Ngồi Café… - Lê Văn Trạch
Từ gợi ý của thầy Lê Hữu Thăng, vào
năm 2010 Hội ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Saigon đã tổ chức buổi café định
kỳ để các đồng môn có dịp gặp gỡ, giao lưu và thông tin cho nhau biết về mọi việc
liên quan đến tập thể, cá nhân trong đại gia đình thầy trò
Nguyễn Hoàng. Rồi từ Saigon, ly café đã tỏa hương thơm đi khắp mọi miền, từ Nam ra Trung, từ Saigon đến Bà Rịa – Vũng Tàu rồi Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Đông Hà, v.v…
Nguyễn Hoàng. Rồi từ Saigon, ly café đã tỏa hương thơm đi khắp mọi miền, từ Nam ra Trung, từ Saigon đến Bà Rịa – Vũng Tàu rồi Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Đông Hà, v.v…
Càfé
đầu tháng hay cuối tháng của các Ban liên lạc CHS/NH không chỉ là một thú tiêu
khiển, một nhu cầu cân bằng cuộc sống vốn rất khốn khó, cũng là niềm khát khao
được gặp gỡ tâm tình với những người cùng ngồi chung dưới một mái trường mà còn
là nơi nơi phổ biến mọi tin tức vui buồn của thầy cô và bạn đồng môn, để có điều
kiện hỗ trợ, chia sẻ thiết thực, rồi mặc nhiên trở thành những điểm biểu tượng
tính thân tình gắn bó, tạo sự liên kết từ trong và ngoài nước. Những buổi café
như thế còn là điểm hẹn cho khách từ các miền khác đến hoặc ở hải ngoại về...
Nhiều người đã nói đến sự "linh thiêng, mầu nhiệm" của tình cảm Nguyễn
Hoàng, tôi thì nghĩ rằng hai chữ Nguyễn Hoàng còn là một mật khẩu, một password
để "nhận dạng", nhìn nhau… bởi sau đó là mở lòng ra - không còn bất cứ
ngăn cách nào. Điều này tôi đã trải nghiệm trên những chuyến đi lại ở Mỹ hay Việt
Nam.
Từ
lâu tôi vẫn ao ước có một lần được ngồi café như thế, để "nếm", thưởng
thức và tận hưởng…; không phải hương vị café mà là những gì chung quanh nó.
Trong
chuyến về lần này, tôi phác họa một lộ trình là sẽ xuất phát từ cửa khẩu Lao Bảo
đi xuống, ghé nhóm Nguyễn Hoàng Khe Sanh - Hương Hóa (quận hạt đầu tiên của Quảng
Trị thành lập Ban liên lạc CHS/NH), nhưng khi về đến thị trấn giữa trưa, nắng
nóng kinh khủng, mọi người đều đang nghỉ ngơi nên ngay cả cuộc hẹn sau đó với
nhóm bạn Đông Hà ở khu Café Bảo Tàng cũng không thực hiện được. Tôi liên lạc với
Văn Thiên Tùng để biết ngày giờ và địa điểm buổi café Nguyễn Hoàng Quảng Trị
nhưng lúc đó anh Tùng đang dự Hội nghị Thơ Đường hàng năm ở ngoài Bắc. Song, vẫn
còn cái duyên là hôm đó anh Nguyễn Lớn lên Cam Lộ để thành lập Ban Liên Lạc t ại
đây và tôi đã gặp anhsau đó Lê thị Dũng gọi điện thoại báo ngày giờ họp mặt
café Quảng Trị.
Thế
là chủ nhật đầu tháng 5 năm 2015, tôi ghé Đông Hà đón mấy người bạn rồi trực chỉ
thị xã Quảng Trị. Đoạn đường này mới làm, rộng, khá thông thoáng. Chẳng bao lâu
xe đến quán Thủy Trúc Viên ở đường Ngô Thời Nhậm đã thấy nhiều người, phần đông
là cựu nam sinh, Nguyễn Đình Hạnh dẫn đi một vòng giới thiệu... Ở đây còn đầy đủ
mọi thế hệ Nguyễn Hoàng và trên mỗi khuôn mặt phảng phất nét phong sương của nắng
gió quê nhà! Tôi chỉ học Đệ Nhị Cấp nên không quen nhiều, hình như lứa nào ngồi
theo lứa đó và buổi café lần này chủ yếu bàn chương trình hội ngộ ngày 20-6 sắp
tới mà theo ban tổ chức là sẽ cố gắng chu đáo hơn lần trước. Tôi đến ngồi cạnh
anh Hoàng Đằng, một trong rất ít dân Nguyễn Hoàng theo "đường Hán Học",
anh còn là cây bút luôn tìm và soi rọi nét văn hóa đặc thù của quê hương Quảng
Trị, chúng tôi rất vui mặc dù mới gặp lần
đầu.
