Kiếp Người - Nguyễn Trà
Người viết tự giới thiệu: Nguyễn
Trà sinh quán tại Triệu Phong, Quảng Trị, vào học ở Huế, gia nhập quân đội năm
1968, Thủ Đức khóa 9/68. Thặng dư sau vào khóa 3/69, đã có hồ sơ gia nhập không
quân trước, nên về không quân
SVSQ. Tốt nghiệp hoa tiêu trực thăng cuối năm
1970 tại Hoa Kỳ. Học bổ túc khóa quân sự
tại SĐIKQ/ Đà Nẵng, tốt nghiệp cấp bậc thiếu úy, giữ chức Flight phó phi đội gunship của phi đoàn, Hoàng Ưng
Skyhawk 239/KĐ51/CT SĐIKQ Đà Nẵng. Cuối năm 1972 lên trung úy, đầu năm 1975 đặc
cách lên đại úy nhiệm chức lúc 26 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, vợ và 3 con đang hưu trí tại Nam Florida
USA.
Mỗi người chào
đời có một vận mệnh khác nhau, có người sung sướng kẻ nghèo khó. Người gặp may mắn, kẻ rủi ro, không ai giống ai. Tuy nhiên phần đông rơi vào cảnh khổ cho nên mỗi
khi đứa bé vừa ra khỏi bụng mẹ là phải khóc. Ngày xưa ông bà thường giải thích sinh
ra trước hết là thấy khổ nên phải khóc, nếu đứa bé nào không khóc thì e rằng nó
không thể tồn tại trên cõi đời (giải thích theo kinh nghiệm nhưng lại thiếu
khoa học). Mỗi người một hoàn cảnh trong nhiều trạng thái khác nhau; lớn dần rồi
tự chấp nhận và an ủi, gặp nhiều gian nan
trách số phận hẫm hiu, suốt đời bị ám ảnh dày vò tâm hồn, dẫn đến thể xác cằn
cỗi và héo mòn.
Kể từ khi được sinh ra con người đã phải bắt
buộc chấp nhận sự an bài của quy luật tự nhiên, bởi con người là sản phẩm của tự
nhiên, nghĩa là quy luật tự nhiên quyết định sự sinh tồn và phát triển của con
người suốt trong cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Con người từ xưa đã có
tham vọng tìm hiểu về vận mệnh của mình diễn biến qua từng thời gian mà có thể
tạm gọi chung là tử vi.
Mệnh tức là sinh mệnh. Mệnh của con người ấn
định ngay từ khi người mẹ thụ thai đang còn trong bụng chịu chi phối số phận định
sẵn cho một kiếp người, là một loại thế lực mà khả năng con người không thể nào
chống cự laị được. Mệnh mang quyền lực của quy luật tự nhiên, to lớn, bao la
vĩnh hằng, con người mãi mãi vẫn chỉ là một trẻ thơ trung thực của tự nhiên. Nếu
ai định vượt qua, hoặc không tuân thủ quy luật tự nhiên thì chỉ chuốc lấy tai
hoạ bi thảm.
Tôi sinh ra nhằm
ngôi sao xấu tại một làng ở miền quê xa xôi hẻo lánh của tỉnh Quảng Trị, mồ
côi cha mẹ từ thủa lên ba. Cha mẹ qua đời để lại ba anh chị em; tôi là người
em út. Cha bị lính Pháp hành quân lùng bắt lớp thanh niên cùng những vùng lân cạnh
mà người Pháp gọi là phản động chống lại thực dân Pháp. Chúng bắt tập thể hàng trăm
người trong đó có cha tôi, đua ra Cửa Việt nhận chìm dưới đáy biển. Mẹ thì bị Việt Minh nghi ngờ làm gián điệp cho Pháp bắt đi chỉnh huấn ở chiến khu Ba Lòng, thuộc
tỉnh Quảng Trị, với vùng núi non rừng sâu nước độc rồi bị lâm bệnh và chết ở đấy.
