Một Chuyện Tình - Nguyễn Thị Bạch Nga
truyện ngắn
(Để nhớ lại bạn Trần đình Cung, Cam Lộ (năm học đệ thất
1956-1957), Quảng Trị.)
Ông Cửu yêu bà Cửu từ năm mười tám tuổi, yêu thầm
trong bụng mà thôi. Được hỏi vì sao ông lại lựa bà mà yêu giữa chợ Huyện Cam
Lộ cả ngàn người qua lại, cả trăm cô con gái dậy thì mà ông lại ngẩn ngơ... hồi
đó bà vừa mới tuổi trăng tròn..., ông Cửu lắc đầu cười...lúc đó Ba thấy Mẹ tụi
bây đẹp nhất...
Vài năm sau ông Cửu được bổ làm thư ký lục sự tại
tòa án Thừa Thiên, và từ đó người trong làng gọi ông là cậu Ký Cửu. Còn cô Cửu
có tên con gái là cô Ngại. Học hết bậc tiểu học ở trường làng, cô Ngại ở nhà giúp
mẹ buôn bán và chăm sóc đàn em sáu đứa. Vào năm 18 tuổi, được ba mẹ giúp vốn,
cô tạo riêng cho mình một cửa hàng xén xinh xắn tọa lạc giữa ngôi chợ huyện, nằm
cạnh hàng bán vải vóc và bánh trái.
Mỗi tháng hai lần, vào ngày rằm và mồng một, huyện
Cam Lộ náo nhiệt hẳn lên vì đến buổi chợ Phiên. Vào ngày đó, dân chúng từ các
làng xã lân cận đổ về họp chợ, thôi thì đủ mặt hàng không thua gì chợ Tỉnh.
Bình thường chợ chỉ là hai dãy nhà ngói mỗi bề 30
thước, có nền gạch cao, đâu lại với nhau thành hình chữ L, nằm trên ngọn đồi có
dốc thoai thoải và, hai cây đa lớn, lá đan lại với nhau cho bóng mát. Vây quanh
hai gốc đa, nổi thêm độ mươi chòi lợp lá, đó là quán ăn và hàng bán rau cải,
trái cây tươi các chợ xa đưa về. Trước mặt chợ là một bãi đất trống rộng bao
la, nhìn xuống đám ruộng bắp dưới chân đồi, mùa hè lá xanh mơn mởn.
Những hôm đẹp trời, đứng từ cửa hàng, cô Ngại nhìn
rõ con đường đất đỏ ngoằn ngoèo đổ xuống chân đồi và lẫn vào ruộng bắp. Vào những
phiên chợ, người người đi lại tấp nập suốt ngày.
Mùa Xuân đã tới, không khí Tết lan tràn khắp chốn,
đặc biệt những phiên chợ mùa xuân lại càng tấp nập với đủ màu sắc tươi thắm.
Bên phía đông của chợ, lại mọc thêm một chợ hoa trăm hồng ngàn tía. Vào những
năm thanh bình, mùa màng tốt đẹp, toàn dân quanh vùng đều gác bỏ chuyện đồng
áng để kéo nhau về chợ huyện sắm Tết. Thôi thì đủ cả, nào hàng tơ lụa yếm đào,
khăn tía, nón bài thơ...Hàng hương hoa trà quả với giấy bóng đỏ, giấy bông hồng
và những mâm con giống đủ màu chất cao như núi, với những hàng chậu cúc, vạn thọ,
đại đóa, mồng gà, chen với những cành mai, cành đào và những chậu thược dược,
tường vi, phù dung, hồng thắm....người mua bán lăng xăng ồn ào, lại thêm lũ trẻ
con chạy tới chạy lui đì đùng đốt pháo...
Gian hàng của ông đồ Khóa có lẽ được chiếu cố tận
tình, làm ăn khấm khá. Trước cửa hàng phất phơ nhiều câu đối đỏ và những bức
tranh gà tranh chuột du xuân. Ông Đồ gò lưng nắn nót từng câu trên giấy. Mấy chục
cậu học trò đứng chung quanh trầm trồ khen ngợi. Họ là những anh học trò trên tỉnh
Quảng Trị về chơi, có lúc các cậu khóa, cậu cử trên Huế cũng về làng trẩy hội.