Đại
diện Ban liên lạc đặc biệt giới thiệu hai cựu học sinh ở hai thế hệ đầu và cuối:
Chị Chước đến từ Qui Nhơn vào trường năm 1954 và Vương Lệ Diễm đến từ Mỹ vào
trường năm 1972. Những người phương xa về được mời phát biểu, ai cũng phấn chấn
khi quây quần cùng đồng môn ngay trên mảnh đất quê hương đã được lưu dấu từng
bước chân của thời đi học.
Buổi
cafe thật rôm rả, mọi người còn được thưởng thức một chương trình văn nghệ và
cùng tập hát bản nhạc khai mạc ngày hội ngộ sắp đến. Rời Thủy Trúc Viên, nhóm
tôi ghé nhà chị Tú Quỳnh, anh Đỗ Tư Nhơn tặng cuốn sách viết về Thầy Phan Phụng
Thạch do một nhóm cựu học sinh thực hiện, tôi đã đọc hết trong mấy đêm ở Đà Nẵng
để thưởng thức những bài thơ tuyệt vời của thầy và ghi nhận tình cảm quý đồng
nghiệp, học sinh đã dành cho thầy. Sau đó, từng nhóm rủ nhau đi ăn trưa, chúng
tôi đến trước cổng trường cũ như là sự tưởng niệm ngậm ngùi với bao u uẩn trong
lòng!
Trong
những lần trở về trước, cứ bay từ Saigon ra Huế rồi ngược lại, kỳ này khi xuôi
Nam, tôi muốn dùng đường bộ với nhiều loại phương tiện để được ghé thăm vài
thành phố... Ngày 8 tháng 5, tôi lấy vé tàu đi Đà Nẵng, nhưng sắp đến giờ thì
nghe thông báo bị trục trặc kỹ thuật, phải đợi 4 tiếng đồng hồ sau, nên phải
chuyển qua xe. Trên 20 năm mới trở lại con đường này, Quốc lộ 1 đang tu sửa để
mở rộng nên xe cộ đi lại rất khó khăn. Lần đầu được đi qua đường hầm Hải Vân với
những cảm giác lạ, rồi thành phố Đà Nẵng hiện ra trước mắt: Khu vực Nam Ô- Hòa
Khánh- Ngã Ba Huế quen thuộc của 40 năm trước nay quá nhiều thay đổi, không nhận
ra.
Ngày
kế đó, tôi cùng một nhóm nhỏ CHS/NH đi vòng quanh Đà Nẵng thăm phố cổ Hội An và
chùa Linh Ứng (Bãi Bụt) bên Sơn Trà. Chùa là một công trình kiến trúc bề thế,
công phu với tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát uy nghi vao vút trên đỉnh núi,
đang phóng tầm mắt nhìn xuống cả vùng dân cư và không gian bao la trước mặt như
để lắng nghe, che chở mọi người. Riêng phố cổ Hội An, ngoài thành phố biển và
là nơi thu hút du khách nước ngoài với những ngôi nhà cổ mang nhiều dấu ấn của
sự pha trộn, giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây thật nhiều màu sắc, vẫn hừng hực
nóng của buổi trưa hè.
Ngày chủ nhật 10 tháng 6 không phải là buổi
café định kỳ nhưng khoảng gần 20 CHS/NH đã có mặt. Tôi được Hoàng Thạch Tú, bạn
cùng lớp đón và chở đến quán FaiFo. Ở đây, hầu hết là thế hệ sau, không quen biết,
nhưng mọi người đều vồn vã tiếp đón như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Đặc biệt là
các cựu nữ sinh rất tự nhiên và thân tình, chuyện trò cởi mở, tạo cho người
phương xa cảm giác gần gũi. Điều thú vị là khi mãn cuộc, còn lại năm anh em tiếp
tục câu chuyện thì đều là dân Ban C - Hoàng Thạch Tú tự khoe chúng tôi là những
người khai khẩn Ban C Nguyễn Hoàng (niên khóa 63-66).
