Sunday, November 15, 2015

"Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc" 
                                            - Phạm Đức Nhì 

(Viết sau khi đọc "Câu Chuyện Văn Chương" của Lê Mai Lĩnh)

         Nhận được cái link từ một bạn văn trong nước với lời nhắn “Nhận thấy có liên quan đến bài viết của anh và anh Châu Thạch bàn về TỐNG BIỆT HÀNH của THÂM TÂM... nên chép lại đường link để anh xem và có phản hồi với bài
viết (nếu có). Chúc vui.”
 http://huongnguyenhoang.blogspot.com/2015/11/cau-chuyen-van-chuong-l-e-mai-linh-nha.html#more 

        Sau đó 2 ngày tôi cũng nhận được mail của anh Trương Vấn thông báo về bài Câu Chuyện Văn Chương trên trang TVấn& BH. Đọc CCVC tôi mường tượng tác giả của nó là một người yêu thơ cuồng nhiệt theo cách riêng của mình, và … rất tự tin. Lẽ ra trong tranh luận văn chương phải chú trọng đến đối tượng tranh luận - ở đây là giá trị nghệ thuật của TBH - thì ông LML chỉ nói phớt qua vài điểm ông không đồng ý (không dẫn chứng), rồi tự động coi mình là “bên thắng cuộc”, đề nghị hình phạt cho “bên thua cuộc”.

       Dù vậy, trong bài này tôi chỉ chú trọng việc làm rõ những điểm liên quan đến văn chương mà ông đề cập, không phải để phân định thắng thua  mà tìm sự thông cảm không những của riêng ông mà còn của cả những độc giả khác quan tâm đến cuộc tranh luận.

1/ Nói chuyện chiều hôm trước mà dùng trạng từ chỉ thời gian “BÂY Giờ” là không chính xác.

Theo tôi (LML) biết, trong văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác, vẫn có CÁC THÌ:  HIỆN TẠI TRONG QUÁ KHỨ hay QUÁ KHỨ TRONG TƯƠNG LAI.

Ở đây tôi không bàn đến văn phạm tiếng Anh và các thứ ngôn ngữ khác mà chỉ xin đưa ra một thí dụ bằng tiếng Việt để chứng minh “Bây giờ” trong TBH là không chính xác.

            Thứ Hai tuần trước tôi gặp anh ta ở chùa Vĩnh Nghiêm 
            Lúc ấy hoa sen nở đẹp quá.

Nếu thay “Lúc ấy” bằng “Bây giờ” thì sai. Điều này chắc độc giả ai cũng có thể chấp nhận.

Trở lại TBH: Tôi xin phép đổi mấy chữ (để làm rõ ý của mình)

            Ta biết người buồn chiều hôm trước 
            Đang vào cuối hạ sen nở nốt 

Nhóm chữ trạng từ chỉ thời gian (đang vào cuối hạ) có thể bao phủ một khoảng thời gian từ “chiều hôm trước” cho đến lúc người đưa tiễn đang “tâm tình” ngày hôm sau (và có thể thêm một thời gian ngắn nữa trong tương lai). Đưa “Bây giờ mùa hạ” vào thì sai – ít nhất cũng là lỗi kỹ thuật - vì “độ phủ sóng” của “Bây giờ” hẹp hơn, chỉ là một khoảnh nhỏ của hiện tại, không thể vươn ngược về “chiều hôm trước”.

2/ Bài thơ TỐNG BIỆT HÀNH nói về một sự ra đi vu vơ, không mục đích rõ ràng.

Ông LML đã thiếu cẩn trọng, không đọc kỹ nên đã gán câu văn trên - của anh Châu Thạch - cho tôi. Tuy nhiên, đó là sự lầm lẫn nhỏ nhặt, không đáng kể. Hơn nữa, chính tôi cũng đồng ý với nhận xét rất tinh tế ấy của anh Châu Thạch.

