Wednesday, May 17, 2017

Rời Đảo - thơ Đào Văn Bình 
                                  Diên Nghị bình









Tiếng loa gọi—trưa cựa mình ngái ngủ
Danh sách dài rời đảo nhỏ chiều nay
Người ra đi hối hả buổi chia tay
Người ở lại nghe tiếng đàn não nuột

Chuyện cướp biển bao kinh hoàng chưa hết
Vết hằn nhơ trên thân thể còn kia
Những nghĩa thân giờ không biết nơi mô
Nhưng cũng phải xa lìa nơi tạm trú

Nhang cắm vội vài hàng trên nấm mộ
Nước mắt nào để khóc vợ và con?
Ngày ra đi bao lời hứa sắt son
Nay lẻ bóng một mình nơi xứ lạ

Câu đưa tiễn sao buồn hơn Ô Thước?
Dù tình ngân vẫn còn được thăm nhau
Những mối tình nảy nở ở nơi đây
Trong phút chốc sẽ đi vào vĩnh biệt

Tiếng cười nói chan hòa cùng nước mắt
Cuộc định cư người tản lạc mười phương
Cùng chuyến tàu mà chẳng được đi chung
Mai xa lằm nghìn trùng không thể thấy

Rồi cả đảo tiễn đưa mình em bé
Mẹ cha em hải tặc bắt đi rồi!
Cả rừng người nước mắt cứ tuôn rơi
Đưa tiễn một linh hồn về xứ Bỉ

Tháp tùng em một mình cô Cao Ủy (1)
Không bà con chẳng thân thích họ hàng
Rồi tháng ngày em sẽ lớn khôn lên
Em có biết quê em là xứ Việt?

Có những kẻ ở hoài không nhúc nhích
Con từng đàn, từng đống cứ sinh thêm
Thả đời mình theo cuộc sống lênh đênh
Thà mục đảo còn hơn về để chết!

Nghe loa gọi dững dưng không thèm biết
Mắt dõi nhìn về phía biển xa xa
Bay về đâu mây lữ thứ không nhà?
Cho ta gửi những lời đau thống thiết!
                  (Trích “Thiên Sử Thi của Người Vượt Biển”)

Đào Văn Bình

(1)   Nhân viên của Cao Ủy Tị Nạn LHQ
  • ·          
Lời bình của Diên Nghị:

Cuộc nội chiến Bắc Nam kết thúc vào ngày cuối tháng Tư năm 1975. Đồng minh Hoa Kỳ thất hứa, cắt viện trợ tài chánh, phương tiện quân sự, lực lượng Hoa Kỳ lui về sau khi ký kết Hiệp Định Paris. Quân dân miền Nam đành phải buông vũ khí, tan hàng, thua cuộc! Hàng hàng, lớp lớp người miền Nam đã thoát ra khỏi quê hương, vượt biển Đông tìm lẽ sống.
Trải qua trên bốn thập niên, cứ nghĩ chỉ một Việt Nam khốn khổ vì chinh chiến, nào ngờ trước mắt, ngày nay, một hiện thực khác còn bi đát, tồi tệ hơn khi vùng đất Trung Đông, Phi Châu tái diễn, xua đuổi hàng triệu con người chạy loạn, vượt biển Đen, Địa Trung Hải tìm nơi tỵ nạn! Qua truyền thông thế giới ghi nhận, cuộc thoát thân ào ạt, vượt biển cả mênh mông, biết bao sinh mệnh rủi ro đã nằm lại giữa làn sóng nước!
Lịch sư tỵ nạn, những năm cuối thế kỷ 20, khởi đi từ miền Nam đất Việt, dấu mốc thời đại chiến tranh và hòa bình đuợc luận bàn, đề cập từ những trục quyền lực mạnh với ước vọng chính đáng hoà bình, nhưng đạt được hòa bình, tất yếu phải củng cố lực lượng, bảo đảm thế đứng, sẵn sàng cho chiến tranh.
Những hòn đảo hoang vu mọc lên giữa biển khơi Đông Nam châu Á, những điểm tựa đã cứu vớt người Việt trên những tàu thuyền mỏng manh, quá tải, trước đe dọa thời tiết bất thường, đồng thời một vài đảo rộng lớn đã được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc lập văn phòng đón nhận người tỵ nạn, trước khi được chấp thuận đến định cư một quốc gia trong thế giới tự do. Đảo, hồn thiêng Tạo Hóa, ân nhân người lỡ bước sa cơ, quán trọ đầu tiên của hành trình nhìn lên phía trước.
Đặt chân lên đảo, có nghĩa được qua một giai đoạn, trường san gian nguy, thử thách, niềm tin rực sáng, tăng trưởng ý chí để tiếp tục bước đến ước vọng đổi đời. Ngày lại qua ngày, điểm tựa dừng chân giữa bốn bề sóng nước, người đi tìm sự sống, được sống trong hy vọng, đợi chờ--chờ đợi được hoàn thành thủ tục hành chánh, đậu được điều tra lý lịch, và hy vọng một ngày đệp trời sẽ rởi đảo đến điểm hẹn trên quê hương thứ hai. Cuộc sống đợi chờ, hy vọng dài lê thê, hôn nay như ngày qua, nhịp điệu như trầm chậm lại… Con ngườì hiện hữu trông trời cao, biển rộng, cầu xin ơn phước.
Diễn biến sinh hoạt đều đặn, êm hòa giữa nắng trưa, thì có tiếng loa vang gọi:

            Tiếng loa gọi trưa cựa mình ngái ngủ
            Danh sách dài rời đảo nhỏ chiều nay

Cái sự đợi chờ đã nhận phần nào đáp trả. Cái gì đến sẽ đến. Người xưa nói: “Nhất trác, nhất ẩm, giai do tiền định.” Một số người đã được gọi đúng tên, chạy ngược, chạy xuôi, hối hả chuẩn bị hành trang rời đảo. Vẻ mừng, hân hoan thoáng hiện, nhẹ nhỏm, chan hòa. Những người chưa được gọi tên cũng tỏ lòng an tâm, chờ đợi. Cảnh kẻ ở, người đi nào không xúc động, nao lòng:

            Người ra đi hối hả buổi chia tay
            Người ở lại nghe tiếng đàn não nuột

Kẻ ở và người đi, mỗi bản thể, mỗi tâm trạng, hoàn cảnh riêng, nhưng sự gắn bó tình người đồng hội là điều duy nhất.

Trên những tàu, thuyền rời bến quê hương, giữa biển Đông mênh mông, phận người bé nhỏ như chiếc lá. Chỉ một cơn mưa bão đột biến cũng có thể mang nguy cơ và tai ương rình rập, bọn hải tặc Thái Lan sẵn sàng gieo tội ác với thuyền nhân khốn khổ đáng thương.

Nỗi kinh hoàng còn in dấu ấn. Những thân thuộc, máu thịt không may, giờ này biệt vô âm tín, vết tủi nhục hằn sâu.

            Những người thân giờ không biết nơi mô
            Nhưng cũng phải xa lìa nơi tạm trú!

Người ra đi, mừng mừng, tủi tủi, khi ngoảnh nhìn những nấm mồ quanh trại, nơi đó, thân xác đồng hội đồng thuyền yên nghỉ ngàn thu, đã cùng đi mà không cùng đến! Vài cây nhang cắm vội giã từ…

Nỗi đời là nước mắt, còn đâu nước mắt cho người thân thuộc, từng hứa hẹn, nguyện thề ngày nào, sống chết có nhau… mà rồi ra, thui thủi cô đơn nơi chốn lạ! Dù người xa, kẻ chưa quen, cũng đã nắm tay nhau luyến lưu đưa tiễn, chúc lành mọi sự, mắt đối mắt, long lanh tin hạnh ngộ.

Những tương giao tình cảm khác chợt hiện nơi đây; những cặp tình nhân đang kỳ nồng nàn hương lửa, bỗng phút chốc đã cách chia, đầu non cuối biển!
           
            Những mối tình nảy nở ở nơi đây
            Trong phút chốc sẽ đi vào vĩnh biệt

Bức tranh ly biệt phác họa bằng gam màu đủ biểu hiện nét vui và sắc buồn, tiếng cười đan quyện nước mắt. Cùng đến đây chung một chuyến tàu, mà phải chịu theo lối riêng, ngã rẽ.

Kẻ đì trước, người ở lại. Có giấc mơ hạnh phúc nào viên mãn cho người? Sóng quanh đảo vẫn dào dạt ngày đêm, dặm trường trùng điệp, khuất lấp vòm trời.

            Cùng chuyến tàu mà chẳng được đi chung
            Mai xa lắm nghìn trùng không thể thấy

Hoạt cảnh lao xao đi và ở, buổi trưa nắng vàng tươi mát, hầu như đám đông đang hướng tới một bóng hình, một em bé Việt Nam sống sót trong chuyến vượt biển. Cha mẹ em đã bị bọn cướp Thái Lan bằt đi. Rừng người đã không cầm được nước mắt. Em bé Việt Nam ơi, em sẽ đi về đâu? Cô đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn dẫn em đi về đất Bỉ. Không thân thích, họ hàng, em lặng lẽ bước theo, nắm tay người lạ:

            Rồi cả đảo tiễn đưa mình em bé
            Mẹ cha em hải tặc bắt đi rồi!
            Cả rừng người nước mắt cứ tuôn rơi
Đưa tiễn một linh hồn về xứ Bỉ

Bàn tay nhân đạo của Thần Tượng Tự Do dẫn dắt, nuôi dưỡng, thay thế bậc sinh thành bất hạnh. Em sẽ được giáo dục, học hành để thành một con người hữu ích. Em sẽ lớn khôn, và liệu mai sau em có hiểu được cội nguồn, quê hương em là nước Việt? Và vì đâu em phải lìa xa, cha mẹ em là ai, dòng họ em ở đâu? Nỗi hãi sợ, ưu tư của con người muôn thuở là ngọn nguồn dân tộc.

