Thursday, April 30, 2015

Học Giả Lâm Ngữ Đường 
            và Thú Tiêu Khiển Xưa Nay 
                                           Lê Hoàng

Lê Hoàng
     Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) tên là Ngọc Đường, sinh năm 1895 ở Phước Kiến, xuất thân từ Đại Học Thánh Ước Hàn, sau đó du học Hoa Kỳ và Âu Châu tại các trường như Harvard, Léna, Leipzig, chuyên về  ngôn ngữ học. Ông có
tạp chí nổi tiếng “Luận Ngữ”. Khi về nuớc ông là giáo sư Đại Học ở Bắc Kinh, làm chủ nhiệm ba tạp chí ở đó.
     Sau đại chiến thứ hai, ông làm Trưởng ban Văn Nghệ của cơ quan “Văn hóa Liên Hiệp Quốc”. Tư tưởng của ông rất sâu sắc, văn ông  đọc thấy rất dí dỏm, nên có rất nhiều người ưa đọc. Thuờng ông ưa viết bằng tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Trung Hoa. Ông có những bộ sách đã xuất bản như: Moment in Peking, A leaf in the Storm, hoặc loại biên khảo như: Lady Wu (Võ Tắc Thiên), The Gay Genius (Thời Tô Đông Pha). Loại nghị luận như: My Country and My People (Ngô thổ dữ Ngô dân), The Importance of Living… Hầu hết những sách này trước đây bán rất chạy ở Hoa Kỳ.
      Khi bạn bè cuối tuần hoặc lâu lâu họp mặt bên nhau họ thường đàm đạo chuyện thời sự nóng hổi, hay chuyện văn nghệ, văn gừng với nhau chuyện bên lệ xã hội v.v…

    Nói đến các học giả, Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều vị nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh v.v…
    Hôm nay, chúng ta nói đến học giả Lâm Ngữ Đường, một vị có tư tưởng rất mới vào thời trước mà đến nay nhìn lại chúng ta vẫn cảm thấy còn rất mới.
    1/ Thú Đàm Đạo: Một đêm đàm đạo với bạn bè, có lúc còn hơn mười năm đọc sách (Dữ quân nhất dịch thoại, thắng độc thập niên thư). Nhiều độc giả ở Trung Hoa ngày xưa thường nói như thế.
  Ngưòi ta phàn nàn rằng ngày nay đời sống rất gấp rút, bận rộn làm mất cái nghệ thuật NHÀN ĐÀM ở chung quanh bàn hội với nhau. Có thể vì đời sống  hiện tại quá nhiều bận rộn chăng?
   Trong một xã hội biết hưởng nhàn, có tinh thần hài hước, thích những điều tế nhị thì người ta mới thích NHÀN ĐÀM. Nói và Đàm là hai điều khác nhau xa, cũng như viết một bức thư thương mãi khác với bức thư viết cho bạn bè. Chúng ta có thể nói, bàn chuyện làm ăn vớ bất cứ ai. Nhưng “Đàm Đạo” thì chỉ có một số người mà thôi. Cho nên khi gặp được một người biết để đàm đạo, thì nỗi vui của chúng ta còn hơn là được một cuốn sách thú vị mà chúng ta phải bỏ thời gian để đọc .
   Đàm đạo thích hợp nhất là những nơi yên tĩnh, có một chút rượu nhẹ hoặc ly cà phê, một bình trà ngon thế là chúng ta có thể đàm đạo một cách thoải mái vô cùng.
   Những lúc vui trong đời thường ngắn ngủi, trăng không tròn hoài, hoa không tươi mãi, mà bạn tốt cũng không có nhiều. Ít khi có dịp để tụ họp… ta huởng những cái vui  giản dị như vậy, lẽ nào bị hóa công đố kị?
    Cho nên, trong một cuộc nhàn đàm phải có cái giọng thân mật, tự nhiên mà những người trong cuộc hoàn toàn quên hẳn mình đi, không nhớ tới y phục, ngôn ngữ, cử chỉ của mình nữa, không giữ ý mà cũng chẵng quan tâm tới  hướng của câu chuyện đang đàm. Bạn thân gặp nhau, cởi mở tấm lòng, không khách sáo, không móc méo thì cuộc nhàn đàm mới đem tới kết quả thú vị và trải lòng ra cho nhau. Ngay tư thế ngồi cũng rất tự nhiên, không câu nệ...