Cha chết dưới biển, mẹ chết trên rừng, cả hai coi như mất tích không tìm được
thi thể. Lúc chưa tròn ba tuổi, tôi lớn lên trong cái bất hạnh của con người, chưa hình dung khuôn mặt của cha và mẹ. Mẹ tôi mất quá sớm, tôi chưa hề có
"Bông hồng cài áo" bởi thế trở nên bơ vơ lạc lõng như một đứa con
hoang. Mỗi lần lễ Vu Lan báo hiếu lại về, nghe những lời giảng dịu hiền ngọt ngào
nói về mẹ của thiền sư Nhất Hạnh làm tôi nhớ mẹ vô cùng. Và bài thơ "Mất Mẹ" của Xuân Tâm diễn tả đúng tâm trạng của tôi:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh
tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Chị
tôi là con đầu chị cả. Đời con gái chỉ có một thời như cái hoa đang nở vào ban
mai, đến tuổi đôi mươi lập gia đình đi lấy chồng xa là chuyện thường tình và
ngay cả anh em trong gia đình không một lời than phiền trách móc, mà lại còn khuyến
khích chị đi lấy chồng. Còn lại hai đứa em hôm sớm mai khuya hẫm hiu trong gia
đình. Anh tôi khoảng mười lăm tuổi nhưng khôn ngoan lanh lợi đảm đang công việc
trong gia đình như người lớn, dùng gia tài của cha mẹ để lại tiếp tục đùm bọc
lẫn nhau.
Giữa thập niên năm mươi TT Ngô Đình Diệm mở
chương trình chống nạn mù chữ, mở trường học ở các vùng quê. Ở địa phương xã, ấp lại có trường tiểu học vừa
được xây cất nên tôi có cơ hội và phương tiện đi học. Sau khi xong bậc tiểu học,
tôi lại ở nhà giúp anh theo việc đồng áng. Bốn năm sau, số phận đưa đẩy có ân
nhân cứu giúp xin cho vào Viện Bảo Anh Huế ăn học. Năm đầu học đệ thất trường
tư, năm sau thi vào đệ lục trường trung học công lập Kiểu Mẫu, gặp may mắn hàng
ngàn thí sinh dự thi chỉ lấy võn vẹn tám chục em vào bốn lớp đệ lục mà tôi
trúng tuyển. Trời Phật đã phù hộ cho kẻ nghèo khó. Học được ba năm đến năm đệ tứ
tôi lại thi băng tú tài không ngờ lại trúng tuyển. Vào học đệ nhất một thời
gian chán nản nên đầu đơn vào lính. Mặc dù học hành không giỏi, không cao
nhưng mang đến cho tôi một tương lai đầy hy vọng và sáng lạng, con đường học vấn
suông sẻ bằng lòng và toại nguyện .
Gia nhập quân đội cũng gặp thời đúng lúc và
khi quân đội Hoa Kỳ sắp bàn giao lại cho Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam hóa) là
cơ hội tốt được xuất ngoại theo học khóa hoa tiêu trực thăng gần hai năm. Trở về
Việt Nam phục vụ tại Sư Đoàn I Không Quân đồn trú tại Đà Nẵng. Trong thời
gian tôi ở trong quân đội, anh tôi lại hy sinh ngoài chiến trường tại Long
Khánh. Vào đầu thập niên bảy mươi, quê làng Việt Cộng chiếm giữ, bà con thôn
xóm không ai biết tin tức manh mối về tôi vì xa quê lâu quá. Một vài lần trở về
quê trên những phi vụ yểm trợ cho Thủy Quân Lục Chiến ở Quảng Trị, nhìn làng xóm
xơ xác điêu tàn như bãi chiến trường, trong trận chiến bao niềm đau, bao nỗi
nhớ niềm thương của thời thơ ấu hiện về trong trí. Đây cũng là lần cuối cùng
tôi quan sát thăm quê làng và từ giả không một lời chào bà con thôn xóm. Chỉ có
vài cái vẫy tay trên bầu trời bao la xanh cao ngất, tuy âm thầm lẵng lặng trên
không trung laị cuồn cuộn chảy vào con tim rồi âm thầm giữ kín hơn cả nửa cuộc
đời nơi quê người. Tạm biệt lũy tre xanh, bến đò không khách qua lại! Dòng
sông Thạch Hãn nước vẫn chảy xuôi dòng không thuyền lui tới. Gần năm mươi năm
dài đằng đẵng đốt cháy tuổi thanh niên, ngăn cách tình người, nơi thôn quê gắn
bó mang nặng lòng nhân từ, ái ngại day dứt trong tâm hồn. Biến cố cuộc đời chồng
chất ưu tư thân phận nỗi buồn man mát, đã khơi dậy một niềm đau nhắc lại một nỗi
nhớ những ngày tháng hẩm hiu trôi qua. Bao nhiêu bạn bè nằm xuống khi cuộc chiến
tang thương và đẫm máu sắp đến hồi kết thúc.