3/ Lời khuyên :  “Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý đó chính đáng.

(PHẠM ĐỨC NHÌ không cho chúng ta biết LỜI KHUYÊN NÀY CỦA AI. Phải chẳng có một ông TỔ SƯ BỒ ĐỀ THƠ khuyên và chỉ có anh PĐN biết.)

Trước hết, tôi đã bỏ ra 2 buổi để đọc 69 bài thơ của ông LML trên TVấn& BH (đúng ra là 70 nhưng có một bài đăng 2 lần) và nhận thấy rằng tất cả 69 bài thơ ấy (vâng! 100%) đều được viết ở ngôi thứ nhất. (1)

Sau đây là một đoạn trích trong Mấy Ý Nghĩ Về Thơ của Nguyễn Đình Thi:

Những hình ảnh còn tươi nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.

Tôi tạm dùng hình tượng rượu thật, rượu giả để giải thích ý này. Cảm xúc hay tâm sự do chính tác giả (hay chính nhân vật trong bài thơ) nói ra là rượu thật, còn do người khác suy đoán rồi nói hộ là rượu giả. Có loại rượu giả cao cấp và loại rượu giả xoàng.

Trong TBH có 2 bình rượu thật:

     a/ Đưa người ta không đưa qua sông 
         Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Không đưa người qua sông nhưng sao lòng nôn nao như sóng vỗ. Đây là 2 câu thơ tuyệt vời nói lên tâm trạng của người đưa tiễn.

     b/ Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ 
         Chí lớn không về bàn tay không 
         Thì không bao giờ nói trở lại 
         Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Đây là những câu thơ người ra đi thì thầm với chính mình – nói như Châu Thạch - lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.

Còn lại là 4 bình rượu giả:

    a/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt 
        Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Ta cảm được nỗi buồn của người khi thấy mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Mắt là cửa sổ linh hồn; nhìn đôi mắt có thể đoán khá chính xác một người đang vui hay buồn. Do tác giả chọn được hình rất đẹp, rất thơ nên 2 câu thơ tuy là rượu giả nhưng là loại rượu giả cao cấp, chỉ người sành rượu mới phân biệt được. Hai câu này kết hợp với 2 câu đầu thành một đoạn thơ rất hay, thường được đọc, ngâm nga trong các buổi nhậu, tiệc trà bù khú chuyện văn chương.
  
    b/ Ta biết người buồn chiều hôm trước
        Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
        Một chị, hai chị cũng như sen
        Khuyên nốt em trai dòng lệ sót 

    c/ Ta biết người buồn sáng hôm nay:
        Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
        Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
        Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay… 

Hai đoạn b và c cũng là 2 bình rượu giả. Ngôn ngữ và khung cảnh thơ sến, cải lương nên có thể xếp vào loại rượu giả xoàng, nhấp môi là nhận được ngay. 

    d/ Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thật 
        Mẹ thà coi như chiếc lá bay
        Chị thà coi như là hạt bụi
        Em thà coi như hơi rượu cay

 Người đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được “chân tình” của tác giả không? Ba câu cuối rõ ràng là rượu giả, được nhà hàng nghênh ngang pha ngay trước mặt thực khách.

Trước khi tôi viết về TBH, trong lúc uống cà phê bình thơ, thấy tôi chĩa mũi dùi vào chi tiết “nói hộ tâm sự của người khác” trong thơ, một người bạn lên tiếng:

      Người đưa tiễn, người ra đi, rồi mẹ, chị và em, tất tật đều là “con đẻ” của Thâm Tâm; dĩ nhiên ông ta biết suy nghĩ trong đầu của họ.

Đồng ý là như vậy. Nhưng khi đã phân công, phân nhiệm thì vai nào phải ra vai đó để phù hợp với vở kịch của cuộc đời. Người trần mắt thịt mà cứ như là Tiên, Thánh, đọc suy nghĩ, cảm xúc của người khác như đọc trang giấy trước mặt mình thì coi sao được.

