Chuyện Cọp - Bút Nguyên Tử
Thuở nhỏ, khoái nhất là ngồi nghe
chuyện ma. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, những hình ảnh rùng rợn quái đản lởn vởn
theo câu chuyện, bọn trẻ cứ há hốc nghe vừa xích lại gần nhau lúc nào không biết. Xong chuyện,
chẳng đứa nào dám ra ngoài một mình, sợ phát nín!
Sau chuyện ma là chuyện cọp với bao
kinh dị đường rừng. Nghe, lè lưỡi nổi gai. Dù biết mình đang ở vùng đồng bằng, nhà
đang đóng cửa, bên ngoài không thể có cọp mà vẫn nổi gai rùng mình- sợ ông!
Tôi có người ông trong họ đi
rừng bị cọp tát vào mặt, nhờ người cùng
đi hô hoán nên cọp bỏ chạy. Người ông họ tôi bị thương, đưa về nhà vài tháng
thì mất. Ai cũng bảo do cọp đoạt hồn trước rồi, sống chỉ là sống tạm, ông cọp
để dành sẵn, trước sau gì cũng phải theo hầu ổng thôi. Từ đó, người trong họ
tôi kiêng đi rừng vì sợ ông cọp “chấm”, sợ người thân tộc mình rủ theo cho có
bà con. Chết thì ai chẳng sợ, chẳng ghê nhưng cái chết do cọp bắt nghe sao kinh
thế.
Người làng tôi kể rằng, mỗi lần
lên rừng đốn cây, chém nhát rìu cây rung mà không thấy chim bay thú chạy thời đưa mắt cho nhau làm dấu rút lui. Quanh quẩn đó chắc
chắn có cọp. Nơi cọp ở, chim thú không dám tới. Nghe đâu dẫn chó đi săn, nếu ngửi
thấy mùi cọp chó sẽ quặp đuôi thét rét, rên ăng ẳng mà lủi trốn. Do vậy, chỉ
cần kiếm đâu chút mỡ cọp bôi vào người thì đi đến đâu khỏi phải lo chó sủa. Khỉ
vượn leo nhảy trên cây, thấy cọp cũng ré lên rồi nhắm mắt buông tay. Ngựa thấy
cọp thì chúi đầu vô bụi, hai chấn đá lui túi bụi. Cọp đứng nhìn cho đến
khi ngựa mệt lữ, quỵ xuống sẽ tới xơi
tái.
Cọp thường ở đồi tranh trảng cỏ,
có con chim bay lượn theo thỉnh thoảng
kêu lên mấy tiếng “ác là…ác là…”nghe
rùng rợn. Nó là bạn đồng hành của cọp, cọp tới đâu nó bay theo tới đó. Nó dẫn
đường cho cọp bắt mồi, cọp ăn xong nằm há miệng, chim sà vào xỉa răng. Cũng một
loại cộng sinh.
Đi rừng thường theo từng đoàn, đi
trước đã ngán nhưng ngán nhất là phải đi
sau cùng vì cọp chờ cho đoàn người đi qua, nhanh chóng vớt người cuối cùng tha
chạy, lẹ quá kêu không kịp. Đến khi trong đoàn thấy văng vắng, ngó lại thì ô
hô, chỉ biết nhớ lấy ngày giờ để báo cho gia đình nạn nhân cúng giỗ. Cũng có người
tin rằng do hạp số, khi ông cọp đã “chấm” thì dù có đi trước đi sau đi giữa,
ngủ vòng ngoài vòng trong gì cũng bị ổng tìm cách “rước” theo.
Đồn rằng cha cọp tên Tang nên khi
cọp vồ trúng màng tang (chỗ hiểm phía trước tai) thì bỏ chạy, không dám bắt. Té
ra hùm còn có hiếu! Thành thử đi rừng lỡ thấy cọp thì phải chỉ lên màng tang mà
hô lớn “Tang…Tang…” để dọa cho cọp
chạy. Có người khuyên đi rừng phải vác theo khúc nứa. Cọp rất sợ tre nứa vì thịt
cọp kị nứa, bị tre đâm trúng rách thịt, vết thương sẽ làm độc, loét thối mà
chết. Do vậy, gặp cọp thì cứ chui vô bụi nứa hoặc lấy hai thanh nứa cọ rít vào
thành tiếng, cọp ê răng chịu không thấu phải bỏ chạy. Có người khuyên đi rừng
phải giữ thế chống mũi mác hoặc khúc cây vạt nhọn lên trời, cọp thấy là ngán vì
bắt người thì phải tung mình lên cao phủ chụp xuống, mũi nhọn có thể xóc thủng
bụng cọp. Cọp không vồ trực diện mà vồ
vào hai bên hoặc phía sau, lúc người ta vô ý hoặc không nhìn thấy nên người Ấn
Độ có kinh nghiệm đeo mặt nạ vào phía sau ót. Trước nhìn, sau nhìn,cọp hết dám
vô.
