Một Chút Lãng Mạn Trong Thơ Lê Mai Lĩnh (1)
- Lương Thư Trung
Dường như, thời nào cũng như thời nào, trong mỗi
tâm hồn của văn nhân, thi sĩ đều ẩn tàng cái chất lãng mạn. Cái chất lãng mạn
nhiều hoặc ít là do những hạt mầm nghệ sĩ bẩm sinh của mỗi người và không ai học
để có chất nghệ sĩ và
cũng không ai học để có cái chất lãng mạn được. Thi sĩ Lê
Mai Lĩnh có lẽ cũng không vượt ra ngoài cái tâm hồn như vậy trong đời văn thơ của
ông được, từ những năm 1958 với bút hiệu Sương Biên Thùy, lúc ông mới bắt đầu tập
tành làm thơ thời còn đi học cho đến bây giờ khi mái tóc đã hoa răm.
Trước khi đi vào thế giới lãng mạn trong thơ của
Lê Mai Lĩnh, thiết nghĩ chúng ta nên lướt qua một cách khái quát về cái gọi là
lãng mạn trong văn học Việt Nam. Đó là thời kỳ 1925, 1926 trở về sau này với
quyển tiểu thuyết tình Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Theo Thanh Nghị
trong Việt Nam Tân Tự Điển thì “sự thương hoa, khóc gió, kéo luôn sự say sưa thả
lỏng cho tình yêu trai gái, cố chống chở với những kềm thúc gia đình là những đặc
tính đầu tiên trong văn phái lãng mạn Việt Nam. Sau đó không bao lâu, nối tiếp
theo những bài văn thơ đăng trong các tờ báo, một phong trào sôi nổi hơn, phong
trào các tư tưởng mới, thơ mới đánh dấu cho thời kỳ toàn thịnh của văn phái
lãng mạn. Thơ văn kế tiếp nhau ra đời với các thi sĩ và văn sĩ tiền phong như
Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, J.Leiba, Khái Hưng, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử
v...v..” . Và, tiếp theo dòng văn học Việt Nam sau thời kỳ tiền chiến, chúng ta
đã bao lần mê mệt với thế giới thơ ca của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa
và nhiều tác giả khác nữa... Hầu như trong bất cứ tác phẩm nào, dù truyện ngắn,
truyện dài hay thơ ca, cái yếu tố lãng mạn như đầy khắp trên từng dòng chữ,
không kể xiết...Và rồi, người thưởng ngoạn cũng ghiền cái chất lãng mạn trong
văn chương như vậy. Những tác phẩm quen tên, những vần thơ dễ nhớ là những tác
phẩm không thể không có cái chất lãng mạn tiềm ẩn trong câu văn, trong nhừng vần
thơ. Bạn có thể đọc lại bất cứ bài thơ nào, bất cứ cuốn tiểu thuyết nào, bạn
say đắm như không rời là do nơi tác giả gieo vào lòng những nhân vật, những vần
thơ tình ướt át ấy những chất liệu trữ tình khắng khít, dịu ngọt pha chút chua
cay, hờn dỗi, trách móc mà trắc trở nhiều hơn là sum vầy, hạnh phúc. Một vài
thí dụ trong biết bao những dòng thơ như vậy, chẳng hạn với Hàn Mặc Tử, chúng
ta thấy ngọn gió thoảng qua cũng gợi hứng cho hồn thơ của thi sĩ, và rồi thi
nhân cảm nhận như gió mơn man tình tự trên nét mặt người “gái quê” đã có chồng
đến thẹn thùng, “bẽn lẽn”... :
“...Vô tình để gió hôn lên má,
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm...
Em sợ lang quân em biết được,
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em...”
(Bẽn lẽn... Gái Quê)
Hoặc với Thế Lữ, nhìn người con gái bơi thuyền
trên
hồ xuân mà cũng làm cho hồn thi nhân một chút buồn
bâng quơ, vơ vẩn:
“Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng,
Nắng chiều xuân rung động trên cành.
Mấy hàng lau yếu nghiêng mình,
Cô em bỗng ngẩn ngơ tình về đâu?”
