Đọc Tập Thơ "Chuyện Bên Đời"
của Hoàng Yên Lynh
- Châu Thạch
Hoàng Yên Lynh |
Hoàng Yên Linh: Cái bút hiệu đẹp như rừng hoa dưới nắng
nhưng đọc thơ của anh thì giống như ngắm xem rừng hoa dưới sương lạnh lẽo.
“Chuyện Bên Đời” của Hoàng Yên Linh vừa xuất bản là tập
thơ giãi bày tâm trạng không chỉ riêng cho tác giả mà hầu như cho cả lớp người
“Tôi lên rừng từ dạo tàn cuộc chiến/ Đêm nằm mơ ruộng lúa với đồng bằng” ( Hoa
Cà Phê) và “Có người qua cuộc chiến chinh/ Nửa đời còn lại điêu linh cuối đời”
( Chuyện Chúng Mình). Do đó tập thơ “Chuyện Bên Đời” của Hoàng Yên Linh là sự cô
đọng của nỗi buồn, là vết hằn sâu khắc khỏi, là tâm tư u uẩn như bí mật của đại
ngàn. Tâm sự ấy được giãi bày qua suốt tập thơ với nhiều chủ đề khác nhau mà người
viết bài nầy tạm thời phân ra hai mục chính để dễ dàng hiểu thấu đáo tiếng thơ
trong lòng thi sĩ.
-Nỗi nhớ quê hương:
Quê hương đã trở thành cố hương với tác giả. Cố hương đã
ray rứt trong lòng Hoàng Yên Linh vì thương nhớ. Cố hương nắng cháy mưa dầm kia
đã làm cho tác giả cảm thấy già thêm trong mong đợi quay về:
Tôi sẽ về Quảng Trị cố hương ơi
Đời xa cách đã già thêm mong đợi
Tôi sẽ về bước chân mòn gối mỏi
Dẫu đời tôi héo úa tàn phai
( Tôi sẽ về Quảng
Trị ơi!)
Mong ước quay về thôi thúc trong lòng tác giả bởi vì đã
quá lâu ngày anh biền biệt với quê hương:
Một ly nầy ngẫm đời trôi dạt
Ba mươi năm lưu lạc xứ người
Cố hương ơi chìm trong đáy mắt
Đêm ngậm ngùi dĩ vãng mù khơi
(Độc Ẩm)
Suốt tập thơ “Chuyện bên Đời”, những bài thơ như “Tình
Quê”, “ Tình người Quảng Trị bên chiều Cao nguyên”, “Gởi người Quảng Trị’…hiển
hiện tình yêu nỗi thương nhớ cố hương quặn thắt trong lòng tác giả. Nỗi nhớ đó
có niềm đau đặc biệt vì nó không phải của con người thành công nơi xứ khác hay
của người đang cư ngụ nơi chốn phồn hoa đô hội mà là của một tâm hồn đầy chất
thơ lưu lạc, cô đơn nơi rừng núi hắt hiu. Nỗi nhớ đó biến thành thơ cho nên mỗi
bài thơ như một cành hoa hương sắc nở ra
dưới bầu trời lạnh lẽo.
Âm hưởng của thơ hoà nhập tính khắc khổ của quê hương Quảng Trị cùng với nỗi quạnh hiu xa
vắng nơi rừng sâu hẻo lánh của chốn định cư, gia thêm vào đó hương thơm của một
tâm hồn đầy lãng mạng làm se lòng người thưởng thức nó. Nỗi nhớ cố hương da diết
trong lòng Hoàng Yên Linh có khi được anh diễn tả như mình trở thành một chữ
“KHÔNG” trong bức tranh mênh mang của trời đất:
Biết tình còn nặng tương tư
Để
ai ngóng mãi lá thu reo vàng
Quán cà phê đời lang thang
Trông vời
cố quận mênh mang khói chiều
Một đời lặng lẽ cô liêu
Đã phai mái tóc nỗi niềm ai hay
Sáng
chiều gốc núi loay hoay
Đồi
cao lũng thấp mây bay lạnh lùng
Trăm năm cũng chỉ bằng KHÔNG.
