Nỗi Đời Hư Huyễn - Cao Mỵ Nhân
Ôi chao, bà niên trưởng của mình vừa nằm xuống tuần
qua, không khí và khung trời vẫn sáng trưa chiều tối, giữ nguyên mầu sắc của một
miền đất hứa.
Nghĩa là không có sự đổi thay ở bất cứ một phương
nào, vẫn
vạn vật sinh tồn giữa đất trời vô hạn, nhưng con người thì quả có đôi
chút ưu tư.
Mình bị lởn vởn cái ý nghĩ: "Có thật chết là
hết không? Sao người ta vẫn xôn xao quanh cái chết của bà niên trưởng chứ?"
Vạn cổ xưa, có lẽ chết là hết thật, sau mỗi lúc thế
giới mỗi văn minh hơn, cuộc sống mỗi lúc mỗi đa dạng hơn, khiến con người mỗi
lúc mỗi phức tạp hơn.
Sự kiện thật rõ ràng là chết không thật sự hết ở
thời đại này, và ở cõi đời này, mà những liên hệ cứ đan kết vào nhau, không kể
người nhà mà cả người xa lạ... vẫn có ảnh hưởng đến "đời nhau" mới là
vớ vẩn, ấy mà có người lại kêu là dớ dẩn cơ đấy.
Tôi đan cử một thí dụ "cập nhật", đó là
câu chuện bà niên trưởng của tôi, một cánh chim đầu đàn của chương trình cứu trợ
thương phế binh và cô nhi quả phụ tử sĩ VNCH trên 10 năm nay.
Tất nhiên việc làm công ích cho thiên hạ cứ ngời
ngời như thế, tình thương nghĩa cả trên mọi phức tạp ở đời, nay bà niên trưởng
tôi lên đường về vô tận, thật viên mãn tâm tư, thảnh thơi hồn xác.
Xưa quý cụ đông phương, đúng ra, có lẽ chỉ dân tộc
ta khuyến đạo tha nhân rằng:
Nhị thập định học (học hành, hạng tuổi 20)
Tam thập định tình (yêu đương, lập gia đình, lập
nghiệp, hạng tuổi 30)
Tứ thập định nghiệp (có trăm công nghìn việc thì
trễ lắm 40 tuổi cũng phải công danh hay ổn định nghề nghiệp rồi. Ba tôi xưa 40
tuổi đã có người kêu bằng cụ, tức là đã già. Còn có thể nói định cái nghiệp cho
đời mình an lành, phúc hậu).
Ngũ thập định tử, hay tri thiên mệnh (đã chọn hay
chuẩn bị cho mình cái chết # 50 tuổi. 50 tuổi là biết mệnh trời cho ta sống, chết
thế nào.
Lục tuần hoa giáp (60 tuổi). Có nghĩa người 60 tuổi
là hoàn tất một kiếp đời, nên chu kỳ của đời người đứng lại ở tuổi 60. Về hưu.
Hoa giáp, chính là tuổi mình tròn 12 con giáp đấy
thí dụ bạn sanh năm đinh dậu (1957), năm nay cũng đinh dậu (2017)...
Dân ta quen gọi 60 tuổi tây, tức 61 tuổi ta, âm lịch,
cái tuổi mà theo tôi vẫn là đẹp nhất của bất cứ ai bình thường trong thiên hạ.
Sáu mươi tuổi tây, hoa giáp, ở trạng thái bắt đầu
hạ thọ, nôm na là bắt đầu già nhưng chưa đến nỗi nua (già nua), nói ra thì có bạn
còn đang trẻ không thích lắm, quý cụ đang cảm thấy tơ tơ, cũng chẳng ưa gì khi
ai đó nhắc nhở cho mình biết mình đã... già nua (!), nên ta lại văn vẻ bảo là
đang đứng ở ngưỡng cửa của thềm nhà cao niên.
Từ đó suy ra hoàng hôn của tuổi trẻ đã bắt đầu,
các sở làm tây tầu ta, đều chuẩn bị mời quý nhân viên về an hưởng tuổi già.
Lại già, mỗi lần nhắc tới chữ "già"
nguyên thuỷ nó chưa đến nỗi nào, quý cụ hạ thọ cứ việc còn bao nhiêu ngày tháng
rong chơi được, xin cứ rong chơi nhé.
