HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ MỘT CON
CHÓ -
truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
Hồi còn nhỏ, thằng cu Cường
nhà tôi nhiều lần đòi nuôi chó nhưng tôi giả lơ vì tôi không thích chó lắm. Hết
phổ thông đến đại học, nó túi bụi học hành nên sở thích nuôi chó của nó phải tạm
gác. Thế nhưng, khi đã học xong và có việc làm, nó lại hỏi: Sao nhà mình không
nuôi chó?
Ở xóm tôi, hầu hết nhà trước
đây đều có vườn tược. Ngoài nuôi gà, vịt, hầu như nhà nào cũng có nuôi chó.
Nhưng sau khi giải toả để lập khu dân cư mới, nhà vườn biến thành nhà phố, nuôi
chó rất bất tiện và mất vệ sinh. Hàng xóm láng giềng đều là người xa lạ, nuôi
chó mà không có vườn, lỡ nó sang ỉa trước nhà hàng xóm sẽ bị chửi ngay. Nếu nó
chạy ra đường sẽ bị bọn săn chó đánh chết, hoặc có ngày cũng bị công an phạt. (Tôi
cũng mong luật cấm chó thả rông được áp dụng nghiêm ngặt để khỏi dẫm phải cứt
chó!).
Tôi đã cảnh báo thằng con tôi
như vậy nhưng nó không nghe và rồi nó kiếm đâu đó về một con cún rất dễ thương.
Nó thích nuôi chó nhưng không biết cách chăm sóc, chỉ thả đấy, và tôi trở thành
người nuôi chó bất đắc dỉ. Hằng ngày tôi phải cho chó ăn, dọn phân, lau nước
đái, tắm cho chó. Cả nhà biến thành cái chuồng chó, chỗ nào cũng hôi hám.
Mặc dù là chó ta, nhưng
chuyện ăn uống cũng rắc rối. Lúc mới bắt về, chỉ cần cơm chan canh, nó cũng xực
mấy bát. Vài ngày sau, nó không chịu, phải chuyển qua cơm trộn cá. Được ít bữa,
nó chán cơm cá, phải chuyển qua cơm trộn đồ xào. Dù mỗi lần chán ăn, có thể
nhịn một hai ngày, nhưng nó cũng lớn rất nhanh.
Gặp lúc nó đang chán cơm trộn
đồ xào, đang nhịn hơn một ngày không ăn gì, thì có cô bé hàng xóm bưng qua thết
nó một tô xương gà đầy ắp, nó tha hồ gặm đi gặm lại đến hai ngày mới hết.
Kể từ đó cứ hai ba hôm, cô bé
lại mang một tô, khi thì xương gà, khi thì xương vịt, khi thì đầu cá to bự, khi
khác thì thịt bò, thịt heo. Con chó nhà tôi mập lên thấy rõ và tôi phải đi hót
phân ngày đến hai, ba lần!
- Con bé ấy nhà nào mà trông
dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép? Nhà nó có vẻ ăn sang hơn nhà mình nhiều.
Tôi hỏi vợ tôi.
- Con Sương, con gái anh Ngọc
ở cái nhà ba mê phía bên kia đường, từ nhà mình ngó xéo là thấy. Ông ở xóm nầy
gần chục năm rồi mà vô tình quá! Được đó ông.
- Được cái chi ?
- Được cái nết của nó. Lại
cao ráo dễ thương. Được cái nữa là nó đã tốt nghiệp đại học và đang làm ngân
hàng, lương tháng gần ba triệu. Được cái nữa là hàng xóm láng giềng có quen
biết, nói chuyện dễ hơn. Được cái nữa là đỡ tốn tiền thuê xe cộ. Được cái nữa
là mai mốt sinh đẻ nó nằm nhà mẹ, mình đi lại dễ dàng…
- Nảy giờ bà nói được được,
tôi không hiểu gì hết.
- Thì tôi định nói con bé ấy
cho thằng cu lớn nhà mình. Ông không thấy nó được sao?
- Nếu được vậy thì tốt quá.
Nhưng nhà người ta là cán bộ cấp côi. Bà không thấy khách khứa tấp nập, ăn uống
sung sướng, xe cộ láng coóng, còn nhà mình mới chỉ đủ ăn ba bữa mà đòi môn đăng
hộp đối thì sao được. Bỏ qua cái ý nghĩ đó đi. Vã lại hai đứa có quen biết nhau
gì đâu.
- Trời ơi, ông không biết đó
thôi. Mỗi lần nó qua, cho chó ăn xong là hỏi: Anh Cường đâu rồi bác? Dạo này
ảnh hay đi chơi về khuya quá, bác không la hả? Anh Chương nhà con hồi đó cũng
vậy nhưng má con la quá nên không dám đi nữa. Đó, ông thấy con cái gia đình ấy
có giáo dục hơn con nhà mình. Ông không biết dạy con gì hết. Nó ưng thằng cu
Cường nhà mình rồi đó. Ông là thứ vô tình không biết đó thôi. Con người ta đẹp
người đẹp nết như vậy mà ông không ưng thì cũng chịu thôi. Đám ấy quá tốt, còn
nói vòng vo gì nữa. Con mình đã lớn rồi…
- Tôi nói không ưng và vòng
vo hồi nào?
