Đọc Thơ Tình Của Một Ông Già 72 Tuổi
- T. Vấn
Lê Mai Lĩnh viết nhiều. Đủ
thể loại. Văn, thơ, tùy bút, phóng bút, loạn . . . bút, tiểu luận. Đủ đề tài
trong mọi lãnh vực: Chính trị, văn chương . .
.
Nhưng riêng tôi, tôi chỉ
thích thơ Lê Mai Lĩnh . Nhất là thơ tình.
Mà thơ tình viết khi ông trên 70 tuổi
mới phản ánh đầy đủ tính cách con người Lê Mai Lĩnh. Một ngoại lệ : bài thơ Sắn
, tuy không phải thơ tình, nhưng lại là bài thơ dẫn tôi vào thế giới văn chương
và con người Lê Mai Lĩnh. Cũng dễ hiểu. Năm xưa ( mấy chục năm xưa ) ở tù chung
với nhau, tôi không biết anh chàng dong dỏng cao, đẹp trai ( hồi đó) nói giọng
Quảng Trị réo rắt như chim hót Lê Văn Chính là tên thật của Sương Biên Thùy, một
nhà thơ miền Trung quen thuộc với các tạp chí văn học miền Nam trước 1975. Anh
thực sự lôi cuốn tôi với bài thơ Sắn và giọng đọc sang sảng trong các buổi văn
nghệ tù khúc cuối tuần. Bài thơ Sắn cũng là bài thơ duy nhất sánh vai chung với
các ca khúc (nhạc ) viết trong tù được lưu trữ và giới thiệu trên chuyên mục Tù
Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hữu. Bằng bài thơ Sắn, cánh cửa văn chương của
Lê Văn Chính, tức Lê Mai Lĩnh mở ra cho
tôi bước vào.
Thế nên tôi mang ơn bài thơ
Sắn. Thế nên tôi yêu bài thơ Sắn. Nhờ nó, tôi khám phá ra một Lê Mai Lĩnh đầy
tính cách ngược ngạo, kể cả trong thơ tình.
Đọc thơ tình của Lê Mai
Lĩnh, tôi như nhìn ra vẻ bối rối, sững sờ, sợ hãi, thích thú của những người nữ mà ông yêu, ông say mê, ông đắm
đuối, ông tôn thờ, ông . . . hành hạ.
Những người nữ này , chắc phải
khổ lắm , rầu lắm, và cũng sướng tê lắm
khi có một người theo đuổi mang đầy đủ tính cách ngược ngạo, liều mạng,
lì lợm, bất cần đời, bất cần ai như anh chàng Lê Mai Lĩnh. Kể cả khi những người
nữ này đã bước qua bao chìm nổi trong đời (riêng), giờ đây khi “ chẳng may” đối
diện với anh chàng “mê mình” năm xưa, chắc cảm giác khổ, rầu, tê tê ngày nào vẫn
cứ đeo đuổi, không chịu buông tha. Khổ hơn nữa, rầu hơn nữa, tê hơn nữa là mãi
đến bây giờ, anh chàng liều mạng ấy vẫn chưa hết “ mê mình”
Tôi nhìn ra được những tính
cách này là nhờ đọc những bài thơ tình của một ông già 72 tuổi, khi ký tên
Sương Biên Thùy, khi ký tên Lê Mai Lĩnh, khi ký tên Lê Mai Nổ. Tôi sẽ không ngạc
nhiên nếu có lúc ông ký tên dưới những bài thơ ấy là Lê Liều Mạng. Sở dĩ tôi viết
như thế vì chính tôi là người đọc những bài thơ ấy dưới dạng bản thảo ông gởi
ngay sau khi vừa viết xong, còn nóng hơi ấm của một trái tim già đang thổn thức,
ghen tuông, hờn giận. . . Và vì nhà thơ vẫn còn đang trong trạng thái lên đồng
với chữ, với thơ, với cả người(nữ) trong thơ khi ngồi máy nhấn nút gởi đi đến
cho người trách nhiệm bài vở của trang T.Vấn & Bạn Hữu ( là tôi) , cũng là một
người bạn tù, nên ông già 72 tuổi làm thơ tình chẳng cần e dè, giữ ý, cứ thế bộc
lộ trọn vẹn con người mình. Cũng vì thế, thơ tình của ông càng mang một dáng vẻ
rất riêng, không lẫn với bất cứ ai. Nhưng, khi đưa thơ ông ra với công chúng, để
giữ tính cách đồng nhất trong việc giới thiệu tác phẩm các thân hữu, tôi chỉ
dùng một bút danh quen thuộc của ông : Lê Mai Lĩnh.
