Saturday, September 19, 2015

Cao Mỵ Nhân, 
           Dòng Tâm Thơ Nồng Nàn Lãng Mạn 
                                                     - Song Nhị
Nhà thơ Cao Mỵ Nhân

Cao Mỵ Nhân, tên thật cũng là bút hiệu, sinh trưởng tại lâm nguyên Chapa, một thắng cảnh du lịch hiện nay tại miền Bắc VN. Nhà thơ với một tâm hồn tràn ngập tứ thơ nhưng “sự nghiệp ngoài đời” lại là một sĩ quan cấp Tá QLVNCH, tốt nghiệp Cán Sự Xã Hội.
Làm thơ từ thuở mười ba, đến nay đã có khoảng mười tập thơ. Thi phẩm đầu tay “Hoa Sao” ấn hành năm 1959. Về Văn có hai tập “Chốn Bụi Hồng I & II. Trước 1975 là hội viên Thi Đàn Quỳnh Dao và tại hải ngoại là thành viên CSTV Cội Nguồn. Tác giả đã đến với Cội Nguồn rất sớm, cộng tác thường xuyên với tạp chí Nguồn. Và nổi trội hơn cả là hai thi phẩm do Cội Nguồn ấn hành vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai: “Đưa Người Tình Đi Tu” (2001) và “Sau Cuộc chiến” (2003) là hai thiên tình sử thể hiện tâm hồn “nồng nàn lãng mạn” của nhà thơ nữ này.

ĐƯA NGƯỜI TÌNH ĐI TU

Hình như có một thoảng trầm hương từ một không gian xa thẳm tỏa mùi thơm ngào ngạt, kéo sập hồn người chìm vào những miên man tưởng nhớ.  Một khung trời của tiếng kinh ngân nga chậm rãi...

Hình như tôi vừa nhấp một hơi men nồng. Không hẳn, có cái gì đó còn hơn thế nữa. Sâu lắng hơn, nồng nàn hơn, ngây ngất hơn. Tưởng như vừa qua một cơn thiếp đồng, dưới ánh đèn vừa đủ nhìn nét chữ, một không gian tĩnh mịch lúc về khuya. Tất cả mọi ồn ào đã lắng xuống. Tất cả mọi chộn rộn đã lắng chìm. Tôi xả hết mọi thứ ở cõi tâm thường tình, vọng động để còn là một khoảng thinh không thu hết vào một khung trời có mái chùa cong, có vầng trăng cổ nguyệt, có vạt áo cà sa, có màu áo lam thấp thoáng, ẩn hiện chập chờn trong mưa gió, trong tâm thức không rời. Có cả hạnh ngộ, luân hồi trong tâm tưởng của người tín nữ rụt rè trước cổng tam quan, trước cánh cửa chùa khi nào cũng đón mời rộng mơ,û mà sao như khắt khe, như ngăn cách. Phía trong thiền viện có trang sách bồng bềnh, có lời tụng Nam Mô. Trước mái hiên chùa có vầng kim ô, có nắng vàng rực rỡ, nhưng rồi là bóng tà huy nhàn nhạt; là sương, là gió, là đưa tiễn ngậm ngùi.

Con người đứng trên tất cả mọi đẳng cấp của vạn vật. Đức Thích Ca đã vượt ra ngoài cái ngã mà nhìn thấu suốt ba cõi ta bà. Chúng sinh thì chưa rời khỏi vòng mê lộ. Có kẻ mê lầm, có người thức tỉnh. Cuộc sống đâu là thứ hưởng thụ vật chất phù hoa. Còn cả một cõi tâm hồn dạt dào mơ mộng. Mơ mộng không chỉ với tình ái thú vui. Tâm hồn lắm khi chùng lại lâng lâng ngây ngất trước một mái chùa cong, trước vầng trăng lạnh, trước ánh trăng vàng. Nhà thơ mãi mãi miên man trong cõi vô thường, ngập ngừng tại nơi tìm đến, rụt rè như thờ ơ lãnh đạm với chỗ hẹn của lòng.
Đời là một cõi hợp tan, cả cái Tâm kia cũng vô thường chuyển hóa, huống chi duyên nợ hẹn hò, huống chi hữu duyên mà không nợ. Rồi một người ra đi, một người ở lại, hai bên, giữa ranh giới cuộc đời “Phật có bao giờ muốn xiết tay” cho nên:

Thôi nhé người vô miền tĩnh lặng
Tôi về thương nhớ áo màu lam 

Từ đó hình như có một hồn thơ khi thấp thoáng, khi chực chờ trước cửa cổng tam quan, trước cổng chùa vắng lặng, để “thơ buồn ướt cánh dưới sương lam”.
Thế rồi làm sao vượt ra ngoài cái lẽ hợp tan, tan hợp. Một người ra đi, một người ở lại. Từ một góc trời thăm thẳm trong hồn thơ, kẻ viễn hành vẫn ắp đầy hình ảnh của những cảnh cũ người xưa:
Áo người vẫn đậm màu lam
Hay phai từ độ tôi sang Hoa Kỳ
Áo màu lam vẫn nguyên trinh màu của nó. Hỏi làm chi màu lam y của người nơi thiền viện? Có phải cứ mãi băn khoăn cái lẽ “cách mặt xa lòng” mà nghĩ lan man sang màu áo? Biết rồi, màu lam y như một ám ảnh hồn thơ. Cả một khoảng trời chỉ còn lại một hình ảnh lam y, để mà tưởng tượng, để mà hình dung, để mà mơ tưởng.

Hiên sau chỉ có áo lam
Phơi trên dây đợi nắng sang, phai màu

Thật tội nghiệp cho tâm hồn thi sĩ:

Chan hòa lệ ướt tóc mây
Tờ thư nước mắt trong tay nghẹn ngào
Chao ôi, bạn chẳng nhớ sao
Người đi khấn nguyện xưa, sau một lời
Năm xưa trường hạ xa vời
Ai về Vạn Hạnh cho tôi bái từ.

Nỗi nhớ như quay quắt, niềm xót xa như quặn lòng. Nhưng không! Tâm hồn thi sĩ không chỉ dành cho những cảm lụy sụt sùi mà còn bao nhiêu những cảnh huống của tha nhân cũng đầy thương cảm. Cho nên lại bồi hồi về nơi quê mẹ bão bùng mưa lụt, ở nơi quê người thì thương nhớ quạnh hiu. 

Đã nói mà! Chỉ một sợi râu bạc cũng đủ xoáy vào lòng người, làm rung nhịp giao thoa của tâm hồn đa cảm. Nhưng không, vòng tay đã trống vắng, lạnh tanh như lời tự thú. Có gì có thể thay thế được cái bóng dáng như vô hình mà hiển hiện dưới mái tam quan. Biết là vậy. Biết là như thế. “Tất cả là khói sương”. Thế mà mấy ai vượt ra khỏi cái ngã vô minh. Và nhà thơ tự hỏi: Tại sao ta không rất bình an, rất đại thừa như người sư nữ với nụ cười dung dị, với ánh mắt đăm chiêu:

Có chi tất cả trong đời sống
Biến diễn qua cô rất mỹ miều.

