tay dài trên cả thước”.
Tám Cặn cười khẩy:
 - “ Rết gì mà to đến thế, sao mày biết?”
 Thằng Lúm háo hức:
- “Thì hồi khuya tôi đi lần câu thấy nó bò từ ruộng vào. Lúc đầu tưởng mình hoa mắt, tưởng ma nhát nhưng coi kĩ lại thì đúng là con rết.”
Tám Cặn không tin:
-          “Hay mày nhìn nhầm con rắn?”
Thằng Lúm khẳng quyết:
-          “Lúc đầu tôi cũng nghi vậy nhưng coi kĩ lại thì nó có cả hai hàng chân,
đầu rít có cả càng, đầu nó hình như phát sáng, cả thân hình óng ánh, sáng trăng nên tôi thấy rõ mồn một. Con rết to bằng cườm tay, chắc chắn, nó lườn vào đến  Cồn thì biến mất”.
            Tám Cặn già đầu với vùng đất này, ngóc ngách nào cũng rõ, sành sõi chuyện đơm bẫy, nghe cả hàng đống chuyện ma chọc quỷ nhát vẫn không lấy làm lạ thế mà nghe chuyện thằng Lúm kể lại ngạc nhiên. Mà thằng này xưa nay chưa hề nói dóc, nó từng mách nước chỉ lối cho mình bắt được rắn lớn, tóm được rùa to, không lẽ giờ nó dở chứng gạt cả mình.  Nghĩ vậy, Tám Cặn làm nghiêm gạt đi, dọa thằng Lúm là có kiếm ăn thì đi chỗ khác, đừng phạm vào Cồn Rết, cả làng cả xứ xưa nay đều ngán, bép xép lọt chuyện coi chừng bị vạ chết cả nhà lại còn đe mách cho ông già thằng Lúm nọc nó ra đánh. Thằng Lúm sợ sệt hứa im.
            Đuổi thằng Lúm rồi, còn lại một mình, Tám Cặn lẩm nhẩm: Thằng này xưa nay chưa hề nói dóc với mình, phải kín đáo xem thử. Trưa, đợi người đi làm đồng đã về cả, y nán lại cẩn thận vạch lá theo hướng thằng Lúm chỉ. Đúng là có một vết lằn lớn hằn sâu láng bóng chạy dài, phía trên  lau  lách chăng kín. Phải rồi, đường bò của một con vật phải cỡ con rắn lớn, tuyệt nhiên chung quanh đó không có dấu vết con vật khác chứng tỏ các loài khác đều tránh né. Lối đi của chuột, của rắn, của rùa, của cả chồn cáo y rành, đây phải là lối đi của vật khác, rết cái chắc. Đường vào giữa Cồn thì lút xuống hang nắm dưới gốc cây sanh lớn. Hang trơn, láng bóng, trước hang còn dính một ít lông chim lông gà. Nếu là rết chắc phải to cỡ thằng Lúm nói, có thể lắm! Nhưng rết gì mà to khiếp thế? Xưa nay người ta cũng chọn rết ngâm rượu xoa trị nhức mỏi nhưng con cỡ ngón tay út là đã quá, nói bằng ngón tay trỏ đã không ai tin. Nhưng xem dấu, xem lằn nếu đúng là rết thì ít nhất cũng phải bằng cườm tay.  Lại nghĩ, gà thèm rết, y cũng thường hất những con rết nhỏ cho gà nuốt, trộn rít vào thức ăn cho gà để chống dịch. Và nghe đâu rết cũng thèm thịt gà. Đêm hôm, thịt gà không đậy kĩ thì rết thường bò vào, có thế mà người ta tránh ăn thịt gà để qua đêm vì sợ độc rết. Cứ con rết này mà bẫy được đem bán cho tiệm thuốc bắc thì giá cũng không dưới cây vàng. Y cũng mơ hồ nhớ chuyện người ta kể có ngọc rết, ngọc do chất độc kết vào nước miếng con vật cả hàng trăm hàng nghìn năm luyện thành. Biết đâu  con rết này cũng có ngọc. Thằng Tám Cặn này vớ được ngọc rết cũng như Dã Tràng được ngọc rắn, chắc chắn lên hương đời.
            Tám Cặn tính toán làm một cái lồng sắt thật dài thật chắc, phải là mồi gà. Chọn một con gà tơ béo ngậy, nướng cho thơm lựng đặt vào. Chạng vạng, y xách mọi thứ lẻn ra Cồn. Xem qua xem lại chỗ đặt, khéo léo chằng níu để giữ bẫy. Mọi thứ như nín thở. Y rút lui. Nghĩ rằng  chuyến này nó dính mồi thì mình có vốn lớn, biết đâu đổi đời, hi vọng, tin tưởng,  y mạnh bước về nhà.
