Friday, September 11, 2015

Tình Thơ Trong Nghĩa Bạn Bè - Cao Mỵ Nhân

Nhóm bạn Lạc Thư thay Lời Tựa Mở Đầu tập thơ “TỪ THUỞ TRỜI CAO CHẺ ĐÁ BIA” của thi sĩ Mịch La Phong đã qua đời mấy năm nay, bằng một đoạn văn, mà tôi thấm ý, cứ đọc đi đọc lại cả tập thơ chỉ vỏn vẹn có 50 bài, gói tròn trong 80
trang, kể cả bìa:

“Có những người làm thơ không phải để được nổi tiếng, hay để được trở thành Thi Sĩ. Họ chỉ làm thơ để ghi lại những rung động, những ước mơ hay những bức xúc, băn khoăn… bất chợt nắm bắt được trong một khoảnh khắc nào đó giữa cuộc đời. Mịch La Phong là một trong những con người đó”.

Biết ý của quý vị Lạc Thư như thế, nhưng tôi không thể nào tìm được danh xưng hay hơn thiên chức Thi Sĩ dành tặng Mịch La Phong, một nhà thơ khẩu khí mà khí phách vô cùng:

Yêu Tổ Quốc như anh em ruột thịt
Yêu thiết tha như vợ, như chồng
Ôi Tổ Quốc khi cần ta sẽ chết
Cho mỗi xóm làng, ngọn núi, khúc sông
(Những Con Đường Biên Giới – trang 30)

Không phải chỉ khí phách trước núi sông, thôn làng, biểu  cho quê hương đất nước. Mà khí phách cả cách nhìn, lời nói bâng quơ, không mời gọi ai nghe, chỉ xôn xao cảm xúc:

Ta tung vài giọt nước chơi
Giọt đưa người đến, giọt mời người đi
Giọt tim làm mực thịnh suy
Còn đây một giọt chờ ai đầu nguồn
(Giọt Nước – tr. 47)

Quý vị bắt đầu phân vân trước cửa vườn thơ Mịch La Phong rồi, nhưng chưa thực sự yêu mến thơ thi sĩ đương nêu đâu, xin đọc thêm vài dòng tác giả ngơ ngẩn hỏi Trăng:

Đong đưa vài sợi tóc mây
Tuổi thanh xuân cũng vơi đầy sao Trăng?
Chén vàng đây hỡi tri âm
Đỉnh chung tìm nẻo hoa râm mà về

Rồi vân vân tiếp:
Đợi chờ vàng cuộc bể dâu
Lứa đôi chả lẽ vay màu tà huy
(Hỏi Trăng – tr. 44)

Cuộc đời từ tuổi thanh xuân, nỗi băn khoăn thế sự, bạn tri âm hỡi, chẳng lẽ vầng trăng như chén vàng đỉnh chung, địa vị, công danh, ôi, tóc đã hoa râm, đợi chờ chi nữa nhỉ, lứa đôi giờ cũng ngả màu chiều.

Trích dẫn đôi câu thơ Mịch La Phong theo cảm quan của người đang tán tụng thơ ông, e có điều chủ quan chăng? Tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác giả Mịch La Phong là ai, mà làm thơ đẹp đến thế. Những bài trong tập “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia” là những nỗi xúc động chân tình, mà ngôn ngữ thời nay thường liệt vào trạng thái bức xúc, ẩn ức, không đối thoại được với ai như ý, nên đành trải nó ra thơ,  những suy  tư, tuyệt vọng của một người mang tên Phạm Tồn Nguyên, sinh quán tại Phù Mỹ, Bình Định, đã từng là sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn, rồi nhập ngũ, đã lên tới chức Trung Úy, phục vụ trong binh chủng Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tan cuộc đao binh, vào tù cải tạo, ra trại, vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ, mất tại Boston ngày 25-6-2007.