Hôm sau, tôi và Tú được
anh chị Ngữ - Bích Hường và chị Thu Ba từ quận 3 qua đón lên nhà Quỳnh Thủy ở
Liên Chiểu để được chiêu đãi bún riêu mà theo anh Ngữ tiếng tăm đã trở thành một
"thương hiệu". Những trao đổi chung quanh ly café thật thú vị giữa những
người đều quan tâm đến vấn đề xã hội và tâm linh. Trên đường về chị Thu Ba lại
muốn giới thiệu một món ăn đặc biệt của Quảng Trị - cháo bột tại quán Bà Bòn. Qua
ngày thứ ba, thầy Hồ Ngọc Thanh có nhã ý mời một số thầy và vài cựu học sinh lớn
tuổi tham dự một buối café khác vì hôm chủ nhật thầy bận đi Quảng Trị. Quý Thầy
đã trao đổi nhiều vấn đề trong cuộc sống và những bất cập đang xảy ra.
Ở
Đà Nẵng 5 ngày, chưa đủ để đi thăm hết "chiến trường xưa", nhưng qua những
tiếp xúc, đã đón nhận được nhiều tình cảm quý hóa. Trước giờ ra sân bay vẫn còn
có một đồng môn đến chia tay. Sinh hoạt Nguyễn Hoàng ở đây đằm thắm, có sự hòa
hợp, gắn bó, chắc là nhờ sự góp tay năng nỗ của quý chị cựu nữ sinh trường xưa.
Tôi
bay thẳng vào Saigon mà không đi tiếp đến Qui Nhơn, Nha Trang như dự định vì
không liên lạc được với bạn bè ở đó. Từ Saigon có một hành trình dài qua Xuân
Sơn, Hòa Bình, Bà Tô, Xuyên Mộc, Hàm Tân, những nơi bà con đến tái định cư sau
năm 1972. Xế chiều đến Hàm Tân, ghé thăm một số người cùng quê, tất cả đều hoan
hỉ đáp lời mời tham dự bữa cơm tối để được dịp tâm sự, có những vị hơn 40 năm mới
gặp lại hoặc những em mới gặp lần đầu. Mọi người như được sống lại thời tuổi trẻ
khi gợi nhắc những đường đi lối lại, một số tập tục, vài khuôn mặt đặc thù qua
mấy câu vè và phong thái người Cam Lộ.
Thời cuộc đã đưa đẩy con dân của
Làng đi đến mọi ngõ ngách đất nước và hải ngoại, nhưng luôn bái vọng sắt son với
tổ tiên cội nguồn, khi ở nơi xa xôi, người Cam Lộ cũng đã lập nên đình làng và
nhà thờ họ.
Theo
dự tính trước khi rời Hàm Tân sẽ có buổi café với Nguyễn Hoàng tại đây, nhưng
anh em bận lo đám tang con thầy Quýt, nên tôi chỉ gặp anh Trương Tuyến và chị Lữ Thị Thuận.
Anh Tuyến chia sẻ sự gắn
bó và nỗ lực của đồng môn bởi ở đây không có điều kiện thuận lợi như ở các tỉnh,
thành. Bản thân anh cũng như chị Thuận dù tất bật lo cuộc sống nhưng vẫn dành
thời gian cho tập thể. Sự thành công của cuộc họp mặt đầu năm Ất Mùi 2015 vừa rồi
với đông đảo thầy cô, cựu học sinh các nơi tìm về chứng tỏ lòng thương mến, cảm
thông và là sự cổ vũ, khích lệ lớn để giữ mãi ngọn lửa Nguyễn Hoàng nơi vùng đất
xa xôi này.
