Monday, November 16, 2015

Đỗ Quyên - Trần Thị LaiHồng

“Thâm sơn đề đáo đỗ quyên thanh”/  Chợt bừng giấc không biết thời khắc đến đâu, nơi thâm sơn cùng cốc giọng Đỗ Quyên vọng về biết Xuân đang qua… Thơ Nguyễn Tri Phương, đại thần thời Tự Đức.
Nơi này, không thâm sơn cùng cốc nhưng ẩn mình trong đám cây cối sum suê quê mùa sim me cau dừa tràm chủi cách biệt thế giới bên ngoài, không bế môn nhưng chẳng long rong chạy hiệu, mà hay rong bút rong cọ rong cuốc rong chuột…

Rong cuốc gặp đóa Đỗ Quyên báo tin Xuân.
Rong cọ ghi màu sắc nụ cười Đỗ Quyên và đường nét Đỗ Quyên từ một tiếng hót rơi tự vòm trời bay lượn.
Rong chuột đem bút rong con chữ thổi theo lên trời, cho gió bay đi…


Nụ cười Đỗ Quyên bắt được trước vườn nhà. Rạng rỡ. Hớn hở.
Chàng ví Đỗ Quyên vườn nhà lồng lộng như khuôn mặt Dương Quý Phi hồng diện. Càng lồng lộng hiển lộ rực rỡ khi nắng lên, những giọt sương long lanh trên cánh hoa càng óng ả lóng lánh mời gọi giao tình.

Đỗ Quyên thích khí hậu ôn đới, thích sương mù, hợp độ cao và khí lạnh.  Nhưng khóm Đỗ Quyên trước nhà lại là loại bán nhiệt đới chịu độ cao chỉ nhỉnh hơn mặt Địa Trung Hải của Hoa bang, cũng ung dung lồng lộng.
Vẫn yêu sương mù, yêu khí lạnh. Tiết Sương Giáng tháng Chạp đã bum búp nụ, rồi khi trời trắng mù, khí lạnh là đà loang liếm cỏ cây, Đỗ Quyên hớn hở nở rạng những nụ cười hồng.

Đọc đâu đó, ngọn Fansipan nói theo tiếng Mèo, có nghĩa là Hoa Đỗ Quyên.  Núi cao trên 3 ngàn thước, hoa ngước nhìn trời, lung linh trong sương mù bao phủ.  Đã có dịp ra HàNội lội 36 ngõ ngách phố phường, lên Đền Hùng soi giếng cạn, xuôi Quảng Ninh chui vào hang động Hạ Long. Nhưng chỉ trong 7 ngày, không đủ để bò lên Hoàng Liên Sơn Fansipan ở Lao Kay, cách HàNội cả 300 cây số phía Tây Bắc.

Cơ may có bạn đã trèo đèo lặn suối, lẩy bẩy leo lên tận đỉnh rồi run rẩy bò lết xuống. Nhưng hạnh phúc. Vì đã được đứng trên “Nóc Nhà Đông Dương” bao phủ sương mù lồng lộng gió hú, nhìn ngắm Vương quốc Đỗ Quyên trên 30 loại vàng trắng đỏ tím tía hồng lặng lẽ rộ cười giữa nguyên sinh đại ngàn vách đá cheo leo tre pheo chen chúc thông tùng trúc. Chơi vơi giữa mây mù tưởng nắm bắt bốc được trong tay, bạn đã sờ vào thân đại thụ Đỗ Quyên đang trổ hoa đỏ rực, chênh vênh gác gốc xòe cành bên vách đá.


