Tuesday, February 2, 2016

Ngôn Ngữ Trong Họa Phẩm 
                     Của Đào Hải Triều - Diên Nghị

Đào Hải Triều
Giữa dòng sống xã hội dạt dào hướng lên phía trước, sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật thường được chú ý, lý giải tính cách, tình trạng, sắc thái của bóng dáng thời đại hiện diện.

Công trình sáng tạo thành tác phẩm số ít danh tính tác giả,
dưới tầm ngắm phái phê bình, chính là sự khám phá, kiếm tìm tất yếu giá trị phải mới, lạ hơn.

Không lặp lại cái cũ, không mô phỏng, thảng hoặc, có đụng cái cũ, thì chính cái cũ đã được tô bồi, xoay chuyển, khoác dáng vẻ khác.

Giới thiệu một tập thơ, tập truyện, hoặc một họa phẩm, có quan hệ đời sống xã hội đã đành, còn phải mang nhận thức mới, trong cảm hứng mới.

Bài viết này, thử phác thảo suy nghĩ sau nhiều dịp thưởng ngoạn họa phẩm của Đào Hải Triều qua nhiều cuộc triển lãm tại thành phố San Jose năm tháng gần đây.

Đã có hàng trăm họa phẩm trưng bày, hàng chục ý kiến nhận xét thuần nghệ thuật, vô tư, trung thực đóng góp nhìn nhận sắc diện của một họa sĩ, với sức sáng tạo bền bĩ, phong phú.

Đào Hải Triều, trong tư thế vươn tới, thật sự đã mở một cuộc du ngoạn đam mê, sôi nổi với hội họa.

Thì giờ hữu hạn thường nhật cuộc mưu sinh được rút ra, bù lấp vào thời gian vật lộn, thử thách màu sắc, đường nét… Điểm đáng nói hơn, Đào Hải Triều có thể cầm cọ bất cứ lúc nào, khi một ý tưởng vụt dậy. E ngại ý tưởng thoáng hiện, ngẫu hứng sẽ vội tan biến, nếu không kịp cầm giữ lại.

Cuộc du ngoạn tràn đầy hứng thú, qua không gian cao rộng, sông núi, trời đất hoành tráng, vạn vật xanh tươi, phố xá sầm uất, xe cộ rộn rịp, môi trường, ánh sáng, không khí tự do, ban trãi cho hồn người, tưởng có lúc đã bước chân đến ngõ thiên đường mơ ước.

Tất cả thu nạp, tồn trữ, từ hiện thực thông qua hình thành tác phẩm, màu sắc đã biến hóa, đường nết hòa hợp bằng thứ ngôn ngữ thật riêng, tiếp hiện trong từng họa phẩm.

Qua bàn tay tài hoa và tư duy tinh tế, Đào Hải Triều ít khi để hình ảnh đời thường hiện lên giữa khung tranh. Thực đã là Ảo. Gạn lọc màu sắc đúng gam, đường nét diễn đạt ẩn đọng, phảng phất ý nghĩa sâu kín với ngôn ngữ thầm lặng nói được nhiều lời.

Dĩ nhiên, giới thưởng ngoạn cần dừng lại trước mỗi họa phẩm lâu hơn, khả dĩ cảm nhận từ góc cạnh nào đó bằng tương quan tri giác.

Đào Hải Triều sử dụng màu sắc tự nhiên, gần gũi, gắn kết hài hòa, chỉ dấu của trường phái  biểu tượng, thanh thoát, lãng mạn.

Ngắm nhìn những họa phẩm mang tên “Hối Tiếc”, “Gặp Gỡ”, “Mật Ngọt”, “Thời Gian”, “Vận Hành”, “Tư Duy Đêm” và khá nhiều họa phẩm khác, hội tụ ý nghĩa tranh ấn tượng có mặt từ giữa thế kỷ 19, bước khởi đầu gầy dựng trào lưu và được chú ý, điển hình như họa sĩ Picasso (1830), gốc Tây Ban Nha. Và nhiều trường phái khác tiếp theo như Trừu Tượng, Hiện Thực, Vị Lai, Đa Đa, Siêu Thực v.v… suy cho cùng, cũng bắt nguồn từ hiện thực.