(Hồ
xuân và thiếu nữ)
Và rồi, trong thơ Lê Mai Lĩnh mang tâm hồn bi thảm
của một người tù cải tạo với những tháng năm dài lê lết tấm thân gầy thiếu áo,
thiếu cơm trên khắp mọi miền núi rừng hoang lạnh nơi Hoàng Liên Sơn, nhưng hễ
có dịp là ông không che giấu nổi cái xao xuyến của một thi nhân với tấm lòng
tràn đầy tình tự như vụt bay ra khỏi cảnh đời tù đày, mà cứ như gần gũi với
chuyện thường tình ở đời thường bằng con tim nghệ sĩ của mình. Nhưng có điều, mỗi
thời kỳ văn học, cái chất lãng mạn không khác nhau nhiều nhưng cách dàn trải,
thể hiện cùng những biến đổi của từng ý niệm có rất nhiều sai biệt, đặc thù và
nó tùy theo hoàn cảnh xã hội thay đổi ít nhiều. Do vậy, trong thơ Lê Mai Lĩnh,
người đọc cũng nhận ra cái mới lạ của chất lãng mạn đến ngạc nhiên. Chẳng hạn mấy
dòng thơ dưới đây, nó mới lạ biết chừng nào, mà dường như lúc nào và ở đâu, mỗi
lần có dịp là ông lại diễn tả bằng giọng Quảng Trị của mình với một tâm hồn chất
ngất yêu đương, pha chút hờn giận cùng cái đắm say của một hồn thơ nhiều hệ lụy
với tình trường:
“Anh hứa, sẽ không tiêu của em một đồng xu nào
Những đồng nhọc nhằn, chắt chiu, góp gom
Nhưng anh sẽ rộng rãi tiêu đời em
Như đời anh, anh cho em phóng tay thỏa thích.
Anh hứa sẽ không cầm tay em bao giờ
Sợ chạm phải điều linh thiêng, kỳ diệu
Nhưng anh sẽ bóp nát trái tim của em
Vì anh nghĩ, anh có quyền làm như vậy.
Anh hứa, sẽ không chạm vào thịt da của em
Sợ tan biến, vỡ vụn, khói sương
Nhưng anh sẽ giẫm nát cõi lòng em
Vì anh nghĩ, anh không thể làm khác được.
Anh hứa, sẽ nổi gió cho diều em lên cao
Cho tài năng, nhan sắc em lên cao
Nhưng hãy ở lại mặt đất cùng anh nghe em
Trái tim nồng, hỡi người yêu dấu.”
(Anh Hứa,
trang 110)
Qua những vần thơ vừa rồi, ta mới thấy hết cái chất
lãng mạn trong hồn Lê Mai Lĩnh, “Hãy ở lại mặt đất cùng anh nghe em, trái tim nồng,
hỡi người yêu dấu!”; thi nhân vẫn luôn luôn thèm khát một người “yêu dấu” trong
cõi nhân sinh trên mặt đất mà mình đang sống hơn là một cõi huyễn mộng nào
trong hư vô, xa vời!
Đôi lúc, gặp lại ông, người đời thấy trên gương mặt
Lê Mai Lĩnh hằn nhiều vết nhăn, mái tóc biếng chải nhưng đôi mắt sâu loang
loáng cái khao khát của những vần thơ mới lạ như vậy về một mối tình nào đó, bất
tận, và dường như, có lần ông cũng chợt nhận ra mảnh đời của mình sau bao năm
lăn lóc phong trần cũng rối bời như mái tóc chớm hoa răm:
“Đã đến lúc anh phải chải lại đời mình
Bờm xờm quá, lôi thôi hoài, không được
Em thấy không, anh yêu đời trở lại
Nghe xôn xao như chim hót trong lòng.
Anh biết rồi, hạnh phúc là điều có thật
Như anh đang có em để đợi chờ
Như sáng mai nầy nghĩ về một người lên Đà Lạt
Lòng muốn gửi theo chút ấm làm quà.
Sáng mai nầy có một người đi xa
Trong lòng ta có một chút gì đọng lại
Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng...
Ta nâng niu, nâng niu, suốt buổi...
Chải lại đời mình, em chợt đến
Mười ngón tay, chiếc lược thần kỳ diệu
Giúp anh, em hãy chải đi
Em có chải không, em có chải không nào.”
(Chải
lại đời mình, trang 106)
Như bao kiếp người, lúc tuổi đời còn trẻ trung,
Lê Mai Lĩnh cũng để hồn mình chìm vào những mối tình học trò ngày nào, giờ
không nguôi tiếc nuối một cánh chim nhỏ đã vụt bay xa khi thi nhân có lần nhìn
lại bức ảnh lưu niệm ngày xưa :
“Đốt trái tim, cúi đầu chào người trong ảnh
Không gọi em là tiên, ta vẫn biết em trần tục
Để được thấy rằng em rất gần gũi
Như chính linh hồn ta
Nhớ một thời cắp sách đến trường
Áo trắng, nữ sinh Đồng Khánh
Cầu Trường Tiền, những chiều gió lộng
Tà áo em bay như một dáng liêu trai.