Trên
đường trở lại Saigon, tôi ghé Ngãi Giao định gặp nhóm Nguyễn Hoàng Bà Rịa - Vũng
Tàu nhưng anh Bành Phi Lân bận việc nên đành bỏ lỡ cơ hội. Theo dõi những lần hội
ngộ, tôi rất cảm phục cách thức tổ chức của Ban Liên Lạc tại đây: năng động,
khéo léo, hoành tráng mà ấm cúng. Những lời khen, sự cảm kích từ nhiều người ở
xa về dự như đã để lại trong lòng họ ấn tượng sâu sắc bởi những nét rất riêng
mà không phải ở đâu cũng có.
Trước
khi tôi về Việt Nam, thầy Lê Hữu Thăng có dặn là Trạch làm sao sắp xếp để có buổi
gặp gỡ. Tôi trình bày việc đó cần chọn ngày giờ thuận tiện nhưng trước hết tôi phải
ghé thăm thầy cô trước. Rất vui vì lúc này tôi thấy cô tỉnh táo hơn, khi tôi
chào về, cô còn cùng thầy tiễn tôi ra cửa.
Cũng như lần về trước, tôi tìm các bạn
cùng lớp nhưng Lê Quang Ngân đã về Bến Tre và đang bệnh. May mà tôi liên lạc được
với Lê Cung Bắc, Nguyễn Thị Thanh và chúng tôi hẹn gặp nhau vào ngày thứ năm
(21 tháng 5). Thế là vào hôm ấy, tại quán Miền Đồng Thảo bên Phú Nhuận, chúng
tôi đã có nhiều thì giờ chuyện trò.
Thầy Thăng có nhã ý nhân chuyến về của
tôi, thầy trò tôi sẽ tổ chức buổi hội ngộ với một số bạn hữu, thế là vào một
ngày những người được mời đều có mặt. Ngoài những đồng môn tại Saigon, các bạn ở Ngãi Giao, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng
về dự. Bạn cùng lớp với tôi có Lê Cung Bắc; dân Cam Lộ có Thái Tăng Hạnh, Thái
Tăng Ánh, Bành Phi Lân, Hoàng Thị Mỹ Công và Thái Thị Phi Phi.
Có
những người tôi mới gặp lần đầu như các anh Lê Chí Dũng, Nguyễn Đặng Kỳ, Hoàng
Ân, Đỗ Việt Hoài, Nguyễn Lịch. Về phía gia đình thầy, ngoài thầy cô còn có chị
Như Hoàn nữa. Việt Hoài tặng tôi hai số Hương Quê Nhà anh chăm sóc, chị Như Hoàn
cho một số sách Phật giáo và Mỹ Công tặng tập thơ của Kung Tần.
Từ
sớm, các chị trong nhóm Bồ Chao của NH/Saigon đã có mặt ở nhà thầy để lo chuyện
ẩm thực và rồi từ bàn tay khéo léo của các chị, những món ăn ngon mang hương vị
quê nhà đã được bày biện đầy bàn. Riêng Ngô Ngọc Hồng thì ở đâu cũng thực hiện
chức năng của "phó nhòm" một cách xuất sắc. Thật là cảm kích trước
tình nghĩa đồng môn gắn bó. Suốt buổi hội ngộ, thầy cùng mọi người tạo được
không khí chan hòa vui tươi, đặc biệt là sự có mặt của cô Diệp Kim Liên – phu
nhân của thầy từ đầu đến cuối.
những khoảnh khắc thật xúc động như được trở về trong vòng tay gia đình.
Theo
dự trù thì ngày 26/5, nhóm lớp chúng tôi 4 người sẽ đi Vũng Tàu thăm Lê Đình Lộng
Chương nhưng phút cuối Nguyễn Thị Thanh và Võ Mậu Thiên bận. Tôi hỏi ý kiến Lê
Cung Bắc, anh nói "Chỉ hai đứa cũng đi, tôi đã sắp xếp thời gian rồi".
Đoạn đường Saigon - Vũng Tàu nay đã có thêm đường cao tốc nên đã rút ngắn thời
gian đi đường. Khi ngang qua khu Bà Rịa, Lê Cung Bắc nói nơi đây ngày xưa anh
dã từng đứng bán nông sản và gia cầm. Rồi thành phố biển hiện ra, lòng tôi hồi
hộp và náo nức làm sao! Ôi tình bạn đã trải qua nửa thế kỷ nay mới có dịp gặp gỡ,
chúng tôi xúc động ôm choàng lấy nhau với bao tình cảm đan xen. Lộng Chương tóc
bạc gần hết, có dáng nét của một "tiên phong đạo cốt" nhưng vẫn đôi mắt
sáng và nụ cười hiền hòa ngày nào. Chúng tôi kéo nhau ra quán ven biển, trong
bao la giữa biển trời với sự hưng phấn của lòng người, hình như ai cũng đang tận
hưởng bao điều thú vị.
