Thấy Mà Thương
Những Chiếc Hộp Sữa Guigoz
- thơ Ý Nga
Cảm tác nhân đọc văn người tù Đỗ Văn Phúc
Những chiếc hộp sữa Guigoz
Má mua, nuôi đàn em nhỏ
Hết sữa đựng đường, nho khô,
Kẹo, sen, mè, trà, mứt, bánh…
Ngày Lính bị lùa ra Bắc
Vợ tơi chảo thịt chà bông
Ủ chặt từng lon thăm chồng
Dở chết trong tay của giặc.
Đòn thù Đảng Phản Đồng Bào:
Buông súng, kiếm, gươm, chùy, đao…
Không được vắt cơm, bới cháo
Thương ai đói khát cồn cào!
Hết sức Người Tù lao động
Sỏi đá sao chẳng thành cơm?*
Hái trộm rau hoang, nấu vội
Lon sữa, càng nổi tiếng hơn…
Thấy thương lon chịu gian lao
Kéo, câu…“Câu kéo”* vào lửa.
‘’Thép” Cộng “đã tôi thế đấy!”
Thành nồi “dã chiến”… nghẹn ngào
Cũng như Người Tù… bi ai!
Lon thêm: xích, niềng, móc, quai…
Trèo lên rừng thiêng vác củi
Xuống suối uống… nước độc hoài!
Người phù thịnh, hiếm phù suy?
Chủ, lon: bất khả phân ly!
Sống, chết theo bao nhiêu Lính*
Thương thay đồ vật vô tri!
Làm lon Xã Hội Chũ Nghĩa
Nên được “cải thiện”* giấu… rau
Khi lủng, lính dùng cơm, trám
Đốt bao nhựa vá, thần sầu!
Xé mền quấn làm… bình thủy,
"Hàn Sĩ"* vượt… rét lao tù,
Bạo quyền cầm Cân Công Lý,
Chẳng lẽ thua trí kẻ thù?
Thương Người! Cũng thương chiếc lon
Má đựng đường, chanh: ngào* ngon
Mong em vượt biên thoát chết,
Đứt ruột cho em sống còn.
Lon theo người dân, vượt biển
Người khoe: gạo sấy, me, đường
Kẻ giấu: vàng, bạc, kim cương,
Hải tặc tha hồ… bất lương!
Ôi bao ngọt, bùi, cay đắng,
Lon từng đã chia chác, cho…
Đổi Đời còn hơn… trời giáng
“Vì, tại, bởi…” nhiều lý do.
Việt Cộng hô: “Đại thắng lợi”
Mình “Đợi thắng lại!” nhé lon
Dốc cao muốn lên phải… bước,
Núi Non quyết giữ phải tồn!
Sá gì một Đảng Bán Nước!,
Phải giữ Bất Khuất Việt Nam!:
Kẻ sau theo gương Người Trước
Diệt Cộng là chuyện Phải Làm!
Ý Nga, 19.12.2007.
*Khẩu hiệu của Việt Cộng: “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
*Theo người tù Đỗ Văn Phúc đã viết trong “Người Tù, Chiếc Lon Gô và Nhà Kỷ Luật”,
(tháng 12.2007) thì CÂU KÉO “mô tả việc người tù đứng xúm xít quanh lò lửa nhà bếp, đưa lon gô
vào miệng lò để đun nấu”.
*Ngào = nấu với lửa nhỏ và trộn liền tay cho khỏi bị dính thành khối.
*Hàn Sĩ = xin hiểu theo cả 2 nghĩa: Thợ Hàn và Người Vô Sản.
*"Cải thiện" = động từ tìm thêm thức ăn để trám cơn đói của người tù trong khi đi lao động bên ngoài./