Đại thụ Đỗ Quyên Fansipan, hình Phạm Ngọc Bằng

Tìm hiểu gốc gác Đỗ Quyên, xa tít tận Địa Trung Hải. Tên Đỗ Quyên là Azaleas từ gốc Hy Lạp azaleos có nghĩa là dry, khô. Đỗ Quyên thích khô ráo, không chịu ẩm, dễ bị úng nước. Azaleas thuộc họ Đỗ Quyên Ericaceae, gom cả Sơn Trà Rhododendron, nhưng Rhododendron vẫn nằm gọn trong họ Đỗ Quyên Ericaceae, truy ra cũng gốc Hy Lạp, rhodo là rose, hồng; dendron là tree, cây. Rhodies cây nhiều hơn là lùm bụi và hoa chùm chi chít bùm xòe trong khi Đỗ Quyên hầu hết lùm bụi và hoa nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Họ hàng nhà Đỗ Quyên tổng cộng trên ngàn loại, đại mộc cao đến cả 30 thước, tiểu mộc cũng cao đến 10 thước, lùm bụi la đà sát đất. Hoa có loại to bằng cái chén, có loại hình chuông, hình loa, hình bầu… đơn sơ đầu cành hay chen chúc chùm trùm lùm cây.

Đỗ Quyên thích khô và thích tựa đá nên có loại gọi là Đỗ Quyên Đá, có thể tìm thấy ngay trên núi Bạch Mã cách Huế 40 cây số về phía Nam, cạnh thác Đỗ Quyên. Người Nhật rất thích, và có tập thơ Đỗ Quyên Đá của Kutamura Kigin, ca ngợi Đỗ Quyên rực rỡ rộ nở tỏa lửa hồng nồng nàn bùng cháy xuân tình.

Đỗ Quyên vườn nhà hồng diện. Đại thụ Đỗ Quyên đỉnh Fansipan đỏ rực màu máu. Huyết lệ. Nước mắt máu. Rong bút về hoa lại liên hệ qua chim.
Bởi có một tiếng Đỗ Quyên chợt áo não cất lên trong nắng sớm coo-ooo-ooo-cooo ….. cụ uu …uuu … uuu …cuuu …
Chỉ một tiếng, mà rúng động tâm can. Bởi vạn vạn nỗi niềm chỗi dậy.


Đỗ Quyên là chim câu, chim cuốc, quốc quốc. Chim Đỗ Quyên của tôi là Mourning Dove, Zenaida macroura, chim quốc-quốc-tang màu nâu nhạt, đuôi rẽ quạt trắng, có tiếng kêu áo não, thuộc gia đình bồ câu Columbida, trong số có bồ câu trắng, bồ câu xám, cu đất, cu ngói, cu cườm… hay tìm nhặt ăn hạt cỏ hạt thông hạt ngũ cốc ngay mặt đất, thích tắm cát tắm đất, thích đậu trên giây điện, giây cáp, hàng rào, làm tổ trên cây, trong bụi rậm, chái nhà… Chúng kết đôi và sống trọn đời chung thủy, dù đời chúng chỉ không quá hai năm.
Chuyện kể vua Đỗ Vũ nhà Thục bên Tàu mất nước, chết thảm hóa thành chim, mỗi độ Xuân về bi ai cất tiếng thương tiếc cố quốc, xao xuyến hót não lòng nhỏ lệ rơi xuống thành những giọt máu tươi nhuộm đỏ hoa vườn ngự, và loại thấm nhuần máu lệ chính là Hoa Đỗ Quyên.
Đỗ Quyên đề huyết, tử quy ai minh. 
Đỗ Quyên khóc thành máu/ quay về kêu áo não.  
Đỗ Quyên còn mang tên Tử Quy là vậy.

