Monday, September 21, 2015

Cao Mỵ Nhân, 
           Dòng Tâm Thơ Nồng Nàn Lãng Mạn (tiếp)
                                                     - Song Nhị

SAU CUỘC CHIẾN 
“HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU”
  
“Sau Cuộc Chiến”, như tên gọi là một thi phẩm đã được sáng tác vài ba năm sau khi cuộc chiến tranh VN kết thúc – điều đó có nghĩa là tập thơ này đã được sáng tác cách nay 25 năm (tính tới 2003) với ý nghĩ
và tình cảm xác thực, tựa như  bài bút ký ghi lại sự kiện từ một hiện trường. 

Nhà thơ đã từng “thông báo” trên các bìa sách của chị về tên gọi tập thơ này từ nhiều năm trước. Nhưng mãi cho tới mấy tháng trước đây như một cơ duyên, tập thơ được giao cho CSTV Cội Nguồn ấn hành. Tôi được tác giả trao vinh dự viết tựa cho tập thơ và giới thiệu thi phẩm này trước cử tọa trong lần ra mắt tại San Jose.

Cùng với sự phân chia hai miền Nam Bắc, cuộc chiến ý thức hệ, kéo dài trong 20 năm, đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Kết cuộc đó đã đánh động lương tri loài người; làm tỉnh ngộ những kẻ từng tiếp tay cho tội ác. Một ca sĩ phản chiến Mỹ - Joan Baez đã bày tỏ sự hối hận, và trực tiếp có hành động chuộc lỗi, đích thân đi tìm sự thật từ các trại tị nạn Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia… Sau đó bà kêu gọi những kẻ phản chiến cũ cùng ký tên trên một thư gởi nhà cầm quyền CSVN. Thư đăng trên tờ Nữu ước Thời báo (The New York Times số ra ngày 1/5/1079) có 78 chữ ký của những nhân vật phản chiến nổi danh, nhưng không có tên nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda. Một Eddie Adam, ký giả tờ Newsweek, người nhận giải Politzer với tấm ảnh chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử một đặc công VC giữa mặt trận (*), hơn hai mươi năm sau đã tìm đến đứng bên giường bệnh nói lời xin lỗi vị cựu tướng QL/VNCH và trong lễ tang tướng Loan, Eddie Adam gửi vòng hoa phúng điếu với hàng chữ: “General, I am so, so... sorry. Tears are in my eyes” (Thưa vị Tướng, tôi rất, rất lấy làm tiếc. Lệ đã tràn trong mắt tôi).

Sau cuộc chiến ấy là cơn chấn động lịch sử đã đẩy đưa hàng chục triệu số phận mỗi con nguời Việt Nam vào một khúc ngoặt nghiệt ngã. Hàng trăm ngàn nguời vào chốn lao tù; hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi; hàng chục ngàn người bỏ xác nơi rừng sâu, đáy biển.

Sau cuộc chiến ấy đã có hàng trăm, hàng ngàn những truyện kể, những tác phẩm thơ văn của các chứng nhân, của người trong cuộc ghi lại điều mắt thấy tai nghe.

Cao Mỵ Nhân, nhà thơ nữ vào làng văn từ tuổi mười ba, nguyên là một sĩ quan cấp tá, một cán sự xã hội cũng không thoát khỏi lưới định mệnh của biến cố 30 - 4 - 75.

Sau cuộc chiến ấy cùng với hàng chục ngàn quân cán chính VNCH, nhà thơ cũng bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Sau ba năm ở trại tập trung, bà được chuyển sang lao động tại nông trường Tây Nam, nằm giữa khu tam giác Sắt Đồng Xoài - Rạch Bắp - Bình Dương. Cùng với bà, một số sĩ quan viên chức chế độ cũ cũng được gom về đây trong một toán kỹ thuật, đem chất xám xây dựng nông trường. Nhà thơ nghiễm nhiên trở thành y tá bất đắc dĩ và là “chị nuôi” cho toán chuyên viên này. 