Gái huyện Cam có tiếng là đẹp, trai khôn tìm vợ chợ đông...Và giữa mùa xuân của
đất trời, các trai thanh gái lịch, trai làng gái quê với tâm tình rộn rã, không
hẹn hò mà cùng tìm về đây kén ý trung nhân.
Trong buổi chợ phiên mùa xuân năm đó cậu ký Cửu
yêu cô Ngại. Bao nhiêu năm trôi qua, bà Cửu tâm sự:
- Lúc đó mẹ đang lúi húi bày hàng, đột nhiên nhìn
lên và thấy ba đang nhìn mình đăm đăm, mẹ như có cả một dòng điện chạy qua người
và mãi đến mấy năm sau ba cũng thú nhận vói mẹ:
- Lúc đó vừa đến trước cửa hàng của “mụ” (ở quê
nhà tôi tiếng “mụ” có nghĩa là “em” khi chồng nói với vợ) tự nhiên tôi thấy tay
chân luống cuống, làm rớt cả xâu chìa khóa, khi cúi xuống lượm, vừa ngẩng lên
thì nhìn thấy mụ đang nhìn tôi...Cảm giác lúc đó thật là kỳ...
Mấy chị em chúng tôi xôn xao bàn tán ra vào, mỗi đứa
mỗi câu nhao nhao bình phẩm...Lần nào ba tôi cũng lắc đầu gạt phắt:
- Coup de foudre gì mà coup de foudre! Sấm sét gì
mà sấm sét…Ba biết mẹ con từ hồi còn bé xíu, mẹ là con dì Hài (dì Hài là tên
con gái của bà ngoại chúng tôi). Lúc đó mẹ hay mặc cái áo cụt tay, tóc túm một
chùm sau ót, đạp xe đạp chạy cùng làng…Ba nhớ hồi đó hai nhà đã ngỏ ý gả con
cho nhau mà ba đâu có thèm để ý…
Rồi ba mơ màng:
- Nhưng mà…nhưng mà kể từ ngày đó, giờ đó, phút
đó…tôi biết chắc rằng người tôi chọn lựa để sống cho đến hết đời là “mụ”, không
thể nào là người khác được.
Và như vậy, trên cõi đời này, giữa một sáng mùa
xuân, có hai kẻ trai gái yêu nhau…Từ đó ngày nào cũng là ngày xuân, tháng nào
cũng là tháng xuân và năm nào cũng là năm hạnh phúc.
Mà lạ, hai người trẻ tuổi yêu nhau cũng thật kỳ. Họ
nhìn nhau mà chẳng nói, yêu nhau mà chẳng thốt nên lời…cứ mỗi hai tuần, đúng
phiên chợ, chàng ăn mặc chỉnh tề tươm tất, đến cửa hàng của nàng, lựa mua vài
ba món lặt vặt, đi vơ vẩn một vòng rồi trở về nhà, lòng như nở hoa…
- Còn mẹ! Mẹ có nở hoa không hở mẹ? Mẹ cười vui,
tay vuốt mái tóc bạc phơ,
- Phiên chợ nào mà ba phải ở lại Huế lo công việc
là mẹ nóng cả ruột gan. Từ sáng đến chiều, vẫn bán bán mua mua cười nói nói mà
mắt thì cứ dõi tìm một người trong cả ngàn người…mong cho mau đến phiên chợ
sau.
Năm sau, bà nội cho người đánh tiếng qua xin nhưng
ông ngoại khất đến ba năm sau vì rằng con mình còn quá trẻ, vả lại mẹ là con
gái lớn trong gia đình, còn phải giúp ông bà ngoại trong ngoài…
Tuy vậy, hai nhà đã hứa hẹn, bà ngoại với bà nội
là chị em bà con cùng họ, vấn đề đôi trẻ yêu thương nhau là chuyện tốt đẹp và
được tán thành trong gia đình.
Năm thứ ba, mẹ tôi bắt đầu nhận được thư tình gửi
về từ thành phố Huế, nơi ba tôi làm việc, và thỉnh thoảng vào cuối tuần ba từ
Huế về, thường đạp xe đạp qua hầu chuyện ông nhạc tương lai và luôn thể xin vài
thang thuốc bắc cho bà nội.