( Chỉ là KHÔNG)
-Tình yêu và cuộc sống:
Hoàng Yên Linh yêu vô vọng và sống như một ẩn cư. Những bài thơ như “Gọi Ta’, “Tình người
xa xứ”. “Gởi người biết có mai sau”, “Chuyện chúng mình”, “Một Mình”…cho thấy tác
giả sống cô đơn nơi thâm sơn cùng cốc, thiếu bạn bè, xa lìa tình yêu trong thăng
trầm cuộc sống. Ưu tư trong cuộc sống và
hoài nhớ trong tình yêu là tiếng thơ chan chứa trong “ Chuyện Bên Đời”. Hai thứ
tình cảm đó lồng chung trong con tim nhạy bén của nhà thơ, khiến cho lời thơ xa
vắng, ý thơ như tiếng thời gian biền biệt
vọng trong không gian sâu thảm của đất trời, vọng trong hai miền quá khứ
và hiện tại mà nhà thơ đã sống, vừa buồn vừa đẹp như nhau.
Một mình quanh quẩn một mình
Sáng ra đốt thuốc buồn tênh góc nhà
Bạn bè cứ mãi bôn ba
Cố nhân cũng đã bỏ ta lâu rồi
Thời gian hay chiếc lá rơi?
Đã nghe tím cả mây trời quạnh hiu
( Gọi
Ta)
Hương
trầm nhắc lại cố nhân
Đôi
câu lục bát lạc vần nhớ thương
Quẩn quanh rồi cũng cuối đường
Từ trong sâu thẳm chương buồn gọi ta…
(Gọi
Ta)
Bâng khuâng ghép lại vần thơ
Người xưa có đợi có chờ tôi đâu
Lá trầu xanh quyện hương cau
Cố nhân còn đọng đôi câu ca buồn
Một mình tôi với hoàng hôn
Vàng tay khói thuốc tình buồn nhớ ai
( Gởi người…biết
có mai sau)
Tiếng thơ Hoàng Yên Linh là tiếng tâm tình những điều ẩn
chứa tự cõi lòng mình của một tâm hồn nhạy bén, biết biến hóa nỗi đau thành cái
đẹp, và cái đẹp ấy không phải là hư cấu nên sự chân thật tự
nó truyền đến cho ta nhận biết bằng cảm tính của chính tâm hồn ta vậy:
Chênh
vênh đồi núi chênh vênh
Cuối trời đất lạ chỉ mình-mình thôi
Nẻo
đi buồn lắm người ơi
Nẻo
về trăng có còn đôi bên trời
Vầng
trăng xưa có nhớ tôi
“Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
( Gởi người…biết có
mai sau)
Cà
phê quán có mình tôi
Từng
giọt thấm đẩm môi cười cố nhân
Tương
tư say đắm bao lần
Mà thương yêu vẫn cung đàn dở dang
Cà
phê quán buồn mênh mang
Ngỡ
mình Phạm Lãi nhớ nàng Tây Thi
Hỏi
tình mấy nẻo phân ly
Bước
đi là một lần đi lỡ làng
( Chuyện chúng mình…)
Một ly
một xị một mình
Một hình
bóng cũ một mình tơ vương
Quẩn
quanh gốc núi đồi sương
Một mình
đối mặt tha phương một mình
Rượu
say, say cũng một mình
Hỏi
ai, ai nhớ hỏi tình ai quên
Hỏi mình trăm nẻo chông chênh
Hỏi
người cố quận lênh đênh phương trời
( Một Mình)
Sở dĩ người viết trích dẫn nhiều thơ của tác giả trong
bài viết của mình bởi vì mỗi bài thơ Hoàng Yên Linh như một cung đàn trôi chảy
và hài hoà. Từng câu thơ trong mỗi bài thơ liên kết nhau như một lẳng hoa, khó ngắt bỏ một bông hoa nào ra
được. Ngoài hai chủ đề
chính trên, tập thơ ‘Chuyện bên Đời” của Hoàng yên linh gồm có 74 bài thơ viết với nhiều chủ đề khác nhau, tất cả mọi cung bậc
phản ảnh sự thăng trầm trong cuộc sống, sự chuyền động cúa một nguồn thơ thành
bại chất chứa trong một tâm hồn lãng mạng./.
Châu Thạch