Đào Hải Triều, tuy hướng tới biểu ấn tượng, vẫn có lúc vận dụng rõ nét hơn qua họa phẩm “Khung Trời Của Tôi”, hé mở giấc mơ về cuộc sống, nhân sinh quan đan quyện ước vọng… Khung trời tuy cao rộng vẫn hiện hữu đường biên. Trong không gian ấy, Đào Hải Triều khắc chạm khiêm tốn, chỉ cho thấy ước vọng mà không tham vọng – Cánh tay vói lên tận cùng với sức vươn chính mình – cánh tay gầy guộc mà rắn chắc, vững vàng trước những thử thách, cản trở của vật thể thẳng đứng.

Hoặc họa phẩm “Cơn Lốc”, không nhất thiết phải khơi gợi mức độ đổ nát, tàn phá. Cách sử dụng gam màu nâu đen, xanh đen, những đường nét chuyển động, phô bày hậu quả rách nát từ cơn lốc.

Chọn con đường đi đến hội họa hơn 40 năm, Đào Hải Triều chưa hề ngừng nghỉ. Nếu cho rằng hội họa đối với Đào Hải Triều là hơi thở cuộc sống, thì tìm kiếm, khám phá cái mới, cái đẹp của nghệ thuật lại mang ý nghĩa thiết tha nguồn sống.

Mỗi mùa triển lãm, số lớn họa phẩm trưng bày thể hiện được điều mơ ước: Cái Mới – Sự thể hiện minh chứng chừng mực,  Đào Hải Triều đã bứt phá màu sắc, chứa đựng ngôn ngữ hội họa mạnh mẽ hơn, tiềm tàng suy tư lắng đọng hơn…

Dòng suy tư của một con người trưởng thành giữa thời đại thiếu bình yên – chi phối cuộc chiến trên quê hương – nỗi thống khổ, tiếng bi thiết ngoại tại đã chất nặng nội tâm đa cảm, lãng mạn. Dù đã đến được miền đất hứa, an lành, hy vọng, thì chuỗi quá khứ dằng dặc vẫn nguyên hình… vẫn vẳng nghe réo gọi, thúc giục từ cõi sâu thẳm tâm hồn rằng phải giải tỏa những băn khoăn, ray rứt, những xót thương vương vấn thắt buộc nỗi đời phù phiếm, vô thường qua nội dung họa phẩm.

“Vẽ phải chăng là viết một cuốn nhật ký thầm kín” và nghệ thuật, nói chung, được quyết định hình thành bởi sức mạnh tiềm ẩn bên trong từng nghệ sĩ. Nhà phân tâm học Freud nhìn nhận, người sáng tạo nghệ thuật đạt được tác phẩm chú ý, có khi phát xuất từ nguồn “vô thức”.

Không thiếu người thưởng ngoạn khó tính đối diện trước mỗi họa phẩm – Cứ cho là lập dị, dị dạng mà vẫn muốn tìm hiểu – phần họa sĩ, quyền năng trời cho, cứ theo phong cách riêng mình, bởi lập dị, dị dạng, cũng là gửi gắm vào đó một tình cảm phù hợp với đề tài của họa phẩm.

Danh họa Picasso (1881), trường phái Lập Thể, cũng không thoát được dư luận đàm tiếu chê bai một thời. Tuy thế, họa phẩm Picasso vẫn tồn tại và đã được giới thưởng ngoạn hàn lâm xiển dương, tán đồng không ít đến ngày nay. 

Nhiều ý kiến phổ quát cho rằng “Tác phẩm Văn Học cũng như Nghệ Thuật là bản chứng nhận sự hiện hữu của tác giả giữa cộng đồng người”. Bản chứng nhận không thể trùng hợp.. muốn lưu giữ dài lâu bản chứng nhận, mỗi tác giả tự khẳng định mình – Khẳng định, kiểm điểm mình bằng cái độc đáo, riêng biệt nghệ thuật.

Nghệ thuật chân chính không thể theo thị hiếu của quần chúng thương trường. Quá trình khám phá, tìm kiếm, sáng tạo của Đào Hải Triều hiển lộ rõ nét. Màu sắc, đường nét trong từng họa phẩm sinh động phóng chiếu bằng ngôn ngữ riêng tư kín đáo, sâu lắng.
Không chỉ giới thưởng ngoạn trong cộng đồng Việt, còn khá nhiều người Mỹ địa phương đã đến với Đào Hải Triều trong các cuộc triển lãm. Họ cảm nhận nghệ thuật và chia sẻ với những thành tựu quý hiếm.

Diên Nghị.