Người đọc thơ Lê Mai Lĩnh,
thực ra cũng chẳng cần những cái tên đầy “ hình tượng “ như Lê Mai Nổ, Lê Liều
Mạng, để nhìn thấy tính cách rất riêng của nhà thơ 72 tuổi. Ở tuổi này, còn làm
thơ tình được, đã là một ân sủng rất đáng bị . . . ganh tị. Nhớ năm xưa, ông “xồn
xồn “ Phạm Duy, để tìm cảm hứng viết những bản nhạc tình tuyệt vời, ông đã phải
chính mình lao vào những cuộc tình “ không lối thoát “, để từ đó ra đời những tuyệt
tác như “ Nghìn trùng xa cách “ hay “ Nha Trang ngày về “chẳng hạn, như chính
nhạc sĩ đã tự thú trong Hồi Ký của mình. Nhắc đến chi tiết này, để thấy một điều,
muốn làm thơ tình cho hay, cho có hồn, cho có hơi ấm đúng nghĩa của tình yêu,
nhà thi sĩ phải “ đang yêu “ cái đã. Không đang mê đắm, đang tương tư, đang nhớ
nhung sầu khổ, làm sao diễn tả cho thật
được những cảm giác ấy trong những câu thơ của mình.
Nhưng những cảm giác như “
mê đắm, tương tư, nhớ nhung, sầu khổ” trong tâm hồn của một ông già 72 tuổi vẫn khác, phải khác với cũng những cảm
giác quen thuộc ấy trong tâm hồn một chàng trai 20 tuổi, 30 tuổi.
Ở ông già 72 tuổi, nét từng
trải, cam chịu, thực tế sau một quãng đời dài bươn chải là tất nhiên. Nếu không
thế, thì ông già chỉ “ yêu xạo”. Mà “ yêu xạo “ thì làm sao che mắt được thế nhân.Mà thế nhân ấy
lại là những người nữ đã từng “ bươn chải “ không kém, có khi còn lăn lộn với đời
hơn nữa . Mặt khác, những nếp nhăn trên con tim già nua luôn tìm dịp để chứng tỏ
sự hiện hữu của mình. Nhất là khi con tim ấy đòi được đập nhanh hơn, mạnh hơn,
điên cuồng hơn.Dù sau đó nó biết rằng nó có thể chết vì . . . đứt hơi. Cũng chẳng
sao. Chết vì tình là mơ ước của tất cả những gã nòi tình trên mặt đất này, huống
gì Lê Mai Lĩnh !
Thơ tình . . . già của Lê
Mai Lĩnh thể hiện đủ những thứ ấy. Hơi ấm thoát ra từ mỗi câu thơ , mỗi bài
thơ, cho thấy không phải nhà thơ đang “ yêu xạo”.
Hãy thử đọc vài đoạn, trong
vài bài thơ tình tiêu biểu của “ lão già dịch “ 72 tuổi ấy xem sao :
Này cô láng giềng
Rồi cũng có ngày sau hơn 60 năm
Cô và tôi gặp lại nhau
Vẫn như thuở nào.
