Friday, January 22, 2016

Năm Thân Nói Chuyện Con Khỉ - Lê Hoàng

       Cứ 12 năm thì cuộc thế xoay vần trở lại chu kỳ 12 con giáp. Điều này hầu hết mọi người đều biết cả. Năm nay trở lại năm THÂN, đó là năm Bính Thân (Con Khỉ).
       Khỉ là một động vật có vú, thuộc loại Simius, họ Primates (có 4 chân, thực sự hai chân trước có thể biến thành tay), là một loại động vật tương cận với loài người. Dã Nhơn lại  mặt trơn ít có lông như khỉ. Khỉ có nhiều cử chỉ giống người. Có nhiều giả thuyết cho khỉ là  tổ của loài người. Thực tế, không ai chứng minh được điều này rõ ràng.
       Loài khỉ ưa nhảy nhót, tính khí bất thường “Nhăn nhăn, nhó nhó như khỉ phải gió …” Còn đười ươi thì hay cười. Này xưa ông cha ta thường đi rừng sợ gặp mấy “ông Đười Ươi" to lớn bắt lấy hai tay và ngước mặt lên cười suốt mấy ngày đêm cho đến khi con người bị xỉu chết. Vì thế, các cụ mới chuẩn bị hai cái ống tre lớn, hể gặp Đười Ươi, thì chuồi tay vào hai cái ống tre đó, đưa cho nó nắm để cười, rồi nhẹ nhàng rút tay ra bỏ đi …..( Điều này cũng chỉ nghe ông bà kể lại thôi, chưa thấy có sách vở nào ghi chép cụ thể).
          Bộ sách Nhĩ nhã chép: Đười Ươi (còn gọi là Tinh Tinh), mặt người thân lợn sinh sản ở huyện Phong Khê, quận Giao Chỉ, thường ở trong núi rừng sâu.
          Khúc Lễ chép: Tinh Tinh nói đuợc tiếng người , tức là giống Đưòi Ươi này .
          An Nam thống chí chép: Đười Ươi ở trong hang núi, không đi theo một con đường nhất định nào cả .Nghe nói, ngày trước con người đem giày dép và rượu đến cho Đười Ươi để ở đó. Đười Ươi nói được rằng “Mi muốn đến dụ ta?” Nói rồi bỏ đi, sau đó rủ cả đám trở lại ngồi uống rượu và đi dép, uống nhiều rượu nên quá say nên vướng phải dây, thành ra bị người bắt. Nghe nói thịt môi Đười Ươi rất ngon (một trong bát trân), lông làm ngòi bút, máu làm chất nhuôm màu đỏ, ….
        Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử quán nhà Nguyễn ấn hành tại Huế có liệt kê những giống khỉ tại Việt Nam.
        Con Vượn: Chữ Hán là Viên; sách Bản thảo nói Vượn có tài leo trèo, tay rất dài, hay dẫn khí nên sống lâu, đi với nhau từng đàn hay hót và rất thương con. Bản thao chép: Tên Dã nhân, Dã nữ, Dã bà đều là giống Vượn, có con cái, không có con đực (?). Hán thư nói Dã nữ đi từng đàn để tìm chồng.
          Con Bạc mày: Chữ Hán là Quả nhiên. Sách Bản thảo gọi là Ngẫu nhiên, là Lũy, hoặc Tiên Hầu .
     Lý thì Trân nói: Quả nhiên có lòng nhân, sinh sản trong núi phía Tây Nam ở trên cây , hình dáng như con Vượn, sắc đen mà nhiều râu, đuôi dài. Cuối đuôi tách ra từng chẽ, nhánh mũi chống lên trời, gặp mưa thì dung chẽ đút vào lổ mũi, đi từng đàn, con già đi đầu con trẻ đi sau, ăn nhường nhau, ở, ngủ yêu nhau, lúc sống đoàn tụ. Lúc chết thăm viếng nhau như con người vậy. Liễu Tử nói giống này có đủ đức nhân, hiếu, .. Thường trong núi Hải Vân còn có loài này .
    Con Khỉ: chữ Hán gọi là HẦU. sách Bản thảo gọi là Di Hầu . Quảng Vân gọi là Vương Tôn, Hồ Tôn.Giống Hầu gần với loài người mà thể chất là loài vật, tính hay lau mặt như gôi nên gọi là  Mộc Hầu. Người nuôi ngựa thường nuôi Mọc hầu trong chuồng ngựa  để tránh bệnh cho ngựa. Tục này gọi là Mã Lựu. Lại có một loại gọi là Nao cũng thuôc loại Hầu
    Trong thi văn có bài thơ (Sấm Trạng Trình)
         “Mã đầu, Dương cước anh hùng tận
          THÂN , Dậu niên lai kiến  Thái Bình"
  Chữ Thái Bình này thì các bình luận gia  nói rất nhiều nghĩa: Thái Bình Dương. Kiến là thấy. Thấy chuyện gì sẽ xẩy ra ở Thái Bình Dương. Có người nói là tới năm Thân, năm  Dậu mới thấy thái bình. Có biết bao nhiêu Thân, Dậu qua rồi mà đất nước Việt vẫn chưa hưởng được thực sự của hai chữ “Thái Bình".
       Có câu:  “Đến thời thiên hạ vô quân
                      “Làm vua chẳng dễ , làm dân chẳng lành
                      “ Gà kêu cho khỉ dậy nhanh ,
                      “Phu nguyên số đã rành rành cáo chung
                      “Thiên sinh hữu nhất anh hùng
                      “ Cứu dân độ thế trừ hung diệt tà . “