Nhỡ có đánh nhau với cọp thì phải
thận trọng, khôn ngoan. Trước khi nhảy vồ, cọp thường đập đuôi. Đập đuôi bên
trái thì nhảy vồ bên phải, đâp đuôi phải thì nhảy vồ trái. Bình tĩnh coi nó đập
đuôi để né đòn mà tấn công lại.
Ngậm ngãi tìm trầm- Người đi tìm
trầm phải luồn sâu trong rừng già hàng tháng trời, để chống thú dữ, họ phải
ngậm ngãi. Có ngãi xem như người họ bất khả xâm phạm, gặp cọp, họ sẵn sàng nằm cho cọp nhai xé một hồi,
thấy cắn mỏi răng không xuể, cọp mắc cỡ lủi thủi bỏ đi.
Nhược điểm của cọp là không biết
leo trèo. Chuyện xưa, cọp học võ với sư phụ mèo, một thời gian, tưởng đã moi
hết bài liền trở mặt phản sư, may mèo thủ được ngón leo trèo mà thoát được tên
lừa thấy phản bạn. Có người đi rừng,
thấy cọp liền thoắt lên cây. Cọp ngồi dưới nhìn lên, chờ. Trên cây, người nọ sợ
vừa đói, hái trái ăn, thả hột rơi trúng đầu cọp. Mỗi lần vậy, cọp đều đưa tay
cào chụp làm tét da đầu. Thấy máu đỏ, cọp càng hăng tiết cào chụp cho đến lòi
sọ mà chết. Người nọ thoát nạn còn kiếm thêm được bộ da và bộ xương cọp đem về
bán. Tưởng xui ai dè vô một khúc!
Muông thú lánh xa, lắm khi chúa
rừng cũng đói trơ xương, phải bò xuống suối vợt ốc bắt cua. Cua ốc không có
nhiều lúc phải bốc bùn mà ăn. Ở rừng đói, lắm khi cọp lén vào buôn bản tìm bắt
gà heo. Có lần lẻn vô nhà nọ, gà heo không thấy, chỉ thấy đưa bé ngủ trong
chăn, cọp gói ôm lấy mà chạy. Người nhà phát hiện, tri hô lên, cả làng nổi mõ
gõ phèn la thổi tù và rượt theo. Cọp hoảng hốt, lúng túng để rớt em bé lại, chỉ
ôm được cái mền chạy vô núi. Cọp còn giả làm người, cũng mang tơi đội nón ra
ngồi mé lộ ngoắt xe đò. Tưởng khách, tài
xế dừng xe, cọp nhảy phóc lên vớt đại một hành khách cắp chạy như bay vào rừng.
Cọp là loài ác nhưng nghe đâu
cũng biết nghĩa lí. Có con cọp nọ sa hố, người người tới xem, lè lưỡi sợ hãi.
Riêng một chú bé con chống nạnh đi lại trên hố, nhổ bãi nước bọt mắng: - Đã thấy mẹ mày chưa hả! Hết hung hãn chưa
con! Cọp tức quá, dồn sức tung mạnh một cái bay lên khỏi hố, thoát vào
rừng. Hôm sau, cọp tìm về đúng ngay nhà
chú bé để tính sổ. Chú bé thoáng thấy bóng cọp thì hỏi: - Ông đấy hả? Đem gì về đền ơn cho tôi đó? Cọp gầm lên định xông
vào nhưng chú bé vẫn bình tĩnh: - Sao ông
lại thù tôi, ông phải cám ơn tôi mới đúng chứ! Nếu tôi không khích cho ông tức
mình thì sao ông có thể nhảy thoát cái
hố đó được. Không có lời khích của tôi thì bây giờ người ta đã nấu cao ông rồi!
Cọp hiểu ý, ngúc ngúc. Hôm sau, tha một con heo rừng đại chác về đền ơn.
Cũng có chuyện một bà mụ (bà đỡ),
đêm khuya nghe tiếng đập cửa, tưởng có ca sinh đẻ nào gấp vội ra mở, ai ngờ
cọp. Cọp nhảy tới bồng bà mụ rồi vơ luôn túi đồ nghề tốc chạy về hang. Tới nới,
thấy cọp cái đang đau đẻ. Cọp ngúc ngúc khẩn khoản làm dấu, té ra cọp đực đi mờ mụ cho vợ. Bà mụ
thực hiện gay các thao tác đỡ đẻ, mẹ tròn con vuông. Cọp lại cõng bà mụ về trả.
Hôm sau, vừa mở cửa, bà mụ đã thấy một con heo rừng tổ chảng nằm chình ình giữa
sân. Rồi đầy tháng, thôi nôi… cọp đều có phần đem về biếu mụ.
Cọp có nghĩa, tuy vậy, quan hệ
với cọp rất nguy hiểm, coi chừng trở ngại “kĩ thuật”. Xưa có người đưa chú cọp
con mất mẹ về nuôi, thương như con đẻ, đi đâu, làm gì cũng đem theo. Sống với
người nên cọp cũng hiểu được tiếng người, tập tính người. Có lần, cha nuôi đặt nò đơm cá ngoài suối, sai cọp ra canh.
