Một Khuôn Mặt Văn Học Của Quảng Trị
- Lê Mai Lĩnh
“Tôi reo hò dựng
cờ nhân bản mới
Những bàn tay tả
hữu hãy rời xa
Ở đây thánh địa
tình yêu đang mời gọi
Người nắm tay
người khởi xướng khúc hoan ca”.
Vâng. Đó là thơ
của Thạch Nhân Trần Đình Bé, năm anh vừa mới học lớp Đệ Tứ trường trung học
Nguyễn Hoàng.
Một bà bán cá ở
chợ Quảng Trị không biết đến tên anh là điều không ngạc nhiên. Một gã Lê Dương
say rượu la lối om sòm ở Vạn Đò đường bờ sông không biết đến tên anh, cũng là
điều không ngạc nhiên. Nhưng những ai, ở Quảng Trị, có máu văn nghệ, có nòi văn
học, mà không biết đến tên Thạch Nhân Trần Đình Bé là một điều thiếu sót. Như
thế, cũng có nghĩa là họ chẳng văn nghệ, chẳng văn học một chút nào.
Vâng, Thạch Nhân
Trần Đình Bé, cách đây gần 40 năm, người Quảng Trị, học sinh trường Nguyễn
Hoàng, đã có thơ, văn chiếm lĩnh nhiều nhất, so với những người cầm bút khác,
cũng Quảng Trị, trên văn đàn miền Nam sau 1954.
Ngoài tờ Thời
Nay, tầm tầm bậc trung, thơ văn anh có mặt đều đặn, anh đã có bài thường xuyên,
trên hai tạp chí rất có giá trị về mặt văn học bấy giờ là tờ Bách Khoa và Gió
Mới.
Những bài viết
của anh, với những tựa đề “Đứng Ngồi Không Yên” hay “Dầu Sôi Lửa Bỏng” đã nói
lên những trăn trở, thao thức bấy giờ của một người thanh niên Quảng Trị, trước
vận mệnh dân tộc và tương lai giống nòi. Dù mới trên dưới 20 tuổi, ngòi bút của
anh đầy tính suy tư, trách nhiệm của một kẻ sĩ. Anh xứng đáng được gọi là kẻ
sĩ. Tôi có nghe ai đó, ở đâu đó nói rằng: “Anh cho tôi biết anh đọc những sách
gì, tôi sẽ biết anh là người như thế nào”. Và tôi đã thấy tủ sách của Thạch
Nhân Trần Đình Bé bấy giờ là những tập Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, Những
sách triết của Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, bản dịch của nhiều triết gia ngoại
quốc. Tủ sách của anh có đầy đủ các tạp chí thuộc loại khó nuốt như Đại Học
(trường đại học Huế), như Quê Hương (của nhóm Trần Kim Tuyến), sách của nhà
xuất bản Quan Diểm của Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ… và Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ
Hai Mươi, Những Vấn Đề của Chúng Ta. Giữa lúc nhiều người khác, bấy giờ, đang
đắm chìm torng văn chương Tự Lục Văn Đoàn, Tùng Long, Dương Hà, Hồ Biểu Chánh
thì anh đã chọn cho mình một thứ văn chương và triết học như thế, đủ biết anh
là người như thế nào.
Nhờ vào nhân
cách của anh, tài năng của anh và tủ sách của anh, tôi đã sáng lên được phần
nào. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu bây giờ ngòi bút của tôi, tên
tuổi của tôi có lóe sáng tí nào, tôi không thể quên những ngày tháng gần gũi
ngọn đèn của Thạch Nhân Trần Đình Bé. Sống với bạn bè, anh vuông tròn không
trách vào đâu được.
Với văn học,
trong tư cách một người cầm bút, anh viết với đầy đủ tư cách và trách nhiệm của
một người trí thức trước vận nước nổi trôi. Anh ít nói, sống nội tâm, nhìn vào
anh người ta dễ nghĩ anh là một người cô đơn. Nhưng chính ra, anh để cho ngòi
bút của mình nói những điều anh cần nói, để cho ngòi bút của mình tung hoành
trên mỗi trang giấy, trên mỗi dòng chữ. Khi anh bước đi, mặt nhìn xuống mặt đất
như anh đang nhìn vào một cõi mênh mông nhân tình thế thái.
Mùa hè năm 1962.
Ôi mùa hè năm 1962. Mùa hè của bạn bè. Mùa hè của kỷ niệm. Mùa của họp mặt cuối
cùng để phân ly. Mùa của tan tác. Mùa của sau đó, mỗi đứa một đàng. Lê Văn
Chính vào Võ Tánh Nha Trang. Trần Đình Bé vào Trần quý Cáp Quy Nhơn. Phan Bá
Ân, Nguyễn Hữu Chánh vào Thủ Đức, chia lìa cũng từ mùa hè năm ấy.
Mùa hè của lễ
Phật đản lớn nhất và cuối cùng do Tỉnh hội Phật Giáo tổ chức. Một kỳ trại kéo
dài ba ngày đêm trên bãi cát trước chùa Tỉnh Hội với chiều dài trên ba cây số.