            Chưa vô vụ, chưa có lúa, không thấy bán heo bán gà vịt gì mà thấy mấy bữa nay Tám Cặn  nhậu nhẹt liên tu, hết quán thì kéo về nhà. Y không thèm nhậu chịu, nợ sổ bao nhiêu trả hết, không giữ thân phận chầu rìa hoặc đi qua đi lại ngoài quán chờ người ta gọi vào, không còn ở thế giữ kẽ đưa nhiêu uống nhiêu ngại ngùng không dám gắp mồi, không thèm kiểu gom gom hợp tác để trả  mà là tư thế chủ nhân, bao hết, chơi đẹp. Có người nghi rằng y trúng số nhưng xưa nay y đâu có rớ ba thứ “sáng mua chiều bỏ” đó. Với lại, ai trúng là bọn vé số rành sáu câu ai mua, đài nào, ngày nào, lô mấy, mấy tờ, nhẵn mặt hết đám dân chơi, trúng năm chục nghìn đã không lọt mắt chúng. Tám Cặn không có trong số đó. Có người nghi y được vàng nhưng thử hỏi trong xóm này mấy ai có vàng để mất cho y được, nếu có người mất thì chắc lão mụ vợ lãoThum thầy bói đã hé ra rồi, và được chắc y cũng chẳng dại gì đem ra hào phóng cho người ta để ý. Có người bảo rằng thấy y có lảng vảng ở tiệm thuốc bắc trên chợ, có người lại đồn thấy y ở hàng vàng ra. Nghĩ cứ nghĩ, nghi cứ nghi thậm chí y có đi cướp của giết người đó là chuyện của công an, hình sự còn với dân nhậu thì y mời thì cứ việc chơi tới, mắc gì.
            Bị Tám Cặn dọa, thằng Lúm nín lặng được mấy bữa nhưng rồi lại hé cho bạn nó biết. Thế là trẻ con và người lớn ai ai cũng biết. Chuyện rết to bằng cườm tay dài hơn cả thước ở Cồn lan rộng thành đề tài nóng hổi cả vùng. Người ta bảo đây là rết chúa, cái cồn này có tên Cồn Rết cũng vì vậy. Rết chúa phải sống cả nghìn năm thành tinh, có ngọc, phát sáng, thường leo lên cao bắt chim bắt gà, cuộn bắt cả chồn cáo rắn rùa mà ăn thịt. Có người còn bảo đủ cặp, rết ông còn cả rết bà, ông chết có bà báo thù, bà chết thì ông báo thù. Săn rắn săn rết gì cũng vậy,  phải săn được cả cặp không thì bị quả báo nhãn tiền. Có người còn bảo có thấy thì vái tránh đi, đừng động vào ổng, động vào thì ổng không chết cũng đau đớn thế này thế khác. Chỗ Cồn Rết trước đây, giữa buổi làm đồng người ta thường tụ tập nghỉ mệt mà bây giờ không ai dám gần.  Sôi nổi nhất là dân nhậu, như tóm được món “mồi rết”li kì hấp dẫn nên càng hứng chí bàn bạc. Trăm chuyện rết tuôn ra, hết người này đến người kia tranh nói, nói chắc bắp như từng có nghe, có gặp. Tám Căn ngồi lặng thất thần, rượu giáp vòng, nhắc giật mình một lúc mới sực tỉnh vớ lấy li hô “Vô!”, uống ực rồi cười cười giả lảng.
            Trước đây, Tám Cặn cũng  ham vui nhưng sợ say nên thường kiếm cớ thăm câu thăm bẫy đi tránh thế mà nay  nhậu liên hồi, người thất thần xơ xác, đôi mắt đỏ kè. Nhiều khi đang nhậu dở chừng y kêu lên: “Đừng bắt! Bán rồi! Đừng…!” Xưa nay, nhậu đến say quắt y vẫn nói tỉnh mà bây giờ chưa đâu đến đâu y đã nói mê, thực không sao hiểu nổi. Trước y chạy người ta, bây giờ ai cũng chạy y. Ai chạy cứ chạy, phải y lít y mới chịu về. Người nhà y cũng ngạc nhiên không biết có bị vướng đâu không, có ai quở nhằm mà y ngủ như trốn,đang ngủ y cũng kêu quớ lên năm lần bảy lượt suốt đêm như vậy.
            Đổ bệnh, Tám Cặn nằm liệt giường, ai tới thăm y cũng hoảng hốt quay mặt, thỉnh thoảng chới với lảm nhảm: “Đừng bắt! Bán rồi! Đừng…!” Có người  nói khẽ với người nhà y rằng  xưa nay y không hề biết kiêng sợ là gì, thường đặt đơm đặt bẫy mấy chỗ hoang vắng, không biết có dại dột động vào Cồn Rết không. Tám Cặn nghe được, co người trùm kín lại kêu như rú. Vài tháng thì mất.
            Tám Cặn chết, người ta càng bàn tán dữ về chuyện rết thiêng. Tra vặn thằng Lúm thì mới biết nó kể cho Tám Cặn nghe trước nhất và ổng còn dặn đừng bép xép, tránh xa Cồn Rết, xâu chuỗi mấy chuyện người ta bàn ra tán vào nào gặp Tám Cặn chỗ này chỗ khác với lời nói sảng của y, có người nghi y đã đánh bắt được rết chúa,  bắt bán rồi sợ khôn sợ dại mà chết. Riêng bà Toác ở cạnh nhà y thì bảo đêm nào cũng vậy, nhà Tám Cặn như có người tới đập liên tục rồi the thé gào : “Ơi Cặn, mau đem ngọc tao trả cho tao!” Gọi đúng ba tháng mười ngày thì Tám Cặn chết.

Bút Nguyên Tử
12/08