Cha nuôi quên chừng, nửa đêm mò ra xem, cọp tưởng kẻ trộm, vồ chết. Khi nhận ra
cha nuôi, cọp rống lên thảm thiết rồi chạy vào rừng. Sau đó, cứ đúng ngày giỗ
chạp, cọp thường lén mang khi thì heo rừng khi thì hươu nai về cúng, khi đặt ở
mả, khi đặt ở nhà mẹ nuôi rồi bỏ chạy.
Cọp là hung thần nên thường đi
với ma quỷ. Cọp đi với ma, cọp có ma – ma cọp còn gọi là ma trành. Rằng những
nạn nhân bị cọp ăn thịt không còn nơi
nương tựa nên phải bám víu trên mình cọp. Cọp đi đến đâu đều có ma hộ vệ, dẫn
đường. Trước khi cọp tới, đều có một luồng gió mạnh ào ào lướt qua, đó chính là
các âm hồn đi “tiền trạm”. Các bẫy gài đều bị đánh sập xành xạch để dọn đường
an toàn cho cọp tiến bước. Sơ sẩy mà cọp bị chết thì ma khóc dậy rừng vì mất
chốn nương thân, thành cô hồn vất vưởng.
Có chuyện cọp đã ăn thịt người
lại còn giam luôn linh hồ người bị hại. Linh hồn người bị hại muốn được phóng thích sớm thì phải tích cực dẫn
cọp đi bắt người khác để thế chỗ. Nạn nhân của cọp trở thành tay sai, thành tên
chỉ điểm cho cọp. Khi thấy có người, cô hồn băng lên trước lột hết quần áo nạn
nhân để cọp ăn cho nhanh, giúp mình sớm giải thoát. Rằng có người thấy cọp thì
khựng lại, tự động cởi hết quần áo bước tới cho cọp ăn. Bảo rằng bị cọp thôi
miên, thực ra là do cô hồn cũ lột quần áo nạn nhân, kéo tới cho cọp ăn mà thôi.
Có cọp- ma thì cũng có cọp-
người, người- cọp. Một giáo sĩ phương Tây kể lại rằng Minh Mạng là một ông vua
dữ ác. Có lần tới xem cọp, vua lấy cái hộp ném vào chuồng rồi lệnh cho tên lính
hầu vào lấy. Giữa hai con ác thú đương nhiên tên lính chọn con trong chuồng vì
sao nó cũng ít ác hơn. Y mở cửa chuồng,vào lượm cái hộp đem ra cho vua mà cọp
vẫn không làm gì vì nó đang nhìn chắm chằm con trâu gần đấy.
Ông Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” có kể rằng ở làng Ngọc Cục (nay thuộc Cẩm Bình, Hải
Hưng) xưa có tục thờ yêu hổ. Mỗi năm, làng cử một người chủ tế. Chủ tế phải
rình bắt một người đem về nhốt dưới hầm,
lộtt da gót chân để nạn nhân không thể chạy trốn, đợi đến tế sẽ đem ra làm
thịt. Thịt người được xắt nhỏ trộn vào trong thịt trâu, thịt heo. Cúng tế xong
mọi người xúm vào ăn uống, ai gắp được miếng thịt người thì hí hửng khoe ầm lên
vì tin rằng năm ấy mình sẽ gặp hên.
Người ta đồn dưới biển có loài cá
đuối rất độc. Đuôi cá đuối làm roi đánh thúi thịt.Thù ai, lấy gai cá đuối đâm
vào dấu chân thì chân người đó thúi, phải cưa. Vì vậy, khi đánh được cá đuối, ngư
dân nhổ kì, bẻ đuôi liệng xuống biển ngay để tránh chuyện oán thù. Trong rừng có cọp độc, lấy râu đem ngâm vào
nước đọng trong mụt măng tre, một thời gian râu sẽ nở sâu gọi là sâu cọp. Nuôi
sâu cọp để lấy phân làm thuốc độc, thù ai cứ rình trộn vào thức ăn , nếm phải
là chết ngay. Vì vậy, đánh bẫy được cọp
người ta thường đốt bỏ ngay bộ râu để tránh hậu họa. Râu cọp cực độc vì dính
quá nhiều máu thịt người.
Cọp mạnh nhưng có người còn mạnh hơn.
Truyện Thủy Hử có hai nhân vật là Võ Tòng và Lý Quỳ (Hắc Toàn Phong) nhờ đã
hổ mà nổi danh giang hồ. Ở nước Việt ta từ thời Bắc thuộc đã có Mai Hắc Đế đánh
cọp, được Phùng Hưng thu làm tướng, sau này được người đời tưởng vọng, phong là
vua. Đời Nguyễn, Lê Văn Khôi nhờ có sức
khỏe và võ nghệ cao cường mà được Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt yêu,
nhận làm con nuôi. Khi Tổng trấn tiếp sứ Xiêm (Thái Lan) đã cho Lê Văn Duyệt ra
đấu với cọp. Khôi chỉ đi vài đường đã vung quyền quật ngã cọp làm kinh hồn bạt
vía sứ Xiêm La.
Bút Nguyên Tử