        “ Nhãn tiền nhất tiếu giai tri kỷ,
       “Tọa thượng toàn vô ngại mục nhân”
 (Trước mặt cười nói đều là bạn tri kỷ,bên cạnh không có người nào chướng mắt mình.)
   Đó là điều kiện cần thiết cho những bạn bè tâm giao để nhàn đàm chân chính.
      Vào thời liệt quốc có tới năm vị công tử hào phú rất hiếu khách, rộng rãi, lễ độ, tử tế. Vị nào cũng nuôi cả ngàn thực khách. Như Mạnh Thường Quân nước Tề có tới ba ngàn người. Ta cứ tưởng tượng với số ngưòi đó thì cảnh ồn ào, náo nhiệt sẽ như thế nào rồi. Sau này có những bộ sách chép lại những cuộc đàm đạo của họ như trong: Liệt Tử, Hoài Nam Tử, Chiến Quốc sách, Lữ thị Xuân Thu v.v…Ta nên nhớ rằng vào thời đó người ta đã có một quan niệm về nghệ thuật sống rồi đấy.
    Chỉ khi nào trong một xã hội có hoàn cảnh an nhàn, có nghĩa là xã hội đó bình quân đời sống yên ổn, hoà bình, không có nạn tham nhũng,không bị chèn ép cường quyền thì con người mới NHÀN để nhàn đàm được tự do. Cái TỰ DO để đàm đạo bất cứ điều gì mà không phải lo sợ ai để ý theo dõi mình hoặc sẽ bị bắt bớ phiền toái. Có như thế mới thoải mái để NHÀN ĐÀM được.
Ví dụ như Thạch Đào là một trong những họa gia nổi tiếng của Trung Hoa vào đời nhà Thanh đã bị triều đình “dìm” vì ông ta có tinh thần bất khuất … do đó mà người phương Tây ít biết đến ông ta .
   Trong bộ Thủy Hử có một đoạn viết rất hay. Đó là tả cái thú đàm đạo vói bản thân: “... Bạn của tôi mà tới đủ mặt thì được tới mười sáu người, nhưng ít khi họ tới đủ, mà cũng ít khi không một người nào tới, trừ những lúc mưa gió. Thường, ngày nào cũng có năm, bảy người. Khi họ tới, cứ tùy ý, muốn uống rượu cứ lấy uống, muốn uống trà, cứ pha trà, muốn ăn gì cứ tự do tự tại không ai phiền hà. Tất cả chỉ có mục đích là đàm đạo chứ không phải ăn uống …”
Thị Nại Am đã lưu lại cho đời một bộ sách bằng lối văn và những tình cảm rất tuyệt vời …
   Tản văn Hi Lạp cũng thế. Trong một bối cảnh xã hội tương tự, đọc tản văn (Dialogues) của Platon, ta cũng thấy ngay rằng tản văn Hi Lạp sở dĩ đơn giản, sáng sủa là do ảnh hưởng của nghệ thuật nhàn đàm vậy.
  TRÀ VÀ TÌNH BẠN: Đứng về phương diện văn hóa và hạnh phúc, chúng ta cho rằng trong lịch sử nhân loại không có phát minh nào quan trọng nhiều ý nghĩa và trực tiếp giúp ta hưởng cái thú nhàn, thú đàm đạo, thú giao thiệp với bạn bè bằng cách khi có thuốc hút, rượu,trà. Ba thứ đó thường có điểm chung trong lúc đàm đạo, giúp chúng ta xã giao, lại nhẹ nhàng hơn là ăn uống. Ba thứ này là hương vị kích thích tạo cho chúng ta trong lúc đàm đạo tạo nên hưng phấn với  những câu chuyện thao thao bất tuyệt vậy…
    Cái không khí lúc đàm đạo cũng rất quan trọng, ví như cưỡi ngựa đi chơi mà rủ một ông bạn ham học, hay sầu tư  thì cũng chẵng khác gi đi nghe nhạc mà dắt theo một ông bạn không biết thẩm âm.