            Rồi tháng ngày em sẽ lớn khôn lên
            Em có biết quê em là xứ Việt?

Đảo, nơi tiếp nhận, cũng là nơi chuyển tiếp trên bước đường định cư, tỵ nạn. Lớp này ra đi, sẽ có nhiều lớp khác may mắn ghé bờ, trên những tàu thuyền chờ biển yên, gió lặng.

Đảo, xã hội nhỏ đang hình thành, đang tạo cho con người cơ lỡ tạm dung, tồn sinh--sống trong hy vọng và đợi chờ.

Khổ thay, cũng không thiếu nghịch cảnh, nan đề thực tại. Cũng không thiếu người đến được đảo sớm nhất lại chẳng bao giờ hy vọng rời đảo đến nơi ước nguyện. Họ, những số phận đáng thương! Họ, lẽ này lý khác, không hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng quyền tỵ nạn! Âu cũng là nỗi đau thời thế! Hiện diện trên đảo từ lâu, họ từng trải qua khắc khoải đợi chờ mòn mắt. Tuy cuộc sống tạm bợ, nhưng an ổn hơn vạn lần nơi cố quận quê hương, nơi bạo lực đàn áp, bất công là chính sách hành xử của tập đoàn cầm quyền Cộng Sản.

Cuộc sống tạm cũng từ lâu cho họ chân lý sống của loài người. Theo dòng thởi gian, con cái ngày càng đông, họ chưa hề nghĩ đến ngày phải trở về bản quán, bằng một so sánh rất thật:

            Có những kẻ ở hoài không nhúc nhích
            Con từng đàn, từng đống cứ sinh thêm
            Thả đời mình theo cuộc sống lênh đênh
            Thà mục đảo còn hơn về để chết!

Thời gian lướt qua, vô tình, vô hạn. Cứ mỗi lần nghe loa gọi, tín hiệu vui đang đến, hoặc nhiều, hoặc ít người nữa sẽ được đi. Tương lai đang chờ đón. Nhưng tiếng loa kia lại vô cảm cho một thành phần cam chịu, thiếu may mắn. Họ “nghe loa gọi dững dưng không thèm biết.” Tiếng loa như một gợi thức chạm đến tế bào thần kinh tạo phản cảm, tổn thương!

            Bay về đâu mây lữ thứ không nhà
            Cho ta gửi những lời đau thống thiết!

Họ đồng hóa mình với “mây lữ thứ không nhà” và lời tuyệt vọng cũng chỉ riêng mây trời chia xẻ…

Bài thơ chấm dứt với dấu lặng… chìm mà chưa khuất. Bước chân rời đảo vội vàng, người ở lại lao xao đưa tiễn. Dáng dấp em bé mồ côi bên cạnh cô đại diện Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn, đám đông đã không cầm được nước mắt. Những cây nhang tỏa khói trên những ngôi mộ xung quanh, những đôi bạn tình quyến luyến, đang nồng nàn hương lửa, đã phải nhận chịu chia ly. Kẻ được đi, người ở lại; mai sau biết có còn hạnh ngộ! Những phận người đã mòn mỏi chờ mong, mà chẳng bao giờ được rời khỏi đảo!

Hoạt cảnh bài thơ rõ nét, sống động. Đào Văn Bình, tác giả, cũng đồng hội đồng thuyền. Sau ngày miền Nam sa vào tay đỏ, Đào Văn Bình cũng bước vào cõi lưu đày từ Nam ra Bắc/Bắc vào Nam. Sau gần thập niên phải trả nợ quỷ thần, Đào Văn Bình trở lại thành phố Sài Gòn, không bỏ lỡ cơ hội, vượt biển Đông, toại nguyện.

Đến được đảo, trải qua một giải thoát, từ đảo đến nơi chốn mới, giải thoát tiếp, để tự tái dựng cuộc đời. Đức Phật Thích Ca luận đời là bể khổ. Ngán sự khổ, con người phải ý thức giải thoát--giải thoát một ước vọng, cũng là một giấc mơ đời.

Giấc mơ đời nào không chằng chịt nghịch lý và hệ lụy. Giấc mơ trở thành hiện thực hay không lại là lẽ khác. Bản thể nuôi giấc mơ, nhưng tha thể chi phối, như nhìn nhận của thi hào Nguyễn Du:
           
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
                                    (Kiều)

“Rời Đảo” của Đào Văn Bình, bức thi trung hữu họa với cảm xúc chân thành, tình yêu đồng loại của người trong cuộc, góp vào sử thi vượt biển của miền Nam, dành lại cho mai sau, cho hàng triệu người trong bi kịch thế kỷ, mỗi khi bắt gặp hoặc hồi tưởng quá khứ sẽ nhận diện được một phần chính mình trong đó… để cùng dung thông, chia xẻ với hàng triệu thân phận đang vượt đại dương ngày nay, tìm kiếm cuộc sống an ổn, thoát khỏi chiến tranh khốc liệt.

Diên Nghị