Vài Trích Dẫn Kinh Luận
Giúp Trực Ngộ Bát Nhã Tâm Kinh*
Giúp Trực Ngộ Bát Nhã Tâm Kinh*
- Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
1) Phải chiếu kiến (soi thấy) năm uẩn; phải thấy và biết năm uẩn như
thấy biết vật thể trước mắt.
“Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài
muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự
hiện hữu của năm uẩn, và trừ phi chúng ta biết và thấy được năm uẩn này, bằng không chúng
ta
không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật. (…) Khi hành giả phát
triển được định tâm mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy rằng đối tượng được phản chiếu
trong ý môn như trong một tấm gương”. (Thiền sư Pa-auk Sayadaw, thiền
sư theo truyền thống Theravàda-Phật giáo
“Đạo Phật, là một lối luyện tập tâm linh
thực tiễn, dù có những lời nhằm phô diễn thẳng về kinh nghiệm, không cho phép có sự can thiệp của lối giải
thích trí năng hay siêu hình nào ở đây”. (Thiền sư
Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận I; D.T.Suzuki; dịch giả:
Tuệ Sỹ).
“Người học kinh, xem giáo lí, mỗi câu mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình để làm sáng tỏ tánh
giác”. (Thiền sư Bá Trượng) - (Trung Hoa Chư
Thiền Đức Hành Trạng; dịch giả: Thích Thanh Từ).
2) Chiếu kiến năm uẩn thâm sâu (không còn năng kiến-sở kiến) thì Chân
như (của năm uẩn) hiện tiền.
“Tu Bồ Đề hỏi: Làm thế nào Bồ tát
có thể học được năm uẩn khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa?
Phật nói: Bồ tát có thể học được
năm uẩn khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa do như thực biết: 1) tướng của
năm uẩn, 2) sinh diệt của năm uẩn, 3) Chân như của năm uẩn. (Đại Bát Nhã. Trích theo Thiền Luận quyển hạ
của D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
3) Chân như là Tánh Không, là tướng không của các pháp (chư pháp không
tướng).
“Pháp thân là một trong ba thân
và ý nghĩa của nó nguyên lai liên hệ với hai thân kia, gọi là Báo thân và Hóa
thân. (…) Trên phương diện tâm lí có thể coi Pháp thân như là Tàng thức hay
A-lại-da thức mà học phái Du già luận của Phật giáo hay nói đến. (…) Trên
phương diện khác A-lại-da là Tánh Không. (…) Tuy nhiên Tánh Không là một từ ngữ
bị lạm dụng quá xá, chịu đủ mọi cực hình. Đại thừa có một từ ngữ cùng một ngụ ý,
có tính cách khẳng định. Tôi muốn nói tới Chân như. (…) Nó đòi hỏi trình độ tối
cao của trí năng mẫn tiệp để nhìn thẳng vào Thực tại như thực, không kết dệt
những mắt lưới vọng tưởng chung quanh nó. Tức thì, đấy là cảnh giới của những
trực giác. Khi chúng ta bước vào cảnh giới này, chúng ta nhận ra Tánh Không hay
Chân như thực sự có ý nghĩa gì. (Trích
theo Thiền Luận quyển hạ của D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
“Không (trong Bát-nhã) là thành quả của trực giác tâm
linh, chứ
không phải là hậu quả của suy luận”. (Thiền sư
D.T.Suzuki) – (Thiền & Bát-Nhã; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
4) Khi chưa thấy và biết năm uẩn, nhắm vào vọng tưởng sẽ phát hiện
tướng trạng năm uẩn.
“Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba
cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (Kinh
Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn
Mẫn).
5) Biểu hiện của vọng tưởng là những nói năng trong tâm (tâm ngôn-tâm
hành).
“Ánh sáng của Tâm bị che phủ hết trong ngôn từ và với ngôn
từ. Quả thực, tâm tạo ra ngôn từ, và bây giờ tưởng ngôn từ là những thực tính
độc lập với cái tạo ra nó, tâm trở thành vướng víu trong ngôn từ, và như kinh
bảo, bị nuốt chửng trong những cơn sóng của luân hồi”. (Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần
Tuấn Mẫn).
“Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu (ở trước) của thoại. Niệm
từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn duyên đều từ tâm khởi, tâm là đầu của vạn
duyên. Sự thật, “thoại đầu” tức là “niệm đầu”; trước niệm chính là tâm.
Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sinh là thoại đầu. Do đây, chúng ta biết
khán thoại đầu tức là quán tâm”. (Thiền sư Hư Vân) – (Thiền Đốn Ngộ;
dịch giả: Thích Thanh Từ).
6) Vọng tưởng là biểu hiện của cái “tôi”, của ngã chấp, của
chúng-sinh-tâm, của vô minh.