4/Anh nói : TÔI DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC GIẢ

Vậy tôi đề nghị anh NÊN NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê bình CHÂU THẠCH rất HÀN LÂM, NGƯỜI LỚN.

Qua bài viết của anh Châu Thạch, thú thật, chất hàn lâm thì tôi không dám nói chứ về phong cách thì tôi đồng ý với ông LML là anh có một phong cách rất người lớn: cẩn trọng, đứng đắn và hòa nhã. Sau mấy bài viết tranh luận về TBH và Nhớ Rừng chúng tôi đã thư qua, thư lại, trò chuyện trên điện thoại và thấy có một số điểm tương đồng trong tranh luận văn chương. Anh đã thẳng thắn nói rằng trong việc thẩm định giá trị nghệ thuật của một bài thơ việc có ý kiến khác nhau là thường tình; đó là quyền tự do của mỗi người. Chúng tôi đã kết bạn văn chương và đã trao đổi với nhau một số điều riêng tư lý thú.

5/ Vậy anh nên viết bài TẠ LỖI với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã chạm vào tình cảm YÊU THƠ của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM.

Trong số độc giả thường đọc, thưởng thức rồi yêu thơ có rất nhiều người mê thích một bài thơ vì một hay nhiều lý do rất riêng tư, có khi chẳng ăn nhập gì đến kỹ thuật thơ, cảm xúc thơ … nói chung là giá trị nghệ thuật của bài thơ. Nếu bài thơ nhắc đến hoặc gợi lại những kỷ niệm về khung trời quê hương, mối tình đầu, “những năm tháng không thể nào quên”, hào khí của thanh niên … thì độc giả sẽ ngây ngất như say rượu, cảm xúc dạt dào, hào khí dâng cao … và họ sẽ vung tay cho điểm bài thơ rất rộng rãi. TBH cũng ở trong trường hợp đó. Dĩ nhiên, nó không phải là bài thơ dở, nhưng vì những lý do rất “ngoài thơ” người ta đã quên nhắc đến những khuyết điểm của nó, đã ca tụng nó, cho điểm nó cao hơn giá trị thực sự của nó rất nhiều.

Nhiệm vụ của người bình thơ ngoài việc chỉ ra ưu, khuyết điểm của bài thơ còn phải tháo những giá chống, gỡ những bàn tay nâng đỡ, tước bỏ những ưu ái riêng tư của mình để bài thơ tự đứng trên đôi chân của nó, tỏa sáng bằng chính giá trị nghệ thuật tự thân của nó.

Tôi bình TBH (và những bài thơ khác) cũng với tinh thần đó, cố gắng thuyết phục để độc giả cùng tôi đối xử công bằng với bài thơ, khen chê đúng mực.

Trường hợp của ông LML thì đặc biệt hơn. Đọc đoạn ông viết về TBH tôi biết ngay là ông mắc chứng bệnh “cuồng ái” với bài thơ. Đem cái “tình yêu thơ” kiểu ấy mà bước vào chỗ bình thơ tranh luận với tôi thì chắc chắn tôi sẽ “từ chết đến bị thương”. Cuối cùng chỉ bị ông hỏi khó mấy câu và bắt xin lỗi, tạ lỗi với không biết bao nhiêu là người. Thôi thì như thế cũng là may mắn.

Bệnh của ông LML thì hơi khó chữa, nhưng đối với bạn đọc của TVấn&BH và tất cả những người yêu thơ khác, tôi hy vọng là qua mấy bài tranh luận về TBH quý vị cũng vẫn yêu mến bài thơ nhưng sẽ đối xử với nó công bằng hơn.

Riêng về việc ông LML yêu cầu tôi xin lỗi anh Châu Thạch và TẠ LỖI với bạn đọc của trang TVấn& BH tôi xin được cho qua vì nó ngây ngô, trịch thượng và … quá vô duyên.