   (Riêng tôi có một sai lầm lớn trước đây… rủ ba người bạn đi dự một chương trình ca nhạc và khiêu vũ mà chọn ba người chỉ biết uống rượu và tìm bạn gái vui chơi… không biết gì về âm nhạc và khiêu vũ. Khi đến đó họ bỏ đi không nói gì, còn lại mình tôi chơ vơ suốt cả buổi… nỗi buồn này ai có hay và một kinh nghiệm suốt đời không thể quên.)
  Một tác giả nào đó có viết như sau:
  “ Thưởng hoa nên lựa bạn hào nhã; tới chốn phòng trà ca nhạc nên lựa bạn hiểu và từng nghe, từng biết về nghệ thuật, leo núi nên lựa bạn có sức khoẻ và kinh nghiệm đi núi, chèo thuyền nên lựa bạn phóng khoáng, trầm tĩnh và biết bơi lội. Uống rượu, ngâm thơ nên lựa bạn lãng mạn yêu văn thơ v.v… Chứ uống rượu với võ sỉ, với dân thể thao mà ngâm thơ ngắm trăng thì bạn bị hố là cái chắc chắn rồi còn gì… Nói tóm lại tùy người, tùy bạn để chọn mà chơi vậy.
  Khi họp mặt, tinh thần sảng khoái, tâm khí bình tĩnh, tri kỷ hợp mặt, lúc đó là lúc nên uống trà nhắm rượu. Trà có thể đưa ta vào thế giới mặc tưởng, rượu cho ta một tinh thần lâng lâng dễ thốt ra những lời thật sự và trung thực …cho nên uống trà hay rượu cũng phải biết chừng mực. Không quá những gì bản thân cho phép.
   Ngắm hoa phải hiểu: Hoa có sự hòa hợp giữa khí âm và khí dương, nên ngắm hoa vào lúc nào, giờ nào và hoa loại nào… không thể sai đi được (Việc này chúng ta sẽ nghiên cứu trong một đề tài khác.)
 Ông De Quincey rất có lý khi nói rằng “Trà luôn luôn là ẩm phẩm của hạng trí thức …” Sau này các vị thức giả khác lại cho rằng: “Trà là bạn của bậc ẩn sĩ thanh cao.”
  Theo sách Trà Lục thì cái thú của trà ở sắc hương vị và cái phép chế trà ở chỗ tinh khiết khô ráo. Cho nên muốn thưởng trà cần phải có điều kiện thanh tĩnh.Tác giả của cuốn “Trà sớ Báo”: “Dùng ấm chén lờn, rót mấy tuần trà, uống một hơi một, hoặc ngưng một lát rồi hâm lại cho nóng, hoăc pha trà đậm đắng , thì có khác gì nông phu và thợ thuyền chỉ biết uống cho no bụng vậy thôi. Cho nên muốn thưởng hương vị của trà phải theo những quy tắc dưới đây:
    1/ Hương trà rất dể bay, cho nên phải giữ gìn sạch sẽ, đặt nó xa nhũng vật có mùi nồng, xa những người thường hay tiếp xúc.
  2/ Nên cất vào một chổ khô ráo, mát; mùa Đông nên lấy ra một số đủ dùng, chứa trong một hộp nhỏ đậy kín. Không nên để cho trà bị mốc, lỡ trà bị mốc nên bỏ không nên uống.
 3/ Biết lựa nước nấu là đã hiểu được một nửa nghệ thuật uống trà rồi. Nước suối là nước pha trà tốt nhất sau đến nước sông và cuối cùng là nước giếng. Hiện nay ở MỸ khó mà tìm cho ra nước suối. Chỉ có vòi nước có sẵn mà thôi …
4/ Pha trà để đàm đạo thì không phải là khách bình tường hằng ngày, nên pha trà nhàn đàm là phải công phu mới tạo đuợc ấn tượng tốt khi thưởng thức trà.
5/ Chính sắc của trà là màu vàng nhạt mà trong. Nếu khi thấy trà màu đỏ đậm thì phải pha thêm cho nước nhạt bớt đi, có thể cho chanh, bạc hà, sữa để tăng thêm mùi vị.