Câu chuyện giữa những đứa cùng thời
đi học, trên căn bản "chữ nghĩa" và những trải nghiệm cuộc sống thật
hào hứng. Lê Cung Bắc kể lại những buổi tranh luận với Lộng Chương về trường
phái văn học cổ điển và cấp tiến, tôi thì nhắc lại hồi đó anh gọi lửng tên
Chương là Lê Đình Lộng!
Chúng
tôi muốn níu thời gian để bày tỏ hết nỗi lòng, nhưng "Tửu phùng tri kỷ
thiên bôi thiểu. Thoại bất đồng tâm bán cú đa", đành kéo nhau trở lại căn
gác của Lộng Chương. Anh an nhiên với chốn này như một khung trời riêng, không
internet, hàng ngày hòa lòng với sách Phật và cảnh quan thiên nhiên. Lộng
Chương chép tặng hai đứa tôi bài thơ "Lên Gác" chưa ráo mực:
Để nghe gió lộng thấy trăng tròn
Treo vài chậu lá chờ hoa ý
Ghép mấy chồi lan gởi mảnh hồn
Sương sớm thơm trà mờ kính lão
Đá chiều say nắng ngủ sườn non
Nhiều đêm tỉnh giấc ngồi hiên vắng
Tâm sự sách đèn mãi sắt son
Trên
đường về, Lê Cung Bắc bảo ở đời chỉ cần có một tấm lòng và sự quyết tâm thì mọi
chuyện đều đạt kết quả như ý muốn, nhất là nó được thể hiện trong quan hệ thâm
sâu tình nghĩa. Chúng tôi thật sự toại nguyện đã có với nhau một ngày trọn vẹn.
Trước
lúc đi Vũng Tàu, anh Phan Thạch Giang đại diện nhóm Nguyễn Hoàng ở Biên Hòa cho
biết tin anh Đỗ Việt Hoài - chủ biên Hương Quê Nhà sẽ giao trách nhiệm phụ
trách tờ nội san này lại cho người khác. Trước đây, anh Giang đã có bức tranh –
món quà ý nghĩa tặng anh chị Phái Mai khi 2 người giao Hương Quê Nhà lại cho
Hoài, nay thay vì có món quà như trước đây, anh Giang và Liên Hưng sẽ mời Việt
Hoài "ngồi café" ở Làng bưởi Tân Triều và tôi được vinh dự tháp tùng.
Thế
rồi vào một ngày tháng 5 đẹp trời, mỗi người một nơi tập trung về nhà Liên Hưng
rồi kéo nhau trực chỉ làng bưởi Tân Triều – một địa chỉ gặp gỡ thật lý tưởng.
Trong buổi café bỏ túi này còn có một chàng rể là Mỹ - phu quân của cô út Vĩnh
Phước. Chín anh em quây quần trong căn chòi lá bên cạnh nhánh sông Đồng Nai.
Anh Giang bày tỏ lòng quý mến với Đỗ Việt Hoài trong nỗ lực cải tiến Hương Quê
Nhà trong mấy năm qua. Hoài cũng tâm sự khi nhận việc, anh lo lắng không biết dựa
vào đâu để đứng vững, may nhờ có những đồng môn như anh Giang và Liên Hưng động
viên cùng với nhiệt tình cộng tác bài vở. Bên cạnh đó còn có sự trợ giúp đắc lực
của Hoàng Ân, Quang Tuyết, Đoàn Triệu, v.v… trong việc kết nối và phân phối
Hương Quê Nhà nên đã có được kết quả khiêm tốn này.