      Theo thường lệ thì chuyện xẩy ra rồi mới thấy lời sấm hay, đúng hay không ứng nghiệm …. Nếu có ứng rồi, thì những điều sau thiên hạ sẽ dễ tin hơn.
          Năm Thân, Dậu kể từ đời cụ Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm đến nay biết bao nhiêu chục lần rồi! Cho nên cứ tới Thân, Dậu thì dân chúng lại dè chừng và để xem chuyện “đất nước” có gì thay đổi chăng ? Hiện nay tình trạng này đang xẩy ra đấy….
     Nước ta có hai câu hò :
         “Được mùa chớ phụ môn, khoai ,
         Đến năm Thân, Dậu lấy ai bạn cùng.
   hoặc : “Áo ướt năm Thân con phải biết
              “Lửa lò năm Dậu mẹ mới nhen .

   Hai câu này hình như do cụ Ưng Bình Thúc Giạ cảm tác, nhằm nhắc lại sự kiện lịch sử năm Giáp Thân (1884)  và năm Ất Dậu (1885) là hai năm đen tối nhất, cực khổ nhất, với việc ký kết bản hiệp ước Patenôtre (1884) chấp nhận Pháp đặt nền đô hộ tại Việt Nam và đến năm 1885 Kinh Đô Huế bị thất thủ. Hai ông Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi bỏ chạy ra Quảng Trị (Tân Sở). Năm  Ất  Dậu (1945) Việt Nam bị đói chết la liệt ở miền Bắc và Trung (Quân Nhật thua trận đốt kho lúa .)
     Những nhân vật dị tướng hầu như  trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) là danh sĩ đời Trần, tự là Tiết Phu, người làng Dũng Động huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tướng mạo xấu xí, thân hình nhỏ bé, nhưng học rất giỏi . Ông nổi tiếng với bài "Ngọc tỉnh lien phú” tự ví mình như bông sen nơi giếng ngọc. Mạc Đĩnh Chi trải qua ba đời vua Anh Tông, Minh Tông, và Hiển Tông, làm quan đến chức Tả Bộc Sạ (?).
    Bên Tàu có những nhân vật cốt Khỉ trong truyền kỳ:
        Hầu Anh: Nước Sở đời Xuân Thu có con hầu đặt tên là Hầu Anh, đánh cờ rất giỏi . Chung Vô Diệm (xấu) là vỡ Tề Tuyên Vương phải dung kế mới thắng nổi .
                  “ Hầu Anh nổi tiếng kỳ vương
                  “ Phải dung kế mọn mới đương nổi chàng “
Bạch Viên Tôn Các: Bạch Viên: Con vượn trắng. Tương truyền đời xưa đời nhà Đường . Trần huyền Trang (Tam Tạng) có nuôi một con vượn bạch rất tinh khôn. Về sau Huyền Trang đem dâng cho vua. Đến khi có loạn An Lộc Sơn, vượn trốn đi biệt tích. Mười năm sau, có một người xưng là phu nhân vợ của Tôn Các xin đem trả lại vòng Bích Ngọc đã đeo trên cổ vượn ngày trước. Lúc nhìn lại thì người đàn bà hóa thành con vượn bạch bỏ đi .
     Truyện thơ “Bạch Viên Tôn Các” nội dung kể lại sự tích con vượn bạch gá nghĩa cùng Tôn Các và sinh hạ được hai con.
        Tề Thiên Đại Thánh: Tên : Ngộ Không, một con vượn thọ khí âm dương mà thành hình (Xem truyện Tây Du Ký) sống ở núi Hỏa Sơn động Thủy Liêm, sau tu hành đắc đạo . Nhờ bảo hộ thầy Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh.
        Chuyện sau là Tô Võ chăn dê nơi đất Bắc có làm bạn với con vượn người trong sử viết là Hồ Phụ .
       Tô Võ người đất Đỗ Lăng, tự là Tử Khanh, tôi trung của Hán Võ Đế, đi sứ Hung Nô . Chúa Hung Nô  là Thuyền Vu  bảo Lý Lăng và Vệ Luật cũng là tôi nhà Hán đã hàng Hung Nô dụ Tô Võ về đầu Hung . Tô Võ không chịu , Thuyền Vu giận bỏ đói Tô Võ ba ngày trong hang , cốt ý để cho chết . Tô Võ nhờ vuốt hạt sương để thấm giọng mà sống . Thuyền Vu cho Tô Võ là thần, không dám hại . Sau bị đày ra Bắc cho chăn dê . Tô Võ mới viết thư buộc vào chân chim nhạn, đem tin về cho vua . Nhờ đó vua mới biết Tô Võ còn sống . 19 năm sau Thuyền Vu giải hòa với Hán . Tô Võ được tha về . Lúc chia ly. Hồ Phụ có chiều quyến luyến. Mãi sau này đem con đến trả cho Tô Võ
            Có bài thơ rằng:
 