Một lễ đài được dựng lên với tượng Phật Thích Ca cao vòi vọi. Ba đêm văn nghệ
do gia đình Phật tử toàn tỉnh phụ trách mà trách nhiệm chính vẫn là gia đình
Phật tử Quảng Thiện.
Năm đó, nhân mùa
Phật đản, tỉnh hội tổ chức một cuộc thi văn chương Phật Giáo, áng chừng khỏang
20 người tham gia. Thạch Nhân Trần Đình Bé và Lê Văn Chính được hai giải nhất
đồng hạng. Phần thưởng là 50 đồng và hai quyển sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam và Ánh Đạo
Vàng của Võ Đình Cường.
Năm 1963, khi
tôi đang chuẩn bị xuất bản tập thơ Nỗi Buồn Nhược Tiểu, anh từ Quy Nhơn vào Nha
Trang ở lại với tôi ba đêm, anh nhận lời viết bài bạt cho tôi trong tập thơ đó.
Năm 1974, lúc đó
anh là Trung sĩ Thiết Giáp ở Hậu Nghĩa, anh lên Đà Lạt thăm tôi với ý định ở
lại một tuần. Nhưng ngay đêm đầu tiên một tai nạn tệ hại cho tôi đã xẩy ra.
Chuyện rằng, lúc anh lên là tôi chưa lãnh lương. Lấy tiền vợ uống rượu là điều
tôi không muốn. Tôi thì sẵn sàng nơi để ký “sổ đoạn trường”. Tôi chở anh ra phố
và gặp nhà thơ Lê Văn Ngăn, Trung sĩ,
bán quầy Quân Tiếp Vụ. Đèo thêm Ngăn trên chiếc xe Honda, tôi đến nhà Lê Kim
Ngọc, Trung sĩ Ban 2 Chi khu Lạc Dương với tôi (tôi là Trưởng Ban 5 Chi Khu).
Nhà Ngọc có một tủ rượu luôn luôn đầy ắp, do các chủ khai thác lâm sản “cúng”.
Trên chiếc Honda, bốn người trực chỉ quán gỏi gà khu Thủy Tiên. Quán có một mẹ
già và hai cô con gái xinh đẹp trường Bùi Thị Xuân. Lúc thanh toán tiền là lúc
tôi ký sổ nợ và để lại ba cái thẻ báo chí làm tin là Độc Lập, Hòa Bình và Da
Vàng. Cũng có ý định dợt le với hai cô gái. Ta là nhà báo. Anh là nhà báo đây
em.
Đêm khuya, chở
Thạch Nhân về nhà, ngất ngưởng, vợ tôi chờ cửa nổi giận, một trận chiến vùng
vịnh xẩy ra. Trước mặt bạn bè, vợ tôi âu yếm tặng tôi hai cái tát tai sau khi
tôi cũng âu yêm tặng vợ tôi hai cái trước đó. Tình hình chiến sự trở nên quá
tồi tệ. Đêm đó tôi vào nằm cạnh vợ tôi như nằm cạnh một tảng băng. Tôi cũng
băng. Thạch Nhân nằm ở phòng bên. Sáng hôm sau tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng, bạn
tôi đã xách gói ra đi. Tôi phóng lên bến xe gặp Thạch Nhân đang ngồi uống cà
phê chờ xe khởi hành. Tôi nói với bạn, tôi chán nản dời sống gia đình. Tôi muốn
thoát ly như Dũng của Đoạn Tuyệt. Tôi nhờ anh về Sài Gòn liên lạc vối Tổng Cục
CTCT cho tôi thuyên chuyển về trong đó.
Khoảng một tháng
sau tôi nhận được thư anh cho biết, người của Tổng Cục không can thiệp được.
tôi mất liên lạc với anh từ đó, nhưng trong lòng tôi mãi mãi anh hiện hữu, ngay
cả bây giờ lúc viết những dòng này.
Năm 1979, khi ở
trong nhà tù Cộng sản tại khu Vĩnh Phú, một người bạn ở Đông Hà, Nguyễn Văn
Diễn cho tôi biết, Thạch Nhân Trần Đình Bé đã chết vì đạn pháo kích của Cộng
sản vài ngày trước 30/4 tại Hậu Nghĩa. Thế là tôi vĩnh viễn mất anh. Thế là,
vòm trời văn học Quảng Trị và ngay cả Việt Nam đã mất một nhà văn, nhà thơ
Thạch Nhân Trần Đình Bé.
Điều sau cùng
tôi muốn đề nghị, là những ai còn sống sót để trở về Việt Nam hay Quảng Trị,
hãy đến thư viện lục tìm những tạp chí Gió Mới, Bách Khoa, Thời Nay, sưu tầm
những bài văn, bài thơ của Thạch Nhân Trần Đình Bé, thực hiện cho thi sĩ một
tuyển tập. Tôi nói điều này trong sự bình tĩnh và sáng suốt. Tôi không phải vì
bạn mà nói quá lời.
Nhân danh cha và
con và thánh thần. Amen!
Lê Mai Lĩnh