Tôi
nghĩ là không khiêm tốn đâu, qua ba số báo mọi người đều thấy trên hình thức có
sự bố trí cân đối, chọn lựa hình ảnh để thuyết minh hoặc phụ bản có nghiên cứu
làm cho tờ báo trang trọng và sinh động, bài vở được chọn lọc và nhiều người cộng
tác. Anh Giang hình như có ẩn chứa nỗi niềm nào đó nên trong giao tiếp hàng
ngày đôi khi rất khép kín, nhưng hôm nay anh tâm sự thật nhiều, lồng giữa những
chia sẻ là lời các bài thơ tâm huyết của anh. Anh trải lòng ra với quê hương,
thầy bạn cũ, trường xưa cùng sự gắn bó gia đình. Anh đề nghị mọi người có mặt nói
lên ý nghĩ của mình và ai cũng trải lòng trong tình thân ái. Đặc biệt Hoàng Ân
thật độc đáo khi chỉ cần vài câu ngắn gọn đã có nhận xét sâu sắc chính xác về từng
người một.
Khi được yêu cầu nêu ý kiến với những cây bút Nguyễn Hoàng, tôi đã nói bằng suy nghĩ của mình rằng họ không là nhà văn, nhà thơ, nhưng khi ngồi xuống viết, những gì được dàn trải ra rất thực; đó là những vui buồn mà họ đã sống và cảm nhận. Dù mỗi người có một cách viết riêng: sôi nổi hay bình thản; đằm thắm hay rộn ràng nhưng chung quy cũng là những tình cảm ưu ái họ dành cho quê hương, cho trường xưa thầy bạn cũ và khi gom lại đã tạo nên một sắc thái sống động khiến người đọc có cảm giác sảng khoái hay như họ đã nói giúp lòng mình vậy. Về vấn đề này, có lần tôi đã ví von mỗi người như cái nhấp nháy, lập lòe của từng con đom đóm. Nếu để riêng lẻ thì sẽ là những mảng sáng, tối khác nhau nhưng lúc tụ họp lại sẽ tạo nên một vùng ánh sáng huyền ảo. Ai cũng vui, cám ơn anh Giang và Liên Hưng đã có hảo ý về buổi gặp gỡ. Câu chuyện cứ xoay quanh chiếc bàn lục giác, chúng tôi mãi mê bày tỏ cảm xúc, thỉnh thoảng lại xen vào những mẫu chuyện tiếu lâm khiến ai nấy cười ngất ngư và rồi cùng lắng xuống với lời thơ, tiếng hát gợi nhớ một thời của mấy anh em khiến chiều xuống lúc nào không hay.
Trước
đây cứ mỗi chủ nhật cuối tháng tôi thường nôn nóng theo dõi buổi café của Nguyễn
Hoàng Saigon qua trang mail, nhưng rồi ngày cuối tháng 5/2015 này thì tôi đã có
mặt. Lê Cung Bắc dặn tôi ghé nhà anh để cùng đi, đến quán Thủy Trúc trong công
viên Lê Thị Riêng đã thấy nhiều người ngồi kín dãy bàn bên ngoài, nhìn ai cũng
thấy quen quen vì đã từng xuất hiện trên phóng sự hàng tháng.
Trưởng
ban liên lạc mời mọi người vào trong để bắt đầu buổi café thường kỳ, những người
đến lần đầu và ở nước ngoài về được giới thiệu và tặng hoa... Nội dung chủ yếu
là thảo luận những vấn đề chung quanh cuộc hội ngộ 20 tháng 6 tại quê nhà sắp tới và ghi
danh sách tham dự tập thể. Đến chương trình văn nghệ là hào hứng và rộn ràng nhất,
ngoài những tiếng hát quen thuộc, mọi người được nghe anh Tùng “Lương Giang” ở
Pháp về, đặc biệt Lê Cung Bắc trình bày bản Một Cõi Đi Về đã để lại ấn tượng
qua giọng hát truyền cảm kết hợp với lối diễn xuất độc đáo của anh. Tôi hơi bất
ngờ khi Lê Bá Tâm lên hát tặng tôi bản Niệm Khúc Cuối. Tôi tìm gặp chị Mỹ Liên
để hỏi thăm sức khỏe Lê Quang Ngân, được biết căn bệnh bao tử đã làm anh suy sụp
vì không thể ăn được.