Đẹp hết sẩy
Dầu đã hơi bị tra
Nhưng nếu được phép lựa chọn
Tôi chọn cô, không chọn những cô gái 30, 40
Chẳng phải vì tôi thích sưu tầm đồ cổ
Như những nhà tỷ phú thích sưu tầm đồ cổ
Mà tôi là một gã làm thơ
Suốt đời đi tìm cái đẹp
Mà cô thì đã quá đẹp trong mắt tôi
. . . . .
Nếu phải lựa chọn giữa cô và một tỷ dollar
Tôi chọn cô là điều chắc nui
Với cô, 120 pounds, tôi có thể bồng
Nhưng với một tỷ dollar
Tôi không thể mang hay xách
Với cô, tôi có niềm ấm áp để hâm nóng tuổi già
Với một tỷ dollar lạnh lùng, e tôi chết sớm.
( Đôi Điều Xin Được
Phép Nói Thêm Với Cô Láng Giềng )
Tìm tình như thế tìm
trầm
Rừng thăm thẳm, núi cheo leo
Vì tình chống gậy cố trèo
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
Tìm tính, chống gậy tìm tình
Một mai gậy mòn, gối mỏi
Ta lê, ta lết, ta bò
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
( Chống gậy tìm tình)
Rừng thăm thẳm, núi cheo leo
Vì tình chống gậy cố trèo
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
Tìm tính, chống gậy tìm tình
Một mai gậy mòn, gối mỏi
Ta lê, ta lết, ta bò
Tình ơi, tình ơi, tình ơi.
( Chống gậy tìm tình)
. . . Này có láng giềng của
tôi ơi,
Tôi yêu cô năm tôi 12, cô 17
Hai năm sau, cô 19, đi lấy chồng
Tôi 14 đầu còn phân trâu, hỉ mũi chưa sạch
Nhưng tôi đã chân đạp đất, tay vùng cao, miệng kêu trời khóc lóc
khiếu nại, van xin
Nhưng trời khuyên tôi nên đợi chờ, kiên nhẫn.
Từ đó tôi mất cô, tạm thời thua cuộc, đầu hàng.
Tôi lầm lũi trong đời, cầm súng và cầm viết xông pha vào trận mạc.
Nhưng trong trái tim tôi luôn có một chỗ cô an tọa
Cũng có lúc là bệ thờ cho cô, cô láng giềng BÀ TIÊN thời ấu thơ.
Và, đúng như Thượng Đế đã AN BÀI
Tôi gặp lại cô sau 60 năm tại San Jose
Tôi, một nhà thơ bà chạy, tự cho phép mình là gã đàn ông độc thân
Cô, một thiếu phụ đã khoác cho mình đôi cánh tự do.
( Kẻo gió cuốn
mây trôi)
. . . Chẳng phải tại bà, cũng
chẳng phải tại ông
Mà là tại cả ông lẫn bà đều nghĩ mình đang độ muộn hồi xuân
Mới gặp nhau ngày đầu
Bà nói vì đôi mắt ông làm bà khó ngủ
Ông nói vì đôi trái ngực bà phập phồng làm ông bỏ cơm
Để từ đó những lúc đi lễ chùa
Ông và bà quì song song
Tưởng chừng như chú rể, cô dâu chờ PHẬT TỔ ban lệnh hành
quân
Để từ đó hai người cùng trong ban hộ niệm
Mong có đạo hữu nhập NIẾT BÀN để có cơ hội quì bên nhau.
( Lý lịch tình yêu )
Không biết ông già 72 tuổi
còn làm thơ tình được bao lâu nữa. Tôi tin ông sẽ không bao giờ ngừng làm thơ
tình. Có lẽ cả khi ông nằm liệt trên giường, miễn đôi tay còn ngọ nguậy được,
là chúng ta lại có những bài thơ tình mang dấu ấn rất đậm nét Lê Mai Lĩnh.
Nếu không thế thì cái tên Lê
Mai Lĩnh sẽ chẳng có gì khác người.
T.Vấn