Coo-ooo-ooo-cooo …  cụ uu … uuu … uuu…cuuu…
Nghe vang vang tiếng chàng ngày nào đọc thơ Nguyễn Du trong tập Nam Trung Tạp Ngâm :  … Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hỉ/ Hồn hề, quy lai bi cố hương…
và bây giờ tôi nức nở tiếp lời :
… Một tiếng quốc kêu bừng chợt tỉnh/ Hồn ơi! Về lại thương quê hương
Được đà thơ cũ, lại nhớ mấy câu khác không biết tác giả là ai :
Khấp lộ đề hồng tác ma sanh
Khai thì thiên trị đỗ quyên thanh
Đỗ quyên khẩu huyết năng đa thiểu
Khủng thị trưng nhân lệ trích thành…
     Sương đọng giọt hồng chẳng cớ sanh
     Đỗ quyên hoa lộng tiếng chim thanh
     Đỗ quyên chim não bao nhiêu máu
     Sợ vướng người đi lệ nhỏ thành…
Tiếng kêu có máu.  Bởi là tiếng khóc mất nước, tiếng gọi nhớ nước đau lòng con quốc quốc… của Thục Đế bên Tàu như trong thơ Đỗ Phủ:
…  Đỗ quyên mộ xuân chí
Ai ai khiếu kỳ gian…
Lệ há như bính quyền…

     … Đầu Xuân chim quốc tới
     Thê thảm tiếng bi ai
     Nước mắt ràn rụa suối…


Chuyện kể nước mình cũng nhiều về chim quốc, tương tự thì có chuyện  của người Mường Hòa Bình, dòng dõi họ Bạch huyện Kim Bôi không ăn thịt chim quốc vì tin chim dòng dõi Thục đế, mà là Thục An Dương Vương mất nước vì con gái Mỵ Châu quá tin chồng đem tráo nỏ thần. Vùng Sơn La Lào Kay thì kể chuyện hai vợ chồng sống trong rừng, chồng đi săn bắn lâu chưa về, vợ đi tìm và chết bờ vực thẳm. Chồng về nhà vắng cũng bổ đi tìm và cùng chết bên vực. Thượng đế cho nàng biến thành Cây Hoa Đỗ Quyên và chàng là chim Đỗ Quyên. Một chuyện khác thì nói về tình bạn, một ngưới tên Quắc một người Quân. Quân đi tìm Quắc, khắc khoải gọi bạn và hóa thành chim gọi Quắc, âm vang quốc quốc. Chuyện trong Nam thì hai anh em khác mẹ, cũng thương yêu nhau dù mẹ kế ghét bỏ người anh. Cả hai chết trong rừng vì mưu mẹ không thành, và hóa thành chim than khóc não nề hối tiếc.. .

Dẫu chuyện vua, chuyện thường dân, vẫn là chuyện đau lòng vì chia cách.

Nỗi chia cách của những người di tản Việt Nam tỵ nạn Cộng sản, như trong tạp thi của một người vô danh :
Đẵng thị hữu gia quy vị đắc
Đỗ quyên hữu hướng nhĩ biên đề…

     Có quê mà chẳng về quê được
     Xin cuốc đừng kêu não ruột người …

và của chính những người trong nước, đang ở trong nước, trước cuộc biển dâu như thơ Nguyễn Bính về thăm Ngự Viên khi triều Nguyễn không còn:
sớm Đào trưa Lý đêm Hồng phấn
tuyết Hạnh sương Quỳnh máu Đỗ Quyên                
… Hôm nay có một người du khách
ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên…

Một tâm sự khắc khoải đau xót khác của người trong nước trước cảnh xén đầu thắt họng xẻo bụng quê hương:
Tiếng Đỗ quyên áo não
Ở trên quê mà nhớ quê hương
Tan nát cả tâm can…

Âm thầm đau xót sống ngay trong nước mà khóc mất nước, gửi tâm tình vào tên con, như Phùng Quán đặt tên con gái là Phùng Đỗ Quyên, như Phạm Thiên Thư trong tâm sự:
Chim Quyên từ độ bỏ thôn Đoài
Quyên chẳng buồn thảm thiết gọi ai
Về núi Nam gặp cành hoa trắng
Quặn đau lòng nhớ phiến tâm mai…

Tâm sự này được phổ nhạc với Bầy Chim Bỏ Xứ của Phạm Duy:
… Chim Quyên từ độ bỏ thôn Đoài
Chim là hồn Thục Đế ngàn xưa…
…Thổ máu tươi một đêm chim chết
Chết khi đêm về
Xác chưa tan thì…
Tái sinh lần nữa: Đỗ Quyên!
Đỗ Quyên! Đỗ Quyên!
…  Kêu gào: Ôi, Tổ quốc linh thiêng!
Vẫn tái sinh làm chim khóc nước
Cho dù phải gục chết như xưa
Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong...
Chim hỡi chim ơi! Chim hỡi chim ơi!!!!