Tàn cuộc, tôi ra về mà lòng phơi phới
như được nạp thêm năng lượng bình an,
cũng có cảm nghĩ như vừa tan lớp học và... hình như chưa "đã thèm" nên sau đó lại có buổi café nữa với Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Đặng Mừng và Lê Bá Tâm ở quán Khoảng Lặng ở Gò Vấp: Đây là những người góp nhiều công sức cho Nguyễn Hoàng Sài Gòn, đặc biệt khi anh Trị làm trưởng ban liên lạc, với sức trẻ, nhiều sáng tạo, năng động, đầy tính hòa đồng… đã tạo cho sinh hoạt ở đây sức sống mới. Nhìn quang cảnh buổi sinh nhật 60 của anh hôm tháng Tám vừa rồi, với tình cảm quý thầy cô và đồng môn dành cho anh cũng đủ thấy được sự cống hiến của anh cho tập thể như thế nào. Riêng Lê Bá Tâm, mặc dầu ở Sài Gòn nhưng cũng góp phần chăm sóc các cháu khuyết tật tận quê nhà Quảng Trị.
cũng có cảm nghĩ như vừa tan lớp học và... hình như chưa "đã thèm" nên sau đó lại có buổi café nữa với Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Đặng Mừng và Lê Bá Tâm ở quán Khoảng Lặng ở Gò Vấp: Đây là những người góp nhiều công sức cho Nguyễn Hoàng Sài Gòn, đặc biệt khi anh Trị làm trưởng ban liên lạc, với sức trẻ, nhiều sáng tạo, năng động, đầy tính hòa đồng… đã tạo cho sinh hoạt ở đây sức sống mới. Nhìn quang cảnh buổi sinh nhật 60 của anh hôm tháng Tám vừa rồi, với tình cảm quý thầy cô và đồng môn dành cho anh cũng đủ thấy được sự cống hiến của anh cho tập thể như thế nào. Riêng Lê Bá Tâm, mặc dầu ở Sài Gòn nhưng cũng góp phần chăm sóc các cháu khuyết tật tận quê nhà Quảng Trị.
Chỉ còn mấy hôm là trở
lại Mỹ, có vài cuộc hẹn với anh chị Mai Phái và Mừng mà đành phải cáo lỗi vì còn
để dành thời gian cho mấy đứa cháu và sắp xếp hành lý cho chuyến về. Thế nhưng
Lê Cung Bắc thông báo mời các bạn cùng lớp ở Saigon đến nhà ở cư xá Bắc Hải để
dự bữa cơm thân mật và việc này thì không thể lấy lý do gì từ chối được. Rất
vui khi gặp Hoàng Hữu Ly, cũng đã 51 năm, vóc dáng và nụ cười không thay đổi lắm.
Trong lúc đợi Nguyễn thị Thanh đến, Ly kể về quãng thời gian sau khi rời trường
với công việc và xu hướng tự chọn, những điều trước đây chỉ nghe loáng thoáng
bây giờ tôi mới rõ. Chị Lê Cung Bắc ra chào và xin kiếu để chúng tôi được tự
nhiên, đồng thời giới thiệu những món ăn Quảng Trị đãi khách hôm nay - mặc dầu
chị là người Bắc.