Tất cả đã mất rồi! Cả một bầu trời xanh bao
la với bao nhiêu ước vọng thủa nào không bao giờ tìm lại được. Đôi khi đầu óc
mơ hồ tưởng mình đang đi tìm dấu vết tuổi thơ... giấc mơ xưa ngắn ngủi vỡ tan
như bọt biển đại dương mênh mông xa thẳm không tìm thấy chân trời. Nhiều lần
tôi đã bật khóc không cầm nỗi những niềm đau về bà con thôn xóm. Đời quân ngũ
trải qua bao nhiêu hiểm nguy, hàng ngày phải đối diện với tử thần nhưng rồi Trời
Phật phù hộ, may mắn thân thể không bị một chút mảy may thương tích con người vẫn
nguyên vẹn đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bạn bè đã nằm xuống gần hết, cũng
có người may mắn trở thành thương phế binh.
Những
biến động lịch sử dồn dập xảy ra. Ngày miền Nam thất thủ, không một lời giã từ,
tôi đành đoạn mang theo vợ ra đi lưu lạc nơi xứ người. Đã bốn mươi năm ròng rã
trôi qua, xa cách hơn nửa quả địa cầu rồi dần dần khuây nguôi, làm quen nơi xứ
lạ quê người xây dựng một đời sống mới hoàn toàn xa lạ mà chưa một lần nghĩ tới
đời sống phiêu lưu. Một con người muốn tìm lại những tình cảm chân thành về
lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ cùng bạn
học nhớ bao chuyện vui thời trai trẻ. Có như vậy mới tìm được cảm giác của một
thời đầy sức sống quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là
một niềm vui lớn khi tuổi xế chiều đang sống nơi xứ lạ quê người.
Muôn vàn lưu luyến, niềm vui và nỗi háo hức bồn
chồn trang nhã và âu yếm đôi khi pha chút phong trần muốn quên lãng một quãng đời
đầy u ám và thất vọng rồi chỉ còn lại một hoài niệm, một kỷ niệm. Hòa hợp lân mẫn
với bà con họ hàng bằng giới đức và lòng khiêm ái, cảm hoá chinh phục bà con bằng
hạnh lợi tha và lòng bi mẫn, khi cứng thì sừng sững như núi không gì lay chuyển,
khi cần uyển chuyển thì nhu thuận hiền hòa như nước chảy mây bay, một lòng từ
bi trang trải đến dòng máu gia tộc.
Cuộc đời của tôi đã thành tựu về học vấn, về
tình duyên và gia đạo thành công sự nghiệp tiền tài và danh vọng, nhưng rồi vẫn
vô phúc bởi mất tình thương, tình máu mủ cha mẹ. Ở trên đời có nhiều khi phải
chọn lựa, mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Có những mất mát suốt cả
cuộc đời lúc nào cũng ám ảnh dang díu và ràng buộc vào tình nghĩa ruột thịt gia đình cha mẹ. Văn chương Việt Nam mang những
danh từ cụ thể ý nghĩa bình dân chắc thật để diễn tả người mẹ. Mẹ là chuối, là
xôi là đường, là mật là ngọt ngào là tình thương. Nhưng rồi đời sống cũng phải
tranh đấu, buôn chải lý trí tâm hồn sẽ hỗ trợ tăng sức cho sự sống, nhận thức
và hiểu biết ở đời. Khi được người khen cũng không lấy đó làm vui, và khi bị
người chê cũng không lấy đó làm buồn.
Tôi mạnh
dạn dấn bước vào cuộc đời và xã hội trước kia cũng như đương thời nhiều khó
khăn vất vả. Những bước đi luôn hướng về đằng trước chắc chắn và vững vàng, cống
hiến một trái tim quả cảm và lòng hoài bão yêu thương đồng bào. Bỏ lại đằng
sau dấu tích của cả phần đời, mà tất cả vui buồn bây giờ đã trở thành kỷ niệm nằm
sâu chôn chặt tận đáy lòng. Tôi lại tiếp tục lưu lạc tha phương vô hạn định,
nhưng cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày giới hạn. Khi tuổi già bóng xế đã lấp ló
sẽ phủ lên thân xác tạm bợ này mặc dù con cháu đùm đề không lo no đói nhưng rồi
vẫn ưu tư khắc khoải dằn vặt trong tâm tư. Một bài thơ có lẽ nói về thiền quán
của nhà Phật không có tên tác giả tôi cảm thấy tâm đắc và đón nhận:
Hỏi tôi quê quán ở mô
Trần gian cõi tạm, hư vô là nhà
Hỏi tên trong cõi ta bà
A, B, C đó chỉ là giả danh
Hỏi tôi góc gác ngọn ngành
Vô danh tiểu tốt có thành danh đâu
Cuộc đời cũng lắm bể dâu
Thuyền trôi sóng dập biết đâu bến
bờ.