À ra thế, Mịch La Phong vốn là một trung úy Hải Quân VNCH, nên suốt bề dày tập thơ “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia”, chỗ nào cũng có sông nước, hải hà, từ trong cuộc tình riêng đến ngoài đời chung cùng thiên hạ, nỗi khát khao phải nhường bước cho một niềm thương tủi vô bờ về quê hương, tổ quốc. Tôi có thể thêm vào bản tiểu sử trên, Mịch La Phong còn (có thể) là một chiến sĩ phục quốc, ông hiện diện ở mật khu, biên giới sau cuộc đổi đời. trong thơ ông nhắc nhiều lần đến các dòng sông, đỉnh núi, đến những địa danh Việt, Miên, Lào, v.v..

Theo chân quân Phục Quốc
Từ năm châu lũ lượt về
Như nước vỡ bờ đê
(Lên Đường – tr. 22)

Đây Tân Châu, Hồng Ngự
Chiến khu ta đã lập giữa lòng người
Đuốc nhân bản sáng ngời đường lịch sử…
(Cửu Long Giang Nối Tình Kháng Chiến – tr. 33)

Khi nói tới ra đi, là để làm nên một sự việc gì, thực hiện một hoài bão v.v… Mịch La Phong khẳng định những chuyến về quê hương, để phục quốc, tái tạo cuộc sống an lành xưa ở miền Nam, ông luôn đặt nặng trách nhiệm của các đấng nam nhi, nên:

Hưng vong lạnh đến cao sâu
Nhắc chi bia đá mà đau tượng đồng
(Ta Về… - tr. 37)

Song song với tình yêu non sông, tổ quốc, là tình yêu quý vợ con, bạn bè, toàn tập bài thơ nào cũng rải rác những  vần thơ đẹp, những câu thơ hay, kể cả chuyện vợ, con đã ra đi về cõi vô cùng, thật buồn cho một số phận người (tác giả), và số phận thơ (tác phẩm).

Vì thế, nhóm bạn Lạc Thư của ông, và nhà thơ Hồ Công Tâm, chủ nhiệm nhà xuất bản Hải Ngoại Nhân Văn vừa tái bản tuyển tập “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia” của thi sĩ Mịch La Phong mùa Xuân năm 2013 tại Texas. Lần phát hành đầu tiên do nhóm bạn Lạc Thư ấn hành ở Boston năm 1995.

Như vậy đã 12 năm, kể từ lúc xuất bản tập thơ lần thứ nhất, vào năm 1995, tới ngày rời khỏi chốn vãng sanh 25-6-2007, Mịch La Phong có lẽ chỉ xẻ chia tiếng sáo, cho âm thanh bay bổng đến chân trời, ngậm nỗi u sầu tận tuyệt cùng cây trúc, đón đợi gió tri âm.
Mịch La Phong hay là gió thổi trên sông Mịch La, con sông mang huyền sử một danh nhân, Khuất Nguyên thời Đông Châu Chiến Quốc bên Tàu - một chí sĩ, tôi trung của Sở Vương – đã viết nên tình khúc “Ly Tao” để diễn tả điều: “Cả đời đục, một mình ta trong”, cuối cùng phải trầm mình, chết nơi sông Mịch La đó, vì chán nản vua, quan nước Sở ươn hèn làm mất nước.

Thi sĩ Mịch La Phong một lần nữa “giải mã” tâm tư ông trong bài thơ Đường luật như sau:

Thời Gian
Con nước nào dâng ngập địa cầu
Xem thuyền phiêu lãng giạt về đâu
Hồn vương mộng mị xanh bờ mắt
Sương nhuốm tài hoa bạc mái đầu
Tuyết dẫu vùi chôn hương nguyệt bạch
Mai còn phảng phất vị thương đau
Một tràng tóc rụng trong xa vắng
Mường tượng trời xanh cũng đổi màu
Mịch La Phong
(TTTCCĐB – tr. 73)

Tức khắc có 9 vị thi hữu đáp họa, theo thứ tự, ghi nhận:

Người đã đi qua mấy nhịp cầu
Một trời tâm sự… biết về đâu
(Tâm Sự Người Đi - Hồ Công Tâm – tr. 73)

Tài hoa ở lại dòng thanh sử
Tâm sự vùi theo sóng bạc đầu
(Đọc Thơ MLP, Nhớ Khuất Nguyên - Nguyễn Kinh Bắc – tr. 74)