Bốn
đứa bạn học ngày nào ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trong căn phòng xinh xắn được
trang trí nhiều bức tranh và thư pháp đậm nét truyền thống dân tộc và Phật giáo
-thể hiện nhân sinh quan của chủ nhà - nơi mà theo Lê Cung Bắc, anh chỉ tiếp
khách đặc biệt. Anh chia sẻ nỗi khổ cực sau 1975 khi ở tù ra và cơ duyên đưa đẩy
dẫn đến công việc diễn viên và đạo diễn hôm nay mà không qua một trường lớp nào
cả. Rồi anh kể lại lời ông thầy bói cuối thập niên 60: "Anh đỗ đại khoa
nhưng sống nhờ tài vặt!". Câu nói ấy không ngờ đã vận vào tương lai của Lê
Cung Bắc, anh hành nghề độc lập, không bị ràng buộc theo một cơ chế nào để được
tự do sáng tạo, dùng nghệ thuật xiển dương giá trị văn hóa. Nguyễn Thị Thanh
cũng dẫn lời ông thầy bói về công việc được tiếp xúc nhiều người, ứng nghiệm với
nghề nghiệp hiện nay. Hoàng Hữu Ly trình bày dự án Công viên Văn hóa Lịch sử,
tàu du lịch ven biển... Tôi gọi cho Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú, Đỗ Thị Cương,
ai cũng thích thú và tiếc là không có mặt. Lê Cung Bắc nói với tôi: Bây giờ đã
nghỉ hưu, sắp xếp thời gian để về Việt Nam dày hơn, tụi mình đều già rồi, sống,
được gặp nhau lúc nào hay lúc đó, đời vô thường mà…
Quả thật như vậy, hôm đó là ngày 5 tháng 6 năm 2015, đúng 43 ngày sau - 18 tháng 7 anh Hoàng Hữu Ly đột ngột qua đời. Tôi gọi cho Bắc để biết cụ thể, mấy ngày ở nhà quàn anh đều có mặt. Chị Thanh đến khóc tức tưởi, mới hôm nào Ly chỉ cho chị loại thuốc về căn bệnh chị đang mắc phải. Tôi nhắc lại bữa cơm thân mật và trân quý sáng kiến của anh cho cuộc gặp "lịch sử". Anh nói tất cả đều do duyên và cũng nhờ có chuyến về thăm quê của tôi. Hoàng Thạch Tú cho biết đã chuyển tấm hình 4 đứa chúng tôi cho gia đình, có thể đó là tấm hình cuối cùng của Ly. Sau tang lễ mấy hôm, đọc “Lời Tiễn Biệt” của anh Võ Văn Cẩm, tôi mới biết thêm tâm nguyện đem tài năng trí tuệ giúp đời, giúp người và luôn quan hoài đến quê hương Quảng Trị của Ly.
Bầy
chim "ra ràng" mỗi con có "đường bay" khác nhau, nói như Trần
Quốc Phiệt: "Hoài bão cho một ngày mai ai cũng giữ kín, nhưng khi kiếm đã
vào tay, tuyệt chiêu mới hé lộ". Mỗi người có một sự lựa chọn riêng cho
mình nên chúng tôi không thể phê phán, khi đến với nhau thì chỉ nghĩ tới cái thời
"cùng mặc đồng phục". Lê Cung Bắc đi chơi với tôi đến phút cuối. Chiều
8 tháng 6 lên đường về Mỹ, sáng sớm anh mời điểm tâm ở quán Hưng Phát dưới quận
3, ngậm ngùi nói lời chia tay. Trước sau, chúng tôi gặp nhau sáu lần, lúc kể với
bạn bè, không ai tin.
Mong cầu chung của người đời là có
cuộc sống bình an, hạnh phúc, ngoài những thứ căn bản phải có như những yếu tố
tối thượng, những phương tiện cần thiết để tồn tại, ta còn có những quan hệ như
là một thứ hương hoa trang điểm. Tôi nhớ trong câu chuyện giữa vị thầy và nhóm
học sinh chung quanh cái bình không - những quả banh golf - viên bi - cát và ly
café. Sau khi bỏ thứ tự 3 thứ kia, tượng trưng cho những thiết yếu của cuộc đời,
ông thầy đổ thêm ly café... Học trò thắc mắc, được trả lời: "Ngay cả khi
cuộc sống của các em đã hoàn toàn đầy đủ, cũng còn chỗ cho tách café nhâm nhi
cùng một người bạn". Quả như thế, vắng nó thiếu đi hương vị cuộc đời.
Chuyến
đi 50 ngày vừa rồi đã thể hiện được những điều như thế và lần này dành cho ly
café nhiều hơn. Dù đối tượng và nơi chốn khác nhau, tôi và bạn vẫn cùng ngồi để
lắng nghe và cảm nhận. Cám ơn những người tôi đã gặp, sự có mặt của các bạn là
món quà đắt giá nhất tôi nhận được và cũng nghiệm ra rằng, muốn đạt được điều ấy,
mình phải bước đi và đến tận nơi, dù xa xôi cách mấy, đó là cách để chế tác niềm
vui, hạnh phúc như nhà thơ Mai Thảo đã dặn dò:
Chế lấy mây và gây lấy nắng
Chế lấy, đừng vay mượn đất trời
Để khi nhật nguyệt đều xa vắng
Đầu thềm vẫn có ánh trăng rơi
Lê Văn Trạch
(NH 63-66)