Lịch sử đã sang trang, nhưng lịch sử cũng là sự tái diễn không ngừng (L’histoire est perpétuel recommencement). Có một chàng trai trong toán kỹ thuật vẫn ôm bầu nhiệt huyết với hoài bão và lý tưởng của một Nguyễn Trãi, của một Kinh Kha, mơ xoay chiều lịch sử.  Chàng trai đó là một Th/úy hai mươi lăm tuổi - là người em, cả về tuổi đời lẫn cấp bậc trong quân ngũ. Mối đồng điệu trong suy nghĩ, trong tâm tư cùng những chia sẻ gian lao khốn khó trong cùng cảnh ngộ, người “chị nuôi” mới ngoài ba mươi này, lúc ấy đã dành hết tình cảm quan tâm cho người em, người đồng đội – một chàng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Đọc hết tập thơ tôi cảm nhận đây là một tập nhật ký ghi lại những suy nghĩ, những tình cảm đang làm xốn xang, chộn rộn trong cõi lòng từng ngày, từng giờ, từng phút của tâm hồn thơ Mỵ. 

Trái tim, tự bản chất vốn yếu mềm và đầy ham muốn. Có một lúc chúng ta cảm thấy hình như là những lời nói, những cử chỉ vỗ về chăm sóc của người chị dành cho đứa em:

Nghe em kể chuyện ấu thời
Chị thương đứt ruột những lời trẻ thơ
Một góc khác là chuyện giữa những người chiến hữu, cùng lý tưởng, chung màu cờ, chung lời ước nguyện:

Tôi vừa thoát khỏi đam mê
Lại thêm vướng bận lời thề vừa trao

Bên cạnh đó là tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, Tổ quốc:
Non sông hiu quạnh nỗi mình
Sang trang lịch sử trở thành ước mơ

Và với vai trò người chị, tác giả đã trao gửi đến chàng trai những lời nhắn nhủ dặn dò:
Như dòng máu đỏ về tim
Em ơi giữ mãi ảnh hình quê hương
(Về Tim)
.....      
Hỡi em Tổ quốc mênh mông
Lửa thiêng em đốt cho hồng chí trai
(Những lần ngồi bên bếp lửa)

Một khoảnh góc khác, nhìn vào “hình như là tình yêu”. Sự quan tâm gần gũi, sẻ chia, chung đụng dành cho nhau giữa cảnh đời cá chậu chim lồng, bên những mầm chồi niềm tin, hy vọng đã nảy nở đóa hoa lòng, như lời thú nhận: “Phải rồi mình đã si mê”; Và chàng tuổi trẻ đã đi vào thơ Mỵ:
Đêm ơi, đêm tự bao giờ        
Và em, hiển hiện trong thơ tôi hoài

Một sự nhập nhằng đắn đo giữa lý trí và tình cảm, giữa con tim và khối óc, nhưng chắc chắn trong tình yêu, sự lựa chọn bao giờ cũng dành phần quyết định cho nhịp đập của trái tim:
Nhiều lần thổ lộ cùng thơ
Thương yêu nhưng lại giả vờ là không

Có sum họp là phải có chia ly. Người trai trẻ ấy, để thực hiện hoài bão của mình, để có thể tìm cách thoát thân, đã mượn cớ xin đi đánh “bá quyền” Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa năm 1979. Người cộng sản cũng mượn cớ này để đem chàng trai đi biệt tích. Tình chị dành cho em, tình người chiến sĩ cho non sông Tổ quốc, và hơn hết sự trống vắng của “đôi bạn” chung lòng đã khiến tác giả dội lên nỗi dày vò, thao thức, nhớ nhung, để không còn úp mở:

Mấy hôm nay khóc thật nhiều
Thương em hay chỉ là yêu cuộc tình
Có lúc tác giả thấy mình như lỡ làng, như ân hận:
Nhưng đã lỡ thương em thành khờ dại
Tôi thả em đi lặng lẽ một lần

“Tôi thả em đi” để rồi tôi thơ thẩn, tôi cô đơn, như vừa đánh mất một cái gì mơ hồ ảo thực, không hình, không bóng, lãng đãng nơi cuối đất, cùng trời:      

Tôi đi giữa lối hoa tươi
Tìm em khắp nẻo chân trời buồn tênh
Và để rồi chung cuộc:
Hai năm kể chuyện sông hồ
Người quen lặng lẽ ngó gò mối cao!

Đóa Hoa Lòng này đã choán phần lớn tập thơ “Sau Cuộc Chiến” với gần như toàn tập là những bài Lục Bát có những đoạn những câu đắt giá.

“Sau Cuộc Chiến” có giá trị đặc biệt là một tác phẩm đặc thù của hoàn cảnh và giai đoạn hình thành mà người viết là nhân chứng sống của một thời đoạn lịch sử.
“Sau Cuộc Chiến” là một kỷ niệm quý, đáng trân trọng của tác giả và của cả chúng ta.  

Song Nhị
San Jose 14 -12 -2003