Biết vậy mà lòng ta vẫn không bắt nhịp được với cái tâm pháp kia của nhà sư nữ. Cõi tâm là cả một kho tàng chứa đầy sức huyền diệu. Nghệ thuật của sự sống là làm đẹp cho đời bằng vô số mầm gốc thiện mỹ chất chứa ở mỗi tâm hồn. Từ cõi tâm, từ cái vô ngã, từ cái huyền nhiệm mà chiếc bóng lam y kia cứ trên đường bước tới tự tại an nhiên. Người đã bỏ lại phía sau tất cả. Người để mặc phía sau mọi thứ rộn ràng, mọi điều hệ lụy mà thảnh thơi bước tới trên con đường vô ngã, rọi ánh hào quang. Thì người tín nữ hãy cứ đứng nhìn theo như nàng chinh phụ trong huyền thoại ngàn xưa đứng nhìn, dõi theo một bóng hình từ muôn dặm quan san, vẳng bên tai khúc nhạc truyền hịch “lệnh vua hành quân trống kêu dồn” rồi quay về bế con đứng đợi. Đó cũng là hình ảnh mà tôi bắt gặp hôm nay: Nàng thơ đưa người tình đi tu để để lại di sản một áng thơ và một cõi tâm hồn rất đẹp.
Với cái nhìn từ góc cạnh “sống gửi thác về”, với cái thiền niệm có từ tâm đạo, nhà thơ lại sững sờ suy nghĩ: Tại sao ai cũng biết cả thế gian này là cõi tạm. Tất cả là vô thường, tất cả là biến hiện, kể cả cái hình hài, cái châu thân kia cũng là sắc không, không sắc mà không tìm lấy một cõi tâm an nhàn thanh tịnh; mà cứ mãi ngụp lặn trong cõi thất tình “hỉ, nộ, ái ố, dục, ai, cụ”. Mà cứ phải đợi cho đến khi nhìn lại mình qua một dung nhan tàn héo, một mảnh hình hài nằm bất động trước lúc di quan? Nhà thơ chợt giật mình:

Chao ôi, ai cũng rồi như thế
Mà vẫn đua tranh đến tận cùng

Tôi vừa “bám” theo tác giả suốt trên chặng đường “Đưa Người Tình Đi Tu”, lượm nhặt những dòng cảm nghĩ, sao chép lại những ngôn ngữ, ý từ của nhà thơ, của “Đưa Người Tình Đi Tu” mà viết nên đoản văn này. Cách đây hơn năm năm tôi đã từng ngồi sững người “trầm ngâm như tượng đá” khi đọc Thơ Mỵ:

Hình như chính khách làm thi sĩ
Cũng dễ như đang ở chính trường
Thi sĩ một thời mê chiến sử
Đã từng lập quốc dựng ngôi vương

Có thể, có một lúc nào đó, có ai đó gọi tôi là thi sĩ, nhưng chưa bao giờ tôi là chính khách. Thế mà không hiểu tại sao tôi lại “nhập vai” đến lạ lùng. Trong cuộc sinh tồn và phát triển của dân tộc, các bậc tiền nhân thiếu chi những trang anh hào thi sĩ từng mê chiến sử, từng lập quốc và dựng ngôi vương, những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông... Tôi say mê từng trang sử Việt. Tôi yêu thích thơ Mỵ từ đó. Từ đó tôi vẫn đọc và đã đọc tiếp những tập thơ khác của chị nhưng lần này có lẽ do ma lực của thơ, của thiền, tôi đã bị dẫn dắt đi theo suốt chặng đường “Đưa Người Tình Đi Tu”. Đó là tựa đề tập thơ thứ Năm của nhà thơ nữ Cao Mỵ Nhân. Cái tựa đề thoạt nghe có cái gì như là lạ, khó ưa, nhưng lại gợi tò mò. Và khi đọc một bài, rồi hai bài thì không thể nào buông quyển sách xuống.

Đưa Người Tình Đi Tu là cả một dòng xúc cảm cuộn lên từ trái tim son trẻ và từ tận đáy tâm hồn nồng nàn lãng mạn, từ ngôn ngữ và cách nhìn của một con người già dặn, từng trải.

Tác giả đã rào đón với tôi rằng “đó chỉ là một thiên tình ca tưởng tượng”. Thì có sao đâu. Ước gì “thiên tình ca” đó là một “kịch bản” dựa vào một câu chuyện thực ngoài đời.
Bản sắc của tập thơ từ bài đầu đến cuối sách toàn một màu thiền bao phủ. Hồn thơ nhập vào tâm đạo. Tâm đạo trở thành cứu cánh giải cứu những hệ lụy tục trần. Tình yêu do đó trở nên lẽ huyền nhiệm của cuộc sống.

Khi xếp tập sách lại tôi còn nghe đâu đó tiếng ngân vọng của hồi chuông chùa, có cả mùi trầm hương quyện lấy tâm hồn tôi. Lâng lâng mà thanh thản.

Song Nhị/San Jose, 8/2001

Kỳ tới: Sau Cuôc Chiến "Hình Như Là Tình Yêu"