Hạnh phúc và tình yêu khó giải cho đúng
nghĩa. Hạnh phúc là cái gì quý nhất ở trên đời, là cái đích cuối cùng mà con
người mong muốn cũng như sự sung sướng, niềm đau khổ, giọt nước mắt, những nụ
cười...Thành đạt và hạnh phúc, không phải ai sinh ra ai cũng là may mắn hay
cũng có cơ hội trở thành may mắn, hoặc lọt vào trong một gia đình giàu có. May
mắn là không cần phải một thiên tài hoặc một người đặc biệt giàu có mới có hạnh
phúc. Thậm chí trong nhiều trường hợp có nghĩa là người đặc biệt nổi tiếng hoặc
giàu có nhiều khi vẫn không có hạnh phúc, hoặc đang đi tìm kiếm hạnh phúc. Điều
này còn ngược lại lý do là, hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của mình đối với
những gì đã làm đã có, và những gì xung quanh. Hạnh phúc không phải là một khái
niệm vật lý với những công thức cằn cỗi khô cứng. Nó là thứ thuộc về con người,
vì thế nó có vẻ đẹp và sự bí ẩn mà chỉ có chính mình mới giải mã. Nếu biết cách
giải mã, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất . Trong bước đường sắp tới
tôi sẽ không bám đuổi trong những cuộc lục lọi tìm kiếm danh lợi. Tục ngữ có
câu "Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng ai bằng mình"
đó là quan niệm sống hạnh phúc, an nhiên tự tại mà cha ông ta để lại cho hậu
thế. Hãy dừng lại đừng để nó cuốn theo, hãy biết dừng lại dành thời gian để cảm
nhận và tự vui với những gì đã có.
Đã biết dừng lại, đặt thêm được một dấu mốc hết
sức quan trọng trong cuộc đời, trời đất, quỷ thần thiên địa đã ban cho ta. Nhưng rồi bàn xa tán gần cuộc sống vô thường ngắn ngủi, chẳng biết sống chết
lúc nào. Ai cũng biết thế nhưng đời sống luôn có những điều phải lo toan tính, những
khó khăn lăn lộn trên con đường mưu sinh và khẳng định quãng đuờng đang đến. Nhưng
ngay lúc này, chính lúc này đây, ta có quyền dừng lại. Danh lợi cũng chỉ là một
đoản kỳ tạm hư vinh có quyền tự hào vì những gì đã làm được. Vui chơi, sắm sửa đồ xịn, sẽ đi du lịch đó đây, mừng
vui thành tựu của mình. Đừng lo sợ nghèo đói khi về già, lại còn có tiền nghỉ
hưu nữa, đừng lo chuyện trơi ơi đất hỡi. Không một ai sống thay cuộc sống của
mình, cũng không cần phải sống thay cuộc sống của ai. Vì thế không ai có quyền đánh
giá hay nghi ngờ những nỗ lực
mà con người đã phải trải qua để đến với thời khắc này. Trăm năm trong cõi người
thật là dài mà con người mong ước ai đạt được thành quả tốt là diễm phúc. Tà
dương ẩn núp rình rập đâu đó. Đã là người không một ai đi tìm cái chết chỉ có
cái chết tìm đến người, hãy chuẩn bị hành trang để lên đường. Chúng ta có thể
hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà
không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc.
Với con người bằng da, bằng thịt trải qua
hai cuộc chiến tương tàn chống thực dân Pháp và tranh giành chủ quyền của đất
nước Việt Nam, con người đã lão thành trở nên già dặn. Là một người con nước Việt, ai cũng mong muốn sống trên cõi đời phải làm gì đối với núi sông. Hãy xây dựng
cho xã hội tiến hóa, cho dân tộc trường tồn. Có lẽ ban đầu tạo hoá đã ban cho
con người một đời sống giống nhau, nhưng dần dần con người lại có nhiều mưu mô,
xảo quyệt nên sinh ra kẻ giàu người nghèo, kẻ sung sướng người khổ cực, giàu
nghèo sang hèn. Tôi đã trải qua bảy mươi năm sống, thời thiếu niên, thời trung
niên và thời lão niên.
Ngoài cửa một cơn gió se se lạnh chợt vụt
qua. Mùa đông West Palm Beach của vùng nắng ấm, ánh nắng chan hòa quanh năm suốt
tháng. Mùa đông năm nay hơi lành lạnh, lại nỗi lên những cơn gió mạnh, những vạt
nắng lấp ló qua những đám mây thưa thớt ban trưa treo lơ lững với tiếng đập xào
xạc của những lá dừa xiêm xanh ngát.
Nguyễn Trà
Đầu xuân Ất Mùi 2015