Tuesday, April 14, 2015

Dân Biển Quảng Trị - Tiểu Hùng Tinh

Đàn ông đánh bắt còn phụ nữ đi bán. Từng đoàn người gánh chạy băng qua bạc (dải trắng cát ven biển) khoảng năm sáu cây số rồi tỏa vào các làng đồng bằng nơi quen thuộc để bán. Cá tươi có, cá kho có, ruốc, mắm… tùy lúc tùy mùa.

Buôn bán nhà quê khác với ở chợ, ít khi người ta trả tiền mà trả gạo hoặc lúa thậm chí mắc lữa (mắc chịu, nợ) đến mùa.  Buôn bán đã quen, dân biển thuộc lòng từng nhà, đến mùa tới đong lúa. Nhiều khi không gặp chủ nhà, phải đi lại nhiều lần. Có khi lúa vào nhưng chưa kịp dê sảy, muốn lấy phải làm giúp. Thế là phải  xê vào dê sảy, xong xin thêm ít dẹp (lúa xép). Gánh cá đi bán đã nặng, bán xong tưởng nhẹ gánh té ra người mua trả bằng lúa, gánh về càng nặng hơn.

Dân quê vùng ruộng khổ đã đành mà dân biển gian nan khôn xiết.

Sau 1975, vùng biển là nơi dân bị buộc vào tập đoàn, hợp tác sớm nhất.  Dầu,  lưới,  ghe nhà nước quản lí, cung cấp. Cá đánh được nhà nước độc quyền thu mua rồi bán lại cho ít gạo tiêu chuẩn. Cảnh làm ăn tự do như xưa không còn. Nhiều khi dân cũng kín đáo giữ lại ít cá hoặc phần cá được phân không dám ăn mà lén lút gánh vào đồng bằng bán hoặc đổi lúa. Vào đồng bằng lại bị nào dân quân nào ban chủ nhiệm hợp tác ở các địa phương cho rằng đổi cá hết lúa  dân không có ăn lại vây bắt, tịch thu.  Mất của đã đành, về lại bị mời làm việc, cho là đi ngược chủ trương,  hạch hành ra lửa, khổ sở điêu đứng.

Thuở nhỏ, anh tôi ra biển mua rớ (vó), tôi xin theo để được thấy biển. Trưa, vào một nhà khá giả nhờ nấu cho bữa cơm. Đưa tiền bà chủ nhà không lấy.  Cơm chín dọn ra, chỉ toàn khoai khô dính ít cơm, thức ăn chỉ là khúc cá nhỏ với chén mắm nêm, cực gấp chục lần bữa cơm nhà nghèo trong ruộng. Đói nhưng tôi không sao nuốt nổi. Đãi khách còn vậy thì bình thường thế nào!

1-2015
Tiểu Hùng Tinh