Đọc "Tạ Nợ Ơn Người", thơ Kha Tiệm Ly
- Châu Thạch
Ta Nợ Ơn Người
(gởi T…)
(gởi T…)
Mẹ theo chồng vào năm mười sáu,
Từ con bướm vàng nợ nhánh mù u.
Để ta nợ mồ hôi cha ướt áo,Từ con bướm vàng nợ nhánh mù u.
Nợ mẹ hiền trăm vạn lời ru.
Khi hạt lúa đồng nuôi ta lớn,
Ta nợ nhánh bẩn gie nhánh ra sông,
Nợ cánh diều căng dây trong gió,
Và mơ một ngày vút cánh lên không!
Ta nợ thầy một thời nghiên bút,
Nhưng sách đèn không mua được áo cơm!
Giông bão lớn, càng nuôi thêm chí lớn,
Muốn một ngày chữ sẽ hóa thanh gươm.
Nợ thân ta một đời sĩ khí,
Nợ lời thề cùng bốn biển anh em.
Nợ thanh kiếm một đời không thỏa chí,
Nên kín trong bình mà rượu nhạt hơi men!
Hay thân ta vốn là hạt cát,
Ngàn đời mơ giấc mộng bình yên?
Khi Cửu Long không xuôi về phương bắc,
Thì đến bao giờ làm tốt lúa quê em!
Nợ mẹ. nợ cha, nợ thầy, nợ bạn,
Thì đời ta đã sống ra người!
Nợ sông núi, ta làm phân bón đất,
Nợ ân tình, không trả được em ơi!
KhaTiệm Ly
Lời bình của Châu Thạch
Bài thơ “Ta nợ ơn người” của Kha Tiệm Ly đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Cảm xúc đến ngay từ khổ đầu của bài thơ với một mối tình thơ ngây của thời quá khứ:
Mẹ theo chồng vào năm mười sáu
Từ con bướm vàng đậu nhánh mù u
Để ta nợ mồ hôi cha ướt áo
Nợ mẹ hiền trăm vạn lời ru.
Đọc bốn câu thơ trên không ai không nhớ tới ca từ trong bài hát “ sao em vội lấy chồng” của Trần Tiến: Bướm vàng đã đậu trái mù u, rồi lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.
Con bướm vàng đậu trên nhánh mù u trong các bài thơ, bài hát thường thể hiện cho người con gái bị ép lấy chồng không có tình yêu, phải chịu nhiều hệ luỵ .
Nhưng bướm vàng, mù u trong thơ Kha Tiệm Ly thì khác, chỉ thể hiện cho tập tục tảo hôn ngày xưa. Con bướm vàng chỉ người mẹ trẻ trung lấy chồng vào năm mười sáu tuổi. Mối tình của con bướm vàng và nhánh mù u ở đây phải thật là rất đẹp. Họ đã tảo tần nuôi đứa con lớn lên, và đứa con đó đã thành thí sĩ, viết câu thơ tha thiết nợ mồ hôi cha, nợ lời ru của mẹ
Mối tình lớn của nhánh mù u và con bướm vàng kia đã diển ra đầy hạnh phúc giữa lòng quê hương yêu dấu. Đứa con của họ đã sống những ngày tháng êm đềm ăn hạt lúa đồng, cởi trên nhánh bần để nhảy tắm dưới dòng sông, thả căng chiếc diều lộng gió mà mơ làm người hiệp sĩ:
Khi hạt lúa đồng nuôi ta khôn lớn
Ta nợ nhánh bần gie nhánh ra sông
Nợ cánh diều căng giây trong gió
Và mơ một ngày vút cánh lên không!
Bốn câu thơ trên gói trọn tuổi thơ, gói trọn không gian và thời gian quá đẹp. Bốn câu thơ làm sống lại trong tâm hồn của biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và lớn lên một thời nơi đồng quê thanh bình và yêu dấu. Riêng tôi không có một ngày như thế nên tôi cảm thấy thiệt thòi vì dòng sông kỷ niệm trong tôi chảy toàn bê tông cốt sắt. Tôi muốn nợ như tác giả bài thơ mà không nợ được. Thật hạnh phúc thay cho ai có món nợ nầy và thật đáng trách thay cho ai quên đi món nợ thân yêu để làm con thiêu thân bay theo ánh đèn phù phiếm, mê chốn phồn hoa, say nơi đô hội.