Cũng thời điểm này, hạ thọ hay hoa giáp, có vẻ vội
vã sống "thật với mình" hơn bao giờ hết.
Và tôi cũng xin thưa là nếu cần phải trang trải tuổi
hoa tình mộng, cũng chỉ là giai đoạn ngắn nhất trong chuỗi tuổi nửa non nửa già
này.
Thường người ta xây dựng sự nghiệp chính trị, xã hội
trong thời điểm son vàng hiu hắt đó, để chuẩn bị cho hành trình mơ hồ trước mặt,
nếu như ta chưa thấy thật rõ con đường ta đi tới. Ta ở đây là bất cứ cái tôi
nào vậy thôi.
Thế nên thành công hay thất bại, có lẽ bị nhìn ở
giai đoạn này, chứ không phải sớm hơn, hay trễ hơn đâu.
Thế rồi thì mùa trăng hạ huyền đã lặng lẽ đứng trước
mặt, và thế nhân thốt trong sầu tư miên viễn, ấy là ai cũng khẳng định phúc đức
trời ban, rằng ta đã được ân sủng từ thượng đế:
Thất thập cổ lai hy rồi đó.
Thềm sương heo hút buồn chi lạ
Em có bao giờ em xót xa?
Tuổi "cổ lai hy" không vui không buồn,
có lẽ chỉ xót xa với người công chưa hay không thành, danh chưa hay không toại.
Trong đại tộc Ka Ki tôi, có lẽ những người làm
công tác xã hội đánh giá đúng mức nhất quý lính ta ai công hầu, ai khanh tướng,
ai đội đá vá trời, đồng thời ai vác ngà voi giữa chợ đời muôn mặt .
Cụ bà mẹ chồng tôi, vốn người Huế chính tông, còn
là hoa khôi trong số nhiều hoa khôi thời thượng bán thế kỷ vừa qua, nếu còn tại
thế, thì bà đã 97 tuổi, tức hơn niên trưởng đương nêu 7 tuổi, nên suy nghĩ đôi
khi "từa tựa" nhau.
Cụ bảo là: "Con ơi hãy cho đi, để sẽ nhận về
..."
Cho gì đi, để nhận gì về? Cho ai và sẽ nhận từ ai?
Có á thánh nào nơi trần thế này vẽ rõ cái lằn ranh
giữa cho đi và nhận về không?
Thường đang công kia việc nọ, hay tối mặt tối mày
trong cõi người ta của... anh, mới không ngồi nhận định, còn ai quá rảnh rang
như... mình, thì hết giờ lại thêm giờ vạch từng kẽ lá ra, tìm cho được con sâu
nào cắn độc nhất.
Bà niên trưởng của mình năm nay về nước Phật, vừa
chẵn 90, trên cả thượng thọ 20 tuổi. Như vậy niên trưởng tôi phải được kêu là đại
thượng thọ, Thượng Đế đã ban cho niên trưởng tôi một trường thành nhân ái. Nay
niên trưởng mãn phần, thì xác suất khiêm nhường nói là đi tới 9/10 cõi thế,
cũng gọi là 9/10 nghĩa cả tình đời.
Tại sao tôi không nói trọn vẹn 10/10, để tha thiết
van xin rằng: "mọi sự ở đời, niên trưởng toàn hảo quá rồi ", là đấng
thánh, là bồ tát như mấy hôm nay thân hữu, tha nhân tôn phong, suy tư, hồi tưởng
về một người mang mầu cờ sắc áo cuối đời.
Cỗ sự, hay tấm áo cuối cùng của bất cứ ai cũng sẽ
chỉ là mầu sắc hư không thôi, một chiến hữu của huynh đệ chi binh khi sắp từ
giã cõi đời, dặn dò hiền thê ông, cách đây chưa lâu, rằng bộ áo liệm như vầy
(khi phải may để phủ ấm quá khứ không như ý chàng chinh phu VNCH xưa):
Đo đi, ngang dọc thế này
Sắc mầu vô ngã, hồn bay lạc loài
Nhung y đã ủ thân dài
Đôi tà võ phục cứ hoài so le ...
(Sau cuộc chiến - CMN)
Vậy thì trong mông mênh của đất trời bất tận, giữa
bao la của nỗi đời hư huyễn, xin chỉ còn nước mắt, một làn khói, và một nụ cười
ưu ái gởi niên trưởng, người đi xa thật là xa đó...
CAO MỴ NHÂN