 “ Ngập ngừng nâng chén ly bôi
 ‘Nghĩ mình muôn dặm , thương người năm canh
 “Nhớ duyên kỳ ngộ ba sanh
 “Trăm năm xin gởi chút tình lại đây
“ Ngọn sứ tiết lung lay chin bệ
“Nặng chữ trung, nên nhẹ tình riêng
“Ngỡ ngàng khi quảy gánh buộc yên
“Rượu một chén, lụy đôi hàng lã chã
“Trách bà Nguyệt, ông Tơ sao khuấy khỏa
“Đem duyên em mà vấn chạ xích thằng
“Phỏng xưa kia vương lấy chàng Lăng
“Tình sum hiệp chiếu chăn càng mãi mãi
“Hay là cá nước,chẳng ưa màu phấn đại
“Đem duyên em mà buộc lại chàng Tô
“ Xui nên kẻ Hán, người Hồ
“Lạnh lẽo , đêm thu màn phí thúy
 “ Có câu rằng :
“Đỗ Quyên đề đoạn vân thiên lý
“Ô thước sào hàng nguyệt nhứt chi
“Dứt nhân duyên mà để lại biên thùy
“Cho nặng gánh chung tình ra thế thế
“Dầu Hồ lễ có cam lời hải thệ
“ Tôi thông thiên biết để cho ai
“Còn non, còn nước, còn dài .

  Chuyện bên Tàu cũng có những chuyện tình lâm li, bi đát vậy .
Nay qua Ấn Độ xem có thiên tình ca nào chăng?
    Truyện : RAMAYANA
            Cuốn truyện này cũng là một thiên hùng ca thật dài, gồm 24 ngàn song cú , thơ, văn xen kẽ, trải qua bảy cuốn .
      Valmiki sáng tác, kể lại cuộc đời kỳ lạ và công trận hiển hách của anh hùng  RAMA
      Vốn là thiên thần RAMA  phải chiến đấu quyết liệt với hung thần Ravana , thủ lãnh của bọn qủy Raksasa  để dành lại công chúa  Sita , nhờ sự giúp đở tận tình của một con khỉ  tên Hanuman  vì chỉ mình nó  có khả năng quán chúng nhảy từ Ấn Độ sang tận Tích Lan( Nơi bọn qửy đang dấu công chúa trong hang) . Nhưng khi giải cứu xong Rama đối xử lạnh lùng với  Rita ,vì nghi kỵ nàng đã thất thân với Ravana . Mặc dầu nàng đã bằng lòng chịu phép thử của thần Agni ( Lên hỏa dàn vẫn không bị cháy. Còn trinh ?)
    Cuối cùng Rama cũng thuận đưa Sita về xứ Ayodhya  để lên ngai vàng .
        Câu chuyện này được truyền tụng khắp vùng Đông Nam Á châu, khiến ta liên tưởng tới chuyện Việt Nam như Thạch Sanh, Lý Thông.
         Bài thơ của Đông Thái chấm dứt chuyện Khỉ  và mùa xuân Bính Thân sắp về trên quê hương .
       Không biết sự bình yên thanh thản, tự do và con người có được thoải mái hay không khi Biển Đông đang bị bọn Tàu hằng ngày tìm cách xâm chiếm?  Đất liền thì chúng xâm nhập thực phẩm giết người dần mòn, chúng cắm dùi, tạo nhà to cửa rộng và đi trên xứ Việt như nhà của chúng vậy!
          
                 “ Thiên hạ vừa xong cái chuyện Dê
                 “ Khỉ về đây đó cũng vui ghê
                 “ Nước trong leo lẻo tuôn đầy suối
                 “ Liễu thắm rườm rà phủ kín khe
                 “ Cúc trắng phau phau nhìn chẳng chán
                 “Đào tơ lồ lộ ngắm càng mê
                 “Dựng nêu là pháo liên hồi nổ
                 “Trên dưới mừng xuân thật hả hê .

                                                    Lê Hoàng
                                                ( Xuân Bính Thân 2016)


        Tham khảo “ Việt Nam gấm hoa” Thái Văn Kiểm