Ám Ảnh Bích Khuê - Sương Biên Thùy
Mùa hè năm 1962, tôi rời trường Nguyễn Hoàng, Quảng
Trị vào Võ Tánh, Nha Trang, tôi mang theo hai kỷ niệm khó quên.
Một:
Tôi vừa nhận Giải Nhất Văn Chương lần đầu tiên do
tỉnh giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Hai:
Tôi vừa hoàn thành xuất sắc Buổi Thuyết Trình Đầu Tiên, kể từ ngày trường Nguyễn Hoàng thành lập, trước sân trường, trước gần 1000 học sinh với đề tài "Tự Do của Học Sinh tại Học Đường"
Bấy giờ tôi học đệ tứ, thầy Phạm Lộc là giáo sư Việt Văn cũng là người thầy phụ trách lớp.
Trong giai đoạn đó, những người khác đang mê Tự Lực Văn Đoàn, Đời Phi Công,của Toàn Phong, thì tôi lại chọn sách gối đầu giường là
những cuốn Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, Giờ Thứ 25, Buồn Nôn, Người Xa La... Tôi
đọc sách của nhóm Quan Điểm gồm Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan...
Điều nầy làm thầy Phạm Lộc chú ý.
Trong những bài luận văn về đề tài văn chương
thì tôi viết không hay, nhưng phần bài nghị luận, tranh luận, tôi thường được
nhất lớp.
Chính thầy Phạm Lộc đã khuyến khích cho buổi thuyết
trình của tôi.
Mùa hè 1962 khi vào Nha Trang, với tôi là một vụ
mùa bội thu văn chương. Trước đấy mấy năm, tôi thường tìm tên mình trong mục
"Đã Nhận Được Bài" là tôi đã vui. Nay bài của mình, thơ và văn đã được đăng thường
xuyên trên những tạp chí có giá trị như Gió Mới (Nguyên Sa(, Nghê Thuật (Mai Thảo), hậu thân của Sáng Tạo.
Bài của tôi, không còn nằm trong những mục "Giới Thiệu Người Viết Mới" mà đã nằm ngang bằng hay trên dưới những tên tuổi
lớn: Võ Phiền, Thanh Tầm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ...
Và cũng từ đó, tôi bắt đầu "kênh kênh", thường lúc
đi, đầu ngẩng lên trời. Tưởng như mình đã là cái rốn vũ trụ văn học.
Đến mùa hè năm 1963, cuối năm đệ tam, với sự yểm
trợ của thầy Thìch Như Nghĩa, giám đốc nhà in Hoa Sen tôi đã bán chiếc xe đạp
và vài bộ quần áo "via" để có tiền in tập thơ đầu tay NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU.
Sau khi in thơ xong, tôi lại càng "kênh kênh." Hàng
ngày chờ đợi thư từ Ủy Ban Chấm Giải Nobel Văn Chương, mời qua Thụy Điển nhận
giải.
Tôi tự cho phép mình lập dị, khùng khùng, điên điên.
Vì theo tôi và nhiều người, đã là thi sĩ thì phải lập dị, khùng, điên.
Không lập di, khùng điên không phải là thi sĩ thứ thiệt. Bấy giờ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Sao Trên Rừng nhờ lập dị được người đời ca ngợi, ngưỡng mộ.
Tại sao tôi không làm như họ: lập dị, khùng, điên?
Đôi lần, đang đi ngoài phố Độc Lập. tôi thấy mấy
nữ sinh lấm lạ lấm lét chỉ chõ vào tôi, là tôi biết họ nói gì:
Đó đó, nhà thơ "lớn" Sương Biên Thùy.
Vì như thế, đã có lần tôi bị té xe đạp trước rạp
hát Tân Tân cũng vì các em: đó đó, nhà thơ "lớn" Sương Biên Thùy.
Mùa hè này, tôi thường ra biển, dựa cột dừa, nhìn
mây bay, gió cuốn, sóng vỗ mạn bờ, làm thơ và làm thằng điên.
Vào đầu năm học để nhị, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, thành phố Nha Trang có nhiều sinh hoạt chính trị, tôi thường được thầy Hiệu trưởng Lê Nguyên Diệm cử
tôi thay mặt học sinh toàn trường trả lời phỏng vấn, viết và đọc diễn văn chào
mừng quân đội chiến thắng, trước Ty Thông Tin và Trại Lê Văn Duyệt khi lực lượng
đặc biệt thu được kho vũ khí của Việt Cộng tại Vũng Rô.
Sau vụ đảo chánh Tổng Thống Diệm là Phong Trào Miền Trung Tranh Đấu.
Thời gian này, tôi theo làm lính cho Nữ Hoàng Xuống Đường Cao Thị Đông Phước.
Mọi mệnh lệnh của "nữ hoàng" tôi đều chu toàn.