Hồi đó ông ngoại tôi hành nghề Đông Y sĩ. Ngoại có
cả một cửa hàng thuốc bắc lớn, vừa chẩn bịnh, vừa hốt thuốc. Cụ nổi tiếng nhờ
mát tay và vì có hạt ngọc rắn rất quý. Hạt ngọc màu đen này có công hiệu hút hết
các loại nọc độc. Rất nhiều dân thiểu số trên nguồn, sống trong dãy Trường Sơn
vào rừng chặt măng, tìm quế, bị rắn độc hoặc bò cạp cắn thường được cán về cho
ngoại tôi cứu cấp. Có lúc bịnh nhân phải ở lại vài hôm để rút hết nọc độc và
cho uống thuốc xả độc. Những dịp này, ngoài buổi chợ mẹ tôi thường giúp ngoại sắc
thuốc, nấu cháo hoặc soạn thuốc cho người bịnh.
Ông nội tôi thuộc một gia đình giàu có, nhưng
không may qua đời sớm để lại bà nội lúc đó chỉ mới 25 tuổi và hai đứa con trai
thơ dại là ba tôi và chú tôi. Bà nội một tay chống đỡ giang sơn nhà chồng, thắt
lưng buộc bụng, quên hết tuổi xuân và cuộc đời mình để buôn bán làm ăn, nuôi
hai con khôn lớn. Nội là một người đàn bà đặt biệt, vừa có lòng yêu thương âu yếm
bao la dịu dàng của một người mẹ vừa giữ đủ uy quyền và sự cương quyết của một
người cha…Cho nên suốt cả quảng đời về sau, ba tôi và chú tôi thương kính nội
tôi lắm.
Nghe mẹ kể lại, vào những ngày cuối cùng của cuộc
đời, bà nội đau yếu liên miên. Nhưng dù rất đớn đau về thể xác, bà vẫn cắn răng
không một lời than khóc rên rỉ, bà cứ yếu lần đi rồi chết. Đó là một người đàn
bà can đảm và hiếm có trên đời.
Năm thứ tư, ba mẹ tôi làm lễ đính hôn và giữa mùa
xuân năm thứ năm, mẹ về làm dâu nhà họ Lê.
- Ba mẹ làm đám cưới với nhau mà không đi hưởng tuần
trăng mật sao? Hay là ở quê, không có trăng mật trăng đường…
- Tụi bây làm như ba mẹ nhà quê lắm không bằng…
Nè, ba là trai đất Thần Kinh chứ bộ ít sao! Mà thật cũng tức cười, mãi cho đến
đám cưới rồi mà ba mẹ chưa dám cầm tay nhau (tụi tôi chúi vào nhau mà cười…Ba mẹ
quê ơi là quê!!!) Sau đám cưới thì cũng có đi thăm họ hàng bà con xa gần. Ba
xin nghỉ việc một tháng và đưa mẹ về Huế hai ngày. Chổ ba ở trọ để làm việc quá
nhỏ, hai vợ chồng phải thuê một khách sạn bên bờ sông Hương, mẹ mắc cỡ quá, để
đèn sáng suốt hai ngày hai đêm….Và mẹ mơ màng :
- Những ngày đầu tiên sau đám cưới ở quê nhà mới
đúng là ngọt ngào và êm dịu như trăng mật. Đến ngày phiên chợ, mẹ cũng đi bán
hàng như thường và ba cứ xẩn vẩn bên mẹ không rời một bước. Tuy chẳng biết gì về
bán buôn, hàng họ, ba vẫn đòi giúp mẹ việc này việc nọ. Những ngày ở nhà cũng vậy,
ba mặc đồ mát, đi ra đi vô đọc sách, tỉa hoa, ngắm hòn non bộ, trong khi mẹ làm
việc nhà, nấu nướng…Ba chẳng có ý định ra khỏi nhà một bước, dù rằng chỉ đi độ
vài ba giờ.
Trong tuần thứ hai, ba tôi nhận được một văn thư
khẩn và phải trả lời gấp. Chỉ ở thị xã Đông Hà mới có bưu điện nhận thư bảo đảm.
Ba tôi dặn mẹ đừng đi đâu hết.
- Anh chỉ đi 30 phút rồi về với em.
- Con nghĩ xem, mẹ tôi phân trần, quãng đường 12
cây số từ Cam Lộ lên Đông Hà làm sao mà ba đi về trong 30 phút, nhưng mà thiệt
Nga à, mẹ mới đi ra đi vô, một thoáng đã thấy ba con về rồi. Hôm đó ba tôi đoạt
giải quán quân về đạp xe đạp.