- Nghe nói bố nó làm quan
chức gì lớn lắm ở ngành điện lực. Vậy là có cơ may chuyển thằng con mình qua
ngành điện.
- Thằng cu mình học ngành hoá
chớ có phải ngành điện đâu. Ngành điện đời nào người ta tuyển kỉ sư hoá hữu cơ.
- Thì ít ra nó cũng kỉ sư. Kỉ
sư thì làm gì mà chẳng được. Bạn của ông có người tiến sĩ sử học mà làm giám
đốc cảng biển sao ông không nói gì?
- Nói chuyện với bà mất công
quá. Thôi được, tôi ô kê, bà làm chi thì làm.
Mọi chuyện vẫn xảy ra bình
thường. Con chó nhà tôi hằng ngày thấy Sương đi làm về là vẩy đuôi mừng rỡ. Mỗi
lần Sương mang đồ ăn đến là nó nhảy lên liếm vào mặt cô bé. Nó chưa làm vậy với
tôi bao giờ. Thằng Cường nhà tôi cũng thỉnh thoảng đứng nói chuyện với Sương
trước hiên nhà. Hai đứa có vẻ hợp nhau, tôi nghĩ vậy, đặc biệt con bé luôn cười
nói vui vẻ tự nhiên, không chút e thẹn.
Một lần tôi hỏi Sương:
- Chó nhà con không ăn mấy
thứ nầy sao?
- Từ hồi chó nhà con bị mấy
thằng săn chó bắt thì nó nhác ăn. Hôm đó nó đang đứng chơi ngay trước cửa nhà
thì mấy thằng ấy nhảy vào cầm cây ống nước bằng nhôm đánh nó rồi mang đi. Trời
ơi, con khóc húp cả mắt. Ba con chạy đi mấy cửa hàng thịt chó và may mắn tìm
được nó chưa chết, chỉ bị thương. Ba con bỏ một trăm ngàn để chuộc nó về. Một
thời gian sức khoẻ nó bình phục, chỉ có cái cổ bị gảy xương, bây giờ hơi cong
cong, tính của nó cũng hơi lảng lảng. Bây giờ nó chỉ uống sữa, cũng may chỉ
thích loại sữa bột nguyên kem là thứ ít tiền. Bác thấy con cứ cầm cái tô chạy
theo nó dỗ như là dỗ trẻ lên ba nhưng nó không thèm ngó vào tô có thứ gì.
Rồi nhà anh Ngọc lên thêm một
tầng và làm mới hết mặt tiền. Nhà chỉ có bốn người, vậy là mỗi người một tầng.
Không hiểu làm chi cho to vậy?
Con chó đực nhà tôi cũng đã
làm quen được với con chó cái nhà ấy và hai con thỉnh thoảng qua lại chơi với
nhau mỗi khi được thả.
Một tuần sau thấy nhà anh
Ngọc treo đèn kết hoa, tôi hỏi vợ tôi chuyện gì vậy. Bà nói:
- Đám cưới con bé Sương con
anh Ngọc, nó thường mang thức ăn cho chó nhà mình đấy.
Bà vợ tôi chỉ trả lời vậy
thôi và không nói gì nữa, không nói được cũng không nói mất. Tôi cũng làm
thinh.
Mặc dù hàng xóm láng giềng
gần chục năm, nhưng vợ chồng tôi chưa quan hệ nhiều lắm với gia đình ấy nên
không được mời. Người ta nói “gần nhà mà xa cửa ngõ” để chỉ mối quan hệ lạnh
nhạt không nên có giữa những người hàng xóm láng giềng, bởi vì quan hệ xóm
giềng là mối quan hệ “tắt lửa tối đèn có nhau”. Thế nhưng khi làng xóm bị giải
tỏa, bà con xóm giềng mỗi người tứ tán một phương, lại bắt đầu làm quen với
hàng xóm mới (đa phần đều là người giàu có mua lại đất của người bị giải tỏa),
phải sống kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, mới thấy hết ý nghĩa của câu đó.
Một ngày sau đám cưới, con
chó nhà tôi biếng ăn, suốt ngày cứ nhìn sang nhà Sương.
Hôm sau, nó được mở xích, và
ngay khi nó phóng ra, hai tay săn chó đi xe máy ập đến, đập vào đầu nó bằng một
cây sắt và cầm cổ xách đi mất.
Ba ngày sau đám cưới, Sương
trở về nhà. Buổi tối, Sương bưng qua nhà tôi một tô đầy xương gà, vui vẻ kêu
“ki ki”. Tôi ái ngại nói:
- Nó bị người ta đập chết
mang đi rồi, con ơi.
- Trời ơi !
Tôi thấy Sương tiu nghỉu bưng
tô xương gà trở về, vừa đi vừa khịt mũi, dường như cô ấy khóc. Nhưng Sương
không bưng tô xương vào nhà mình mà đi vào con hẻm phía sau nhà, có lẽ để cho
con chó khác ăn.
Nguyễn Khắc Phước