Tôi chỉ chờ đợi một lời tỏ tình từ nữ hoàng, nhưng chờ mãi không thấy nữ hoàng tỏ tình.
Vào thời gian đó, ngoài Bìch Khuê hết sảy con cào
cào, xinh như hoa, thơm như mùi thần tiên diễm ảo, tôi còn thấy có một Minh Châu cũng ngồ ngộ không kém.
Minh Châu (con bác sĩ Trí) học trên tôi một lớp.
Minh Châu làm tôi chết điếng hồn thì nhận là chiếc áo dài không có cổ, eo. Nó thẳng đuột từ trên xuống, với đôi guốc mộc ngang bằng, không cao gót.
Minh Châu trông ngu ngơ như nai, hiền như "ma seur",
dại khờ như lòng thi sĩ trước con gái, đàn bà.
Tôi, thi sĩ, làm thơ tình thì bá cháy, nhưng khi gần
hay đứng trước các "mệ" là tôi run, nói giọng cà lăm.
Tôi thời gian này có làm một số bài thơ viết về Bích Khuê và Minh Châu.
Hình như trong tập Nỗi Buồn Nhược Tiểu có đăng đôi
bài mà đến nay tôi không còn nhớ.
Duy một câu tôi nhớ khi viết về Minh Châu:
"Nhìn Châu xoáy mắt trũng buồn."
Câu thơ hồi đó tôi thấy rất đắt địa, nhưng tới nay
thì chính tôi cũng chẳng hiểu "xoáy mắt trũng buồn" là cái chi chi.
Trong năm này, trước toàn trường, tôi thuyết trình để tài "Thân Phận Người Đàn Bà Qua Ca Dao Việt Nam" dưới sự hỗ trợ và khuyến khích của thầy Nguyễn Phú Thứ.
Cuối buổi thuyết trình, một nữ sinh đã tặng hoa cho tôi.
Hôm sau, qua hai người bạn văn nghệ Nguyễn Bá Dĩnh và Phùng Văn Nguyên, tôi mới biết tên nàng là Trương Thị Bích Khuê.
Ám ảnh Bích Khuê bắt đầu từ đó "hành hạ" tôi hết biết.
Tôi, học sinh đến từ tỉnh lẻ, thi sĩ mới ra lò như chim đang tập bay. trước bầu trời bát ngát hương hoa Bích Khuê, tôi đâu đã có thể vỗ cánh tung trời.
Có những lúc, đứng trên lầu, nhìn ra cổng chờ nàng tới, dáng người thôn nhã, quí phái cao sang. Rồi nhìn lại mình cù lần cù lựa, ốm tong teo như con cò ma, làm sao nghỉ xa nghĩ gần.
Hay những lần , giờ ra chơi, trong đám nữ sinh chờ bà bán chè trao ly, tôi nhìn trộm, mắt dáo dác như một thằng bất lương.
Hay những chiều Nha Trang, Duy Tân lộng gió, những đàn nữ sinh hàng ngang, lúc thì trên xe đạp, lúc thì thả bộ, cái thằng tôi núp sau gốc đứa nhìn mơ màng chiêm ngưỡng bóng Bích Khuê qua.
Năm 2000, Võ Tánh/Nữ Trung Học họp mặt tại Nam Cali, tôi có về dự, có gặp anh Thuât, phu nhân của Khuê và được chiêm ngưỡng cựu khoa khôi và galang.
Sau này, khi hãy tin nàng đã thành góa phụ, ám ảnh Bích Khuê lại trở nên sôi nổi trong tôi, một học sinh tình lẽ, cù căn cù lửa
năm xưa, một thi sĩ "nhớn" hôm nay, nhưng lại có lòng yêu thương hết
mọi người, nhất là những nàng góa phụ.
Kiểm điểm lại chiến công và sự nghiệp, trong tài sản
thi ca của tôi, tôi cảm ơn những nàng góa phụ. Số lượng những bài thơ hay và
nhiều nhất của tôi, thường bắt nguồn từ những tình cảm gian dìu với các nàng góa phụ.
Từ đó tôi nghĩ tới một phương trình thi ca: THI
SĨ + GÓA PHỤ = THI HÀO
Xin Thượng Đế cho tôi đủ sức khỏe và sáng suốt để
tôi làm thơ tặng các nàng, những góa phụ, mà ÁM ẢNH BÍCH KHUÊ là một trong số
không nhiều.
Và, chắc chắn không thể nhiều hơn, khi giờ lâm chung đã cận kề cho một tôi thi sĩ "mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây" giữa
những nàng góa phụ thơm hương mùi mít hay mùi sầu riêng cũng được.
SƯƠNG BIÊN THUỲ
những ngày háo hức chờ gặp KH. Xưa.
22/5/2015