Tuesday, September 24, 2013

Đi Vòng - Tiểu Hùng Tinh

Ở Tây Nam bộ, gặt xong, đập tại chỗ, quẳng bỏ rơm, chỉ mang lúa về. Nhiều nơi khác nhất là miền Trung, không như vậy, người ta tận thu cả rơm để làm chất đốt và thức ăn cho trâu bò trong những ngày mưa bão lụt lội.
     Gặt lúa, gánh về chất các bó lúa lại thành vòng tròn gọi là giã và cho trâu đạp. Tùy số lượng nhiều hay ít, giã lúa to hay nhỏ mà dùng một hay nhiều trâu. Một người đứng giữa, dắt mũi trâu cho đi vòng vòng, con trước con sau, chỉ cần thu hoặc nới dây là trâu đi theo vòng rộng hoặc hẹp. Có khi trâu nghé cũng lên đeo theo mẹ, vừa đi vòng vừa bú. Cứ hình dung người điều khiển là trục quay giữa còn trâu là bánh , cứ thế mà xoay cho đến khi nào lúa ra lúa rơm ra rơm. Đạp sạch, lúa rụng hết gọi là thục (thành thục), đạp còn sót lúa trên chẹn là sống. Phải dự phòng hai thứ, rổ lót rơm và thùng để hứng phòng khi trâu ỉa đái. Khi thấy trâu nhợm nhợm cong đuôi, người dắt kêu to lên, người nhà bớ bết bưng ra hứng. Chưa kịp, người dắt phải ép mạnh đuôi trâu xuống chưa cho ỉa. Gặp trâu đi đặc còn đỡ chứ gặp trâu ỉa chảy nhiều khi văng cả vào mặt. Lấy thùng hứng, trâu đái vào nghe “rột rột rồ rồ”, nhiều con hoảng kinh bứt dây mà chạy. Lại một phen bở hơi tai chạy lùa. Cười hết nổi!
      Thường thì một giã lúa phải cho trâu đạp từ xế trưa cho đến tối mịt mới xong lượt đi. Trâu tạm nghỉ, lớn bé tập trung xãy bươi rũ thóc ra rồi xãy tấp thành giã và cho trâu đạp lượt lại. Đến khuya coi đã thục, trâu nghỉ, mọi người tiếp tục xãy tấp rơm ra một góc riêng rồi cào lúa lại.
Nhìn cảnh trâu cày giữa những ngày hè nóng bỏng hoặc những ngày đông lạnh buốt  mới cảm nỗi vất vả nhưng chứng kiến cảnh trâu kéo che đường mới thấy hết gian nan.Trước đây, người ta thường ép mía làm đường theo cách thủ công. Nhà nào  khá giả  nhiều mía thì có che riêng, không thì vài nhà hoặc anh em lập chung một che, hết phiên nhà này thì đến lượt nhà kia làm đường. Che rảnh mới ép thuê. Người ta thường dựng lều rạp đặt che ở góc vườn để rộng rãi và thông khói. Che nghiền mía gồm  ba bánh trục bằng gỗ cứng lớn, bên trên trục giữa gắn cần ngang dài mắc hai đầu gắn vào trâu, cứ thế hai con trâu đi vòng. Trục giữa quay kéo hai trục hai bên xoay ngược chiều nhau. Đun mía vào giữa rãnh trục để ép, bên che quay vào- đút, bên che quay ra- rút, hai người hai bên, đối diện nhau vừa đút vừa rút. Đại thể, hai trục che cũng giống như trục ở xe nước mía nhưng dựng đứng, to lớn và do trâu kéo. Nước mía ép ra được đưa vào các chảo lớn, dùng lá mía khô, bả mía để đun, khói um mịt mù. Nước mía sôi sùng sục, người ta dùng giỏ lưới để vớt dần cặn bẩn hất ra ngoài. Sôi đến độ dẻo đặc, nước mía được đổ vào thùng gỗ rồi rợt ra dãy bát đã được sắp hàng sẵn cho động lại thành đường bánh.
       Cày ruộng vất vả thật nhưng trâu còn được hưởng chút gió máy thoáng mát của đất trời, thỉnh thoảng bứt ngoạm được vài miếng cỏ non giữa ruộng nhưng kéo che thì không thể. Hai con trâu quàng ách bị buộc vào cần che như mang gông vào cổ cứ thế kéo gông nặng nề đi quanh. Rạp che chật hẹp trên nóng dưới nóng hầm hập, khói um mịt mù, bức bối lùng bùng, hai trâu rướn từng bước đẩy kéo xoay hai bánh xe nghiến rít vào mía. Rồi tiếng gỗ cọ xát “cọc cạch rít …cọc cạch rít…” thực  không khác chi cảnh tù khổ sai xay lúa kéo đá ngày xưa. Trâu kéo đến khi nào hết mía mới được nghỉ, nhiều khi từ sáng tinh mơ đến khuya mới thả ra, phần thưởng chỉ là đống lá mía gom sẵn cho nhai để lấy lại sức.
Trâu cày ruộng, trâu đạp lúa, trâu kéo che, trâu kéo xe, kéo gỗ … Người nông dân quanh năm tất bật vất vả đã đành, trâu dù chỉ ba miếng rơm cỏ qua ngày còn vất vả gian nan gấp bội.

Tiểu Hùng Tinh
11/08