Ba tôi kể với mẹ tôi rằng :
- Thì có gì khó đâu, lên đến đường cái là anh đạp
như một coureur chính hiệu con nai vàng, thiếu đường chạy đua với mấy chiếc xe
vận tải, vào đến thị xã, dựng xe ngay tại bưu điện, chạy vào đưa thư cho thư
ký, trả tiền và chạy ra, leo lên xe làm coureur nữa, cho đến về đây, không nhìn
ai, không thấy ai,không nghĩ đến ai ngoài…em!
Mẹ tôi cười sung sướng. Ôi chao, tình yêu nó có hiệu
lực khủng khiếp, nhiệm mầu, làm sáng đôi mắt (dù nay đã phải mang gương lão),
làm hồng đôi má (dù đã nhăn nheo, xếp nếp) và làm nở nụ cười của mẹ..dù người
cha yêu quí của chúng tôi đã đi vào quá khứ từ lâu.
- Mãi đến một tháng sau ngày đám cưới,hai vợ chồng
mới có dịp uống chung ly rượu hợp cẩn.
Và đứa con đầu lòng sinh ra trong niềm vui sướng hãnh
diện, mong chờ ao ước của ba mẹ và gia đình nội ngoại hai bên.
Ba mươi sáu năm trôi qua như một giấc mơ, vừa như
một chuyện thực mới xảy đến ngày hôm qua. Tám đứa con lần lượt chào đời từ tổ ấm
gia đình. Có đứa đến rồi đi như nhân duyên đã định, có đứa được nuôi dưỡng khôn
lớn nên người, có đứa được dựng vợ gả chồng và chân thấp chân cao bước vào đời,
lại sinh con đẻ cái…và như thế, chu kỳ cuộc sống lại được tiếp nối từ thế hệ
này qua thế hệ khác…mà tôi vừa là diễn viên vừa là nhân chứng đứng làm khán giả.
Những năm tháng trôi qua, ba mẹ tôi kết hợp làm vợ
chồng với đầy đủ thăng trầm của cuộc sống, cọng với thời thế đổi thay, cọng với
vòng quay của bánh xe lịch sử, với những khổ sướng buồn vui, lên voi xuống
chó..Ôi thật nhiều mà thật như chẳng có chi!
Lục trong ký ức từ 10 tuổi cho đến bây giờ, gần 40
năm trôi qua như cơn gió thoảng, tôi vẫn nhớ những ngày khổ sướng buồn vui bên
mẹ bên cha. Những năm tháng ba mẹ phải chia xa vì chiến tranh khói lửa, vì công
ăn việc làm. Tôi nhớ mãi những ngày tháng u sầu, câm nín, trông ngóng, chờ mong
của mẹ khi ba bị khảo đả tra tấn chết lên chết xuống trong tù. Tôi nhớ mãi những
ngày tháng kinh tế gia đình khánh kiệt, buôn bán thua lỗ, ba mẹ bạc đầu vì toan
tính lo âu…Tôi nhớ, tôi nhớ mãi…Lạ thay, mẹ không bao giờ nhắc tới, giờ đây mẹ
tôi vẫn chẳng mất chút nào niềm tin yêu trong quả tim của mẹ, trong ánh mắt, nụ
cười và đời sống hàng ngày… Vì sao, vì sao vậy mẹ? Và mẹ trả lời:
- Vì mẹ biết ba thương mẹ, dù cho ba mẹ lạc nhau mỗi
người một nơi, cuối bể chân trời, dù có ai bắt ba mẹ phải chia lìa tan tác..rồi
ba cũng biết đường tìm về với mẹ.
Ngày cuối cùng, giờ cuối cùng buổi trưa mồng chín
Tết năm ấy, ba còn cầm tay mẹ nói dịu dàng :
- Nay các con đã rời xa mình hết cả rồi, chỉ còn lại
hai vợ chồng mình có nhau mụ hỉ!
Mẹ đã hỏi ba rằng :
- Vậy đó mà ông có thương tui không??Và thương như
thế nào?
Và ba trả lời mẹ một câu làm cho mẹ nhớ mãi và vui
suốt cuộc đời còn lại.
- Tôi thương mụ khắp cả vũ trụ hư không, không kể
thời gian cũng chẳng kể không gian, thương không còn gì để nói năng, để trình
bày, diễn tả…thương như vậy đó, mụ có bằng lòng không?