6/Ông đã đem BÚA TẠ, KỀM KINGSIZE, ĐỤC KINGSIZE, XÀ BENG KINGSIZE , THUỐC NỔ QUEEN, BAO TAY PRINCESS,,,,

Ông TRỤC, KÉO, LÔI PHO TƯỢNG ĐÀI THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH ra khỏi TRÁI TIM NHỮNG NGƯỜI YÊU của THÂM TÂM TỐNG BIỆT HÀNH

      Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.

       Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi - đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công việc thay thế đó trong tim họ. 

KẾT LUẬN

        Ở phần đầu ông Lê Mai Lĩnh xác định: “Bài viết trong tinh thần Chuyện Như Đùa” và ở phần cuối ông nhắc lại: “Đây là Chuyện Đùa Cuối Tuần, xin mọi người hoan hỉ thứ tha.” Đồng ý trong “chuyện văn chương” có những vùng đất dành riêng cho óc khôi hài (sense of humor) và ngay cả những bài viết chính luận nghiêm túc vẫn có thể có câu, đoạn ẩn chứa những nụ cười ý nhị. Ngồi vào bàn bình thơ, người viết không nhất thiết phải bỏ lại bên ngoài óc hài hước hay cách hành văn dí dỏm của mình.    

Có điều chắc chắn là bình thơ không phải chuyện đùa. Người bình thơ, ngoài kiến thức, tài năng còn phải có “tâm” với thi ca và nhất là phải có thái độ của người lớn: đứng đắn, nghiêm túc, có trách nhiệm với lời khen chê của mình. Khen chê một câu thơ, một bài thơ là do nhận định chủ quan của người viết phê bình – không phải lúc nào cũng đúng nên dĩ nhiên, chưa phải là kết luận chung cuộc. Sự khen chê ấy còn được cân nhắc, lượng giá (có khi soi mói) của nhiều cặp mắt phê bình khác. Không phải cứ ngứa ngáy tay chân là nhảy xổ vào cuộc tranh luận thơ ca của người khác, nói vung tít mẹt rồi chắp tay xin hai chữ đại xá. Hơn một trăm năm trước Trần Tế Xương đã viết hai câu thơ về bác Cử Nhu:

              Văn chương đâu phải là đơn thuốc
               Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.

Với những người Bình Thơ hoặc đang tranh luận về giá trị nghệ thuật của thơ, hai câu đó bây giờ vẫn đúng.

Texas 11/2015 
Phạm Đức Nhì 
nhidpham@gmail.com

CHÚ THÍCH:

     1/ Hôm nay (11/14/2015) đọc bài thơ mới của ông LML (Những Ngày Tôi Muốn Chết) trên TVấn& BH, tôi thấy nó cũng được viết ở ngôi thứ nhất.

PHỤ LỤC 1:

Có trường hợp bài thơ là một cuộc đối thoại giữa nhân vật chính và người em của mình; bài thơ chấm dứt bằng câu trả lời của người em. Có người bạn hỏi rằng “Phải chăng tác giả đã viết bằng ngôi thứ hai?”

Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn 
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in 
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống 
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm. 

 Ngựa hồng đã đến bên hiên 
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên ... vắng người.

(Mòn Mỏi, Thanh Tịnh)


Theo tôi, cảm xúc của người chị (ngôi thứ nhất) vẫn là chính. Độc giả theo dòng cảm xúc từ đầu bài thơ đã hiểu được tâm trạng mòn mỏi đợi chờ tình quân của chị cho nên khi đọc 2 câu trả lời của người em - chỉ làm nhiệm vụ cung cấp thông tin - đã đồng cảm với sự tuyệt vọng và nỗi buồn đau vô bờ bến của người phụ nữ đáng thương này. Thủ pháp Show, Not Tell của Thanh Tịnh rất tài tình và đã đạt hiệu qủa tối đa.