Friday, August 28, 2015

Những Đám Mây Buồn - Cao Mỵ Nhân

Bước vào phòng triển lãm tranh tốc họa của nữ họa sĩ Bé Ký ở cơ quan Văn Hóa Pháp, tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn Saigon cách đây hơn nữa thế kỷ, tôi không thật sự đi xem tranh, mà tới tìm tác giả.
Tôi rời trường nữ trung học Trưng Vương ở đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm, chạy xe đạp tới phòng triển lãm, thì trời sập tối,

Bé Ký đứng một mình ở cửa ra vào, giờ đó đã vãn khách 2 đứa nhìn nhau, cùng cười.
Bé Ký mau mắn hỏi tôi:
- Đi học về hả? Sao không rủ bạn đi xem tranh?
Tôi ngơ ngác:
- Có bạn nào đâu, gặp Bé Ký cho biết thôi, rồi phải về ngay, vì tối rồi.
Tức khắc Bé Ký với tôi thân thiết như từng là bạn nhau, mà sự thực thì Bé Ký với tôi chưa hề gặp nhau, tôi chỉ đọc tờ báo có hình ảnh Bé Ký và những bức tranh tốc họa, do ông họa sĩ Trần Đắc, gọi là Bố nuôi của Bé Ký có xưởng vẽ ở đường Nguyễn Tri Phương cung cấp, tôi thích gặp Bé Ký thôi.
Thủa đó, chúng tôi cùng để tóc đuôi gà, tôi mặc áo dài trắng nữ sinh, còn Bé Ký được bà Trần Đắc cho mặc một chiếc áo dài in bông hoa nhã nhặn.
Bé Ký với tôi không hề nói chuyện về tranh cả 2 toàn kể các thứ chuyện ngoài lề cuộc triển lãm, về nơi ăn, chốn ở, việc làm của Bé Ký, biết tôi còn đi học, mặc dầu Bé Ký thích đời sống nữ sinh, nhưng vẫn hồn nhiên kể cho tôi nghe nỗi khổ tâm của Bé Ký cùng những bức tranh phải vẽ vì sinh kế nhà Họa Sĩ Đắc.
- Mình dấu tờ hai chục mới tinh vào lưng quần, tiền mình bán tranh trên đường Tự Do, ai dè bà Trần Đắc thấy, bà vừa bắt trả lại, vừa đánh đòn.
Tôi vốn đã làm thơ, viết truyện đăng báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Văn Nghệ Học Sinh, nên cho là Khía cạnh thương tâm của xã hội, càng đi sâu, đi sát tâm tư tình cảm cô họa sĩ trẻ, sớm bất hạnh ở lứa tuổi của mình.
Những ngày sau, trở lại dọc đường Tự Do thành phố Saigon xưa Bé Ký mặc quần đen, áo lá bình dân, tay cắp bọc tranh, tay cầm giỏ đựng bút mực và giấy vẽ, đường Tự Do là thị trường vẽ của Bé Ký, Khách muốn mua tranh và vẽ tranh tốc họa, toàn là du khách Âu Mỹ thời bấy giờ, cuối thập niên 50 thế kỷ trước cứ thế thân quen với nhau, tìm đến nhà nhau chơi chóng vánh, vì Bé Ký phải vẽ thêm ở xưởng vẽ của Bố nuôi, họa sĩ Trần Đắc, mà cũng chỉ có tranh tốc Họa của Bé Ký là bán được, còn tranh Trần Đắc chỉ để làm cảnh.
Ít năm sau chúng tôi mất hút nhau, tôi ra miền Trung lập gia đình, làm việc Xã Hội, Bé Ký cũng lập gia đình, và vẫn vẽ.
Tới khi tôi trở về đô thành Saigon Chợ Lớn là cả Miền Nam đã đổi đời, tình cờ tôi gặp lại Bé Ký ở cửa chợ Dakao, Bé Ký bảo rằng nhà Bé Ký gần đó, đầu đường Phan Thanh Giãn, cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức có xưởng vẽ ngay tại khuôn viên nhà đang ở.
Tất nhiên tôi lại nhiều lần chạy xe đạp tới chơi nhưng nay Bé Ký không còn rảnh rang như xưa, suốt ngày bận việc nhà, việc tranh, và việc vượt biên vào thời điểm các năm đầu thập niên 80.
Còn tôi thì ở hoàn cảnh "sụp be"hoàn toàn, nhà cửa, xe cộ đã bị bạo quyền tịch thu ở Đà Nẵng, tôi đã từ trại tù cải tạo chuyển qua nông trường lao động, giờ ra trại thì chỉ còn chạy xe đạp, lòng vòng các nhà bạn bè, bỏ mối nào nước mắm, mật ong, đường thốt nốt vv...Bé Ký chiếu cố mấy chai mật ong do bạn tù đưa từ "mật khu phục quốc" về bán cho thân nhân và bạn hữu, để có chút tiền lời sống qua ngày, do tôi bán dạo.
Họa sĩ sơn mài Hồ Thành Đức là một mẫu người trong số những mẫu, mã người lý tưởng anh ta đam mê vẽ tranh, bức nào cũng lớn như chiếc chiếu hoa, có bức còn phải nối lại, như cả một tường thành vĩ đại.
Hình như vẫn có khách từ ngoại quốc về thăm quê hương đặt hàng sơn mài, tranh sơn mài của Hồ Thành Đức còn kỳ công hơn nữa.
Cũng rất tình cờ, một lần Hồ Thành Đức nói:
- Tôi (Hồ Thành Đức) mồ côi, nên gặp Bé Ký mồ côi là tôi cưới ngay, phải có hoàn cảnh giống nhau mới thông cảm và thương nhau được.
Tôi không dám hỏi thêm, chỉ nghe, vì bạn tôi Bé Ký ngày nhỏ khổ thế nào, nay được tình thương của Hồ Thành Đức là tất phải, quả trời đã thấu hiểu và bù đắp cho tác giả những bức tốc họa vội vàng mà được khách phương Tây đánh giá cao, có người chồng gương mẫu.
Họa sĩ Hồ Thành Đức thản nhiên nói:
- Tranh dầu thì khó bì với ngoại quốc, nhưng sơn mài của tôi, hay cái lối tốc họa của Bé Ký thì được cái hợp với ý thích của họ, tôi có đưa mấy bức tranh Bé Ký vào Mài, Cao Mỵ Nhân ngắm thử.
Quả tôi có thấy mấy bức tranh tốc họa của Bé Ký trên nền mài, như sang trọng hẳn ra.
Bé Ký lúc nào cũng tươi cười, bạn vui vẻ nói:
- Ông ấy (Hồ Thành Đức) đổ vào cái xưởng tranh này bao nhiêu là vàng...
Tôi cảm thấy trái tim, tôi thắt lại, cái túi tiền để giành của tôi đã mỗi lúc mỗi vơi, vì cứ mỗi khó khăn gia đình, lại phải lấy một chỉ vàng đi bán, đã phá sản vì thời cuộc đổi thay, nhưng vàng với gia đình tôi chỉ có vài chục cái nhẫn mong manh, những bộ máy...nhai(bao tử) của 5 mẹ con tôi xơi đã cạn láng...Tôi hỏi Bé Ký:
- Ủa, phải có vàng mới làm được sơn mài à?
- Chứ gì nữa. Qua xưởng mình(Bé Ký) cho xem ông ấy ủ tranh.
Rồi chúng tôi lại...lạc nhau, vì mỗi gia đình mối lo đi xuất cảnh theo kiểu cách riêng. Tới Hoa Kỳ vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Tôi lại cố ý đi tìm Bé Ký, chúng tôi từ thủa tóc đuôi gà, nay đã thành các cụ...hạ thọ. Bé Ký vẫn còn nụ cười hồn nhiên xa xưa, nhưng họa sĩ Hồ Thành Đức mặc dầu ông luôn giữ thái độ vô tư, hào phóng, có lẽ mọi sự, mọi chuyện chung quanh ông, ngoài xã hội, ở cả một vòng trái đất, đối với ông, người họa sĩ đã và đang nguyên vẹn cách suy tư về bất kể phương diện nào bất cứ lãnh vực nào, không phải chỉ vẽ, chỉ làm tranh, mà có thể nói sức làm việc thiện chí sẵn sàng trước các hoàn cảnh nghệ thuật cùng cuộc sống, người họa sĩ xem nhẹ tựa mây trời...

