Tuesday, June 2, 2015

Ngôn Ngữ Xưng Hô Của Người Việt 
                                          - Cao Thoại Châu

Để xưng hô với nhau, dù quan hệ giữa ngôi thứ nhất (xưng) với ngôi thứ hai (hô) như thế nào (cha / con; cai tù/ tù nhân; anh/ em v.v...) thì tiếng Anh và tiếng Pháp - hai ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới - cũng chỉ có I- you; je-tu (hoặc vous
nếu là số nhiều) mà dịch thật sát nghĩa như vẫn thường dịch có thể là… mày-tao!

Ngôn ngữ xưng hô là mảng phong phú nhất mà cũng phức tạp nhất trong tiếng Việt. Khi xưng hô, phải tùy theo mối quan hệ giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai mà chọn từ thích hợp. Con xưng hô với cha mà "Bố, cho ta (tao, tớ, mình, tiểu đệ v.v...) cái này" thì… hơi bị mất dạy!

Nghe người Tây nói với nhau khó phân biệt ngôi thứ của họ, nhưng khi nghe người Việt nói: "Anh vào cho mẹ bảo" thì hiểu liền ai đang nói với ai, xưng hô trong tiếng Việt có cái thú vị như thế. Không chỉ phải đảm bảo ngôi thứ mà còn phải biết tuổi tác già/ trẻ khi xưng hô, với người dưng khác họ nhưng cao tuổi hơn thì xưng hô là chú - cháu; cụ - con; mệ - con; cô - cháu v.v...

Mới biết nhau nhiều khi xưng hô chị - tôi hay anh - em, tôi- cô nhưng khi đã nhá đèn và được nhá lại thì qua điện thoại đã có thể một nửa, "hào phóng" một tí đã có ba phần tư (của anh hay của em). Nhớ ngày còn đi học Trung học, trong các lớp hỗn hợp nam nữ, học sinh thường ít dám gọi đích danh nhau. Gọi bằng anh, chị thì ngại chê già, khách sáo; gọi tên lại có vẻ cầu thân. Tiến thối lưỡng nan đành... nói trổng.“Làm ơn tránh qua dùm một chút đi. Cám ơn". Hoặc “Nói có vậy mà cũng giận, khó quá.’’. Muốn gợi chuyện làm quen cũng thường ấp úng hay “lửng lơ con cá vàng”: “Hôm qua thấy… đi chợ, muốn chào mà thấy… như muốn làm lơ nên thôi”. Ăn tiền ở những cái lửng lơ đó đó!

Ở nông thôn, vợ chồng người Việt xưng hô với nhau mới thật là tuyệt nhất thế giới, mới thật là một nửa của nhau: Mình - tôi, nhà - tôi. Không tuyệt sao được khi mình chính là cái thân cha mẹ cho tôi? Đúng là mình với ta tuy hai mà một, ngôi thứ nhất như hoá thân nhập vào ngôi thứ hai. Thời tam đại đồng đường ở nông thôn, những cặp vợ chồng thuộc thế hệ thứ ba (hoặc tư) sống chung nhà với ông bà (chưa già bao nhiêu), cha mẹ (còn có thể sinh thằng út), đã quen xưng hô theo gia phong (nghiêm cũng không thua quốc pháp), chẳng dám anh - em hoặc khỉ con đanh đá, một nửa, cục cưng, cho nên bao nhiêu tình tứ đành cứ "ém" trong lòng. Một bữa anh chồng ra ruộng cày, trưa cô vợ mang cơm ra, đứng trên bờ gọi tạo thành mẩu đối thoại sau: Ai ơi ai lên mà ăn, trưa rồi/ Ai ơi, ai gọi ai đấy?/ Gọi ai chứ còn gọi ai nữa, nỡm!/ Cơm ai nấu ngon lắm hử?/ Ai nấu làm sao ngon bằng ai được”.

Mấy anh Tây biết nhiều ngoại ngữ đã tròn xoe đôi mắt chào thua ngôn ngữ của người Việt! Xưng hô trong quan hệ thầy trò còn độc đáo hơn nữa mà hiếm thứ tiếng nào có nổi. Ngày xưa thì thầy - con, ngày nay thầy - em. Xưng em với thầy dù khoảng cách tuổi tác tương đương ông ngoại với cháu, nhưng đã không hề thất lễ lại còn đầy tình nghĩa vừa tôn kính vừa thương yêu vừa gần gũi. Có một phụ nữ dẫn con đến trường, khi gặp thầy của con mình, mẹ “Thưa thầy, còn nhớ em không” thì cậu con lớp 12 cũng “ Té ra thầy cũng dạy má em nữa”. Hai mẹ con cùng xưng hô một kiểu tiếng nói đặc dụng của môi trường sư phạm, mới đáng phục cho tiếng Việt!

Xưng Hô cho thấy nền tảng văn hóa của từng người và là một giao thông tinh thần giữa người với người nhằm chuyển vận những thông tin, tình cảm, tâm trạng, thái độ chứa trong lòng từ mình đến người khác. Chở hàng còn phải tùy hàng loại gì, đường ra sao, địa chỉ nhận nằm ở đâu để mà chọn phương tiện phù hợp, tránh tình trạng dùng xe container chở hàng vào hẻm!

21-4-2015 
Cao Thoại Châu