6/ Trà là một dư vị, uống chừng nửa phút các chất hóa học trong trà tác động vào tân dịch rồi chúng ta mới cảm thấy dư vị đó được.
7/ Trà pha xong uống liền. Để lâu quá mất vị.
8/ Hiện nay chúng ta nên pha trà bằng nước sôi để nguội là tốt hơn.
9/ Nên trừ bỏ những hương liệu có thể làm hổn tạp cái hương vị của trà, cũng có thể thêm một chút hương vị của quế, hương hoa lài.
10/ Cái vị thứ trà quí nhất phải tựa tựa như cái hương “da thịt của em bé”.
   Những lúc nên uống trà :
    -Lúc tinh thần và tay chân nhàn nhã
   -Lúc ngâm xong vài bài thơ
  -Lúc có nhiều ý tưởng
-Lúc nghe âm nhạc
Lúc yên nghỉ ở nhà một mình
-Lúc chơi đàn và ngắm trăng
- Lúc nhàn đàm với bạn bè thân thiết
Lúc ngồi bên cửa sổ ngắm trăng
-Lúc có người đẹp( tri kỷ) bên mình. Lúc đó trời đẹp gió mây hây hây.
-Khi trời mưa gió u ám. Cô đơn.
-Nếu trên sông, với một con thuyền nhỏ có bạn tâm tình.
- Đi du ngoạn với bạn bè thân trong một khu rừng.

KHÓI THUỐC VÀ HƯƠNG VỊ

  Thế giới ngày nay có hai hạng người: hút thuốc và không hút thuốc. Có nhiều người không hút thuốc, nhưng thấy ai hút cũng mặc kệ không can thiệp vào. Trái lại cũng có người khi ngồi bên người hút thuốc họ không chịu được thường lên tiếng phải đối hoặc khó chịu. Tuy rằng người hút thuốc cho rằng đó cũng là một lối hưởng thụ của con người. Tuy nhiên người hút thuốc phải tế nhị khi hút gần kề bên người không chịu được mùi thuốc lá, nên tránh xa hơn hoặc khi hút nên đi ra khỏi bàn ngồi chung có người không chịu được mùi, khói thuốc lá…
     Trà như ẩn dật, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh. Nên lựa nơi mà say. Say với hoa thì nên say ban ngày, để hưởng hết màu sắc , say với tuyết nên say vào ban đêm để tâm tư được thanh tịnh . Say với đắc ý thì nên ca hát cho lòng được thanh thoát,;say với ly biệt thì nên hát hay nghe tấu những khúc nhạc buồn chia ly và đừng để nổi buồn chi phối tâm tư quá mức …say với văn nhân thì nên cẩn thận để khỏi bị khinh thường, say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng , thêm có cờ xí cho uy nghi , lẫm liệt ; say trong mùa hè để hưởng gió mát.. Say với mùa thu ngồi để nhìn mây bay lá rụng, say với mùa đông  để thấy tuyết rơi sương mù, say với mùa xuân để nghe chim hót hoa nở cành đâm chồi nẩy mầm. Cho nên say rượu, uống trà , ngắm hoa , xem trăng  . Tất cả đều nằm trong tư thế thích hợp và đều có nghệ thuật ,kỷ thuật của thú  hưởng thụ . Nếu không nó sẽ trở thành vô vị, nhàm  chán .
   Tất cả chung quy khi say, khi ẩm trà, khi nhìn hoa, ngắm trăng thường cùng với bạn bè… Nhất là có được một tri kỷ thì đời là tuyệt diệu.
 Người tình- phụ nữ- chính là cái gốc cho một nam nhân thi sĩ, họa sĩ, văn thơ, nhạc tình. Nếu không có một người tình bên cạnh thì cho dù bạn có say, có ẩm trà hay ngắm gì đi nữa, thì đời vẫn còn cô đơn, vẫn vô vị và cảm thấy thiếu đi một điều kiện tất yếu.
  Cho nên có một nhạc sĩ đã viết trong một bản nhạc: “Đời thiếu em rồi….VUI VỚI AI?”
                                                      
(Còn tiếp kỳ sau)
Lê Hoàng