Đầy sông gió lạnh, sầu tha thiết
Đẫm lệ mi buồn, hận đớn đau
(Trở Lại Cầu Xưa - Nhật Hồng – tr. 74)

Bao năm dõi bóng trăng triền núi
Cố quốc vời trông, tóc đổi màu
(Bóng Trăng - Diễm Chi – tr. 75)

Không không sắc sắc vầng trăng mộng
Một thoáng trần gian bạc mái đầu
(Vãng Lai – Quang Nguyên – tr. 75)

Hun hút dòng sông hờn trước mặt
Tan tành cơn lũ buốt trên đầu
(Thời Gian Năm Cũ – Đông Anh – tr. 76)

Chiếm lại Hoàng Sa bao tủi nhục
Phục hồi hải phận dứt buồn đau
(Giấc Mơ Thủy Thủ - Hoài Việt – tr. 76)

Tiếng sáo, lời thơ đời mộng ảo
Thời gian hoa lá cũng phai màu
(Nhớ Mịch La Phong - Tuấn Linh – tr. 77)

Rùa thiêng buồn bã khôn phơi mặt
Tháp cổ xót xa khó ngẩng đầu
(Thăng Long Mất Máu - Đỗ Quý Bái – tr. 77)

Đan cử những vần thơ xướng họa giới thiệu với quý bạn đọc, không phải là để so sánh, mà để bày tỏ, những bạn thơ của thi sĩ Mịch La Phong, đã mỗi người tìm thấy ở thi sĩ tài hoa này một điểm gì gần gụi với các tác giả ấy, hay là ít nhất nói lên cảm nghĩ về tập  “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia”, một giọng thơ bi hùng, sầu thảm trong đau thương, cô quạnh, đến nỗi nhóm bạn Lạc Thư phải viết ra:

“Tiếc cho một nguồn thơ lai láng, trác tuyệt, căng tràn mạch sống, và đầy sức thuyết phục, nhưng không có cơ hội được nhiều người chia xẻ. Nhóm bạn Lạc Thư đã sưu tập thơ Mịch La Phong qua nhiều thời kỳ khác nhau”, có nghĩa thơ cũng bị thất lạc nhiều, để chỉ với mục đích hay cao vọng duy nhất của nhóm bạn Lạc Thư là giới thiệu “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia” cùng những người có duyên với thơ Mịch La Phong như là một cách tỏ tình tri ngộ với một thi sĩ tài hoa mệnh bạc.

Cũng trong  suy nghĩ đó,  từ rất lâu,   tôi được biết quý danh nhà thơ, qua người giới thiệu bộ tranh tứ bình miền Tây Sơn Bình Định, gồm 4 tác giả văn nhân tài tử xếp theo thứ tự bình phong là: Cù Hòa Phong, Đặng Phú Phong, Lâm Bình Phong, Mịch La Phong.

Cho tới khi được tin nhà thơ Mịch La Phong mệnh chung rồi, thì tập thơ “Từ Thuở Trời Cao Chẻ Đá Bia” mới được nhà xuất bản Hải Ngoại Nhân Văn của Hồ Công Tâm chuyển đến. Thế mới biết duyên thơ đôi lúc cũng như tình người ở đời, có dịp biểu lộ tâm tư chữ nghĩa, nào phải quan san gì trước rừng đào lý thịnh khai.

Để kết thúc, tôi xin trích dẫn 4 câu thơ của thi sĩ Mịch La Phong, mà tác giả Phan Đức Tuấn ở Boston đã diễn tả chút tình ở thơ Mịch La Phong:

Dưới gốc cây đào, lý
Có vết mòn thời gian
Đào, lý không nói được
Kinh kệ vãng hư ngôn
(Mịch La Phong – tr. 7)

Vâng, đào lý vốn là biểu tượng tri âm tri kỷ. Nếu thời gian làm mài mòn tình thân thương ấy, thì kinh kệ mà chi, đào lý sẽ nhạt phai thôi, huống chi tình thơ trong nghĩa bạn bè, bởi thơ là mộng, khó kiếm ở đời thường, nên càng trân trọng, chắt chiu nghĩa tình hiu hắt ấy. 

Hawthorne, ngày 10/7/2013 
CAO MỴ NHÂN