Nhớ một thời guốc son qua phố
Cặp sách đen, phượng vĩ đỏ, em như tuyết
Ước gì ta được bàn tay của Trời
Vẽ lên trái tim ta, chân dung em, diễm tuyệt.
Nhớ một thời, trong cặp, giấu trái me chua
Tưởng tượng thôi, em đã làm ta thèm khát bỏng
Nhớ một thời trong vở, em chép thơ tình
Tưởng tượng thôi,
em đã làm ta muốn trở thành thi sĩ
Nhớ một thời, nhớ một thời, nhớ một thời
Vàng son, vàng son, phai nhạt
Nhớ một thời, nhớ một thời, nhớ một thời
Thôi quên đi, hỡi em, tình này đã đủ.”
(Bài
thơ thứ mười, trang125)
Kỷ niệm chia tay trong mỗi cuộc tình nào mà không
bồi hồi, bâng khuâng lòng người với chút xót xa dù thi nhân tự khuyên mình
“thôi quên đi, hỡi em, tình này đã đủ”, nhưng tận trong cõi lòng, những năm
tháng mù tăm ấy như cháy bỏng trong lòng cứ mỗi lần hồi tưởng lại những ngày tuổi
nhỏ đắm say trong những mối tình học trò thơ mộng biết bao nhiêu...
Qua vài dòng thơ vừa dẫn, người đọc nhận ra rằng
Lê Mai Lĩnh đã đem vào thơ của Ông cái lãng mạn ngất trời, làm cho người đọc nhiều
lúc giựt mình về những cảm xúc của thi nhân. Cái lãng mạn trong thơ của Lê Mai
Lĩnh là cái lãng mạn rút tỉa ra được từ những bất trắc, nghịch thường, đổ vở,
xáo trộn của một đời sống êm ả thường tình. Vì thế, nếu chúng ta đừng vì những ấn
tượng có sẵn về một tác giả với những bài tùy bút mang dáng dấp bất cần đời,
chúng ta sẽ dễ nhận ra và chia sẻ với Lê Mai Lĩnh cái chất lãng mạn đến dễ
thương trong những vần thơ khắc khoải như vậy.
Còn nhiều lắm, trong mỗi chữ, trên mỗi dòng thơ,
cái lãng mạn của Lê Mai Lĩnh làm người đọc lâng lâng như chìm vào một cõi ngập
đầy giữa mộng và thực của cuộc
sống một đời người...
“ Sau cơn mưa đêm, sáng mai nầy trời mát rượi
Em thấy không, cỏ cây phục sinh
Và trong lòng anh cũng phục sinh
Dẫu không có chim hót trong vườn nhà ai kế cận
Nhưng vẫn có tiếng líu lo trong lòng anh
Khi nghĩ tới em.”
(Đường tình, trang 133)
Hoặc như những vần thơ viết về quê hương Quảng Trị,
một nơi yêu dấu một đời của thi sĩ đến thiết tha khi bước chân hoang rời khỏi,
để lòng mình mãi mãi nhớ về nơi có “con đường bờ sông phượng đỏ một trời”, có
“những thảm cỏ xanh, gốc cây và bóng tối”, có “một dòng sông trăng chạy dài từ
cầu ga đến chùa Tỉnh hội”, và biết yêu em từ ấy với cành dạ lý hương ngắt trộm
để cắm vào ô cửa sổ lúc nửa đêm, như mối tình liêu trai của tuổi nhỏ thẫn thờ:
“Và cũng từ đó tôi ra đi
Chia tay Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Buổi lên đường, trong trái tim tôi em là kỷ niệm
Em là kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của tôi.”
(Lời tạ lỗi với quê hương, trang 17)
Điều chúng tôi cảm nhận là cái chung thủy của thi
nhân ở những vần thơ hồi ức này :
Cảm ơn em. Cảm ơn em. Cảm ơn em.
Em ở đâu, giờ này tôi biết
Tôi cầu mong em hạnh phúc
Và được yêu như tôi đã yêu em.”
(Lời tạ lỗi với quê hương, trang 21)
Và riêng cái nét đặc trưng này, thi sĩ Lê Mai Lĩnh
như thôi thúc trong lòng và có dịp là ông muốn nói lời “cảm ơn” hơn là ghét bỏ,
hận thù đời :
“Cùng với mùa mưa em đến với ta
Bây giờ mùa mưa đã hết và em cũng đã ra đi
Cảm ơn em đã đến
Cảm ơn em đã đi
Cảm ơn em đã trả lại cho ta nỗi cô đơn kỳ thú
Cảm ơn em
Cảm ơn em.”