Hai giờ sau ba tôi đi vào cõi hư vô, êm đềm, lặng
lẽ, ba đi như chưa bao giờ đến, như chưa bao giờ hiện ra giữa cõi đời này để
làm người yêu của cô Ngại, để làm chồng của mẹ, để làm cha của chị em chúng
tôi, để nuôi từng đứa chúng tôi khôn lớn, để dẩn dắt chúng tôi vào đời…
Thật kỳ lạ, mẹ tôi cũng như chị em tôi, nghe rõ từng
mẫu chuyện ba tôi kể, từng lời ba tôi nói, từng tiếng tằng hắng, tiếng ho, tiếng
chắt lưỡi, tiếng cười… Vậy mà hình như chưa bao giờ ba nói một câu,chưa bao giờ,
không bao giờ...Từ đó tôi biết chị em chúng tôi đã thành kẻ mồ côi, mất cha, mất
vĩnh viễn…
Mười lăm mùa xuân đã trôi qua. Mỗi năm sau khi ăn
Tết là đến ngày kỵ. Những năm đầu là những năm tang chế, nhìn hình ba lung linh
nhạt nhòa qua ánh nến và những giọt lệ nhớ thương, tôi đặt câu hỏi :
- Ba đi thật rồi hả ba, ba đi đâu, tại sao ba chết,
nụ cười ba bình yên, hiền hòa quá, ánh mắt ba vui tươi nhân hậu quá, tại sao ba
nở bỏ mẹ ra đi?
Và rồi mẹ cũng rời bỏ quê nhà để qua Canada đòan tụ
với cháu với con, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử…Lời người xưa nói đúng…bao
năm xa cách, mẹ về với con mang theo mái tóc bạc phơ và tấm lòng rộng mở. Một
gia đình chỉ có hai người nam nữ của mùa xuân năm nào vào nữa thế kỷ trước nay
đã thành một bang tộc nhà họ Lê với gần 50 sinh mạng.
Trong gia đình tôi, nhiều kẻ đến rồi đi, nhiều người
sinh ra rồi chết mất, nhiều em bé vừa mới chào đời, lớn lên, nhập vào dòng đời,
tương lai khổ sướng buồn vui, mờ mờ ảo ảo chập chùng. Nhiều cặp vợ chồng kết hợp
rồi lìa tan, nhiều cặp thăng trầm lên xuống, xum họp chia xa…nhưng mẹ vẫn còn
đó, nhẫn nại, dịu dàng , khoan dung, từ ái.
- Từ nay thay vì kỵ đúng ngày, mình hãy chọn một
ngày thứ bảy hay chủ nhật đầu tiên sau Tết để kỵ ba và để con cháu tụ họp đông
đủ mừng xuân luôn thể. Ngày thường mẹ thấy đứa nào cũng đi làm việc, mẹ cúng
đúng ngày chỉ bắt các con thêm khổ. Trời lại cứ bão tuyết thế này.( tháng hai ở
Canada đầy tuyệt trắng và lạnh thấu xương)
Từ đó mùa xuân vừa là mùa kỵ giỗ. Ba, bốn thế hệ tụ
họp dưới một mái nhà, mừng xuân và tưởng nhớ cha mẹ ông bà.
Mẹ chưng một bàn thờ thiệt đẹp với rất nhiều hoa
và đèn nến bánh trái sáng trưng rực rỡ.
Con cái về mừng tuổi và chúc thọ ông bà. Cái chết
không còn là một bức tường chia rẽ tình yêu.Tiếng nói cười rộn rã trong ngày kỵ,
trẻ con gần 20 đứa, áo mới quần mới chạy lăng xăng khắp nhà tay cầm bì thơ đỏ
bà mới lì xì.
Mẹ cười vui :
- Năm nay kỵ sớm vậy mà hay, cháu con đầy đủ.
Ngày mồng 8 là ngày kỵ chính của Ba. Mẹ làm một
mâm cơm nhỏ, đặt lên bàn thờ mời ba ăn. Bà cụ so đủa vừa nói :
- Mời ông ăn trước, còn tôi chờ con Nga đi làm về
rồi ăn luôn thể.
Mùa xuân ở Canada năm nào cũng như năm đó, vẫn là
mùa đông đầy tuyết trắng, lạnh thấu xương căng da, cắt thịt. Nếu không có kỵ
ba, sau một ngày làm việc mệt mỏi, thân tâm tả tơi như cái mền rách, tôi chỉ mơ
đến nệm ấm chăn êm…nhưng mẹ tôi đang chờ. Tôi đến lạy ba và ngồi vào bàn ăn với
mẹ.