Tôi bắt chước Phạm Thiên Thư
Em một mình gọi nhỏ/ Chim ơi, biết đâu tìm
…  Cõi người có bao nhiêu/ Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tưởng/Hay một vết chim bay…

Và cũng tự nhủ theo Phạm Thiên Thư
Kiếp sau làm chim trong sương
Về bay hóa độ mười phương trời vàng

Rồi thì thầm
Thôi thì thôi, chỉ phù vân
Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi!!!

Nhớ một câu vọng cổ buồn
…  Chim ơi chim xa rừng thì chim thương nhớ núi non
Mà ngưòi cách xa cội nguồn, người cách xa cội nguồn
Ôi đâu còn gì buồn hơn! Ôi, đâu còn gì buồn hơn…

Nhưng vẫn mơ một ngày, như Tường Linh:
Một sớm mai về
Tắm nước sông quê
… Trên ngọn mù u
Có đôi cu gáy
Trong chùm lau sậy
Tiếng quốc u oa
… Nằm trên cỏ mượt
Ta nhẩm vần thơ
Giấc mơ choàng tỉnh
Ngày ấy… Bao giờ ???

Ngày ấy… bao giờ ??? Nơi đây, khi nắng Xuân tràn tuôn muôn nguồn sáng, vườn Xuân có một con Đỗ Quyên, hót lên hoài ngàn muôn tiếng sầu não… Tiếc thương muôn đóa hoa ánh đào tươi hồng sắp tàn rã, hay buồn bạn mi nay đã lánh phương xanhư lời Huyền Cân, nhạc Phạm Văn Chừng trong bản nhạc Con Chim Lạc Bạn.

Phải, tôi là con chim lạc bạn.

Trần thị LaiHồng
Đầu Xuân Mèo Mới 2011
___________
Chú thích:
-         Thơ Nguyễn Tri Phương, đại thần thời Tự Đức thế kỷ 19
-         Hình đại thụ Đỗ Quyên đỏ đỉnh Fansipan, của Phạm Ngọc Bằng
-         Thơ chữ Hán trích từ wordpress.com/chimdoquyen và phongdiep.net/
-         Thơ Nguyễn Bính, Xóm Ngự Viên
-         Thơ Phạm Thiên Thư, Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài, Động Hoa Vàng, Saigon 1971
-         Lời nhạc Phạm Duy Bầy Chim Bỏ Xứ, phổ thơ Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài của Phạm Thiên Thư, nxb Cành Vàng, HoaK ỳ 1990
-         Thơ Tường Linh, Một Sớm Mai Về, Trầm Tử Thiêng phổ nhạc
-         Nhạc Con Chim Lạc Bạn của Phạm Văn Chừng, lời Huyền Cân
-         Tài liệu về Hoa Đỗ Quyên từ Cây Cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ; Encyclopedia of Flowers, Tropica Color Cyclopedia of Exotic Plants and Trees, Alfred Byrd Graf, Roehrs Company Publishers, NJ
-         Chuyện về Đỗ Quyên nhặt từ Cổ tích và Truyền thuyết xứ An-Nam, của Lê Văn Phát
-         Tài liệu về Mourning Dove từ Eastern Birds, John Farrand, Audubon Handbook và wildlifedepartment.com/species/mourningdove
-         Tranh vẽ và thơ dịch của Trần thị LaiHồng