(Bão ngoài trời, bão trong lòng, trang 139)
Trên đỉnh núi Chứa Chan, hay trên đồi trà xanh biếc,
hoặc nơi Đà Lạt sương mù giăng giăng khắp lối, đâu đâu Lê Mai Lĩnh cũng chất ngất
cõi lòng yêu đương tha thiết:
“Bên này Chứa Chan anh còn trái tim
Anh còn tình yêu, anh còn cuộc đời
Còn em một trời chói chang hạnh phúc
Bóng núi kia đâu khuất nổi dáng người.
“Núi còn đó với rêu phong tháng năm
Trời có lúc khói sương màn bông
Nhưng trong ta tình còn chói lọi
Ấp ủ tim yêu một ngọn lửa hồng.”
(Bên này
bên kia núi Chứa Chan, trang 70)
Thi nhân nghĩ về người vợ cùng cảnh ngộ như mình,
để mà thương yêu nhau hơn khi cái hạnh phúc nhỏ nhoi ngày nào mà bây giờ cũng
chỉ còn như một hồi ức xa vời :
“Trên đồi trà anh nhớ khi xưa
Em thích uống chè xanh có gừng.”
(Trên đồi trà thử thả hồn chút chơi, trang 88)
Hoặc :
“Mai ta về, phố xưa hoa vẫn nở
Hoa bốn mùa thơm ngát dấu chân quen
Con đường xưa, cuộc tình, hương tóc lạ
Êm đềm ta ru giấc ngủ đêm đêm.
Phố gập ghềnh đường quen nẻo thuộc
Tà áo nào đưa lối ta về
Chân lạc loài bờ xa vùng tóc rối
Ửng hồng em đôi má, ta u mê..”
(Đà Lạt trong nỗi nhớ, trang 100)
Và với thi nhân, trong tận cùng cái cay nghiệt cõi
trần, người thi sĩ giàu chất lãng mạn trữ tình như Lê Mai Lĩnh, một lần gặp lại
người yêu cũng đủ để lãng quên cái bất hạnh của cuộc đời :
“Xanh mái tóc hương bay ngào ngạt
Dáng liêu trai nhẹ bước nhịp nhàng
Em đến, tim đời ta bát ngát
Và nhịp đời cũng dậy khúc hoan ca.”
(Nhìn Chứa Chan nhớ Lâm Viên, trang 102)
Và dường như, thơ tình vào thời nào nó cũng vẫn ở
lại lâu với tâm hồn con người bởi lẽ mỗi một con người vốn dĩ là một rừng gió
mơn man tình tự suốt đời lên trái tim vốn nhạy cảm, yếu đuối biết bao! Trong suốt
tập Thơ Lê Mai Lĩnh, cái chất lãng mạn nó bàng bạc như vậy, không dứt. Bạn thử
ngồi lại một mình, để hồn bạn lắng dịu và rồi bạn thử để hết cái tâm hồn mà thưởng
thức từng câu thơ của Lê Mai Lĩnh, bạn sẽ thấy hồn bạn cũng rung động, xao xuyến
theo với mấy vần thơ của một thi nhân miền đất Quảng Điền, Triệu Phong giàu
lòng trắc ẩn, đa tình, lãng mạn như một nét riêng bên cạnh những bài tùy bút
sôi nổi của ông.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, sau hơn nửa thế kỷ chìm đắm
trong nghề viết văn với một trăm tác phẩm để đời, vào những ngày “về vườn” (2)
của mình, ông đã nhận xét:
”Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn,
tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ
mang danh nghệ sĩ rồi!”(3) Và như vậy, qua tập Thơ Lê Mai Lĩnh, với cảm nhận của
một người đọc, quả thật, Lê Mai Lĩnh là một nghệ sĩ được Trời ban cho cái hồn
lãng mạn dạt dào trong trái tim nóng bỏng của ông như một nét đặc trưng được
che giấu bằng gương mặt luôn luôn hằn những vết nhăn khắc khổ trong đời thường,
dù ông đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống nơi cõi nhân sinh!
Tâm hồn nghệ sĩ cùng chất lãng mạn ấy đã tạo cho
thơ Lê Mai Lĩnh một cái hồn nghệ thuật vô cùng rung cảm, tuyệt diệu!
Lương Thư Trung
Tháng Năm, 1999
------------------------
1) Thơ Lê Mai Lĩnh, nhà xuất bản Sông Thu, Hoa Kỳ,
năm 1997.
(2) “Về vườn”, chữ dùng của Nguyễn Hiến Lê.
(3) Đời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê, nhà
xuất bản Văn Học, Việt Nam, năm 1992