Ở một góc tâm hồn, Hồ Thành Đức cũng thực sự là nhà thơ lãng đãng, có lẽ ông không cần lắm cái việc trở thành thi sĩ cho mất thì giờ rong chơi của ông, tôi đọc được bài thơ"Mặt Trời ở Lại với Đại Dương", Hồ Thành Đức đăng trên Saigon Times:

Đã đến lúc chim chiều bay mệt mỏi
Núi sông xưa, cao ngút đỉnh u sầu...
...
Tuổi mồ côi chân gõ gót âm thầm
...
Tưởng đi là gặp lại cõi thiên đường
Sao đến chốn mây buồn bay trở lại...
(Hồ Thành Đức)

Chẳng lẽ nào một người ham làm việc thế, giàu thiện chí với đời thế, mà đoạn cuối hành trình nhân sinh, lại vẫn chỉ gặp những đám mây buồn, bay trở lại ... hay bay về đâu?
Bạn hữu bốn phương, nếu ai đã từng quen biết Hồ Thành Đức, Bé Ký từ xưa, đều cảm nhận rõ phẩm chất chung thủy của cuộc đời không xóa được nỗi cô đơn trầm trọng trong suy tư lẫn ngoài cách sống, tuy rất lòa đồng mà vẫn vô cùng đơn độc, vì ước mơ, hoài bão lớn quá, bày tỏ ra thì có vẻ gàn, song, sự thực là thế, cánh chim bay mỏi mệt, rã rời, giữa lúc trời sắp sập tối, xin mặt trời ở lại với Đại dương, đừng khuất sau chân núi, mà cũng đừng rơi xuống nước...

Hawthrone 6-11-2011
CAO MỴ NHÂN