Nhưng hạnh phúc có bao giờ trọn vẹn. Con bướm vàng mẹ kia chắc chắn rất buồn khi thấy đứa con mình với đôi cánh non bay vào giông bão:
Ta nợ thầy một thời nghiên bút!
Nhưng sách đèn chẳng mua được áo cơm!
Giông bão lớn, càng nuôi thêm chí lớn
Muốn một ngày chữ bỗng hóa thành gươm
Con bướm con có hùng khí làm sao, nó nuôi chí lớn biến chữ thành gươm trong cơn giông bão, nhưng nó quên rằng thép biến thành gươm thì dễ, còn chữ mà biến thành gươm thì phải tài cao như Nguyễn Trãi chí lớn mới thành, hoặc là nó đã sinh ra bất phùng thời nên bị bất đắc chí chăng? . Vì mơ ước hảo huyền nên con bướm con kia, con bướm của mối tình đẹp quê nhà, con bướm sinh ra trong sự thật thà, thả diều mà mơ làm hiệp sĩ bị thua thiệt đến không vay mà mắc nợ người và mắc cả nợ chính mình:
Nợ thân ta một đời sĩ khí
Nợ lời thề cùng bốn biển anh em
Nợ thanh kiếm một đời không thỏa chí
Nên kín trong bình mà rượu nhạt hơi men.
Thế rồi khi mà “Nợ thanh kiếm một thời không thỏa chí. Nên kín trong bình mà rượu nhạt hơi men” thì con bướm kia mới thấy ra mình chỉ là “ Hồn bướm mơ tiên”.Mộng anh hùng mất đi, con bướm bây giờ trở nên yếm thế:
Hay thân ta vốn là hạt cát
Ngàn đời mơ giấc mộng bình yên?
Khi Cửu Long không xuôi về phương bắc
Thì đến bao giờ làm tốt lúa quê em!
Bây giờ tác giả tự hỏi phải chăng mình chỉ như hạt phù sa lênh đênh theo sóng nước, lòng muốn dừng chân làm tốt cho ruộng em, nhưng cắc cớ thay, ruộng em ở miền phương bắc, mà dòng Cửu Long cứ đẩy hạt phù sa trôi mãi miết xuống phương nam, giống như dòng đời đưa đẩy ta trôi về một phương nào xa lạ với mong ước của ta.
Những món nợ mà con bướm kia tưởng tượng ra chỉ là nỗi nhớ thương luyên tiếc một thời trong quá khứ. Thật ra trong bốn câu thơ cuối tác giả đã quên nợ hết rồi, chỉ còn nhớ một thứ nợ với em:
Nợ mẹ, nợ cha, nợ thầy, nợ bạn
Thì đời ta đã sống ra người
Nợ sông núi ta làm phân bón đất
Nợ ân tình, không trả được em ơi!
Thật thế, mẹ cha thầy bạn có ai đòi nợ đâu mà phải trả, họ muốn ta thành người và ta sống như người thì coi như đã trả nợ rồi. Nợ sông núi không trả được thì khi chiếc thân nầy nằm xuống lại trả về với sông với núi thành một nắm đất vô tri. Chỉ có nợ ân tình với em thì không bao giờ trả được. Vì sao? vì thời gian còn lâu thì cuộc đời càng phân rẽ tình ta. Hạt phù sa sẽ theo dòng trôi ra biển hay tấp vào đâu đó, nằm lại ngàn năm để thương nhớ quê em và tình em ở lại xứ ngược dòng.
Thơ Kha Tiệm Ly thường có chí khí của con người hào hiệp.
Thơ Kha Tiệm Ly cũng thường có nỗi bất đắc chí của con người hào hiệp.
Đọc Kha Tiệm Ly trong ta thấy hùng khi dậy lên nhưng cũng cảm thấy tâm tư có nhiều chua chát .
Bài thơ “Ta nợ ơn người” làm nặng lòng ta với biết bao kỷ niệm ơn đời, với biết bao hoài bão tan ra mây khói, với những mối tình vĩnh viễn chia ly, nhưng cũng làm lòng ta êm đềm với những tưởng nhớ ngày qua như con thuyền kỷ niệm trôi trên dòng ký ức bình lặng trong một buổi chiều buông./.
ChâuThạch