“Các ông lắng nghe, những người
mê đời sau nếu biết chúng sinh tức là Phật tánh, nếu chẳng biết chúng sinh muôn
kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay tôi dạy các ông: biết tự tâm chúng sinh, thấy
tự tâm Phật tánh. Muốn cầu thấy Phật, chỉ biết chúng sinh; chỉ vì chúng sinh mê
Phật, chẳng phải Phật mê chúng sinh. Tự tánh nếu ngộ chúng sinh là Phật, tự
tánh nếu mê Phật là chúng sinh; tự tánh bình đẳng chúng sinh là Phật, tự tánh
tà hiểm Phật là chúng sinh. (…)”. (“Mê” nghĩa là
“quên”). (Pháp Bảo Đàn Kinh; Lục Tổ
Huệ Năng; dịch giả: Thích Thanh Từ).
7) Tâm ai cũng có sẵn Tánh Nghe (tánh giác), nên có khả năng nghe vọng
tưởng (tức là nghe những nói năng của cái “tôi”).
“Phản văn văn tự tánh”. (Kinh Lăng Nghiêm).
“Phổ Hiền Bồ tát liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ chân Phật và bạch rằng: (…) Bạch Thế Tôn! Con dùng tâm mà
nghe và phân biệt mọi niệm lự, tri kiến của chúng sinh; nếu ở phương nào khác,
ngoài hằng sa cõi nước, có một chúng sinh phát tâm tu niệm hạnh Phổ Hiền, thì
trong khi ấy, con liền cỡi voi trắng sáu ngà, phân hóa trăm ngàn thân đến khắp
các nơi ấy; dầu cho chúng sinh ấy nghiệp chướng sâu dày không thể thấy con, thì
con nhân trong khi tối tăm lấy tay rờ đầu, gia hộ an ủi khiến được thành công
đức. Nay Phật hỏi viên thông, như bổn nhân chứng ngộ của con, là phát minh tánh
nghe, phân biệt tự tại, ấy là thứ nhất”. (Kinh
Lăng Nghiêm). (Có giảng sư giảng rằng “voi trắng sáu ngà” là “lục độ ba-la-mật”).
8) Có ý định chủ hướng, chú tâm lắng nghe vọng tưởng thì vọng tưởng im
lặng, tánh nghe-tánh giác (Phật tánh, Viên Giác) hiện tiền; đó là sơ ngộ (kiến
tánh khởi tu).
“Đạt vọng, vốn chân; biết chân, tưởng diệt”. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn; dịch giả: Thích Thanh
Từ).
“Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần
niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm
cũng tự
diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại
cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu
khởi chánh chân Bát-nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát-na vọng niệm đều
diệt. Nếu biết tự tánh, một phen ngộ tức đến quả vị Phật. (…). Nếu để cho tâm
chẳng nghĩ gì hết, đó là diệt niệm, tức bị pháp trói buộc,
gọi là thấy một bên”. (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp
Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).
9) Lắng nghe vọng tưởng toàn diện, với tâm thái từ bi-tự tại-vô tác-vô
cầu, chính là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.
“Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba
cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (…) Khi một sự chuyển hoá (chuyển y) xảy
ra thì có một trạng thái vô tưởng vốn là cảnh giới của người trí. (…) Khi người
ta nhận biết rằng không có gì ngoài những thứ được thấy từ chính cái Tâm thì sự
phân biệt về hữu và phi hữu đứt đoạn”. (Kinh
Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn
Mẫn).
10) Giác ngộ (sơ ngộ) không khó; điều rất khó là đánh thức khát vọng giác
ngộ đích thực, vì thiện ích cho mình và tất cả chúng sinh (đó là điều kiện cần
thiết để tu tập Bát Nhã Tâm Kinh – một bản kinh vô cùng quan trọng).
“Giác
ngộ không
phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối
lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. (…) Cái được
gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm lợi ích cho tất cả thế gian. Nếu
không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng
trong đó – nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì
“thiện đức”của y không phải là “thiện đức” thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa
nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ (tức
Bồ-đề tâm)”. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ,
luận IV; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
“(…) Đại thừa đứng vững trên hai chân, Trí tuệ và Từ bi, cái ý
niệm siêu việt và tình yêu trùm khắp đối với tất cả các loại chúng sinh, hữu
tình cũng như vô tình. Trí tuệ nhìn thấy vào cái nhất
tính của các sự
vật và từ bi thể hội cái tự tính
của chúng. Vị Bồ-tát khóc cùng với các chúng sinh đau khổ và
đồng thời hiểu rằng có một vị không bao giờ khóc, ở bên trên mọi đớn đau, sầu
khổ và ô nhiễm. (…) Và sự cân bằng này được nhìn thấy trong Pranidhàna
hay bổn
nguyện của vị Bồ-tát”. (Thiền sư D.T. Suzuki) –
(Nghiên Cứu Kinh Lăng Già; D.T. Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn
Mẫn).
-----------
(*): Ma-Ha
Bát-Nhã-Ba-La Mật-Đa Tâm Kinh. (Bản dịch của Ngài Huyền Trang)