- Mẹ kể chuyện ba đi mẹ…
Và mẹ kể, miên man, kể sung sướng về những kỷ niệm
đẹp từ 50 măm về trước. Những lời nói yêu thương tưới tẩm hương hoa mật ngọt được
tuôn ra như dòng nước mát nhiệm mầu. Tôi thấy rõ con đường nhỏ quanh co dẫn lên
đồi, tôi thấy rõ phiên chợ đầu xuân với trăm hoa ngàn sắc và triệu âm thanh….cả
mùi hương hoa mứt bánh ngào ngạt. Tôi thấy rõ xác pháo hồng trên nền đất ướt
mùa xuân, tôi thấy những giải lụa hồng phất phơ giữa chợ, tôi thấy cành đào màu
hồng phấn, hoa thược dược màu nhung đỏ, hoa vạn thọ vàng, hoa cúc trắng, đóa bạch
hường và những cành mai đầy nụ…Và giữa vùng màu sắc âm thanh đó, tôi thấy rõ, mẹ
tôi và ba tôi nhìn nhau, lòng rung động.
- Giống như có điện chạy ngang người phải không mẹ???
Và mẹ cười.
- Ừ, như có dòng điện, mà không phải mình mẹ đâu,
cả ba cũng vậy.
Tôi lại cười, giống như đã cười từ vô thủy:
- Vậy là ba mẹ bị coup de foudre rồi.
Câu này hình như tôi đã nói với ba mẹ cả triệu lần
rồi, và lần nào mẹ cũng lắc đầu :
- Tụi bây chỉ nói chuyện đợt sống mới gì đâu. Coup
de foudre là gì? Sấm sét hả, sấm sét gì mà sấm sét…ba con nói rằng…
Tôi nhìn mẹ thật kỹ, thật sâu với tất cả lòng yêu
thương và quý mến.
Mái tóc mẹ bạc phơ, làn da trong vắt ngày xưa
không có một vết mụn mà nay lấm tấm đồi mồi với nhiều vết nhăn ở khóe mắt. Ôi
thời gian đã biến đổi con người từ thái cực này qua thái cực khác. Những tháng
năm đã trôi qua đời mẹ và lưu lại nhiều dấu vết. Nhưng mẹ tôi vẫn cười, mắt lấp
lánh sau làn kính lão, như những vì sao. Ôi chao, những thăng trầm đau khổ, những
khốn đốn tóc tang…giờ đây mẹ quên hết. Mẹ chỉ nhớ đến mùa xuân, những mùa xuân
đẹp trong đời, nơi đó có mẹ và ba…
Mắt tôi mờ đi nhưng tai tôi vẫn nghe rõ tiếng nói
dịu dàng vang vang như từ xa chuyển đến.
- Nga ạ, hôm nay trong lúc ngồi chờ con về ăn cơm,
mẹ đã ngồi bên ba, nhìn ba và nhớ ba, nhớ hết, suốt cả quảng đời ba phần tư thế
kỷ sống trên đời, mẹ có thể nói với con một điều có thật trong đời mẹ, dù rằng
mẹ rất thương yêu, kính mến và mang ơn cha mẹ mình, đấng sinh thành ra mẹ nuôi
mẹ nên người, dù rằng mẹ đã có một bầy con, đứa nào cũng nên người, cũng được
ba mẹ yêu thương và biết yêu thương ba mẹ, dù rằng mẹ đã có một bầy cháu hơn 10
đứa, đứa nào cũng dễ thương đẹp đẽ, đứa nào cũng được mẹ cưng yêu chìu trìu mến..Nhưng
tất cả tình yêu thương đó cọng lại cũng không thay thế được tình vợ chồng của
ba mẹ. Vì sao? Vì ba mẹ đã yêu nhau, đã sống với nhau đầy đủ chân tình, đã
cùng trải qua hết những thăng trầm chua ngọt của cuộc sống mà không mất nhau,
mà vẫn thuộc về nhau từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau. Đó là một lẽ thật, đó là
một điều có thật không kể thời gian và không gian.
Tôi chào ba mẹ và bước vào màn đêm đầy tuyết trắng
để trở về nhà. Gió ngoài đường rất lạnh. Và như vậy, một mùa xuân nữa đã trôi
qua…
Lê Thị Bạch Nga